6. Kết cấu của luận văn
3.3. Giọng điệu và ngôn ngữ đa dạng
3.3.1. Giọng điệu đa thanh trong nghệ thuật xây dựng nhân vật
Giọng kể trong tác phẩm tự sự nói chung là một yếu tố thuộc về hình thức nghệ thuật của văn bản. Tuy nhiên, xoay quanh những cách hiểu về khái niệm “giọng kể”, chúng tôi thấy cần phải phân biệt một cách rõ ràng như sau:
Thuật ngữ “giọng” (voice) được hiểu như một khái niệm thuần ngôn ngữ, là giọng của người kể chuyện trong tác phẩm, nó trả lời cho câu hỏi: Ai nói? (Ai là người kể chuyện này?).
Thuật ngữ “giọng điệu” (tone) theo định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học, được cho là: “Thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần,
thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm… Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu, nhất định nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật.” [57;134].
Như vậy, so với khái niệm “giọng”, “giọng điệu” được hiểu một cách phức tạp hơn và rõ ràng là khác nhau về nội hàm. Nếu như “giọng” chỉ quan tâm đến vấn đề chủ thể phát ngôn, ai nói, ai kể lại chuyện thì “giọng điệu” liên quan đến sắc thái biểu cảm và tín hiệu thẩm mĩ của lời nói. Giọng điệu trước hết là giọng điệu của người phát ngôn trong tác phẩm thông qua hệ thống ngôn từ. Xét từ góc độ trần thuật, giọng điệu có liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ, hay nói cách khác, hình thức của ngôn ngữ chính là giọng điệu.
Từ sự phân biệt giữa “giọng” và “giọng điệu”, chúng tôi thấy ở đây có sự quan hệ hữu cơ rất chặt chẽ. Mỗi giọng của người kể chuyện trong tác phẩm bao giờ cũng phải có một sắc thái thẩm mĩ cụ thể, không thể nói là có giọng của người phát ngôn mà không có giọng điệu ở đó. Vì thế giọng kể của nhà văn, luôn là sự tích hợp của phát ngôn người nói với giọng điệu kể chuyện. Mỗi người cầm bút luôn phải có một “tạng” riêng, một cá tính sáng tạo, một phong cách độc đáo để bạn đọc có thể dễ dàng nhận diện tên tuổi của họ giữa muôn vàn các gương mặt khác. Chính giọng điệu sẽ làm nên bản sắc riêng của mỗi nhà văn, cho người đọc thấy ở đó quan điểm nghệ thuật, cách cảm nhận, lối tư duy, cách nghĩ và cách diễn đạt của tác giả.
Giọng điệu trong tác phẩm nghệ thuật ngôn từ là một phạm trù thẩm mĩ, có hình thức rất đa dạng, phong phú, đầy màu sắc, tuy nhiên, xét đến cùng,
Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh
nó luôn bị quy định bởi cảm hứng chủ đạo của văn bản, vì thế mà luôn có một giọng điệu cơ bản, nổi bật và xuyên suốt toàn tác phẩm.
Trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh, giọng điệu đa thanh là đặc điểm nghệ thuật quan trọng chi phối các kiểu giọng khác nhau. Có thể nhận thấy, tác phẩm của ông nổi bật ba giọng điệu chính: giọng trầm tư thế sự, giọng bỡn cợt mỉa mai và giọng tâm tình. Nó tỏ ra rất phù hợp với tình huống mà nhà văn tạo ra trong tác phẩm để nhân vật có cơ hội thể hiện suy nghĩ nội tâm của mình.
Giọng trầm tư thế sự, mang nặng ưu tư của người cầm bút được truyền tải chủ yếu qua các nhân vật người trí thức hay là những nhân vật gặp phải bi kịch trong đời thường.
“Đời sống có quy luật của nó, dù mày muốn cưỡng lại cũng không được. Mày phải bình tĩnh tự nhận thức để định hướng cho mình. Tất cả những điều tao nói trên đều to tát quá phải không? Chính vì bấy lâu nay, mày, cũng như những con người đáng thương ở khu nhà này đã quên mất mình, mải mê với những điều làm mình không hiểu, để đến nỗi đánh mất bản thân, lâm vào bi kịch… Hậu quả của chiến tranh còn tệ hại hơn cả chính cuộc chiến tranh ấy diễn ra như thế nào!... Chúng tao hi sinh vì Tổ quốc vì nhân dân chứ không phải quyền lợi của bọn cơ hội. Nếu như chúng mày còn sống, chúng mày thua chúng nó thì trách nhiệm đâu phải tại chúng tao đã phí xương máu hi sinh?...” [24; 303]. Đó là lời của một người chiến sĩ tử nạn trong chiến tranh, vang vọng trong trí óc của nhà văn Xoay, nhưng nó cũng là lời tố cáo cho một thế giới sống giả dối, cực đoan. Giọng điệu mang tính chiêm nghiệm và phát hiện những quy luật tồn tại trong đời sống hiện lên khá đều đặn trong sáng tác Trung Trung Đỉnh. Với Sống khó hơn là chết, một nhan đề đậm chất thế sự, nhân vật
nhà văn cũng lên tiếng để nói về những đau đớn, dằn vặt anh khổ sở: “Ta là bạn bè của người cùng khổ. Ta sống giữa họ. Vì sao ta không hiểu hết họ? Vì sao?... Nghệ thuật không đem lại hạnh phúc cho họ, chỉ vì họ đa số là lũ người ngu dốt. Có đúng không? Nghệ thuật không phục vụ đại chúng! Ai nói thế nhỉ? Đám đông chỉ thích thực phẩm chứ nghệ thuật chẳng có nghĩa gì! Đồ đểu! Đừng chơi trò mẹ mìn!” [25; 46]
Trong Ngõ lỗ thủng, giọng trầm tư cũng phát huy tác dụng ở những trường đoạn tác giả nói về cảnh sống giả dối, những éo le cay nghiệt của kiếp người và những nhố nhăng của một thế giới ngõ lỗ thủng: “Cái lỗ thủng chính là cửa ngõ mở ra thế giới bên ngoài. Nó chấp chới xềnh xoàng, nó nham nhở, hôi hám vì cái rãnh nước chạy dọc theo tường công viên đen ngòm bốn mùa, uế tạp bốn mùa.” [23; 183]
Bên cạnh đó, sự đan xen giọng mỉa mai, châm biếm hài hước và giọng tâm tình cũng giúp cho trang viết của Trung Trung Đỉnh thêm sinh động, hấp dẫn. Có thể thấy, tần suất giọng điệu mỉa mai giễu cợt có mặt hầu khắp trong các tác phẩm của nhà văn. Trong Tiễn biệt những ngày buồn, rất nhiều trường đoạn tác giả dùng âm sắc của giọng giễu nhại để lột trần bản chất xấu xa, giả dối của nhiều hạng người. Nhờ đó, nhân vật hiện lên rất hấp dẫn, như thể tác giả dành riêng giọng điệu ấy cho nhân vật mà thôi. Khoái là một kẻ như thế. Là người khôn ngoan, đời sống riêng tư bừa bộn, sống bê tha, nhưng ở Khoái này luôn có cái giọng điệu vừa kiêu ngạo, vừa rất oai, khiến cho nhiều người sợ vì cái cách hắn bày tỏ quan niệm sống rất rõ ràng: “Ở khu nhà này, người ta sống cam chịu quen rồi. Cứ hùi hụi, lầm lầm với ba gánh nước đêm, với con lợn, luống rau mà nào có được yên thân. Động cái là xì xèo, nơm nớp lo sợ. Cuối cùng tạm bợ vẫn hoàn tạm bợ… Riêng với Khoái, anh chỉ tham gia tán phét vào lúc sau
Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh
bữa ăn, chứ còn toàn bộ thời gian dành vào việc sống cho mình. Ở đời, mỗi người đều có quan niệm sống. Mà đã gọi là sống thì phải biết hưởng thụ, biết hi sinh. Phần hi sinh Khoái đã làm rồi. Bây giờ phải là hưởng thụ. Tạo ra điều kiện để mà hưởng thụ. Thời gian do mình làm chủ, do mình phân chia, do mình sắp xếp, thụ động như kiểu thằng Xoay, đúng là chỉ có mà đèn cù.” [24; 90]
Giọng điệu giễu cợt châm biếm trong tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh có khi lại mang sắc thái hài hước, ẩn sau là thái độ phê phán của nhà văn trước sự xuống cấp của đạo đức và tư cách con người: “Có tiếng hô hoán, chửi bới ngậu xị. Rồi lại tiếng chân chạy rầm rập. Cửa các nhà cùng lúc mở. Người ta chưa rõ chuyện gì, nhưng ai cũng có vũ khí trong tay. Sự cảnh giác ấy vô ích khi người ta nhận ra cuộc ẩu đả không phải của ai xa lạ, mà là cha con, vợ chồng lão Hợi quần nhau. Ngày nào nhà ấy chả có vài cuộc cãi lộn. Cãi lộn, đấm đá, chửi bới trong nhà với nhau chán, khuya khoắt thế này lôi nhau ra gào thét, thối bỏ mẹ! Thế rồi người nào chui vào nhà nấy, chỉ còn lại mình anh Gù với đám choai choai tò mò là vẫn theo dõi. Mụ Hợi hu hu khóc, vừa khóc vừa chửi quân khốn lạn…” [23; 223]
Bên cạnh đó, giọng tâm tình đối thoại cũng được nhà văn vận dụng liên tục trong các trang viết. Màu sắc tâm tình trong kiểu giọng kể này đem lại cho người đọc sự đồng cảm gần gũi hơn với nhân vật. Trong Lạc rừng, giọng tâm tình chiếm dung lượng áp đảo so với các giọng khác. Anh lính trẻ lạc rừng, phải sống cùng với những người du kích Tây Nguyên xa lạ đã thành thực chia sẻ: “Tôi nhận ra cuộc chiến trong cái lối nhỏ ngóc ngách, giữa rừng già đầy chông thò và những con người bé nhỏ mà tôi lạc vào đây, có cái gì đó thật bí hiểm. Tôi và Bin không có cùng tiếng nói, không có cùng phong tục, tập quán nhưng lại có chung một ý chí, cái ý chí
sẵn từ trước khi chúng tôi nhập cuộc rất lâu rồi. Rằng ở đây chỉ có một tư tưởng, và sự thể hiện tư tưởng ấy chỉ có một cách, một con đường, ấy là không sợ khó khăn gian khổ, không quản ác liệt hi sinh. Bin không biết chữ. Cả nhóm anh em bà con ở đây cũng không ai biết chữ. Chiến tranh đối với họ là công việc hằng ngày… Tôi chỉ còn một cách là tự khuyên mình, hãy làm theo họ, hòa đồng cùng họ. Tôi phải làm thế nào để họ chấp nhận tôi, như họ đã từng chấp nhận, không thủ tục, giấy tờ. Điều ấy chỉ có thể gọi tên nó là niềm tin. Nếu họ không tin thì đừng nói tới bất cứ chuyện gì…” [22; 74]
Có thể nói, sự đan cài các giọng kể khác nhau đã tạo nên sức hấp dẫn cho các trang viết của Trung Trung Đỉnh. Nhân vật được ông xây dựng đều mang một giọng đặc trưng riêng, và dù là giọng giễu nhại, giọng tâm tình hay triết lí, triết luận, Trung Trung Đỉnh vẫn cố gắng lồng ghép trong đó cái nhìn đầy thiện tâm của mình vào cuộc đời và niềm tin vào con người.