Yếu tố kỳ thực có mối liên hệ chặt chẽ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 97 - 99)

3.2.3 .Màu sắc chính luận trong Truyền kỳ mạn lục

3.3. Mối quan hệ giữa yếu tố kỳ thực

3.3.3. Yếu tố kỳ thực có mối liên hệ chặt chẽ

Yếu tố kỳ ảo có tác dụng to lớn trong việc phản ánh hiện thực xã hội đương thời. Cái kỳ ảo làm cho cái thực trở nên lạ hơn hay nói cách khác hiện thực đời sống đựơc “lạ hoá” thông qua yếu tố kỳ ảo. Nhờ yếu tố “kỳ” mà hiện thực được thể hiện một cách sinh động; những vấn đề tư tưởng, đạo đức được truyền tải một cách công khai, không phải kiêng dè, che giấu. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố “kỳ”và “thực” thể hiện qua những chi tiết “tuy hai mà một”. Ví dụ như Đông thôn heo hút, nhà gianh lụp sụp là có thật, nhưng được ảo giác hóa trong mắt của Trình Trung Ngộ thành nơi lý tưởng nhờ có ma nữ Nhị Khanh. Hay dinh cơ quan Thái sư với hương thơm theo gió thoảng, dạ tiệc linh đình, đồ ăn sang trọng, tao nhã thực ra chỉ là nơi có nếp nhà quạnh hiu, vài ba cây đào, liễu xơ xác tơi bời trút lá. Sự kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố “kỳ” và “thực” giúp tác giả thoải mái phản ánh “những điều trông thấy”.

Trước tiên là qua những câu chuyện tình yêu đương giữa các chàng nho sinh, lái buôn với ma nữ, yêu hoa, Nguyễn Dữ phê phán lối sống trụy lạc của một bộ phận nho sinh, lái buôn. Đứng trước những cô gái đẹp (ma nữ, yêu hoa), các nam nhân này “lòng nhiều vật dục”, không cưỡng lại được, sa đà trong hoan lạc, ân ái nồng thắm với yêu ma. Vì những yêu hoa và ma nữ “sớm đi tối đến” nên cũng góp

phần không nhỏ trong việc che mắt thế gian. Tuy nhiên khi vướng vào lưới tình, các nam nhân dường như không thể kiểm soát, trụy lạc quá mức, bỏ quên cuộc sống hiện tại với lý tưởng, mục tiêu nên rơi vào cảnh “bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng”. Dù ít, dù nhiều, họ cũng lãnh lại hậu quả do thói trụy lạc, sa đọa của mình gây ra. Tuy nhiên, cũng qua những câu chuyện tình giữa những nho sinh, lái buôn với những nhân vật hư cấu, Nguyễn Dữ đã thể hiện cái nhìn “phóng khoáng” về vấn đề tình yêu tự do, tình dục. Nếu không sử dụng yếu tố kỳ ảo, chắc gì Nguyễn Dữ đã dám công khai miêu tả những cuộc mây mưa nồng thắm thỏa mãn tột độ giữa một nho sinh với một nữ nhi vào lúc đêm đen trời tối một cách phóng bút đến như vậy. Những phát ngôn về tình dục nếu như không đặt ở miệng một ma nữ, một yêu hoa thì không thể mạnh bạo như vậy được. Nhờ yếu tố “kỳ”, Nguyễn Dữ phản ảnh cái “thực”. Xã hội phong kiến thời bấy giờ không chấp nhận cái gọi là tình yêu tự do, không chào đón những dục vọng ái ân cuồng nhiệt. Bởi vậy, chỉ có thể mượn yếu tố “kỳ” để công khai thể hiện tư tưởng mới mẻ này.

Thông qua yếu tố “kỳ” và những địa điểm “thực”, tác giả cất lời phê phán những thầy chùa không theo học lối chân tu khổ hạnh, diệt dục mà lại sa đà vào cuộc tình hoan lạc. Đó là trường hợp của sư bác Vô Kỷ. Nhờ yếu tố kỳ ảo (hóa thân, đầu thai báo oán) và kết cục bị sư cụ Pháp Vân trừng trị, Nguyễn Dữ đưa ra lời cảnh báo đối với những kẻ đã theo nghiệp tu thân mà không biết tiết chế. Cuối cùng cũng tự gánh lấy hậu quả do mình gây ra.

Thân phận của con người trong cảnh chiến tranh loạn li cũng được đề cập đến một cách chân thực. Trong Chuyện người con gái Nam Xương, Chuyện Lệ Nương, đều phản ánh cảnh chiến tranh loạn li gây bao đau khổ cho con người. Lệ nương cùng với mấy mỹ nhân thà chịu chết chứ không chịu nhục đã tự tận, số khác bị bắt sang xứ người rồi chôn thân nơi nào không rõ. Cái chết của Lệ Nương chính là lời tố cáo chiến tranh đanh thép. Chiến tranh khiến bao người điêu đứng, khổ sở đấy chính là sự thật không thể chối cãi. Như vậy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “kỳ” và “thực” còn góp phần thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của các tác phẩm.

Lên tiếng tố cáo chiến tranh, đồng cảm với nỗi khổ của con người, đó là tiếng nói nhân đạo chủ nghĩa sâu sắc.

Cái “ảo” đóng vai trò là một thứ vũ khí bí mật đối phó với sự cấm kị của tư tưởng diệt dục thời phong kiến. Nói cách khác, đó là bức bình phong chắc chắn để che chắn búa rìu dư luận trong không gian văn hóa hà khắc của Nho giáo và Phật giáo. Ít nhiều, yếu tố kỳ ảo cho thấy sự bênh vực, cổ vũ cho những khao khát yêu đương trần thế của con người, đặc biệt là người phụ nữ (khát vọng yêu đương là lẽ thường của con người. Nhưng nó lại là điều không có chỗ đứng trong xã hội phong kiến). Sử dụng yếu tố kỳ ảo chính là cách tác giả gửi gắm quan niệm, tư tưởng của mình. Thông qua yếu tố kỳ ảo, tác giả nói lên khát vọng về một cuộc sống lí tưởng, công bằng, khát vọng về tình yêu tự do (khi những khát vọng ấy chưa thực hiện được ở thế giới thực). Chất liệu kỳ ảo là phương thức nghệ thuật để chuyển tải nội dung tư tưởng sâu sắc- để “tải đạo ngôn chí”. Nhờ yếu tố kỳ ảo, Nguyễn Dữ phản ánh yếu tố “thực” một cách sâu sắc, thấm thía hơn. Hiện thực cuộc sống với tất cả những gì đen tối nhất, nhố nhăng nhất, đồi bại nhất đều được lộ diện rõ nét khi khoác trên mình tấm áo choàng “kỳ ảo”. Những cung bậc tình yêu đắm đuối nhất, những khát khao tình dục cuồng si nhất đều được công khai bộc lộ nhờ yếu tố kỳ ảo. Như vậy, sự kết hợp giữa yếu tố “kỳ” và “thực” khiến những câu chuyện trong

Truyền kỳ mạn lục hư hư thực thực. Nguyễn Dữ truyền cho người đọc niềm tin sâu sắc vào những câu chuyện mình kể là sự thực, tác giả chỉ như người thư ký trung thành ghi chép lại. “Thực” ở chỗ tất cả những nhận thức về hiện thực muôn màu của cuộc sống được Nguyễn Dữ thể hiện đầy đủ, rõ nét. Sự kết hợp của hai yếu tố “kỳ” và “thực” là đặc trưng của thể loại truyền kỳ.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 97 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)