Các lý thuyết vận dụng nghiên cứu

Một phần của tài liệu Truyền thông đại chúng với công tác thực hiện quyền trẻ em ở thành phố thanh hóa hiện nay (Trang 25 - 30)

9. Kết cấu của luận văn

1.2. Các lý thuyết vận dụng nghiên cứu

1.2.1. Lý thuyết mô hình truyền thông theo chu kỳ của Roman Jakobson Jakobson

Mô hình truyền thông theo chu kỳ của Roman Jakobson (1960) nêu lên được những tính chất cơ bản của tất cả các quy trình truyền thông từ tập thể đến đại chúng. Nó được xác định theo chu kì bao gồm bốn giai đoạn chính là phát tin, truyền tin, nhận tin và cuối cùng là phản hồi. Thông điệp sau khi được phát ra gây ra một phản ứng về phía người nhận tin, và người nhận tin sẽ có thông điệp phản hồi gửi về lại cho nguồn phát tin ban đầu – Từ đó người nhận tin này cũng trở thành một nguồn phát tin như thế. Như vậy thì quá trình truyền thông thực chất phải được hiểu như là một quá trình trao đổi thông tin giữa người này với người kia.

Theo mô hình truyền thông chu kỳ của Roman Jakobson, giai đoạn phát tin (emission): là bộc lộ một ý tưởng của mình bằng một hệ thống tín hiệu dưới dạng ngôn ngữ hoặc cử chỉ, nghĩa là bằng một thứ mã mà người phát tin có thể hiểu được, gọi là mã hóa. Hiện tượng “filtering” (bộ lọc) có nghĩa là sau khi được nói ra hoặc được viết ra, đôi khi không phản ánh chính xác ý tưởng định nói trong đầu.

Nguyên nhân có thể do người phát tin chưa làm chủ được ngôn ngữ mà mình sử dụng, hoặc do bản thân ngôn ngữ không cho phép diễn đạt được hết những ý tứ, sắc thái tế nhị hoặc phức tạp mà người phát tin muốn bày tỏ [10]. Giai đoạn truyền tin (transmission): giai đoạn này có thể diễn ra trực tiếp mặt đối mặt, cũng có thể thông qua một phương tiện kỹ thuật trung gian, hoặc thông qua người thứ ba. Khi thông tin được chuyển qua một kênh trung gian như phương tiện kỹ thuật thì rất có khả năng sẽ bị nhiễu bởi các loại tiếng ồn khác nhau ví dụ như tiếng động ồn ào xung quanh, trục trặc... do đó, nội dung thông điệp có thể bị sai hoặc bị mất đi một phần. Còn trong trường hợp truyền thông tin qua người thứ ba nhờ nhắn lại thì rất có thể cũng làm biến dạng đi ít nhiều nội dung của thông điệp một cách chủ quan. Giai đoạn nhận tin (reception) thường mang tính chất cục bộ và có chọn lọc.

Sơ đồ 1.1. Mô hình truyền thông chu kỳ của Roman Jakobson

Quá trình truyền thông là một quá trình trao đổi thông tin giữa hai nguồn thông tin, nó được xem xét như một chu kỳ như đã nói ở trên, trong đó có nhiều thông điệp được trao đổi với nhau qua lại giữa các nguồn thông tin. Mối quan hệ giữa người làm truyền thông và công chúng là mối quan hệ biện chứng, nhà truyền thông cần đặt mình vào vị trí của công chúng khi tiến hành các thao tác của quá trình truyền thông [10]. Vai trò của công chúng được nhấn mạnh, trở thành yếu tố quyết định trong hoạt động truyền thông đại chúng với việc phản hồi trở lại với nhà truyền thông của công chúng.

Mô hình chu kỳ này giúp chúng ta hiểu rằng vai trò của nhà truyền thông là cực kì quan trọng, khi nhận thức, thái độ của họ về quyền trẻ em bị lệch lạc và không được đầy đủ thì nội dung của thông điệp truyền đi cũng không chính xác, chưa kể những sai lệch khác. Ngoài ra nội dung của thông điệp nhiều khi không được công chúng đón nhận theo đúng như ý của nhà truyền thông. Việc công chúng không nắm được đầy đủ trọn vẹn thông điệp cũng ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông về công tác thực hiện quyền trẻ em, khi mà không chỉ những cha mẹ, người thân mà ngay cả những người thực hiện công tác về quyền trẻ em cũng là công chúng. Việc ghi nhận nội dung thông điệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự chọn lọc theo các đặc điểm khác nhau như khả năng đọc hiểu, trình độ văn hóa… của họ.

1.2.2. Thuyết về mạng lưới xã hội của Mark Granovetter

* Khái quát về thuyết mạng lưới xã hội:

Khái niệm mạng lưới xã hội dùng để chỉ phức thể các mối quan hệ xã hội do con người xây dựng, duy trì và phát triển trong cuộc sống thực của họ với tư cách là thành viên của xã hội.

Thuyết mạng lưới cho rằng, thứ nhất, các liên hệ giữa các "actor" (chủ thể) thường có tính đối xứng về cả nội dung và cường độ. Các "actor" cung ứng cho nhau những thứ khác nhau, và họ làm như thế với cường độ mạnh hoặc yếu hơn. Thứ hai, các liên hệ giữa các cá thể phải được phân tích trong bối cảnh cấu trúc của các mạng lưới lớn. Thứ ba, tính cấu trúc của các liên hệ

xã hội dẫn tới nhiều loại mạng lưới xác định khác nhau. Thứ tư, sự tồn tại của các cụm dẫn tới việc có thể có các liên kết chéo giữa các cụm cũng như giữa các cá thể. Thứ năm, có các liên hệ phi cân xứng giữa các yếu tố trong một hệ thống, mà kết quả là các nguồn lực hiếm hoi được phân bố một cách không đồng đều. Cuối cùng, sự phân bố không đồng đều các nguồn lực đó dẫn tới cả sự cộng tác và sự cạnh tranh. Một số nhóm liên kết với nhau để chiếm hữu các nguồn lực hiếm hoi, trong khi các nhóm khác cạnh tranh và xung đột với nhau vì các nguồn lực đó.

Từ năm 1943, Moreno (1889-1974) đã bắt đầu phân tích mạng lưới xã hội bằng cách chọn đơn vị phân tích là những nhóm trẻ thuộc về các lớp học khác nhau khi tham gia một trò chơi chung. Tác giả lập luận rằng, những đứa trẻ học cùng một lớp có xu hướng nhóm lại cùng nhau trong một trò chơi chung. Lý giải cho điều này, tác giả cho rằng đây là những đứa trẻ rất quen biết nhau, hiểu thói quen của nhau và thường hay chia sẻ với nhau về mọi mặt. Phương pháp mà tác giả này sử dụng là phương pháp đo lường xã hội học (sociometrie). Từ đó, nhiều nhà xã hội học đã nghiên cứu về mạng lưới xã hội với tư cách là những nhóm nhỏ. Họ thường chọn các biến số như sự giúp đỡ lẫn nhau, sự chia sẻ, sự thỏa thuận… để làm đối tượng phân tích.

Nhiều mô hình phân tích mạng lưới xã hội đã ra đời và phát triển mạnh mẽ từ những năm 1990. Trong tất cả các mô hình lý thuyết bùng nổ từ thời gian này, hầu hết các chỉ báo về sự gần gũi, sự thân thiết, niềm tin, quy mô mạng lưới, sự cân bằng, sự hài hòa và đặc biệt là sự liên kết xã hội đều được bàn đến.

Từ rất nhiều mô hình lý thuyết đó, tác giả luận án sử dụng định nghĩa sau đây về mạng lưới xã hội để phân tích liên kết xã hội của trẻ em theo trục ngang và trục dọc: "Mạng lưới xã hội là hệ thống liên kết xã hội giữa con người với con người, giữa con người và cấu trúc xã hội để kiến tạo thành một tập hợp xã hội".

* Thuyết mạng lưới xã hội của Mark Granovetter:

Mark Granovetter (1943) là nhà xã hội học người Mỹ được biết đến với những nghiên cứu về vốn xã hội, mạng lưới xã hội và xã hội học kinh tế. Theo ông, khi tiến hành phân tích mạng lưới, nhà nghiên cứu cần phải phân biệt các mối quan hệ (mạnh/yếu) trong mạng lưới theo các tiêu chí như sau:

- Độ dài của mối quan hệ: ở đây nhà nghiên cứu sẽ chú ý đến hai yếu tố là "thâm niên" của mối quan hệ và thời gian sinh hoạt chung của các "actor" trong mạng lưới.

- Xúc cảm, tình cảm của "actor" trong các mối quan hệ. - Sự tin cậy của các quan hệ.

- Các tác động tương hỗ của các "actor" trong các quan hệ.

- Tính "đa diện" của các mối quan hệ, tức là sự đa dạng về nội dung của các quan hệ.

Từ các tiêu chí đó, ông đã phân biệt các mối quan hệ yếu với các mối quan hệ mạnh như sau:

- Quan hệ yếu là các mối quan hệ không chiếm nhiều thời gian của "actor", ít nội dung, cường độ xúc cảm yếu và sự tin cậy lẫn nhau không cao (chẳng hạn quan hệ với bà con ở xa, quan hệ giữa những người "biết" nhau chứ không "thân" với nhau).

- Quan hệ mạnh là các mối quan hệ chiếm nhiều thời gian của các "actor", đa nội dung, sự tin cậy và cường độ xúc cảm rất cao (chẳng hạn quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, các nhóm bạn thân,...).

Một điều cần lưu ý là trong phân tích mạng lưới xã hội, nhà nghiên cứu không được phép nghĩ rằng các mối quan hệ yếu không quan trọng bằng các mối quan hệ mạnh vì:

- Các mối quan hệ mạnh có một nhược điểm lớn là thường tự khép kín trong mạng lưới của mình và do các "actor" thường dành nhiều thời gian cho các mối quan hệ này nên thông tin lưu chuyển trong mạng thường có tính lặp lại và ít mới mẻ.

- Các mối quan hệ yếu lại thường "hướng ngoại" hơn, thời gian quan hệ ít nên thông tin sẽ phong phú và mới mẻ hơn.

Xét về sự phong phú và mới mẻ của thông tin, các mối quan hệ yếu mới là yếu tố chính làm tăng vốn xã hội của "actor" chứ không phải là các mối quan hệ mạnh bởi nó sẽ giúp mở rộng mạng lưới của cá nhân.

Để phân tích liên kết xã hội của trẻ em tại thành phố Thanh Hóa, tác giả luận văn vận dụng mô hình phân tích như sau:

- Phân tích tập hợp các tác nhân thông qua các đỉnh, nút thắt của mạng lưới doanh nghiệp; Hay nói cách khác, tác giả phân tích mối liên hệ giữa các đại diện của các nhóm chức năng với các cơ quan truyền thông. Những phân tích này cần dựa vào các dữ liệu định tính, cụ thể là thông qua phỏng vấn sâu.

- Phân tích các mối liên kết xã hội giữa trẻ em/ nhóm trẻ em với nhau thông qua các chỉ báo như giới tính, tuổi, sự chia sẻ, sự tương hỗ, sự gặp gỡ trao đổi với nhau.

Một phần của tài liệu Truyền thông đại chúng với công tác thực hiện quyền trẻ em ở thành phố thanh hóa hiện nay (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)