Khắc họa chi tiết ngoại hìn h cá thể hóa nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật của tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 79 - 81)

6. Kết cấu của luận văn

3.1.1. Khắc họa chi tiết ngoại hìn h cá thể hóa nhân vật

Trong các phương tiện khắc họa chân dung nhân vật văn học, miêu tả ngoại hình có thể xem là công cụ trực quan và sinh động nhất giúp nhà văn tạo dấu ấn riêng cho nhân vật của mình. Cá thể hóa nhân vật bằng các chi tiết miêu tả ngoại hình, dung nhan vừa là cách đơn giản để người đọc ấn tượng với nhân vật, vừa chứng tỏ tài năng của người cầm bút khi tạo ra các điển hình văn học không lặp lại. Sẽ không bao giờ trong văn học Việt Nam có thêm một hình tượng Chí Phèo thứ hai, ngật ngưỡng bước ra từ trang sách như cách Nam Cao miêu tả về nhân vật với nhiều đường nét độc đáo: cái răng cạo trắng hớn, cái đầu trọc lốc, cái mặt thì đen mà lại cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, trong tiểu thuyết, địa hạt rộng lớn hơn truyện ngắn, việc cá thể hóa nhân vật để lưu lại dấu ấn trong tâm trí người đọc phải là một trong những bút pháp nghệ thuật hàng đầu. Với loạt tiểu thuyết thời kì Đổi mới, Trung Trung Đỉnh đã thành công khi xây dựng những nhân vật rất gần gũi với đời thực. Họ là bản sao của những con người đang sống hằng ngày hằng giờ với chúng ta, bước chân từ cuộc đời vào trang sách và chân thực đến từng đường nét, chi tiết. Bằng ngòi bút sinh động và tâm hồn nhạy cảm, Trung Trung Đỉnh đã sáng tạo những nhân vật có ngoại hình độc đáo, thậm chí kì dị, lưu lại trong tâm trí người đọc nhiều ấn tượng khó quên.

Anh Gù trong Ngõ lỗ thủng là một hình tượng như thế. Nhà văn đã giành cho nhân vật này nhiều ưu ái khi miêu tả với những chi tiết, đường nét sinh động, rất hấp dẫn: “Gù có khuôn mặt trái xoan rất dễ ưa, thêm nữa, trên khuôn mặt ấy, đôi mắt Gù mở to, đẹp đến lạ lùng… Khóe miệng hơi rộng với hàm răng đều tăm tắp. Cái trán hơi dô với bộ tóc đen như mun, mai trổ dài xuống, nom cứ như Lã Bố. Gù rất có ý thức về vẻ đẹp của mình. Không biết ai đã cho Gù mảnh gương, thỉnh thoảng vắng người, Gù lẳng lặng soi gương, tự ngắm mình.” [23; 171]. Nhớ về anh Gù của ngõ lỗ thủng, người ta nhớ ngay đến tài kể chuyện thành thần của anh này. Anh Gù có thể kể vanh vách cả bộ Tam quốc chí, Thủy hử, Tây du, thậm chí kể chuyện ăn tiền. Người tới quán của bà Hượu để ăn ốc chỉ là cái cớ, cốt uống rượu nghe anh Gù kể chuyện mà thôi. Hình ảnh anh Gù trong câu chuyện của Trung Trung Đỉnh giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về con người có những khiếm khuyết, dị dạng nhưng có tính cách và tâm hồn “lành lặn”, ngay cả gương mặt của nhân vật cũng tạo nên sức hút lạ kì. Qua nhân vật anh Gù, nhà văn Trung Trung Đỉnh không chỉ thể hiện sự quan tâm của mình đến những mảnh đời thua thiệt trong cuộc sống mà còn bộc lộ cái nhìn trân trọng với tư cách của họ.

Nghệ thuật khắc họa nhân vật bằng hình ảnh trực quan về dáng vẻ, đường nét, giọng nói, điệu bộ… còn giúp Trung Trung Đỉnh miêu tả các kiểu nhân vật khác hấp dẫn không kém. Nhân vật Đào Chí Ron trong Tiễn biệt những ngày buồn cũng là một chân dung độc đáo. Bộ dạng của anh này được khắc họa với những đường nét hài hước: quần áo chỉnh tề, thắt lưng thít chặt như buộc ếch, đi lại nghiêm trang, nét mặt đăm chiêu quan trọng, giày đánh xi bóng lộn, lúc nào cũng tự thỏa mãn về vẻ nghiêm chỉnh của mình. Hình ảnh Ron khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến

Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh

những anh chính ủy nửa mùa, luôn che giấu sự bất tài của mình bằng dáng vẻ nghiêm trang đầy tự trọng, nhưng thực chất, Ron là người đáng thương vì chính sự hèn yếu của mình. Con người luôn hão huyền, ảo tưởng về bản thân, đến lúc toan về già vẫn trắng tay: con chết, hóa ra một kẻ ngớ ngẩn, mất hồn, chơi vé số năm năm mà không trúng đồng nào đâm gây sự với ông già bán vé số…

Như vậy, miêu tả ngoại hình, đường nét, dáng vẻ của nhân vật là một trong những biện pháp nghệ thuật tạo hiệu ứng cao, giúp người đọc hình dung nhân vật sống động hơn, vì thế cũng chân thực và gần gũi hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật của tiểu thuyết trung trung đỉnh (Trang 79 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)