Yếu tố thực:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 94 - 97)

3.2.3 .Màu sắc chính luận trong Truyền kỳ mạn lục

3.3. Mối quan hệ giữa yếu tố kỳ thực

3.3.2. Yếu tố thực:

Yếu tố thực: Tác giả lấy đề tài, cảm hứng, bối cảnh, nhân vật, sự kiện, không gian, thời gian… từ thực tế đời sống xã hội phong kiến Việt Nam. Bởi vậy đọc

Truyền kỳ mạn lục, dù có sử dụng yếu tố “kỳ” ta vẫn cảm thấy những câu chuyện hết sức gần gũi, thậm chí gây dựng niềm tin chúng là những câu chuỵên có thật.

Yếu tố “thực” từ nguồn gốc xuất thân của các nhân vật. Dù là ma nữ hay người phàm đều có nguồn gốc rõ ràng (trừ trường hợp của hai yêu hoa Đào, Liễu). Trong Chuyện cây gạo, từ Trình Trung Ngộ cho đến Nhị Khanh đều được giới thiệu tỉ mỉ. Trình Trung Ngộ là “một chàng trai đẹp ở đất Bắc Hà, nhà rất giàu, thuê thuyền xuống vùng nam buôn bán. Chàng thường đỗ thuyền ở dưới cầu Liễu Khê rồi lại đi vào chợ Nam Xang” [52, tr 36]. (chợ Nam Xang: chợ ở huyện Nam Xang tức huyện Lý Nhân, nay thuộc tỉnh Hà Nam). Còn Nhị Khanh cũng tự giới thiệu: “Thiếp họ Nhị tên Khanh, là cháu gái của ông cụ Hối, một nhà danh giá trong làng. Hai thân mất sớm, cảnh nhà đơn hàn.” [52, tr 37]. Tuy là ma nữ, nhưng trước khi chết, nàng cũng có lai lịch, gốc tích rõ ràng như bao người khác. Thậm chí ở

Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Nguyễn Dữ còn đưa vào trong tác phẩm những yếu tố lịch sử cụ thể, thời gian, thời điểm xuất hiện khiến cho nhân vật, sự kiện được giới thiệu một cách khách quan, chân thực về nguồn gốc xuất thân: “Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường, khoảng năm Thiệu Bình ngụ ở kinh sư để tòng học cụ Ức Trai” [52, tr 59]. Như vậy, Hà Nhân quê ở trấn Sơn Nam thời Lê (nay thuộc tỉnh Nam Định và một phần nhỏ thuộc tỉnh Thái Bình). Niên hiệu Thiệu Bình là niên

hiệu của vua Lê Thái Tông từ 1434 đến 1439. Trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, Hàn Than được giới thiệu về cuộc đời với những chi tiết cho thấy số phận éo le chìm nổi: “Ả danh kỹ ở Từ Sơn là Đào Thị, tiểu tự Hàn Than, thông hiểu âm luật và chữ nghĩa. Niên hiệu Thiệu Phong thứ năm (1345) đời nhà Trần, nàng được tuyển sung vào làm cung nhân, hằng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay ở chiếu bạc” [52, tr 91]…Những chi tiết nguồn gốc xuất thân của các nhân vật được kể rất cụ thể, sinh động. đây cũng là môtip quen thuộc thường thấy trong các truyện truyền kỳ.

Yếu tố “thực” còn thể hiện ở thời gian trong các câu chuyện. Trong phần giới thiệu về nhân vật , Nguyễn Dữ hay lồng vào các từ chỉ mốc niên đại, các nhân vật lịch sử có thật để làm tăng tính thuyết phục đối với người đọc. Ví dụ: “Niên hiệu Thiệu Phong thứ năm (1345) đời nhà Trần”; “Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường, khoảng năm Thiệu Bình ngụ ở kinh sư để tòng học cụ Ức Trai”; “Trong năm Quang Thái đời nhà Trần, người ở Hóa Châu tên là Từ Thức, vì có phụ ấm được bổ làm Tri huyện Tiên Du”; “cuối đời Hồ”; “vua Dụ Tôn”… Như vậy, rải rác trong các câu chuyện không chỉ có một thời đại được đề cập đến. Những mốc thời gian cụ thể với các nhân vật lịch sử đã tạo dựng trong lòng người đọc niềm tin sâu sắc đây là những câu chuyện có thật. Hơn nữa, nhờ những yếu tố “thực” này, khi Nguyễn Dữ diễn ngôn đạo đức hay tình yêu/ tình dục thì đó đều là dựa trên thực tế lịch sử chứ không phải những lời thuyết giáo trên mây.

Một trong những yếu tố “thực” đáng chú ý trong Truyền kỳ mạn lục là không gian xuất hiện của các nhân vật. Nếu như trong tác phẩm, không thiếu những không gian ảo thì đâu đó vẫn thấp thoáng xuất hiện những không gian thực. Không gian bờ sông, bến bãi, cây cầu Liễu Khê, chợ Nam Xang trong Chuyện cây gạo; không gian chùa Phật Tích ở Thạch Thất, Hà Tây (cũ); chùa Lệ Kỳ ở hạt Hải Dương…Và ngay cả những không gian “ảo” nơi trú ngụ của những yêu hoa, hồn ma thì cũng mang dấu tích của hiện thực. Trong Chuyện cây gạo, nơi quàn xác Nhị Khanh ở Đông thôn được miêu tả rất chân thực: “Khi đến một chỗ, chung quanh có bức hàng rào bằng gióng tre, thỉnh thoảng chen lẫn vào vài khóm lau khô, trong có túp nhà gianh nhỏ lụp sụp, dây bìm leo đầy lên vách và lên mái nhà” [52, tr 41].

Không gian thực này sau khi Trình Trung Ngộ biết được Nhị Khanh chỉ là hồn ma thì đã bị Nhị Khanh che mắt khiến chàng lầm tưởng là lâu đài nguy nga, hương hoa ngào ngạt. Ở Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây cũng là trường hợp tương tự. Nơi Đào, Liễu trú ngụ quả có thật. Đó là dinh quan Thái sư quá cố: “Cái dinh cơ ấy từ khi quan Thái sư mất đi, trải hơn 20 năm nay, đã thành một nơi hoang quạnh. Mấy gian đền mốc một người quét dọn cũng không có, làm gì có nhiều cô gái họ nọ, họ kia như cậu nói…Sáng hôm sau, ông gài cùng Nhân đến trại Tây. Chỉ thấy nếp nhà quạnh hiu, vài ba cây đào, liễu xơ xác tơi bời, lá trút đầy vườn, tơ vương khắp giậu” [52, tr 72] . Điều đó cho thấy, dinh quan Thái sư là có thực, có điều, nó khác xa với những gì Hà Nhân chứng kiến trước đó. Không gian thực để các nhân vật xuất hiện cũng góp phần tạo dựng niềm tin rằng những câu chuyện này là có thực.

Một trong những điều “thực” đáng để ta quan tâm nhất chính là số phận của các nhân vật (đặc biệt là các nhân vật nữ). Dù là ma nữ, yêu hoa hay là một người vợ “hiền lương thục đức”; một người yêu chung tình lý tưởng thì kết cục chung của họ đa số đều là số phận hẩm hiu. Những ma nữ như Nhị Khanh, Hàn Than (sau khi chết thành ma đầu thai báo oán), Thị Nghi đều là những người khi sống không được thỏa nguyện ái ân, chết đi vẫn không buông được khát khao, nhục dục. Và dù khi họ chết đi có mê hoặc được nam nhân, được thỏa đôi chút dục vọng trần thế thì cái kết cuối cùng cũng là trái đắng. Đặc biệt Hàn Than, khi sống nàng cũng là người tài sắc, bị số phận trêu ngươi phải trốn chui trốn lủi, náu mình nơi cửa Phật. Khi chết đi nàng chưa dứt bỏ được nợ trần, lao vào việc trả thù để rồi cuối cùng gánh họa vào thân. Thị Nghi khi sống bị coi như một món hàng, khi chết đi nàng cũng thừa cơ tác quái nhưng kết cục cũng chịu đọa đày. Trường hợp của yêu hoa Đào, Liễu, hạnh phúc ái ân, tình nặng nghĩa sâu dẫu sao cũng chỉ thoảng qua như một giấc mộng ngắn ngủi. Cuối cùng dù không bị ai trừng trị nhưng Đào, Liễu cũng không tránh khỏi quy luật thác hóa. Những nhân vật có thể liệt vào hàng những liệt nữ, những người đoan trang, tiết hạnh, hết lòng vì chồng con như Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương); Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), thì cuối cùng cũng hàm oan mà chết, cũng tự tận vì không chịu nhục. Số phận đầy bi kịch

với kết thúc bi thảm của người phụ nữ là một thực tế thời phong kiến. Họ là ma nữ dâm đãng hại người, tác oai tác quái hay là những “hiền lương thục đức” của Nho gia thì cái kết cũng là nỗi đau đớn, xót xa, là cái chết bi ai (trừ trường hợp nàng Thúy Tiêu). Hiện thực đau lòng này phải chăng là điều mà Nguyễn Dữ muốn nhấn mạnh để đặt ra câu hỏi về lẽ công bằng cho người phụ nữ?

Như vậy có thể thấy rằng, việc lấy đề tài, cảm hứng, không gian, thời gian xuất hiện của các nhân vật từ những sự kiện có thật trong thực tế đời sống đã thổi vào trong các truyện truyền kỳ hơi thở của cuộc sống. Khi đề cập đến những vấn đề liên quan tới nhân vật, tác giả đi sâu khai thác những mặt hạn chế của xã hội phong kiến. Đồng thời thông qua số phận bi thảm của người phụ nữ, Nguyễn Dữ đã nói thay lời họ những khát vọng bình dị nhất, những khát khao trần thế nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)