2.2.1 .Yếu tố tính dục trong các câu chuyện tình
3.1. Hệ thống nhân vật chính trong các câu chuyện tình yêu
3.1.2. Nhân vật nữ giới:
Dân nữ
Đây là những nhân vật chính diện với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp như thủy chung, giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, nhân ái. Và dù ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng Vũ Nương và Nhị Khanh đều có chung một kết thúc đó là bi kịch.Vũ Thị Thiết là người con gái “tính đã thùy mỵ, nết na lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Những tiêu chí về “công, dung, ngôn, hạnh” hội tụ đầy đủ ở nàng. Tuy nhiên cái chết đầy oan khuất, đau thương của nàng vẫn cứ xảy ra. Đó là lời phê phán chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã chia loan, rẽ phượng, đẩy một người phụ nữ yếu ớt phải cáng đáng mọi việc trong nhà; đó là tiếng nói lên án chế độ phong kiến với những luật lệ hà khắc, gia trưởng, độc đoán đã tạc nên những Trương Sinh khiến cuộc sống có bao nhiêu Vũ Nương bất hạnh. Tác phẩm cho thấy những rạn nứt về tư tưởng của hệ thống giáo lí nho gia khi những người toàn đức như Vũ Nương lại phải chịu số phận đầy bi kịch. Không chỉ Vũ Nương, Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu cũng là nạn nhân của người chồng dốt nát, gia trưởng và bê tha cờ bạc. Kết cục cuối cùng của Nhị Khanh vẫn là kết cục bi đát bởi Trọng Quỳ đem nàng làm món hàng cá cược cờ bạc. Nàng thắt cổ tự tử để bảo toàn danh tiết dù lòng rất mực thương con. Nhị Khanh và Vũ Nương đều là những người phụ nữ tuyệt vời ngay cả khi đã chết, hai nàng vẫn luôn hướng về gia đình, chồng con, về cõi nhân gian. Kết cục bi đát của hai nàng chính là lời tố cáo đanh thép dành cho xã hội phong kiến với những nam nhân ích kỷ, độc đoán, bê tha. Ở góc độ cảm thương đối với số phận của người phụ nữ chính chuyên, Nguyễn Dữ thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Khuê nữ
Lệ Nương là một khuê nữ hiền thục, nàng đang hạnh phúc với mối tình chớm nở thì bị bắt vào cung khi xảy ra cái vạ Trần Khát Chân. Nàng là “trinh thuần cương liệt”, thà chịu chết chứ không chịu sống để bị người khác làm nhục. Mối si tình của Phật Sinh quả là cảm động trời đất nhưng kết cục của hai người cũng không viên mãn. Ngay cả khi chết đi, Lệ Nương cũng là người thấu tình đạt lí, nàng chấp nhận
ở lại bầu bạn cùng hai mĩ nhân nơi xa xôi bởi mối giao tình. Một người như nàng mà cũng vẫn không thoát khỏi số phận đầy bi thương thì thử hỏi lẽ công bằng ở đâu. Xây dựng nhân vật Lệ Nương, Nguyễn Dữ muốn chĩa mũi nhọn vào những cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa (dù không thể hiện một cách trực tiếp). Bởi vậy, tác phẩm này bên cạnh mục đích truyền tải diễn ngôn đạo đức (cho rằng hành động lụy tình của Phật Sinh là không nên) còn cho thấy tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ. Và cũng có thể coi đây là bài ca ca ngợi tình yêu, tình nghĩa thủy chung son sắt, vàng đá khó phai được đặt trong lòng xã hội phong kiến.
Ma nữ
Nhân vật ma nữ, yêu hoa là những nhân vật trung tâm tạo nên sức hấp dẫn của Truyền kỳ mạn lục. Chắc chắn, đối với xã hội phong kiến thì họ là những nhân vật phản diện. Hầu hết mọi người đều cảm thấy sợ hãi trước sự bí ẩn, biến hóa của ma (đặc biệt là ma nữ) dù chưa có một thông tin khoa học nào xác thực. Những ma nữ đáng sợ bởi đa số họ là những người con gái chết oan ức, tức tưởi khi còn trẻ, sự linh ứng của họ ở dương thế càng mạnh mẽ hơn. Trong những câu chuyện có sự hiện diện của ma nữ ta thấy rằng kết cục cuối cùng của họ cũng chẳng khác mấy với những nhân vật nữ chính diện: đều là bi kịch. Có điều nếu như các nhân vật nữ chính diện chấp nhận cái chết để giữ mình trong sạch, để chứng minh cho danh tiết của mình thì những nhân vật ma nữ lại vùng lên phản kháng mạnh mẽ để đạt mục đích của mình nhưng cuối cùng vẫn bị đẩy vào cái chết đầy đau đớn hoặc chịu sự an bài của quy luật tạo hóa. Về ngoại hình, dù lúc còn trên dương thế hay lúc chết họ đều là những cô gái xinh đẹp (ma nữ xinh đẹp mới có sức quyến rũ đàn ông). Về tính cách, trừ hai nàng Đào, Liễu, những ma nữ như Hàn Than, Thị nghi, Nhị Khanh đều là những người có cá tính mạnh mẽ. Họ hiểu mình cần gì, muốn gì và làm gì để đạt được mục đích của mình. Thậm chí Nhị Khanh và Thị Nghi còn biết giở thủ đoạn để quyến rũ các nam nhân để thỏa mãn mục đích hay dục vọng của mình. Nhị Khanh thì dùng dung mạo xinh đẹp làm Trung Ngộ xiêu lòng, và nàng cũng chẳng ngại ngần bày tỏ khát khao nhục dục ngay trong lần hẹn đầu tiên khiến Trung Ngộ khó mà dứt ra được. Thị Nghi có vẻ còn cao tay hơn khi dùng khổ nhục
kế để khiến viên quan họ Hoàng mủi lòng thương xót gia cảnh của nàng. Những hành động và tính cách mạnh mẽ, táo bạo khiến cho các ma nữ có phần “xảo quyệt” và hẳn là rất phù hợp trong quan niệm về ma nữ từ xưa đến nay. Tuy không “thủ đoạn” như những ma nữ nhưng yêu hoa Đào, Liễu lại quyến rũ Hà Nhân bằng vẻ nhí nhảnh, trong trắng, ngây thơ. Hai nàng còn dựng lên một không gian đủ mùi thi vị ở dinh quan tổng đốc để đánh lừa cảm giác của Hà Nhân. Tuy nhiên, ở những nhân vật ma nữ hay yêu hoa này đều có chung một đặc điểm, đó là ngôn ngữ của họ rất táo bạo, đậm màu sắc nhục dục và họ đều là những kẻ khao khát được yêu, được ái ân một cách cuồng nhiệt. Những khao khát trần tục này là người ai cũng có, chỉ có điều nó bị che đậy một cách kĩ lưỡng bởi bức tường vững chắc của những quan niệm của chế độ phong kiến. Thậm chí, nam nhân còn không dám tỏ bày chứ nói gì nữ giới. Thế mà các màng ma nữ, yêu hoa này lại công khai bộc lộ khát khao yêu, khát khao tình dục không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Nhị Khanh yêu đương, ân ái với Trung Ngộ dường như để bù lại quãng thời gian cô đơn, lẻ bóng một mình; Thị Nghi sống với họ Hoàng bất chấp những biểu hiện sa sút về sức khỏe của viên quan nọ; yêu hoa Đào, Liễu không chỉ yêu, không chỉ say mê ân ái mà còn quan tâm tới cả cảm xúc thăng hoa khi ân ái. Tất cả những nhân vật này đều là những kẻ “cuồng ngôn”, “dâm loạn”, xấu xa dưới con mắt của chế độ phong kiến. Họ là tập hợp những kẻ nổi loạn, đạp đổ cương thường lễ giáo. Và tất nhiên, kết thúc của những nhân vật này đều là trái đắng, thậm chí là trái đắng cho cả những người đàn ông liên quan đến họ ở mức độ nặng hay nhẹ. Lời bình ở cuối mỗi truyện và cách kết thúc truyện chính là “thanh đao công lí” của xã hội phong kiến dành cho họ. Không chỉ vậy, điều thiệt thòi của họ chính là họ trở thành nguyên nhân của sự sa đọa dẫn đến hậu quả mà người đàn ông gánh chịu. Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ mạnh mẽ, táo bạo, chủ động bị xếp vào hàng lẳng lơ, không đoan chính. Nói cách khác, thông qua các nhân vật ma nữ, yêu hoa và kết thúc bi kịch của họ, của những người đàn ông liên quan tới họ, Nguyễn Dữ muốn truyền tải diễn ngôn đạo đức. Ông lên tiếng phê phán những nam nhi không biết tu thân, đắm trong
sắc dục, ông khẳng định những phụ nữ đa dâm, không đoan chính cuối cùng cũng chịu kết cục bi đát.
Nguyễn Dữ lựa chọn các nhân vật ma nữ để phóng bút một cách tự do trước thể chế nghiêm ngặt của Nho giáo, đặc biệt là cái nhìn khắt khe về người phụ nữ. Xét về mặt ngoại hình, họ đều là những cô gái xinh đẹp. Về hành động và tính cách, ở một góc nhìn “thoáng” hơn, họ đều là những người mạnh bạo, chủ động kiếm tìm hạnh phúc. Họ dám yêu, dám bày tỏ và đã được yêu. Sự mạnh bạo, sức quyến rũ chết người cùng những khao khát bản năng tình dục, khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc khi ân ái bị xem là trái với luân thường đạo lí ở xã hội cũ. Tuy nhiên, ở xã hội hiện đại thì những tư tưởng ấy lại được coi là tiến bộ bởi những nhân vật này đã dám bày tỏ khát khao trần tục nhất ở con người. Những nhân vật ma nữ này chính là nơi gửi gắm tư tưởng tiến bộ vượt thời đại của Nguyễn Dữ về tình yêu/ tình dục, về khát vọng hạnh phúc trần thế của con người. Bởi vậy, bên cạnh yếu tố giáo dục người đương thời về đạo lí, Truyền kỳ mạn lục còn thấm đẫm giá trị nhân đạo, là lời bênh vực đối với người phụ nữ nói chung.
Tiên nữ
Giáng Hương là tiên nữ nhưng cuộc gặp tình cờ với Từ Thức đã khiến nàng nặng lòng trần thế: “bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục” [52, tr 124]. Nàng cũng được hưởng những ngày tháng hạnh phúc, tuy nhiên kết thúc của nàng vẫn cứ là kết thúc buồn. Với nhân vật này, Nguyễn Dữ bày tỏ sự đồng cảm với khát vọng về tình yêu mãnh liệt của nàng - nàng dám kết hôn với người trần thế dù tiên giới và trần tục khác xa nhau. Hơn nữa, thấu hiểu được mong muốn của Từ Thức, Giáng Hương sẵn sàng cho chàng thỏa nguyện dù phải chấp nhận li tan. Tiên nữ Giáng Hương góp phần khiến cho hình tượng nữ giới trong Truyền kỳ mạn lục thêm sinh động, đa dạng. Tóm lại: hệ thống những nhân vật nam chính và nữ chính được xây dựng trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhằm thể hiện quan điểm của Nguyễn Dữ về đạo đức, về tình yêu/ tình dục. Một mặt Nguyễn Dữ vẫn bảo vệ quan điểm đạo đức nho gia khi phê phán những nhân vật phản diện dù là nam hay nữ. Những gì họ làm đi ngược lại
lễ giáo phong kiến đều nhận hậu quả thích đáng. Bên cạnh phê phán những nhân vật phản diện này, Nguyễn Dữ cũng bày tỏ sự ngợi ca, thương tiếc những người phụ nữ chính chuyên không may mắn phải ôm hận mà chết. Những lời bình cuối truyện về các nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục thay cho lời thuyết giáo về đạo đức phong kiến, củng cố thêm vị trí của Nho gia trong đời sống xã hội. Mặt khác, mối tình say đắm giữa các nhân vật nam, nữ (chủ yếu là phản diện) lại cho thấy Nguyễn Dữ có một góc nhìn rất hiện đại trong quan niệm về tình yêu/ tình dục, về hạnh phúc trần thế. Sự si tình của các nam nhân, tình cảm sôi nổi, cuồng nhiệt, chủ động táo bạo của các nữ nhân đã khiến họ có một chuyện tình trong mơ. Dù ngắn ngủi, dù bị búa rìu dư luận lên tiếng, dù đi ngược lại lễ giáo phong kiến, nhưng chắc hẳn họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để có được hạnh phúc trần thế ấy. Bởi vậy, có những nhân vật, những chuyện tình được miêu tả đầy cảm xúc, ngòi bút của Nguyễn Dữ thực sự xuất thần. Không ít những nhân vật có cá tính, hành động, suy nghĩ gần với con người hiện đại. Điều đó khiến cho một số nhân vật của Nguyễn Dữ được xây dựng không còn trong khuôn khổ chật chội của văn học chức năng mà vươn mình sang văn xuôi tự sự trung đại. Nhân vật được xây dựng không còn là công thức mà hết sức tự nhiên, sinh động từ tâm tư, tình cảm đến hành động, ngôn ngữ. Đó cũng là một trong những điều khiến Truyền kỳ mạn lục chinh phục được bao thế hệ độc giả hiện đại khó tính.