9. Kết cấu của luận văn
1.4. Đặc điểm của địa bàn
1.4.1. Đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội của thành phố Thanh Hóa
Thành phố Thanh Hóa là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thanh Hóa, thuộc khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Đây là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa.
Thanh Hóa là đô thị chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với vùng Bắc Trung Bộ, đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng; là đô thị phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp sạch công nghệ cao. Thành phố đã được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào ngày 29 tháng 4 năm 2014 tại quyết định số 636/ QĐ- Ttg, nhân dịp kỉ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập thành phố.
Hệ thống đô thị Thanh Hóa hình thành từ lâu đời và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Trong đó, thành phố Thanh Hóa là đô thị trẻ, nằm hai bên bờ sông Mã, có vị trí, cảnh quan sinh thái rất thuận lợi, khí hậu khá ôn hòa. Quốc lộ 1A xuyên Việt chạy qua địa giới hành chính thành phố dài gần 20 km, cảng Lễ Môn, Sầm Sơn ở phía đông, đường sắt Bắc - Nam chạy ở phía tây, tạo thành một mạng lưới giao thông đa dạng và thuận tiện. Nhờ đó, thành phố Thanh Hóa đã trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Thanh Hóa, đồng thời ở vào vị thế thuận lợi trong việc giao thương với tất cả các tỉnh trong nước [18].
Thành phố Thanh Hóa cách thủ đô Hà Nội 160 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.562 km về phía Bắc, là một trong 3 đô thị lớn nhất Bắc Trung Bộ, cùng với Vinh, Huế. Thành phố có vị trí địa lý:
●Phía đông giáp huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
●Phía tây giáp huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
●Phía nam giáp huyện Quảng Xương và thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Thành phố có diện tích 147 km², nằm ở trung tâm đồng bằng Thanh Hóa, đồng bằng rộng nhất trong các đồng bằng duyên hải miền Trung, có nhiều núi đất, núi đá nằm rải rác với những cánh đồng rộng - hẹp, nông - sâu.
Thành phố Thanh Hóa có núi Hàm Rồng chạy từ làng Dương Xá phường Thiệu Dương, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng vừa dài vừa uốn lượn, đến khúc cuối thì phình to ra như một cái đầu có miệng khổng lồ, vì thế, dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Núi Hàm Rồng nằm án ngữ cửa ngõ phía Bắc thành phố, theo tương truyền, núi Hàm Rồng có 99 đỉnh. Đặc điểm địa hình độc đáo đã vô tình tạo nên một cứ điểm phòng không vững chắc góp phần tạo ra huyền thoại về chiếc cầu Hàm Rồng không thể bị đánh sập trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, trong thành phố cũng có núi Mật Sơn là núi sót thấp nằm trên địa phận phường Đông Vệ.
Về tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh lớn về cả diện tích và dân số, đứng thứ 5 về diện tích (Diện tích tự nhiên của Thanh Hóa là 11.120,6 km², chia làm 3 vùng: đồng bằng ven biển, trung du, miền núi. Thanh Hóa có thềm lục địa rộng 18.000 km²) và thứ 3 về dân số trong số các đơn vị hành chính tỉnh trực thuộc nhà nước (Tính đến tháng 8/2021, theo website World Population Review thì dân số tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 3.690.022 người).
Thanh Hóa là tỉnh chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam trên nhiều phương diện. Về hành chính, Thanh Hóa là tỉnh miền Trung, tiếp giáp với Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ. Về địa chất, miền núi Thanh Hóa là sự nối dài của Tây Bắc Bộ trong khi đồng bằng Thanh Hóa là đồng bằng lớn nhất Trung Bộ, ngoài ra một phần nhỏ (phía bắc huyện Nga Sơn) thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng. Về khí hậu, Thanh Hóa vừa có kiểu khí hậu của miền Bắc lại vừa mang những hình thái khí hậu của miền Trung. Về ngôn ngữ, người Thanh Hóa có âm vực giống với phương ngữ Bắc Bộ nhưng khá khác về cách phát âm các từ (ví dụ: người bắc nói "chị" thì người Thanh Hóa nói là "chậy") và sử dụng khá phong phú các từ ngữ của phương ngữ Nghệ -
Tĩnh [17]. Càng xuôi về phía nam thì phương ngữ Nghệ Tĩnh lại càng rõ rệt hơn. Tại Thanh Hóa có nhiều hình thức văn hóa truyền thống, phần nhiều vẫn còn tồn tại và đang được phát huy. Về dân ca, dân vũ, được nhiều người biết đến nhất là các làn điệu hò sông Mã, dân ca, dân vũ Đông Anh, trò diễn Xuân Phả. Ngoài ra còn có ca trù, hát xoan... Các dân tộc ít người cũng có nhiều loại hình văn nghệ dân gian khá đa dạng như hát xường của người Mường, khắp của người Thái... Kho tàng truyện cổ cũng khá đặc sắc như truyện cổ về sự tích về các ngọn núi, truyện dân gian của ngư dân ven biển Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia. Đặc biệt là các sự tích về nguồn gốc dân tộc Mường. Các lễ hội cũng rất đặc sắc như lễ hội Pôồn Pôông của người Mường, lễ hội cầu ngư, lễ hội đền Sòng… Thành phố Thanh Hóa là khu vực trung tâm nên hội tụ đủ các yếu tố trên.
Lĩnh vực kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,66%, cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến ngày 22-6-2021, Thanh Hóa đã thu hút được 49 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.105 tỷ đồng và 42,7 triệu USD; điều chỉnh vốn đầu tư 3 dự án tăng 9,7 triệu USD; phê duyệt 8 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại do các tổ chức nước ngoài tài trợ, với tổng số vốn 1,25 triệu USD [13].
Phát huy những kết quả đã đạt được, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, Thanh hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, gắn với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động tối đa vốn cho đầu tư phát triển. Đồng thời, nâng cao chất lượng các hoạt động
văn hoá xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xứng đáng là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của miền Trung và của cả nước [2].
Thành phố Thanh Hóa có năm cơ quan báo chí là Báo Thanh Hóa (có báo in và báo mạng điện tử); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa (có kênh truyền hình TTV và phát thanh); Đài Truyền thanh thành phố Thanh Hóa (TPTV);Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa, Đài truyền thanh, truyền hình thành phố Thanh Hóa . Hội nhà báo tỉnh Thanh Hóa có 306 hội viên được cấp thẻ nhà báo, sinh hoạt tại Chi hội nhà báo, Văn phòng hội nhà báo Thanh Hóa.