Sự vận động của diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu trong Truyền kỳ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 53)

2.2.1 .Yếu tố tính dục trong các câu chuyện tình

2.3. Sự vận động của diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu trong Truyền kỳ

mạn lục

Nguyễn Dữ trước hết là một nhà Nho chính gốc, bởi vậy, tư tưởng Nho gia thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của ông. Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Dữ vẫn đúng trên lập trường đạo đức của Nho gia để đánh giá, khuyên răn, khuyến cáo con người. Ở thời đại của mình, Nguyễn Dữ buộc phải truyền tải diễn ngôn đạo đức. Những nguyên lí đạo đức của Nho gia rất hà khắc khiến cho khát khao về tình yêu/ tình dục bị hạn chế. Thế nhưng trong tác phẩm của mình, Nguyễn Dữ vừa muốn bảo vệ những nguyên lí đạo đức Nho gia (qua lời bình cuối truyện) lại vừa phá vỡ những nguyên lí ấy để đồng thuận với khao khát trần thế của con người. Và phải chăng, những nguyên lí đạo đức ấy chỉ là cái vỏ bề ngoài để “hợp thức hóa” cho những khao khát vượt thời đại về tình yêu/ tình dục thăng hoa.

Trong Chuyện cây gạo, Nhị Khanh quả là loài yêu ma hại người. Cuộc đời của Trình Trung Ngộ từ khi gặp nàng là chuỗi những tai vạ từ trên trời rơi xuống: ôm quan tài Nhị Khanh chết, xương cốt bị đào lên ném xuống sông, bị lính đầu trâu áp tải đi, mất chỗ tựa nương bên cây gạo. Nhị Khanh là nhân vật sống đi ngược lại với nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến. Ngay từ khi xuất hiện, vẻ đẹp của nàng khiến Trình Trung Ngộ mê đắm - đó cũng là một cái tội theo quan điểm nho gia (nữ sắc là cái họa). Và phải chăng để diễn ngôn đạo đức nên Nguyễn Dữ đã đeo cho nàng thêm bao nhiêu tội trạng nữa: “làm tai làm vạ” cho dân làng sau khi đã được

đồng huyệt với Trung Ngộ (lẽ thường khi có được chàng trai đẹp của đất Bắc Hà rồi thì nàng phải an phận đắm mình cho thỏa thú ái ân bấy lâu khao khát chứ?). Hơn thế nữa, khi náu mình nơi cây gạo, hai người còn “làm yêu làm quái” khiến dân tình ghét sợ. Và để khiến cho nàng đáng phải lên án, đáng bị ghét bỏ, đáng bị kết tội hơn nữa, Nguyễn Dữ miêu tả lại cảnh hai người “thân thể lõa lồ” mà “gọi hỏi trong chùa”. Chùa chiền vốn là nơi thanh tịnh, linh thiêng. Thế mà Trình Trung Ngộ và Nhị Khanh dám ngang nhiên giở trò đồi bại, khiêu khích dục vọng ngay chốn cửa chùa thì tội ấy quả không thể tha được. Với ngần ấy chi tiết đáng để kết tội, Nhị Khanh quả là đối tượng để người ta răn đe tránh xa nữ sắc. Bởi vậy nàng bị trừng phạt, bị đày đọa cho dù nàng có là ma đi chăng nữa. Số phận của nàng là một số phận đầy bi kịch. Đây cũng là tác phẩm cho thấy rõ nhất sự mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Dữ. Xét ở một góc độ khác, Nhị Khanh khiến Trình Trung Ngộ mê đắm không hẳn chỉ là lỗi ở mình nàng. Nếu Trình Trung Ngộ được như Địch Lương Công thì “con yêu hoa nguyệt” làm sao dám giáp mặt. Trong cuộc ân ái đắm say, trong những lần sách nhiễu đều có can dự của hai người. Thế nhưng xã hội phong kiến lại thừa bao dung cho các đấng nam tử mà lại khắt khe hạn hẹp với phận nữ nhi. Dẫu kết thúc bi ai như lời cảnh tỉnh thì phần lãng mạn, mê đắm của mối tình này cũng là điều không thể phủ nhận. Nguyễn Dữ “phải” diễn ngôn đạo đức nên mới buộc thêm cho Nhị Khanh bao nhiêu “tội danh” cho phù hợp? Bởi khao khát lớn nhất của Nhị Khanh là khao khát về ái ân, hoan lạc. Lẽ ra khao khát này được thỏa mãn rồi, theo lẽ thường nàng chẳng có lí do gì để nhiễu nhương nữa mà phải cùng Trung Ngộ thỏa nguyện khát khao. Bởi thế, cách “gán” cho nàng và Trung Ngộ một số “tội danh” nhiễu dân thì mới có cớ để trừng phạt nàng. Tuy nhiên, cách miêu tả, những lời thơ trữ tình lại chính là bằng chứng tố cáo “lòng” muốn truyền tải diễn ngôn tình yêu/ tình dục của Nguyễn Dữ trong tác phẩm này. Chuyện tình giữa Nhị Khanh và Trình Trung Ngộ cũng là một mối tình nên thơ nên họa. Trong tình yêu ấy có cả những đắm say ân ái mặn nồng. Nói cách khác, diễn ngôn đạo đức chỉ là cái “vỏ” bề ngoài để cái “ruột” bên trong diễn ngôn tình yêu/ tình dục được tung hoành. Bởi thế, Nguyễn Dữ thường chọn những nhân vật để diễn ngôn tình yêu

là ma nữ hay yêu hoa. Đó là những nhân vật có thể vượt ra khỏi khuôn khổ của lễ giáo cương thường mà bày tỏ khao khát mãnh liệt về tình yêu/ tình dục. Đó là những nhân vật có thể tự do ngôn luận mà không bị khép vào tội nọ tội kia vì họ không phải là liệt nữ hay một cô gái ngoan hiền của chế độ phong kiến. Đơn giản, họ chỉ là yêu ma, mà lời của yêu ma thì ai chấp nhặt, quy kết tội lỗi làm gì. Chính thế mà những lời của họ trong mắt xã hội phong kiến là “cuồng ngôn” lại có thể coi là một “tuyên ngôn” kín đáo của Nguyễn Dữ về vấn đề tình yêu/ tình dục.

Đến Chuyện kì ngộ ở trại Tây thì diễn ngôn đạo đức chỉ là cái vỏ yếu ớt để bọc trong mình khao khát về một tình yêu tự do, lãng mạn, đắm đuối và đầy bao dung. Nếu cho rằng Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây là diễn ngôn đạo đức thì ắt hẳn đó là khiên cưỡng. Một số tình tiết và lời bình cuối truyện chỉ là phản ứng yếu ớt để giáo huấn đạo đức. Rõ ràng khi trái ý cha mẹ về việc kết hôn, Hà Nhân đã viện cớ học hành chưa thành danh nếu có vợ sẽ xao nhãng việc đèn sách mà từ chối. Nhưng trở về kinh đã lập tức say sưa với Đào, Liễu mà “bút nghiên chí nản, son phấn tình nồng”. Chí lập danh của chàng nho sinh đã tan thành mây khói hay nói cách khác mục tiêu phấn đấu của một nam nhi theo quan niệm đạo đức phong kiến đối với Hà Nhân không có sức nặng bằng tình cảm dạt dào với hai mỹ nhân. Phải chăng, tấm áo choàng của những quan niệm, những hệ tư tưởng Nho gia đang dần trút bỏ để nhường chỗ cho những khát khao trần thế lên ngôi. Tinh thần chung của truyện, sự lãng mạn của những hẹn hò và sự say đắm trong tình yêu của các nhân vật đã cho thấy Nguyễn Dữ đang truyền tải diễn ngôn tình yêu/ tình dục. Ta trách chi một Hà Nhân trẻ tuổi với những rung động mãnh liệt trước tình yêu và đắm mình trong hạn phúc ái ân. Dù gì, chàng cũng là người có tình có nghĩa. Ta cũng trách chi hai hồn hoa Đào, Liễu khi cố tình gây thương nhớ với Hà Nhân. Dù gì thì hai nàng cũng rất phóng khoáng và biết nghĩ cho Hà Nhân khi khuyên chàng về quê lấy vợ, đặc biệt, trước khi thác hóa, hai nàng cũng khuyên Hà Nhân chăm chỉ đèn sách để thành danh. Điều đáng tiếc là họ thuộc về hai thế giới khác nhau. Nhưng chí ít, sự tồn tại tình yêu giữa họ là có thực - một tình yêu với những cung bậc cảm xúc nhớ nhung, ghen tuông và đau xót. Nói cách khác, cũng như Chuyện cây gạo, dường như

Nguyễn Dữ buộc phải thuyết giáo về đạo đức cho có lệ; mục đích chính của Nguyễn Dữ là đồng tình với khát khao tình yêu/ tình dục. Những quan niệm hà khắc về đạo đức về trách nhiệm của nam nhi trong việc tu thân đèn sách dường như đã bị những khao khát tình yêu/ tình dục lấn át và đẩy lùi.

Chuyện nghiệp oan của Đào thị là câu chuyện cho thấy rõ sự vận động của diễn ngôn đạo đức đến diễn ngôn tình yêu/ tình dục. Nguyễn Dữ chọn nhân vật Hàn Than để phê phán nàng theo quan niệm kỳ thị nữ sắc, nhưng lại để nàng có khả năng thiên bẩm, là người thông tuệ. Cuộc đời một kiếp tài hoa như Hàn Than phải gánh những truân chuyên rồi dạt đến nơi cửa Phật. Đối với một kiếp chân tu thì phá giới như nàng và Vô Kỷ là điều không thể tha thứ và kết cục cuối cùng đầy bi thảm là điều họ phải gánh chịu. Đó cũng là câu chuyện mà Nguyễn Dữ muốn cảnh báo về luật nhân quả báo ứng, muốn răn đe về tác hại của sắc dục gây ra. Lời kết tội Vô Kỷ cho thấy Nguyễn Dữ bảo vệ đạo đức phong kiến: “Gã Vô Kỷ kia, là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người mà còn dối vị Phật của hắn thờ nữa” [52, tr 106]. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác thì ta lại thấy Hàn Than quả thật đáng thương thay. Một kiếp hồng nhan, tài hoa không gặp thời; tấm thân yếu ớt phải chống chọi trước phong ba bão táp của miệng lưỡi thế gian, những mưu mô xảo quyệt của vợ Ngụy Nhược Chân. Chốn cửa chùa thanh tịnh để nàng lánh nạn lại là nơi nàng gặp được một người thực sự quan tâm và yêu thương nàng. Xét một cách khách quan, nếu trách kẻ “tu không trót kiếp” thì chỉ nên trách Vô Kỷ nhiều hơn vì mục đích của Hàn Than tới chốn cửa chùa không phải để tu hành mà đơn giản nàng đi lánh nạn. Việc Vô Kỷ động lòng phàm tục mà “tư thông” với Hàn Than cũng cho thấy khao khát hạnh phúc trần thế mãnh liệt ở Vô Kỷ - chàng chưa dứt lòng phàm. Thiết nghĩ, đức Phật từ bi cũng không chấp nhặt gì một người lỗi đạo vì vướng vào lưới tình ái. Điều đáng trách ở Vô Kỷ và Hàn Than là họ lại coi chốn cửa chùa làm phòng tân hôn, coi non xanh nước biếc thanh tịnh của chốn tu hành làm nền cho tình yêu nảy nở. Cũng phải thấy rằng, khác với Chuyện cây gạo

hay Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Chuyện nghiệp oan của Đào thị chỉ nhắc đến chuyện hai người tư thông chứ không hề khắc sâu những hình ảnh ân ái nhục dục. Hơn thế nữa, những bài thơ họ làm cũng chỉ vịnh cảnh chứ không vì mục đích miêu tả cảnh

luyến ái hay bộc lộ nỗi nhớ nhung. Thậm chí những bài thơ vịnh cảnh đem lại cho ta cảm giác thư thái khi đứng trước non kỳ nước tú. Nếu đặt câu chuyện tình yêu của họ ra khỏi chốn cửa chùa thì ắt hẳn đây là câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn. Vô Kỷ sẵn sàng vì Hàn Than mà nguyện chết để được sum vầy; sẵn sàng vì Hàn Than mà mù quáng đầu thai trả nợ ân oán. Nói cách khác, Chuyện nghiệp oan của Đào thị là một câu chuyện tình yêu táo bạo khi Nguyễn Dữ lấy không gian chùa chiền làm nơi hò hẹn, lấy sư sãi để xây dựng nên kẻ si tình. Đặc biệt nếu không nhìn ở góc độ kết thúc và lời bình cuối truyện thì đây chính là một câu chuyện tình éo le mà xúc động của một cặp mong muốn được sum vầy mà sẵn sàng chết vì nhau. Điều đó cho thấy mảnh đất thuyết giáo đạo đức đã nhường chỗ cho khát vọng tình yêu/ tình dục được thăng hoa. Thật khó có thể kết luận Nguyễn Dữ bảo vệ đạo đức hay đồng tình với khát vọng yêu đương. Nhưng dù đi ngược lễ giáo, dù bị lên án gay gắt, ở góc độ khác, đây vẫn cứ là câu chuyện, là bài ca về tình yêu tự do không chịu sự ràng buộc nào cả.

Đến Chuyện nàng Thúy Tiêu, tấm chân tình của Dư Nhuận Chi cũng không khỏi khiến người khác cảm động. Và dường như mối tình son sắc của họ với kết thúc có hậu đã cuốn phăng đi định kiến của xã hội phong kiến về sự kỳ thị đối với nữ sắc. Ở câu chuyện này, Nguyễn Dữ đưa người đọc qua bao biến cố với đầy những tình tiết được đẩy lên về độ căng của cảm xúc khiến người đọc lo lắng cho tính mạng của chàng Nhuận Chi. Rồi những đoạn miêu tả cảm xúc tương tư giữa chàng và nàng dù xa mặt nhưng không cách lòng. Trải qua bao nguy hiểm cuối cùng họ được bên nhau viên mãn như trong thế giới cổ tích. Mối tình say đắm và kết thúc có hậu là một minh chứng cho thấy rằng: sự cố gắng trong tình yêu sẽ được đền đáp, người có tình sẽ được bên nhau. Bởi vậy, Chuyện nàng Thúy Tiêu là tác phẩm duy nhất trong Truyền kỳ mạn lục có cách kết thúc vượt ra khỏi hệ thống những truyện có cách kết thúc mang vỏ bọc cho tư tưởng đạo đức nho gia. Dù rằng lời bình cuối truyện có tỏ ý khinh miệt đối với Thúy Tiêu “Nhưng hết là vợ họ Trương lại là hầu họ Lý? Vì nàng đẹp chăng? Thì hết làm mê Hạ Sái lại làm hoặc Dương Thành” [52, tr 191]; dù rằng lời bình phê phán về hành động của Nhuận Chi thì lời răn sắc dục, sự kỳ thị nữ nhi cũng đã trở thành vô nghĩa khi hai người được

sống bên nhau đến già. Ở đây, tình yêu lên tiếng, tình yêu đã tiếp cho Dư Nhuận Chi sức mạnh để dám”nhẫn nhục ở với người, sờ đầu cọp, vuốt râu cọp, suýt nữa thì không thoát miệng cọp”. Như vậy có thể thấy rằng, lời bình cuối truyện dường như không ăn nhập gì với nội dung và tinh thần câu chuyện. Phải chăng, lời bình cuối truyện cũng chỉ là Nguyễn Dữ “buộc” phải lên tiếng với tư cách một nhà nho và lời bình ấy thực sự cần thiết để người ta chấp nhận câu chuyện tình đẹp như mơ này giữa lòng xã hội phong kiến. Chuyện nàng Thúy Tiêu vẫn cứ là khúc ca về tình yêu say đắm dù trắc trở nhưng lại ngọt ngào, viên mãn và cực kỳ lãng mạn. Những người bước vào ngưỡng cửa của tình yêu đều mong muốn có được một tấm chân tình, một kẻ si tình và một kết thúc có hậu như câu chuyện này. Những tác phẩm đậm màu sắc lãng mạn cho thấy, phát ngôn về đạo đức chỉ là cái vỏ bọc để những câu chuyện tình si thăng hoa. Nói cách khác, đã đến lúc lớp vỏ bọc khô cứng của đạo lí, cương thường hà khắc trút bỏ dần để những khát khao trần thế được tung đôi cánh tự do. Đã đến lúc con người nhận ra rằng những tình cảm bản năng cũng cần có chỗ đứng chứ không thể bị kìm nén, bó buộc trong hàng rào định kiến khắt khe. Phải chừa một khoảng trống cho những khát vọng nhân bản trỗi dậy. Bởi vậy, bên cạnh giá trị hiện thực, Truyền kỳ mạn lục còn thấm đẫm giá trị nhân đạo và lấp lánh ánh sáng của chủ nghĩa nhân bản.

Tiểu kết: Bằng cách này hay cách khác trong quá trình truyền tải diễn ngôn đạo

đức, Nguyễn Dữ vẫn truyền tải diễn ngôn tình yêu/ tình dục. Mười tác phẩm có liên quan đến chuyện tình cảm nam nữ, Nguyễn Dữ đã không ngần ngại phóng bút một cách phóng khoáng để miêu tả những mối tình tự do vượt ra ngoài khuôn khổ của lễ giáo phong kiến. Thậm chí, dù là môn đệ của cửa Khổng sân Trình, dù mượn yếu tố kỳ ảo để thoải mái thể hiện thì có thê nói những tác phẩm đậm màu sắc nhục dục trong Truyền kỳ mạn lục làm người ta nhận thấy dấu ấn của một cây bút thực sự táo bạo và có tính chất mở đường. Nhiều tác phẩm cho thấy khát vọng về tình yêu tự do, khát khao cháy bỏng về tình dục đã lấn lướt tấm áo mỏng manh của lễ giáo phong kiến. Bức tường thành kiên cố của lễ giáo phong kiến đã xiêu đổ trước cơn bão táp của khát vọng tình yêu/ tình dục. Diễn ngôn tình yêu/ tình dục trong Truyền kỳ mạn lục là sự manh nha cho khát vọng tự do yêu đương ở giai đoạn sau.

Chƣơng 3. MỐI QUAN HỆ GIỮA DIỄN NGÔN ĐẠO ĐỨC VÀ DIỄN NGÔN TÌNH YÊU/ TÌNH DỤC TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC TỪ GÓC ĐỘ

HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT. 3.1. Hệ thống nhân vật chính trong các câu chuyện tình yêu

Nhân vật được coi là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của tác giả. Thông qua nhân vật trong tác phẩm, cách nhìn, quan niệm của nhà văn được thể hiện rõ nét. Nhân vật được xây dựng thông qua việc miêu tả ngoại hình và hành động. Người

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Mối quan hệ giữa diễn ngôn đạo đức và diễn ngôn tình yêu. tình dục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)