Những bài thơ đậm màu sắc nhục dục

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 102 - 113)

3.4.1 .Lời của các nhân vật ma nữ, yêu hoa

3.4.2. Những bài thơ đậm màu sắc nhục dục

Một trong những yếu tố làm nên chất trữ tình của Truyền kỳ mạn lục chính là ở mật độ khá dày những bài thơ. Trong số đó có khá nhiều những bài thơ đậm màu sắc tính dục. Chuyện cây gạo, sau khi Nhị Khanh và Trung Ngộ “cùng nhau ân ái hết sức thỏa mãn”, nàng có làm hai bài thơ để ghi lại cuộc hoan lạc. Cảnh vuốt ve, mơn trớn, cảnh trút áo cởi xiêm, cảm giác hoan lạc, bâng khuâng được miêu tả không hề có chút rụt rè. Mặc dù dùng khá nhiều hình ảnh ước lệ, song những cảm xúc nồng nàn, thú vui trần thế, cảm xúc hoan lạc ân ái vẫn được thể hiện đầy đủ trong lời thơ của Nhị Khanh. Sau khi nghe nàng giảng giải, Trung Ngộ rất ngợi khen. Ở bài thơ thứ hai cũng có những câu gợi tình, nghiêng ngả:

“…Đầu cài én ngọc hình nghiêng chếch, Lưng thắt ve vàng dáng ỏe oai.

Đường lúc nở rồi hồng đượm ướt, Mai khi rã hết trắng chưa phai. Phượng loan sớm kết nên đôi lứa,

Gió sớm giăng khuya thỏa cợt cười” [52, tr 39].

Miêu tả hình thể gợi cảm của phái nữ trong cuộc ái ân có thể coi là ít thấy. Lưng thon, chẽn lại như lưng ve mà lại dáng ỏe oai mơn trớn thì đúng là các nam nhân có thể dửng dưng cho được. Thân thể ngọc ngà, vẻ đẹp mơn mởn, non tơ, ngọt ngào như hoa Hải Đường đang thì khoe sắc, bền bỉ với thời gian làm say lòng nam nhân. Hơn thế nữa, cuộc ái ân nồng đượm ấy còn có cái nền rất trữ tình làm tăng độ thăng hoa: “gió sớm giăng khuya thỏa cợt cười”. Với Nhị Khanh, thú vui ái ân được thỏa mãn cũng là cái đích nàng mong muốn, là sự “thỏa chí” trong đời nàng.

Không kém phần gợi dục, những vần thơ của Đào, Liễu, Hà Nhân là minh chứng cho thấy Truyền kỳ mạn lục đậm màu sắc tính dục. Nàng Liễu là người ngâm thơ trước để rồi Đào cũng tiếp lời:

“Cung sâu thưa điểm giọt rồng,

Ngọn đèn soi tỏ trướng hồng lung linh. Tài lang mặc sức vin cành,

Đào non nhận lấy những nhành thắm tươi” [52, tr 60].

Trong cuộc ấp yêu say đắm, hai mỹ nhân đầy xuân sắc khiến cho Hà Nhân say đắm. Vì là cuộc ấp yêu lần đầu nên “gió xuân xin nhẹ nhàng nhau”, cứ đắm say, nhưng cuồng nhiệt cũng nên có mức độ vì “thân non mềm chịu được đâu phũ phàng”. Bởi vậy cần được Hà Nhân nâng niu, cần được vuốt ve, cần được che chở. Trong thơ của Đào, những cảnh trướng hồng lung linh, cảnh buồng xuân được miêu tả tinh tế nhưng cũng không kém phần gợi thú vui xác thịt. Hai nàng như những nhành đào non mơn mởn sức sống, thắm tươi, tràn trề để Hà Nhân mặc sức vin cảnh. Cuộc ái ân được điểm qua trong vài câu thơ nhưng cũng đủ gợi ra những gì thanh tân nhất, mơn mởn nhất, đủ sức khiến người ta xao động. Cảnh chốn buồng xuân trong thơ Hà Nhân cũng không kém phần cuồng nhiệt. Hà Nhân ngợi ca vẻ đượm nồng của hai nàng Đào, Liễu. Cuộc mây mưa thỏa nguyện khác nào Sở Hoài Vương được ái ân cùng nữ thần núi Vu Sơn. Đặc biệt hơn là cuộc ái ân của Hà Nhân với Đào, Liễu cùng một lúc nên đúng là “một ổ thỏa thuê oanh ấp ấp”. Cùng nhau hưởng thú vui ân ái, cùng san sẻ nước tây đông bởi mỗi người mỗi vẻ riêng nồng đượm. Cuộc hoan lạc tay ba táo bạo được ghi lại trong thơ không chút ngượng ngùng. Có thể

khẳng định, màu sắc tính dục được thể hiện đậm nét ngay trong những bài thơ của các nhân vật. Những bài thơ đậm màu sắc tính dục này góp phần thể hiện khao khát nhục dục mãnh liệt của các nhân vật Qua đó, Nguyễn Dữ tạo ra một dấu ấn riêng trong nghệ thuật truyền kỳ.

Tiểu kết: Một tác phẩm hoàn mỹ là một tác phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa

nội dung và hình thức nghệ thuật. Hình thức nghệ thuật phù hợp sẽ góp phần truyền tải nội dung một cách sâu sắc nhất. Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm như thế. Cách xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng: nam, nữ, người, ma, yêu hoa đã khiến cho những câu chuyện có cách phản ánh đa chiều và khách quan. Bên cạnh đó, sự kết hợp hài hòa giữa phương thức tự sự, trữ tình và chính luận góp phần nổi bật dụng ý diễn ngôn của Nguyễn Dữ. Không thể phủ nhận Nguyễn Dữ là ngòi bút táo bạo khi ông sử dụng những ngôn từ đậm màu sắc tính dục để thể hiện những khao khát thầm kín mà cháy bỏng của con người - khao khát tình dục. Đặc biệt hơn nữa, những khao khát ấy lại cháy lên ở những nhân vật nữ- dù là người hay ma. Đó không chỉ là khao khát đơn thuần trong suy nghĩ mà khao khát ấy được đốt cháy bằng những hành vi tính dục. Tình yêu thăng hoa ở mức độ cao nhất đó là tình dục. Trong xã hội phong kiến thì quan niệm này quá lạ lẫm, nhưng có thể nói đó là cái nhìn có tính chất mở đường của Nguyễn Dữ. Tất cả sự mạnh bạo ở cách thể hiện từ nhân vật cho tới ngôn ngữ; từ sự kết hợp giữa yếu tố kỳ và ảo, Nguyễn Dữ đã thể hiện được tư tưởng đầy mâu thuẫn của mình. Tác giả bề ngoài như đang thuyết giáo đạo đức, nhưng lòng lại muốn khẳng định khao khát tình yêu/ tình dục là khao khát chính đáng của con người.

KẾT LUẬN

Xét trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, sau khi tìm hiểu Truyền kỳ mạn lục

của Nguyễn Dữ, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI chịu sự chi phối khá nặng nề của hệ thống tư tưởng Nho gia. Tuy rằng có nhiều nghiên cứu cho rằng ở thế kỷ này, nho giáo đang đi vào thời kỳ thoái trào nhưng không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo trong xã hội. Bên cạnh mặt tích cực, hệ thống tư tưởng nho giáo còn bộc lộ khá nhiều hạn chế (đáng tiếc là những hạn chế này lại khiến cho người phụ nữ gánh lấy bao bất công còn nam giới thì được bênh vực). Trong các câu chuyện liên quan đến vấn đề tình cảm nam nữ, nam giới nhận được sự ưu tiên, dẫu có phạm lỗi cũng chỉ bị trách phạt ở mức độ nhất định. Ngược lại, nữ giới thì hoàn toàn khác. Giữ tròn bổn phận theo đúng “tam tòng, tứ đức” thì họ được ngợi ca như những tấm gương tiết liệt (dẫu rằng họ có chung thủy, nết na, thùy mị thì kết cục cuối cùng vẫn cứ là bị kịch). Nhưng nếu như những nữ nhân này đi ra ngoài vòng cương tỏa của xã hội phong kiến để sống đúng với cá tính của mình, với khát khao chính đáng của mình thì họ sẽ bị lên án kịch liệt, sẽ bị coi như loài yêu ma cần phải tránh xa. Nói cách khác, xã hội phong kiến không có chỗ cho bình đẳng giới và cũng không có chỗ cho sự giải phóng cá tính, khát vọng của con người.

2. Là một nhà nho, Nguyễn Dữ muốn củng cố lại hệ thống giáo lý Nho gia để nho giáo trở lại vị trí độc tôn của mình. Bởi vậy, các câu chuyện tình yêu tự do nam nữ đi ngược lại lễ giáo phong kiến đều phải nhận lấy cái kết đắng. Nhị Khanh trong

Chuyện cây gạo, yêu hoa Đào, Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây hay Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị… là những ví dụ điển hình. Dẫu có được thỏa nguyện ái ân trong một khoảng thời gian nhất định, dẫu có tình chàng ý thiếp hòa hợp lãng mạn nên thơ và dẫu có quyết liệt quay lưng với cả thế giới để bất chấp yêu nhau thì cuối cùng họ đều phải chết, thậm chí là chết trong đau đớn. Ngay kể cả những bậc nam nhi chưa chính đạo, Nguyễn Dữ cũng răn đe, cảnh cáo bằng bao hình phạt, thậm chí là cái chết. Trong lời bình cuối truyện, Nguyễn Dữ thẳng thắn đưa ra quan điểm thuyết giáo cho nho giáo của mình. Lời bình của tác giả vừa là lời

nhận xét, vừa là lời răn đe, có khi trách móc, có khi thương cảm… nhưng tất cả đều cho thấy, nhìn về hình thức, Nguyễn Dữ đang truyền tải diễn ngôn đạo đức. Qua cách kết thúc và lời bình cuối truyện, Nguyễn Dữ muốn khẳng định tính bền vững của hệ thống giáo lí Nho gia. Dù có nhiều tác phẩm phần lời bình còn khiên cưỡng so với nội dung và cách thức thể hiện trong tác phẩm, song xét một cách tổng thể, Nguyễn Dữ đang muốn nói với độc giả, nói với xã hội phong kiến rằng mình ủng hộ quan điểm nho giáo.

3. Nguyễn Dữ là một người có tấm lòng nhân đạo sâu sắc và mang tư tưởng phóng khoáng, tự do - điều ấy không thể phủ nhận được khi đọc những tác phẩm như: Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Chuyện nghiệp oan của Đào thị…Nếu như xã hội phong kiến coi những người phụ nữ vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến là đứa con lăng loàn đáng bị coi khinh và xa lánh, là loài ma quỷ hại người thì Nguyễn Dữ lại đối với họ bằng cả tấm lòng bao dung, đồng cảm và xót thương. Mối tình đậm màu sắc nhục dục giữa Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ tuy kết thúc đau đớn nhưng chí ít họ đã có những tháng ngày hạnh phúc trong ái ân. Những tháng ngày mà tình cảm thăng hoa cùng những khát khao thể xác, những tháng ngày “tươi tốt” đã từng có đúng là không còn gì nuối tiếc. Hai yêu hoa Đào, Liễu không hề khiến người ta khinh ghét, thậm chí xuất hiện với vẻ yêu kiều, lí lắc nhất. Và mối tình tay ba nồng thắm chưa từng có giữa hai nàng và Hà Nhân qua cách miêu tả của Nguyễn Dữ khiến người khác đồng tình, cảm thương hơn là trách móc và lên án. Và cô gái khiến cả xã hội phong kiến quay lưng và thời hiện đại cũng không dễ gì thông cảm lại trở nên vừa đáng thương vừa đáng trách qua

Chuyện nghiệp oan của Đào thị. Nàng quả thật đáng lên án nhưng ta hãy công bằng hơn mà nhìn nhận, dường như nàng là người bị dồn vào bước đường cùng. Một cô gái yếu ớt bị đẩy vào tình thế phải mạnh mẽ mà sinh tồn. Ta trách Hàn Than, nhưng cũng thương thay cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh.

Cũng có thể khẳng định rằng trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã xây dựng được câu chuyện về những mối chân tình và si tình. Đó là con đường riêng mà Nguyễn Dữ lên tiếng bảo vệ, đồng cảm với người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Những khát vọng yêu đương cuồng nhiệt và trần thế nhất được đặt ở những ma nữ, yêu hoa. Đây là cách để Nguyễn Dữ tránh búa rìu dư luận khi “dám” công khai để cho người phụ nữ yêu một cách táo bạo và đậm màu sắc nhục dục. Nhớ yếu tố kỳ ảo nên những ma nữ này được sống với cá tính của mình, với khát khao của mình. Không cần giấu giếm, không cần che đậy cũng chẳng phải ngại ngùng, những khát vọng thầm kín nhất được bộc lộ trong những khung cảnh hữu tình nhất. Ngòi bút của Nguyễn Dữ thăng hoa trong các câu chuyện tình và ở đây, ta không còn thấy bóng dáng của những giáo lí hà khắc quy chụp lên tình yêu (bởi dẫu sao đây cũng là chuyện tình của những ma nữ, những hồn hoa). Người phụ nữ (thông qua hình ảnh của ma nữ và yêu hoa) vừa mạnh mẽ, táo bạo, quyết liệt ( Nhị Khanh với Trình Trung Ngộ, Hàn Than với sư bác Vô Kỷ), vừa dịu dàng, dễ mến (yêu hoa Đào, Liễu; Vũ Nương, Lệ Nương…). Họ xứng đáng được hưởng tình yêu, được các đấng mày râu trân trọng nâng niu và si mê. Yêu hoa Đào và Liễu, nàng Hàn Than, nàng Thúy Tiêu… là những ví dụ cho thấy người phụ nữ chẳng cần phải là những liệt nữ nhưng vẫn là đối tượng để người đàn ông sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để bảo vệ, để yêu thương. Những nhân vật này và câu chuyện của họ càng khẳng định thêm Nguyễn Dữ là nhà nhân đạo chủ nghĩa, là người có tư tưởng khai sáng trong quan niệm về tình yêu/ tình dục ở thời phong kiến. Nói cách khác, dẫu kết thúc của những nhân vật này đa số là bi đát, dẫu lời bình cuối truyện lên tiếng bảo vệ lễ giáo phong kiến thì những gì Nguyễn Dữ cho ta cảm nhận về câu chuyện vẫn cứ là ủng hộ tình yêu cháy bỏng. Phải chăng thuyết giáo cho đạo đức phong kiến chỉ là cái vỏ bề ngoài, điều mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải là vấn đề tình yêu/ tình dục; điều Nguyễn Dữ muốn nhắn gửi là con người (nhất là người phụ nữ) phải được sống trọn vẹn với khao khát trần thế nhất, phải được yêu thương, được trân trọng vì họ xứng đáng như vậy.

Sự mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Dữ có thể lí giải bởi lí do thời đại. Có lẽ tư tưởng nho giáo đã ăn sâu trong tiềm thức của Nguyễn Dữ nên dẫu có tư tưởng mng tính chất khai sáng thì Nguyễn Dữ vẫn còn chút gì đó “nuối tiếc cố hương”. Hơn thế nữa, như trên đã nói, tuy thời đại của Nguyễn Dữ Nho giáo không còn giữ

vị trí độc tôn nhưng sức ảnh hưởng của nó còn rất lớn. Nguyễn Dữ không thể công khai để cho một “hiền lương thục đức” có những phát ngôn táo bạo về tình yêu/ tình dục. Bởi như vậy chẳng khác nào ông đã tự bắn một phát súng khiêu chiến với chế độ phong kiến. Vì thế nên những phát ngôn táo bạo, những khao khát trần thế nhất Nguyễn Dữ đặt ở nhân vật hư cấu như ma nữ, yêu hoa. Tuy nhiên, Nguyễn Dữ cũng ngầm đống tình với khát vọng yêu đương , khát khao trần thế nên những câu chuyện ông viết về tình yêu giàu giá trị nhân văn, nhân đạo. Và diễn ngôn tình yêu/ tình dục là điều cốt lõi mà Nguyễn Dữ muốn truyền tải tới bạn đọc.Giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu/ tình dục có mối liên hệ sâu xa. Diễn ngôn đạo đức là cái vỏ bọc che chắn búa rìu dư luận. Diễn ngôn tình yêu/ tình dục là hạt mầm khát vọng tự do được ươm ngay trong khu vườn đầy những giáo lí hà khắc của xã hội phong kiến. Ta trân trọng một nhà nho Nguyễn Dữ cố công bảo vệ những đạo lí tốt đẹp của Nho gia, ta càng trân trọng hơn một tác giả Nguyễn Dữ với cái nhìn hiện đại lên tiếng bênh vực tình yêu tự do và khát khao trần thế của con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2003), Từ điển Hán Việt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 2. Lại Nguyên Ân, Bùi Trọng Cường (1995), Từ điển văn học Việt Nam, Nxb

Giáo dục, Hà Nội.

3. Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

4. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Phạm Vĩnh Cư - Nguyễn Xuân Giao - Lưu Huy Khánh - Nguyên Ngọc - Vũ Đình Phòng - Nguyễn Văn Vỹ (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng.

6. Xuân Diệu ( 1981), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I, Nxb Văn học, Hà Nội

7. Nguyễn Dữ (1971), Truyền kỳ mạn lục, Trúc Khê - Ngô Văn Triện dịch, Nxb Văn học, Hà Nội

8. Nguyễn Dữ, Cù Hựu (1999), Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội

9. Nguyễn Dữ (2001), Truyền kỳ mạn lục giải âm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

10. Nguyễn Đăng Điệp (2006), Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn học Việt Nam đương đại

http://www.vienvanhoc.org.vn/reader/?id=82&menu=107

11. Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

12. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 102 - 113)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)