6. Kết cấu của luận văn
3.1.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật
Trong những trang viết của mình, nhà văn Trung Trung Đỉnh đã bộc lộ khả năng soi thấu ngõ ngách tâm lí nhân vật bằng nhiều trường đoạn hấp dẫn. Nhân vật văn học là một chỉnh thể thẩm mĩ, vừa là một con người với tất cả đường nét phàm tục nhất nhưng đồng thời cũng là một khối tinh thần đầy ẩn ức, dồn nén nhiều mâu thuẫn phức tạp. Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh đã chạm sâu vào nội tâm của nhân vật để từ đó, thấu hiểu và đồng cảm, chia sẻ và lắng nghe nhân vật bộc bạch cõi lòng của mình. Nhân vật vì thế tạo nên sức hấp dẫn rất lạ lùng từ phía người đọc. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh có thể được xem xét như sau.
Trước hết, là những miêu tả tâm lí từ bên ngoài - khách quan, theo cái nhìn và lời kể của nhà văn. Lúc này, nhà văn đóng vai là người kể chuyện giấu mặt, chọn điểm nhìn bên ngoài để miêu tả trạng thái tâm lí nhân vật. Tiểu thuyết Tiễn biệt những ngày buồn là một cách thể nghiệm như thế. Với vai trò là người kể chuyện ở ngôi thứ ba, nhà văn lặng lẽ quan sát và miêu tả các diễn biến tâm lí nhân vật theo đúng cách mà ông
nhìn thấy. Hãy xem trích đoạn trong cảnh Xoay đưa vợ đi xin làm thuê ở nhà ngoại Luân, những tâm sự ngổn ngang của anh nhà văn nghèo được tác giả miêu tả với một cái nhìn bên ngoài, cảm thông và đầy chia sẻ:
“Xoay không buồn nói lại. Anh cặm cụi đạp xe, được một lúc chợt ngửng lên. Đường phố người đạp xe dày đặc, giống như một cuộc xuống đường ào ạt. Xoay tặc lưỡi, cảm thấy tưng tức ở ngực… Hôm trước trời rét, đi xin việc cho Sương, bị người ta từ chối, về khuya, đường phố vắng hoe, anh cảm thấy Hà Nội xa lạ, mênh mông thế nào ấy… Cái cảm giác cô độc, lạc lõng giữa lòng đường hôm ấy cũng dâng lên ngực Xoay nghẹn thở. Còn hôm nay, thấy người ta đông quá, cảm giác hoang mang chợt tràn ngập trong trí não anh. Thế này thì quả là khó thật. Liệu trong số những người cùng đạp xe tất tưởi trên đường này, có ai cũng đang miên man những ý nghĩ u uất và bất lực như Xoay?” [24; 80, 81]. Rõ ràng, trong đoạn miêu tả tâm lí nhân vật Xoay như trên, lời của tác giả miêu tả hoàn toàn khách quan những cảm nhận mà Xoay đang vướng phải. Nhưng, lời miêu tả nội tâm từ bên ngoài vẫn không lạnh lùng mà trái lại, tác giả như sẻ chia được rất nhiều với nhân vật bằng cách diễn đạt khéo léo, giàu cảm xúc.
Sau nữa, miêu tả thế giới nội tâm nhân vật, nhà văn phải có sự am hiểu tinh tế tâm lí của họ. Không chỉ đặt mình bên ngoài câu chuyện và kể lại khách quan, nhà văn có lúc đặt mình vào vị trí của chính nhân vật để họ tự giãi bày suy nghĩ ngổn ngang, những trăn trở, băn khoăn rất đời thường. Cách làm này được nhà văn sử dụng khá đều đặn, hầu như xuất hiện triền miên trong các trang viết.
Trong Tiễn biệt những ngày buồn, mặc dù là ngôi kể thứ ba, người kể chuyện giấu mặt lần lượt trần thuật những câu chuyện của các gia đình,
Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh
các thân phận con người ở khu tập thể nghèo, nhưng có rất nhiều đoạn, nhà văn để nhân vật trực tiếp nói lên suy nghĩ nội tâm của mình ở mọi cung bậc, cảm xúc khác nhau. Hóa thân vào vai đồng chí Ron, Trung Trung Đỉnh đã để anh này rất tự nhiên, “nói một lèo” suy nghĩ của mình: “Mọi thu hoạch của Ron đều tính bằng giá vé xổ số. Thế nào cũng có lúc tự dưng ông vớ được của!” câu nói ấy lại trỗi dậy. Có thật thằng cha ấy biết xem tay không nhỉ? Bây giờ hắn ở đâu? Nghe nói hắn đã nghỉ hưu non, ngày nào cũng tiếp khách xem tay, toàn bọn con buôn cỡ bự, mỗi bận xem dăm ba trăm, một ngàn đồng. Bọn con buôn đã phải bỏ tiền ra thì phải là ghê lắm, vì với bọn ấy, đồng tiền là Tiên là Phật mà. Nhưng sao cái số Ron oái oăm thế này? Chả phải được của mà lại là mất của thì đúng hơn… Nhìn cái anh cán bộ hành chính mà úi xùi thì bộ mặt cơ quan còn ra gì?... Bất giác, Ron mở cánh cửa tủ, lôi ra những xắp vé số. Ron đếm… Ron bỗng đùng đùng ném vào trong tủ. Mẹ nó! Cái số mình như chó…” [24; 60, 61].
Có thể nói, miêu tả nội tâm nhân vật, nhà văn đã lồng ghép đồng thời cả lời kể từ bên ngoài và điểm nhìn bên trong, hóa thân vào các vị trí nhân vật để nói lên những suy nghĩ của họ. Chính vì sự đan xen ấy mà lời kể trở nên rất linh hoạt, hài hòa. Trong Ngõ lỗ thủng, với lời kể chính là Bình, biên tập viên báo Hạnh phúc, dòng nội tâm của cả người kể chuyện với các nhân vật khác dường như hòa làm một. Ở đó, suy nghĩ nội tâm của nhân vật, có lúc là lời kể tự nhiên, khách quan, có lúc lại là những lời nhân vật tự bật ra, thậm chí đối thoại với chính mình. Lời nửa trực tiếp hay còn gọi là lời gián tiếp tự do được tăng cường, tạo nên tính chất song điệu trong diễn đạt.
Chúng tôi xin trích đoạn trong cuốn Lạc rừng - Ngõ lỗ thủng để bạn đọc thấy được:
“Anh cảm thấy trong người rạo rực, tự dưng run bắn lên. Anh cố trấn tĩnh, nhưng càng trấn tĩnh nhịp độ run càng tăng. Sao lại thế nhỉ? Không phải rét, càng không phải sợ. Có gì mà sợ? Anh nghiến răng, lấy một điếu thuốc hút. Anh cố nuốt khói vào trong lòng, nhưng run vẫn hoàn run!”. [23; 232]
“Anh đang có nhu cầu tâm sự, bởi gần đây Hạnh lại “chơi” cho anh một vố nữa đau điếng. Cô dẫn về cho anh “một con bạn chỉ cần một tấm chồng”. Cô đâu biết, anh không phải thứ đàn ông “chỉ cần một cô vợ”. Hạnh định đem cô bạn béo ục ịch của mình cá cược với anh, với tình yêu theo lối mua bán chợ giời? Cô ta muốn anh trở về nguyên vẹn với một thằng Gù có đôi chân nhũn nhẹo như hai cái đuôi, đã khiến cô kinh hãi? Không! Giá như cô ta không giở trò yêu đương tình ái, đừng rỏ nước mắt khi nằm trong vòng tay của anh, thì mọi chuyện sẽ khác. Anh không phải không tự biết hoàn cảnh của mình. Nhưng Hạnh làm thế, nghĩa là cô ta chỉ coi anh là một con vật? Chỉ có những con vật mới đem con nọ thả vào chuồng con kia - Anh nói - Chứ còn anh thì khác!...”. [23; 261, 262]
Có thể thấy, trong hai trích đoạn ngắn trên, nội tâm của nhân vật hiện lên rất rõ nét. Ở đó có sự kết hợp của rất nhiều kiểu loại câu: câu kể, câu tả, câu hỏi, câu cảm thán… Vì thế, lời kể nửa gián tiếp (lời tác giả kể lại) và lời trực tiếp của nhân vật như hòa làm một. Đúng hơn, đây là những trường đoạn nhân vật độc thoại nội tâm, triền miên trong những rối bời của tâm trạng, rất khó để chỉ ra đâu là lời người kể, đâu là lời nhân vật. Tự đối thoại với chính mình là cách để nhân vật bộc lộ tính cách rõ nét nhất.
Anh lính bị lạc rừng, rơi vào tay nhóm du kích cộng đồng người Bana cũng được miêu tả với loạt tâm trạng rất ngổn ngang. Ngôi thứ nhất, nhân vật chính xưng tôi tự kể lại quãng thời gian anh rơi vào hoàn cảnh
Nhân vật của tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh
đầy éo le, đã khiến người đọc đồng cảm sâu sắc hơn với nhân vật: “Tôi ngồi thẫn thờ trên võng nghĩ ngợi lung tung. Biết đâu họ lại thử tôi? Nhưng họ làm thế để giải quyết cái gì. Việc họ giữ tên Mĩ Kon-lơ ở lại đây chỉ vì chưa có dịp đưa hắn về phía sau nộp cho cấp trên, hay vì họ cố tình giữ hắn lại để đảm đương những công việc cực nhọc? Có lẽ cả hai. Nhưng đối với tôi thì phải khác chứ. Họ đã chẳng giải thích với tôi rằng, ở đâu trên đất nước này cũng là làm cách mạng, cũng là đánh Mĩ. Bộ đội không thiếu người, vì bộ đội lỡ chết có bổ sung ngay. Chứ còn du kích thì lúc nào cũng thiếu. Thiếu mà sao họ xử với anh Ru như vậy có khiếp không?...” [22; 85]. Lời kể từ nhân vật tôi hiện lên chân thực và đáng tin cậy hơn bởi những tâm trạng ấy được nói ra từ một người đã có trải nghiệm thực tế nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên, có lúc nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của nhà văn Trung Trung Đỉnh còn rơi vào tình trạng kể lể, đôi khi nhân vật hay quá lời, đối thoại đã trở thành độc thoại, nó không tỏ ra phù hợp hoàn toàn với tính cách của từng cá thể. Ví như trường hợp Ron trong Tiễn biệt những ngày buồn. Là một anh chàng nửa tỉnh nửa quê, tính cách có phần khô khan, cứng nhắc nhưng nhà văn để cho Ron độc thoại rất nhiều. Hình thức này không thực sự đắc địa và phát huy hiệu quả vì một người ít học, không nghĩ được cái xa xôi mà chỉ nhăm nhăm những lợi ích tủn mủn trước mắt như Ron, ắt hẳn không thể tự truy vấn nhiều như thế được. Đó cũng là “hạt sạn” rất nhỏ còn sót lại trong tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh.