Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh – chính trị tại vịnh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vịnh cam ranh trong quan hệ đối ngoại của việt nam từ 2002 đến nay (Trang 95 - 97)

Chƣơng 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

3.1. Chính sách hợp tác quốc tế tại vịnh CamRanh của Việt Nam từ 2002 đến nay

3.1.2. Chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh – chính trị tại vịnh

Ranh từ 2002 đến nay

Trên tinh thần của đường lối đối ngoại nói chung cũng như chính sách an ninh quốc phòng và chiến lược biển nói riêng, đối với Cam Ranh, Việt Nam chủ định kinh tế hóa khu vực quân cảng và toàn bộ vùng vịnh xung quanh. Tuyên bố năm 2001 thực sự mang nhiều ý nghĩa, nhưng không khó để thấy rằng, nội dung của tuyên bố này chỉ cho biết Việt Nam “sẽ khai thác” Cam Ranh cho mục tiêu kinh tế, chứ không chỉ rõ “khai thác như thế nào?”, “khai thác nội bộ” hay “khai thác trong hợp tác với nước khác”?

Tuy nhiên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 (2010), Việt Nam đã làm sáng tỏ chủ trương về Cam Ranh khi tuyên bố sẽ “tự mình xây dựng cảng Cam Ranh” để cảng này trở thành một “Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp, bảo đảm phục vụ Lực lượng Hải quân Việt Nam"; đồng thời nhấn mạnh, “Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, kể cả tàu ngầm, khi họ yêu cầu” [Từ Linh, 2011]. Bằng sự định hướng đó, theo như giải thích của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Phùng Quang Thanh, vào năm 2011, Cam Ranh “không phải là một căn cứ quân sự nước ngoài, hay là cho nước ngoài thuê để làm căn cứ” mà sẽ là nơi “làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới, với tinh thần bình đẳng” [Cầm Văn Kình, 2010]. Và đối tượng phục vụ là bất kỳ nước nào có nhu cầu, nhưng “với điều kiện phải xin phép Việt Nam và làm hợp đồng kinh tế với Việt Nam”, thậm chí, “những nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, vẫn có thể xem xét cho vào” [Cầm Văn Kình, 2010].

Theo chủ trương mới, Cam Ranh được chia làm ba khu vực độc lập, một là khu vực dành riêng cho hải quân Việt Nam, hai là khu vực dịch vụ hậu cần quốc tế và ba là khu vực thương mại (khu vực cảng Ba Ngòi). Có nghĩa là trừ khu vực quân cảng Việt Nam thì hai khu vực còn lại của Cam Ranh đều có thể phát huy hợp tác quốc tế, trong đó, cảng dịch vụ hậu cần là điểm then chốt, điểm nhấn chiến lược của

vùng vịnh. Chủ trương của Việt Nam là sẽ cung cấp các dịch vụ cảng biển như nhiều quốc gia khác đã làm, các dịch vụ này bao gồm việc sửa chữa, tiếp tế, bảo dưỡng,… cho cả tàu quân sự và dân sự. Và việc cung cấp dịch vụ này sẽ theo cơ chế thị trường, bảo đảm sự công bằng theo “luật kinh tế”.

Cách tiếp cận mới đối với vấn đề Cam Ranh của Việt Nam mang nhiều ý nghĩa chiến lược, trong đó, “địa chính trị” và “địa kinh tế” của vùng vịnh có sự tương tác, gắn kết chặt chẽ với nhau. Hướng tiếp cận này hoàn toàn phù hợp với đường lối “đa dạng hóa, đa phương hóa” của chính sách đối ngoại Việt Nam; bảo đảm sự nhất quán, công bằng; tạo nên sự tín nhiệm trong hợp tác. Ở đây, dù là Mỹ, Nga hay bất kỳ một nước nào khác, nếu có nhu cầu, Việt Nam đều sẵn sàng mở cửa Cam Ranh, và mở cửa để “hợp tác” chứ không phải là “cho thuê”. Khía cạnh thứ hai trong chủ trương Cam Ranh của Việt Nam là sự tập trung vào yếu tố kinh tế. Thông điệp mà Việt Nam gửi đi đã rất rõ ràng, Việt Nam muốn khai thác các giá trị kinh tế của khu vực vịnh Cam Ranh và vì thế muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế với tất cả các nước nhằm tận dụng tối đa tiềm năng của vịnh biển chiến lược. Hướng tiếp cận kinh tế này có thể nói là một cách thức khéo léo của Việt Nam đối với một vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị. Như đã nói, Cam Ranh là một cứ điểm chiến lược, rất gần các điểm nóng trên biển Đông, chính vì thế, nó được xem như một thứ “vũ khí” để Việt Nam đối phó với tham vọng của Trung Quốc – quốc gia đã và đang có nhiều hành vi xâm phạm đến lợi ích biển đảo của Việt Nam. Là một nước nhỏ nằm bên cạnh anh bạn láng giềng khổng lồ, cái khó của Việt Nam là dứt khoát phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc, nhưng đồng thời lại không thể để mối quan hệ Việt – Trung rơi vào tình trạng quá căng thẳng. Hợp tác về chính trị - quân sự tại Cam Ranh giữa Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là các cường quốc, chắc chắn sẽ gây ra những căng thẳng như vậy. Thế nên, hướng vào kinh tế là một giải pháp vẹn toàn, vừa khai thác được tiềm năng của vùng vịnh chiến lược lại vừa tránh được những căng thẳng không cần thiết với Trung Quốc. Hơn thế nữa, đằng sau sự hợp tác kinh tế tại Cam Ranh, lời giải cho bài toán an ninh biển đảo của Việt Nam cũng được tìm thấy. Bởi vì, bằng sự gợi mở về tính tự chủ, công bằng, Việt Nam có thể thu hút nhiều quốc gia sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh, Cam Ranh dần trở thành một lợi ích thiết yếu của nhiều nước, đặc

biệt là các nước lớn. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu về tính ổn định, sự tự do thông thương trên biển Đông, đây là điều mà Việt Nam mong đợi. Thế cho nên, về bản chất có thể nói, chủ trương đối với Cam Ranh của Việt Nam chứa đầy đủ hai yếu tố “kinh tế” và “an ninh”, nhưng yếu tố an ninh đã khéo léo được ẩn khuất trong “chiếc áo kinh tế”.

Hiện nay, cảng quốc tế Cam Ranh đã đi vào hoạt động sau khi giai đoạn 1 được hoàn tất thi công. Từ thời điểm khai trương (8/3/2016) đến tháng 1/2017, cảng đã tiếp nhận hơn 20 lượt tàu, trong đó có 2 tàu du lịch quốc tế hạng sang với hàng nghìn du khách; tàu hàng và 16 lượt tàu quân sự các nước: Singapore, Nhật Bản, Pháp, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Australia. Nhiều dịch vụ của cảng đã được du khách, sĩ quan, thủy thủ đoàn sử dụng như: quán bar, cầu bãi, lương thực, thực phẩm, cấp dầu, cấp nước, hoa tiêu hàng hải [Mạnh Hùng, 2017]. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cảng sẽ là một trong những cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu với tải trọng tàu tối đa đến 110.000DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8 [Nhật Nam, 2016]. Đây chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm thu hút hợp tác quốc tế tại vịnh Cam Ranh trong tương lai.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vịnh cam ranh trong quan hệ đối ngoại của việt nam từ 2002 đến nay (Trang 95 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)