46 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr 499.
2.1.2. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
2.1.2.1. Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Dân tộc Việt Nam trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những truyền thống tốt đẹp và cao quý.
Truyền thống yêu nước
Yêu nước không chỉ là tình cảm với nghĩa là lòng yêu nước, không chỉ là phẩm chất với nghĩa là tinh thần yêu nước, mà phát triển cao hơn là chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam, là chuẩn mực cao nhất đứng đầu bảng giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, đó là ý chí kiên cường, bất khuất đấu tranh cho độc lập, tự do, là tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Chủ nghĩa yêu nước truyền thống là nguồn gốc tư tưởng lý luận trực tiếp hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, là xuất phát điểm, là cơ sở, nền tảng trong suốt cuộc đời hoạt động của Người.
Truyền thống yêu nước của dân tộc được Hồ Chí Minh tổng kết: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.
Hồ Chí Minh nói, lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đưa tôi tin theo Lênin, theo Quốc tế thứ ba.
Truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa.
Xuất phát từ hoàn cảnh và nhu cầu sinh tồn, để tồn tại và phát triển, con người phải chống chọi với thiên nhiên và đấu tranh chống ngoại xâm. Từ trong cuộc đấu tranh trường kỳ đó, ý thức cộng đồng, ý thức tập thể, cao hơn là ý thức đoàn kết dân tộc được hình thành. Một chân lý được đúc kết: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết.
Yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa đã trở thành một tình cảm tự nhiên, thành phép ứng xử, thành triết lý sống của con người Việt Nam: Đoàn kết trong một nhà “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”; đoàn kết trong một làng “tối lửa tắt đèn có nhau”,”lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng” ; đoàn kết trong một nước, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…
Từ thực tiễn, Hồ Chí Minh nhận thấy khi nào dân ta đoàn kết thì nước ta độc lập, trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy phải đoàn kết mau, đoàn kết mãi. Đoàn kết sẽ tạo ra lực lượng, đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh để chiến thắng kẻ thù. Sau này, Người đã tổng kết:
Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công.
Truyền thống cần cù hiếu học, thông minh, sáng tạo
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, ở giữa đầu mối của sự giao lưu văn hóa Bắc - Nam và Đông - Tây, người Việt Nam từ xưa đã rất xa lạ với đầu óc hẹp hòi, thủ cựu, thói bài ngoại cực đoan. Trên cơ sở giữ vững bản sắc dân tộc, nhân dân ta đã biết cải biến những cái hay, cái tốt, cái đẹp của bên người thành những giá trị riêng của mình.
Việt Nam là một dân tộc cần cù, hiếu học, thông minh, dũng cảm trong lao động, sản xuất và chiến đấu. Các triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam từ Lý, Trần, Lê, đến Nguyễn đều rất coi trọng việc học, coi trọng hiền tài. Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám tuyển chọn người có tài có đức ra giúp dân, giúp nước. Nhiều tấm gương cần cù, hiếu học, nhiều hiền tài xuất hiện. Họ là sản phẩm của lịch sử, đồng thời cũng góp phần làm nên lịch sử.
Nghệ An xưa nổi tiếng là vùng đất cần cù hiếu học. Qua các kỳ thi thời phong kiến, Nghệ An thường đứng nhất nhì về số thí sinh thi đỗ47. Nghệ An cũng là nơi sinh ra nhiều khoa bảng nổi tiếng48. Họ đã đem tài đức ra xây dựng quê hương, đất nước.
Truyền thống lạc quan, yêu đời.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống lạc quan, yêu đời. Trong muôn ngàn khó khăn, người Việt Nam vẫn luôn động viên nhau “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Tinh thần lạc quan đó có cơ sở từ niềm tin vào sức mạnh của bản thân, tin vào sự tất thắng của chân lý, chính nghĩa.
2.1.2.2. Hồ Chí Minh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Xuất thân trong gia đình khoa bảng, từ nhỏ Hồ Chí Minh đã được hấp thụ vốn văn hóa Quốc học và Hán học khá vững vàng. Khi ra nước ngoài, Người đã không ngừng làm giàu trí tuệ mình bằng tinh hoa văn hóa của nhân loại. Người có thể viết văn Anh, văn Pháp sắc sảo như một nhà báo phương Tây thực thụ; có thể “tự bạch” bằng thơ chữ Hán. Chính điều đó làm nên nét đặc sắc ở Hồ Chí Minh, một con người tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây.
Hồ Chí Minh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại có kế thừa, có phê phán, có chọn lọc, không sao chép một cách máy móc, không phủ định sạch trơn, mà có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực làm phong phú hơn cho tư tưởng của mình.
Tư tưởng - văn hóa phương Đông. Nho giáo
Trong các tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh sử dụng khá nhiều mệnh đề của Nho giáo. Nho giáo là nền tảng tư tưởng của chế độ phong kiến, có những