Trọn đạo hiếu trung, hành xử cẩn trọng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 33)

2.1.1 .Kỳ thị nữ sắc, điều tiết bản năng

2.1.4. Trọn đạo hiếu trung, hành xử cẩn trọng

Chuyện Lệ Nương, kể về mối tình say đắm của Phật Sinh với Lệ Nương. Trong thời đại phong kiến, làm thân nam nhi sinh ra vốn đã mang món nợ công danh. Nhiều trang nam nhi đã thể hiện chí lớn và khát vọng lập công để lại sự nghiệp, lập danh để lại tiếng thơm, “không công danh thà nát với cỏ cây”… Tuy nhiên, Phật Sinh lại chỉ đắm mình trong tình cảm nam nữ (trái với lời giáo huấn của nho gia). Đã thế chàng vì tư tình nam nữ mà bỏ mất cơ hội ngàn năm có một để lập công danh sự nghiệp thì chẳng đáng trách lắm sao? Hơn thế nữa, Phật Sinh vì Lệ Nương “chưa nỡ lấy ai”, nấn ná chuyện hôn nhân khi nàng còn sống đã đành . Cho tới khi Lệ Nương chết mà “chàng buồn rầu quay về, từ đấy không lấy ai nữa” thì quả đúng quá si tình, không biết nghĩ cho cha mẹ, cho dòng giống sau này. Chàng đã phạm vào đại kị trong tội bất hiếu đó là tuyệt tự. Bởi thế, dẫu kết thúc truyện, Phật Sinh không bị trách phạt gì nhưng trong lời bình cuối truyện, sắc thái phê phán thể hiện rõ. Phật Sinh rơi vào cảnh “tình thật đáng thương mà lẽ phải thì chưa được ổn…liều chết để đi tìm đã không nên, huống nữa lại thôi không lấy vợ, để đứt dòng giống của tiên nhân phỏng có nên không?”[52, tr 239]. Ngụ ý không đồng tình với sự si tình của Phật Sinh thể hiện một cách rõ nét. Bởi vậy, làm trai mà chính đạo thì

còn phải biết cân nhắc phải trái, đúng sai, nên và không nên chứ không thể cứ theo ý mình được.

Đến Chuyện nàng Thúy Tiêu thì người như Dư Nhuận Chi quả là đáng trách. Trong phần lời bình, Nguyễn Dữ đưa ra lời răn đe cảnh báo đối với các trang nam nhi trước vấn đề sắc dục. Phải nên biết cân nhắc điều gì là quan trọng với mình. Thúy Tiêu “hết là vợ họ Trương lại là hầu họ Lý?...Vậy mà lại khinh thường sự đi đến, nhẫn nhục tới ở với người, sờ đầu cọp, vuốt râu cọp, suýt nữa thì không thoát miệng cọp. Như chàng Nhuận Chi, thật là một người ngu vậy” [52, tr 191]. Không bàn đến kết thúc truyện, đơn thuần chỉ bàn đến hành động của Nhuận Chi theo quan điểm Nho gia thì ngàn lần không nên. Nho gia không coi trọng nữ nhi; đối với họ, mất Thúy Tiêu này sẽ có Thúy Tiêu khác thay thế. Đối với Nho gia, tình yêu bị gạt đi, có chăng là tình cảm vợ chồng. Tuy nhiên, là thân nam nhi phải bền gan, vững chí, phải có chí vươn lên, phải biết cân nhắc chuyện lớn nhỏ. Chàng họ Dư không nên vì ả ca xướng Thúy Tiêu mà buông bỏ không thiết thi cử, ảnh hưởng đến con đường công danh sự nghiệp; và càng không nên vì nàng mà khiến mình rơi vào cảnh huống như cá nằm trên thớt. Bởi vậy, dưới góc độ nho gia, Nhuận Chi đúng là người ngu.

2.1.5. Sự chung thuỷ, đức hy sinh của ngƣời phụ nữ trong mối quan hệ vợ chồng.

Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Nhị Khanh nêu cao tấm gương về người phụ nữ theo đúng chuẩn mực “tam tòng”, “tứ đức” của xã hội phong kiến. Nàng tỏ rõ là người phụ nữ tiết liệt đáng ngưỡng mộ: “- Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ Phùng lang hãy còn; nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” [52, tr 24]. Sự kiên trung và tấm lòng của Nhị Khanh với chồng còn thể hiện rõ khi hội ngộ cùng chàng trong cảnh cơ hàn. Cho đến khi Trọng Quỳ vì thua bạc, gán cả Nhị Khanh, nàng vẫn điềm tĩnh xin về từ biệt các con rồi tự tận để giữ trọn tiết hạnh. Đối với nàng, cái chết không có nghĩa lí gì cả, thà chết chứ không để mình bị vấy bẩn. Cả khi chết đi, hồn nàng còn lo lắng cho tương lai của hai con. Nhị Khanh quả

đúng là người phụ nữ đáng trọng. Lời bình cuối truyện “Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan, Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn” [52, tr 34] đã phê phán Trọng Quỳ. Nhị Khanh là nhân vật mà Nguyễn Dữ dành nhiều tình cảm trân trọng (sau khi chết, nàng được Thượng đế thương tình nên cho được lệ thuộc vào đền Trưng Vương). Hơn nữa, sự hối hận muộn màng của Trọng Quỳ cũng là chút an ủi đối với một kiếp hồng nhan lắm truân chuyên.

Cũng là cái chết trong oan uổng, tức tưởi, Chuyện người con gái Nam Xương

đem đến cho người đọc lòng thương cảm và khâm phục sự hiếu thảo, thủy chung của Vũ Nương. Nàng đối đãi với mẹ chồng rất mực chu toàn, nàng không cầu vinh hoa, phú quý khi chồng ra trận mà chỉ mong được hai chữ bình an, nàng động viên con, xoa dịu bớt nỗi nhớ cha của con bằng cách chỉ bóng mình trên vách và bảo đó là cha Đản…Chỉ có điều sự đa nghi, độc đoán của Trương Sinh đã khiến nàng phải hàm oan mà chết. Nàng chính là hình tượng người phụ nữ chuẩn mực trong xã hội phong kiến (đối nghịch hẳn với những Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo). Chỉ có điều, kết thúc cuối cùng của nàng vẫn là cái chết. Cuối truyện, Nguyễn Dữ cũng có phê phán Trương Sinh, nhưng chỉ là sự phê phán nhẹ nhàng: “Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này” [52, tr 212].

Xây dựng những nhân vật này, Nguyễn Dữ cho thấy những chuẩn mực về người phụ nữ đức hạnh trong xã hội phong kiến. Sắc thái ngợi ca sự hy sinh vì gia đình của họ, thái độ trân trọng phẩm giá của Nhị Khanh và Vũ Nương cùng với lời phê phán những đấng mày râu trong lời bình cuối truyện cho thấy Nguyễn Dữ đang truyền tải diễn ngôn đạo đức. Những người đàn ông trong hai truyện trên là kẻ đáng phê phán (tuy nhiên, dường như mức độ còn nhẹ nhàng quá chăng?). Và cách kết thúc của câu chuyện khiến người ta vẫn nhói lòng khi nghĩ đến số kiếp người phụ nữ. Dầu ngoan ngoãn, đảm đang, tháo vát, hy sinh hết mình cho gia đình thì cái họ nhân lại được là gì ngoài số kiếp hẩm hiu. Và dầu ngang ngược, nổi loạn hay say trong men tình ái rồi phá bĩnh đi chăng nữa như những ma nữ thì kết cục của họ cũng vẫn là cái chết. Nhưng có thể nói, cách cư xử của Nhị Khanh và Vũ Nương trong hai truyện trên cho thấy tình cảm sâu nặng của hai nàng với gia đình mình.

Tình cảm ấy không chỉ là tình nghĩa vợ chồng mà là tình yêu tha thiết. Quan niệm tình yêu trong xã hội phong kiến khác hẳn quan niệm tình yêu hiện đại. Thời phong kiến, hôn nhân sắp đặt theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên lấy nhau về có khi mới biết mặt nhau. Tình yêu của người phụ nữ thể hiện qua tình cảm họ vun đắp cho gia đình, sự phục tùng đối với người chồng, sự hy sinh cho chồng con… Bởi vậy, lấy cái chết để giữ trọn thủy chung với chồng như nàng Nhị Khanh, lấy cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình như nàng Vũ Nương chính là những biểu hiện cho tình yêu của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Với họ, chồng, con, gia đình chồng chính là bầu trời của họ. Họ chấp nhận hy sinh quên mình, gắn bó cả đời với bầu trời ấy dẫu nó trong xanh hay vẩn đục chứ quyết không tìm cho mình một khung trời khác.

2.1.6. Nhân quả báo ứng, luân hồi quả báo (của những yêu ma nhiễu dân).

Trong ba chuyện mà nhân vật chính đều là ma nữ hoặc là linh hồn đầu thai báo oán, kết cục của những ma nữ hại người đều bi thảm. Ở Chuyện cây gạo, Nhị Khanh dùng nhan sắc quyến rũ Trình Trung Ngộ khiến chàng mê mệt hàng đêm. Sau khi khiến chàng “đồng huyệt” với mình, Nhị Khanh còn làm bao chuyện tác quái khác. Những hành động ấy khiến cho khi nói đến ma nữ là người ta quy kết vào hạng xấu xa hại người. Và ở đời có luật nhân quả. Hài cốt của Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ bị vứt bỏ xuống sông cho trôi theo dòng nước. Đạo Phật dạy con người lấy đức báo oán. Tuy nhiên, trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị, căn nguyên nỗi khổ của Hàn Than là do nàng lấy oán báo oán và oán càng thêm chồng chất. Sau khi chết, Hàn Than đã rủ Vô Kỷ thác hóa đầu thai để trả cho xong một cái nợ oan gia ngày trước. Đó cũng là hành động phá hoại sự yên bình của con người. Sư cụ Pháp Vân đã trừng trị thích đáng đối với họ, kết cục thân xác ra tro là hoàn toàn xứng đáng. Và Thị Nghi lấy oán trả ân trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang

càng khắc sâu vào tiềm thức loài yêu ma là xấu xa, độc ác. Thị Nghi dùng nhiều thủ đoạn để viên quan họ Hoàng cho ả mồ yên mả đẹp, sau đó khiến chàng bị bệnh điên cuồng, hoảng hốt, mê lịm đi không còn biết gì. Một người “khăn cũ giầy rách, ăn mặc lôi thôi” đã khiến Thị Nghi hiện nguyên hình là đống xương trắng rồi bị tống

giam vào ngục tối. Trong ba chuyện này đều có hành động nhiễu nhương, làm hại người khác hoặc sách nhiễu dân lành và đều là ma nữ. Cả ba đối tượng đều bị đạo nhân diệt trừ hoặc vạch trần bản chất. Vị đạo nhân xuất hiện đúng lúc phải chăng là minh chứng hùng hồn cho quy luật nhân quả báo ứng. Kẻ làm điều ác ắt gặp tai ương. Qua kết cục của những nhân vật này, Nguyễn Dữ đưa ra lời răn đe, cảnh báo đối với những kẻ làm tổn hại tới cuộc sống bình yên của người khác. Những kẻ đó chỉ nhận lại thảm kịch cho bản thân bởi những hành vi của mình. Bởi vậy, trong những chuyện này, Nguyễn Dữ diễn ngôn đạo đức.

2.2. Diễn ngôn tình yêu/ tình dục trong Truyền kỳ mạn lục.

Không thể phủ nhận trong 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục thì số lượng truyện có liên quan đến tình cảm nam nữ là khá lớn và đều là những truyện hấp dẫn (10 truyện). Người đọc như lạc vào một thế giới khác (không phải là cái xã hội của thế kỷ XVI với “phân quyền, cát cứ, khởi nghĩa nông dân” hay những cương thường lễ giáo đè bẹp khát vọng tình yêu. Ở đó cũng chẳng phân biệt người với ma, cõi âm với cõi dương. Ở đó chỉ có tình yêu say đắm, nồng nàn đẹp như một giấc mộng với những lời thề non hẹn biển. Ở đó chỉ có những khao khát ái ân trần thế đắm say, rạo rực; có hạnh phúc vỡ òa khi những ham muốn về tình yêu, tình dục được thăng hoa. Trong thế giới ấy, con người được sống là mình, sống hết mình với khát vọng tình yêu/ tình dục. Mặc dù kết thúc “đâu lại vào đấy” nhưng không thể phủ nhận vẻ đẹp và độ say đắm, nồng nàn của những câu chuyện tình yêu trong

Truyền kỳ mạn lục. Phải chăng đó cũng là bức thông điệp mà Nguyễn Dữ để cho người đọc tự khám phá.

2.2.1. Yếu tố tính dục trong các câu chuyện tình.

Trong thời kỳ trung đại, Nho giáo và Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân. Những quan niệm của nho giáo, Phật giáo bắt rễ vào mạch nguồn tư tưởng, ăn sâu vào nếp nghĩ của họ, đặc biệt là Nho giáo. Đối với Nho giáo, vấn đề tình dục được coi là vấn đề cấm kị. “Diệt dục” được coi là tiêu chí để đảm bảo sự thành công về sự nghiệp. Kẻ nào không biết “tiết dục”, “diệt dục” thì khó có thể công thành doanh toại. Nho giáo đề cao lễ nghi, quy định về mối

quan hệ giữa nam và nữ rất ngặt nghèo: “nam nữ thụ thụ bất thân”. Bởi thế mà giữa nam và nữ phải luôn giữ khoảng cách, không được tiếp xúc gần gũi, trong trường học chỉ có nam nhân. Nho giáo rất coi trọng chuyện giữ gìn trinh tiết. Trong bộ luật Gia Long ghi rõ: “Nam nữ đã đính hôn với nhau, nhưng chưa cưới mà đã thông gian thì phải phạt 100 trượng”, “Người đàn bà phạm tội gian dâm thì hết cả liêm sỉ, nên bắt cởi áo cánh, cho để mặc váy mà gia hình, còn tội khác, khi phạt cũng được mặc cả áo”. [30, tr 277]. Vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân trong con mắt Nho gia là vấn đề đáng xấu hổ, làm nhục gia môn, bị lên án gay gắt, bị răn đe cảnh báo. Đối với người phụ nữ, vấn đề tình dục dường như không được phép chủ động, phải biết giữ khoảng cách nếu không sẽ bị coi là thất tiết. Người phụ nữ “không chồng mà chửa” còn bị cạo đầu, bôi vôi, thả bè trôi sông. Trong văn học trung đại, người ta ngại động chạm đến vấn đề tình dục, đa số là né tránh, có chăng cũng dùng hình ảnh ước lệ để không gây sự “phản cảm” theo cách nhìn của con người thời trung đại. Ngay trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, khi miêu tả cảnh tiếp khách ở chốn lầu xanh, Nguyễn Du cũng sử dụng những hình ảnh ước lệ:

“Biết bao bướm lả ong lơi, Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh”

Những cảnh ân ái được miêu tả núp sau những khuôn vàng thước ngọc của ước lệ tượng trưng chứ không được miêu tả trực tiếp.

Bên cạnh việc tiết chế tình dục, Nho giáo còn đề cao những tấm gương liệt nữ, những người phụ nữ biết chịu đựng, hy sinh vì chồng. Việc đề cao những tấm gương tiết liệt tự vẫn để thủ tiết cũng là hình thức thuyết giáo cho vấn đề “diệt dục”, đặc biệt là người phụ nữ. Tóm lại, trong xã hội phong kiến, vấn đề tình dục là vấn đề bị né tránh, vấn đề cấm kị. Bởi vậy cũng thật dễ hiểu khi thông điệp về tình yêu/ tình dục (đặc biệt là tình dục) mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải lại được đặt vào những “cuồng ngôn”, “dâm ngôn” của những ma nữ, những tinh hoa chứ không phải là những nữ nhân bình thường. Phải chăng do tinh thần của thời đại chi phối

cách thể hiện diễn ngôn về tình dục? Dù những phát ngôn về tình dục là của ma hay người thì cũng cho thấy sự táo bạo và nét riêng biệt của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục. Vấn đề tình dục trong tác phẩm này được thể hiện khá táo bạo dù rằng chủ yếu là qua những hình ảnh ước lệ hay những từ ngữ giàu sức gợi mà ít miêu tả trực tiếp. Bởi thế, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm đậm màu sắc tính dục có lẽ là điều cho thấy sự can đảm của Nguyễn Dữ (chính Nguyễn Dữ cũng là một nhà Nho). Yếu tố tính dục thể hiện rõ nét hơn cả ở những tác phẩm có nhân vật nữ yêu ma.

Trong Chuyện cây gạo, yếu tố tính dục được thể hiện đậm nét. Những lời mà Nhị Khanh nói với Trình Trung Ngộ trong buổi trò chuyện đầu tiên có thể khiến bất cứ cô gái nào ở thế kỷ XXI phải kinh ngạc: “Chi bằng trời để cho sống ngày nào nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” [51, 38] . Đây chẳng phải là quan niệm sống gấp để tận hưởng hoan lạc đó sao. Và cũng bao người không khỏi giật mình vì khát khao táo bạo, mãnh liệt bộc lộ trực tiếp qua lời nói mà không cần vòng vo ý tứ: “ - Thân tàn một mảnh, cách với chết cũng chẳng bao xa. Ngày tháng quạnh hiu, không người săn sóc. Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa.” [52, tr 38]. Đó là lời trò chuyện, lời giãi bày tâm sự thầm kín, lời cầu mong (cầu xin) khẩn khoản của một hồn ma khao khát chuyện ái ân. Cách ví von giàu hình ảnh nhưng cũng không làm mờ đi sắc thái nhục dục trong lời đối đáp. Cuộc ân ái với chàng sẽ như hang tối quạnh hiu lạnh lẽo được quạt hơi dương để xua tan quạnh quẽ; như mầm khô gần cạn kiệt sự sống được hồi sinh bởi luồng khí nóng ấm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)