Kiểu nhân vật phụ nữ hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật của tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 65 - 72)

6. Kết cấu của luận văn

2.3. Nhân vật người phụ nữ trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh

2.3.2. Kiểu nhân vật phụ nữ hiện đại

Bên cạnh hình ảnh người phụ nữ truyền thống cam chịu bất hạnh trong cuộc đời, những trang viết của Trung Trung Đỉnh cũng ngợi ca chân dung người phụ nữ hiện đại, luôn khát khao và cháy bỏng mưu cầu hạnh phúc.

Trong Ngõ lỗ thủng, một cái ngõ như bao nhiêu con ngõ của thủ đô những năm đầu đổi mới, vẫn còn nguyên dáng dấp nghèo nàn, lạc hậu và bao chuyện bi hài, nhà văn đã ghi chép lại nhiều cảnh “mắt thấy tai nghe” về số phận con người ở nơi này. Lời giới thiệu về cái tên của con ngõ giúp người ta đủ sức hình dung về không gian của tác phẩm: “Ở ngõ lỗ thủng chúng tôi sống, toàn dân tứ chiếng giang hồ, sau ngày giải phóng Thủ đô, dạt tới đây, tụ lại đây trên một khu rác rưởi và lần mò kiếm sống. Công bằng mà nói, chính là nhờ có công trình xây dựng thủ đô, cái công viên này mới được xây dựng. Có công viên lên rồi thì ngõ lỗ thủng chúng tôi mới được hình thành.” [23; 162]. Ở một nơi dung chứa rất nhiều thành phần: trí thức có, giang hồ có, con phe có, cả đĩ bợm cũng chẳng thiếu, ngõ lỗ thủng giống như một xã hội thu nhỏ những năm đầu sau giải phóng. Những màn kịch về lối sống tha hóa của con người, những âm thanh hỗn tạp hằng ngày đã phả vào không gian trong Ngõ lỗ thủng đã được nhà văn khéo léo kể tả rất tự nhiên, với giọng điệu không thể khách quan hơn, cũng không thể đau xót hơn. Sự va chạm giữa lối sống thực dụng, cơ hội với chân thực, hồn nhiên ẩn sau những câu chuyện tưởng hài hước nhưng rõ ràng mang đến thông điệp sâu sắc về kiếp người, về những đổi thay kinh hoàng của một xã hội mới, nhiều rối ren, băng hoại nhiều giá trị đạo đức và tha hóa nhân cách con người.

Ngõ lỗ thủng tập hợp cả những nhân vật trí thức và những người dân lao động nghèo, ít học: ông tiến sĩ, anh Gù, cô Hạnh, bà Còng đám du thủ du thực - tay chân của anh Gù, v.v… Nhưng nói về hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm này, chúng tôi muốn đi sâu vào riêng nhân vật cô Hạnh.

Hạnh là cô láng giềng đáo để, có phần hung hăng và người ta đổ cho cô trăm tiếng xấu hư hỏng. Nhưng đằng sau cái dáng vẻ chỏng lỏn, ngỗ ngược ấy, Hạnh là một người đàn bà giàu tình cảm, sống có trước có sau và đặc biệt,

Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh

với anh Gù, Hạnh là người con gái anh mơ ước và đặt vào cô những hi vọng về niềm hạnh phúc lứa đôi. Chính những lời khích lệ, động viên của Hạnh đã khiến anh Gù có thêm niềm tin để xây dựng và cất đặt một cuộc sống mới, mở một quán nước nhỏ kiếm kế sinh nhai, nuôi sống bản thân mình và người mẹ già yếu, còm cõi trước bi kịch của gia đình. Người đàn bà nổi tiếng chua ngoa, ấy thế mà có lúc lại tình tứ đến lạ với anh chàng Gù, người mà thậm chí chẳng thiếu kẻ cho anh không đáng con vật với thân hình khuyết tật ghê sợ: “Hạnh cười rúc rích, hình như nhận ra rõ ràng trong đầu Gù đang nghĩ gì. Cô nhìn trước nhìn sau, không thấy bà Hượu đâu, liền cúi xuống ôm ghì đầu Gù, áp vào ngực mình. Gù bàng hoàng luồn tay lên ngực cô. Hạnh nâng mặt anh lên, nói tỉnh khô:

- Không được mất trật tự!

Rồi cũng nhanh như động tác ôm đầu Gù, cô hôn ập vào môi anh, lút lưỡi...” [23; 194]

Chính Hạnh chứ không ai khác là người đem đến cho anh Gù viễn cảnh tương lai tươi sáng, mới mẻ hơn cho cuộc sống vốn tăm tối của mình. Chính Hạnh chứ không ai khác khiến Gù biết cuộc sống còn nhiều ước mơ và hi vọng tốt đẹp. Có gì vui bằng hình ảnh quán nước của Gù mở hàng tấp nập, khách ra vào tíu tít, Hạnh sẽ lo hết mọi bề, anh chỉ việc chễm chệ trên ghế bán hàng và chuyện phiếm với khách mà thôi. Cái ý nghĩ ấy khiến Gù cảm thấy kì diệu lắm rồi!

Miêu tả nhân vật Hạnh, nhà văn không phơi bày cảnh sống bê tha với nhiều thói hư tật xấu như là kết quả tất yếu của cuộc sống phức tạp, éo le, mà thông qua từng hành vi lời nói có phần sắc sảo, đanh đá, Hạnh hiện lên với những nét “nữ tính” hiếm có, vừa khéo léo nhanh nhẹn, vừa đảm đang nồng nhiệt. Nghe những lời anh Gù giành cho cô gái này mới thật ưu ái và tình cảm

biết bao: “Hạnh có tài đan len, vừa đan vừa nói chuyện… Hạnh có tài may cắt… Hạnh có tài trang điểm cô dâu, cắt sửa tóc, ai cần thì Hạnh giúp, chẳng thèm đòi cảm ơn. Hạnh kiếm ra tiền bằng cái nghề nửa công khai, nửa bí mật của mình… cái ngày gặp nạn, cô ta đã đưa Gù vào đúng căn buồng của mình, để rồi lo cho tang lễ nhà Gù đến nơi đến chốn. Cái ơn ấy biết bao giờ mẹ con Gù mới trả được.” [23; 198]. Nhà văn miêu tả Hạnh như một người phụ nữ nết na, bản chất hoàn toàn thánh thiện. Sâu thẳm trong cô là khát khao một hạnh phúc thực sự, cô có thể qua lại với những người đàn ông lạ mặt, nhưng để vun đắp một mái ấm gia đình, Hạnh đòi hỏi những giá trị khác, có ý nghĩa hơn là những đồng tiền, những bộ cánh đắt đỏ. Hạnh sống một mình đầy đủ, dư thừa về vật chất, người trong ngõ lỗ thủng luôn nhìn Hạnh bằng một con mắt tò mò xen lẫn kinh ngạc, thậm chí còn nể sợ cô. Nhưng người phụ nữ ngoa ngoắt chửi thề đời, chửi rủa lũ đàn ông đáng khinh lại có lúc trỗi dậy trong mình khát vọng hạnh phúc đời thường giản dị. Với anh Gù, Hạnh không dám mảy may khinh thường. Cái đêm thần tiên hai người ở bên nhau đã cho Hạnh giây phút thực sự được sống là chính mình với những cảm xúc yêu đương trung thực nhất: “Cô đã tiếp xúc với đủ loại đàn ông, nhưng chúng nó đều là giả dối. Chúng nó chiều chuộng cô, mơn trớn, nịnh bợ, ton hót cô, để rồi chúng coi cô như con vật. Cô khao khát một tình yêu. Cô cũng đã từng đi tìm tình yêu, nhưng rốt cuộc tình yêu làm gì có…” [23; 234]. Gặp anh Gù, Hạnh như sống lại trong một trạng thái cảm xúc yêu thương chân thành nhất. Chính anh Gù chứ không phải lão “Bộ trưởng” hay thằng lái xe giỏi võ mồm mới đánh thức trong cô những tình cảm thầm kín bấy lâu. Nhưng, càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu, Hạnh lại như con nhím xù lông và tự bảo vệ lấy chính mình bấy nhiêu vì trong cô luôn chứa đựng những hoài nghi về bản chất con người. Cô nhìn thấy ở họ toàn những xấu xa, bạc ác, lừa lọc, cô

Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh

không tin và cũng không dám tin, ngay cả với anh Gù, người đàn ông duy nhất cô dành tình yêu cuồng nhiệt và quyết liệt như chính cách anh đến với cô. Miêu tả nhân vật Hạnh, Trung Trung Đỉnh góp thêm một cái nhìn chân thực và khách quan hơn về số phận của người phụ nữ trong xã hội mới. Không phải là người đàn bà cam chịu khổ sở, cô Hạnh sống tự tin và thành thực với chính mình, với tất cả cảm xúc của mình. Cô tự tin, độc lập, luôn bày tỏ thái độ yêu ghét rõ ràng và dù yêu hay dù ghét đều hết mình. Đó là điểm khiến người đọc rất mến phục ở người phụ nữ này. Nhưng Hạnh cũng là sản phẩm của thời đại đồng tiền, sống thực dụng bon chen và cũng đầy rẫy toan tính tầm thường nhỏ nhặt. Viết về Hạnh, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã dụng tâm miêu tả một con người có thật ngoài đời như chính ông từng tâm sự, hầu hết các nhân vật trong Ngõ lỗ thủng đều mang dáng dấp những người quen thân của ông trong khu tập thể ở cái ngõ Vân Hồ thuở nào. Sự tha hóa của Hạnh (dầu vẫn giữ được bản tính hồn nhiên, nhân ái) là kết quả tất yếu của lối sống có phần buông thả, nhưng trên hết tình yêu mà cô dành cho cuộc đời, khát vọng hạnh phúc bình yên với mái ấm nhỏ sẽ là liều thuốc giải độc cho tâm hồn những người phụ nữ như cô.

Khác với Hạnh trong Ngõ lỗ thủng, Sương - vợ nhà văn Xoay trong Tiễn biệt những ngày buồn lại là một người phụ nữ hiền lành, nhu mì và sống nhẫn nhục hiếm có. Cô lấy Xoay, một anh lính nghèo viết văn, hai vợ chồng sống khốn khó trong căn nhà tập thể xập xệ, đứa con mới sinh cũng vì thế mà chịu thiếu thốn trăm bề. Nhiều năm sống bằng sổ gạo, sống bằng một suất lương thế mà êm thấm. Ở Sương không có cái mạnh mẽ quyết liệt như Hạnh, cô được miêu tả hệt như cái tên của mình, mong manh dễ vỡ, mặc nhiên chấp nhận cuộc đời bình lặng với cảnh “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” cùng Xoay. Nhờ lòng tốt của Luân, Sương đã kiếm được một việc làm “trong mơ”, làm nhân viên văn phòng hành chính ở một xí nghiệp Nhà nước và rất được

lòng ông Giám đốc Xí nghiệp. Mọi chuyện đã thay đổi kể từ ngày Sương có việc làm, thu nhập cao, ăn diện khác hoàn toàn với cô Sương ngày nào. Cả khu nhà ngạc nhiên trầm trồ khi thấy Sương sinh động, tươi tắn hẳn ra sau một tuần đi làm: diện quần bò, áo thun, chiếc xe cũ kĩ thay bằng chiếc Mipha mới cóng, rồi họ kháo nhau bằng những lời bình phẩm khiến Luân nghe mà phát sốt ruột vì sợ hóa “làm phúc phải tội”, biết ăn nói sao với Xoay khi anh đi thực tế về. Thực chất, sự thay đổi của Sương là hoàn toàn có thể hiểu được. Ở một người phụ nữ đã lâu bị kìm kẹp, bó buộc cả về tinh thần và vật chất, nay có cơ hội đổi đời, Sương muốn bứt mình ra khỏi vòng luẩn quẩn ấy. Cô đã dõng dạc và thẳng thắn nói với Luân và Hà những suy nghĩ của mình: “Theo em, các anh nên nhìn nhận con người từ nhiều phía. Nếu chỉ thấy mặt trái, mặt xấu thì khó mà nói chuyện với nhau được.” [24; 322]. Trước lòng tốt của những người bạn chồng, Sương không tỏ ra vô ơn bạc nghĩa nhưng cô đã chỉ ra cho họ thấy, sai lầm từ lòng tốt mù quáng của các anh, những con người một thời chỉ tin vào tình cảm và giải quyết mọi việc bằng trái tim chứ không bằng lí trí rằng: “Anh không nên nghĩ rằng, anh cứu em thoát khỏi vòng vây, rồi anh muốn em thế nào cũng được. Cả anh Xoay nữa, em nói thật, các anh là những người cực tốt. Mấy năm nay em bị lòng tốt của các anh bao vây đến ngột ngạt rồi. Hãy để cho em được sống!... Em không thể chờ anh Xoay được. Bố em cũng không thể chờ chàng rể đem thuốc tốt bụng về chữa bệnh... Nhưng bây giờ em buộc phải tỉnh táo hơn để tự quyết định lấy cuộc sống của mình, hạnh phúc của mình. Các anh thương em thì để em sống… Chúng ta không thể cứ tồn tại trên cái đà tiêu phí lòng tốt một cách phù phiếm…” [24; 324, 325]

Câu nói cuối cùng này đã thay lời tác giả nói lên bi kịch hạnh phúc của người phụ nữ khi không được sống với khát vọng thực tế, luôn bị bao vây bởi lòng tốt mù quáng. Giấc mộng hạnh phúc gia đình tan vỡ khi Sương nhận ra

Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh

rằng, người ta chỉ có thể tồn tại khi được quyết định cuộc sống của chính mình. Cô đã ra đi, tiễn biệt người chồng hiền lành, thừa tình yêu và nhân hậu nhưng thiếu tiền tài, tiễn biệt căn phòng tập thể đi tìm cuộc sống mới.

Viết về khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ hiện đại, tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh không cố gắng đi sâu giải quyết những mâu thuẫn, bi kịch dằn vặt trong tâm hồn họ mà chủ yếu nói lên những nhu cầu bản năng rất thật: người phụ nữ có quyền khát khao hạnh phúc gia đình bằng cảnh đời sáng sủa, người phụ nữ cũng phải có quyền lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn để tồn tại trong xã hội nhiều cám dỗ, bon chen. Sương trong Tiễn biệt những ngày buồn không phải là hình ảnh xa lạ về mẫu người phụ nữ trong đời sống hôm nay. Một số tiểu thuyết, truyện ngắn của văn học thời kì Đổi mới cũng cố gắng khai thác sâu hơn về khía cạnh tình cảm con người với khát khao mưu cầu hạnh phúc đời thường. Nam trong Phố của Chu Lai có một tình yêu đẹp như mơ, được thử thách qua thời gian đằng đẵng cách biệt mấy ngàn ngày xa nhau, được thử thách nơi hòn tên mũi đạn, nhưng trở về đời thường, gia đình họ gặp sóng gió còn khốc liệt hơn ở chiến trường. Thảo, vợ Nam sa ngã vì bị “nhiễm độc” bởi lối sống Âu hóa, Thảo khát khao được sống hạnh phúc với những giá trị vật chất có thật, còn Nam khư khư giữ nếp sống xưa, họ không còn tiếng nói chung, hạnh phúc tan vỡ.

Mỹ Tiệp, cô nhà văn của miệt vườn Nam Bộ trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn của Dạ Ngân cũng có cái nồng nàn quyết liệt khi thể hiện những cảm xúc, khát khao tình yêu như thế. 295 trang tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời, số phận của nữ nhà văn Mỹ Tiệp - một người con gái miền Tây viết văn, đầy cá tính, có nhan sắc và khát vọng mãnh liệt trong tình yêu, hạnh phúc. Cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt đã dàn xếp hôn nhân của cô với anh chồng Hai Tuyên, một người đàn ông chỉ khư khư

với cương vị Phó phòng tuyên truyền, có thể thao thao bất tuyệt những bài giảng về: “thế nào là nếp sống mới con người mới” nhưng cũng có thể lạnh lùng tới tàn nhẫn khi bỏ mặc vợ nằm trong phòng sản phụ một mình. Không thể chịu đựng được người chồng cằn cỗi, tiểu nhân, biết yêu heo hơn con, thích viết báo cáo để thăng chức hơn là ngắm nhìn vợ, Tiệp đã quyết tâm từ bỏ vỏ bọc hào nhoáng về mái ấm hạnh phúc bề ngoài để tìm tới người mình yêu thực sự. Hành trình gần hai mươi năm trời khổ ải, có cả niềm vui sướng được sống bên người yêu dấu nhưng cũng đầy nước mắt chua xót khi phải đối mặt với sự chì chiết của họ tộc, sự khinh khi của bạn bè, bão táp của giới chức sắc trong tỉnh… và nhất là sự giằng xé đau đớn giữa một bên là tình mẫu tử, một bên là tình yêu đã khiến cho Tiệp phải sau bao nhiêu giành giật và vùng vẫy mới tìm được bến bờ hạnh phúc trọn vẹn với nhà văn Viết Đính.

Có thể nói, hình ảnh người phụ nữ trong sáng tác của Trung Trung Đỉnh với những khát khao hạnh phúc đời thường không chỉ bày tỏ cái nhìn cảm thông của tác giả về số phận con người trong thời đại mới mà còn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về chuyện con người phải được sống như là cách tồn tại với xúc cảm của chính mình. Người phụ nữ hiện đại, dù ở hoàn cảnh nào, cũng phải được cất lên tiếng nói khẳng định sự lựa chọn hạnh phúc, hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc mái ấm gia đình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật của tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 65 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)