Chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế tại vịnh CamRanh của Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vịnh cam ranh trong quan hệ đối ngoại của việt nam từ 2002 đến nay (Trang 97 - 99)

Chƣơng 2 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

3.1. Chính sách hợp tác quốc tế tại vịnh CamRanh của Việt Nam từ 2002 đến nay

3.1.3. Chính sách thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế tại vịnh CamRanh của Việt

Nam từ 2002 đến nay

Như đã nói, vì tính chiến lược của Cam Ranh, yếu tố kinh tế tại vịnh biển này luôn gắn chặt với yếu tố an ninh – chính trị và những chủ trương về thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế cũng được xây dựng trên cơ sở đường lối đối ngoại nói chung và chiến lược biển của Việt Nam. Ngoài “chất kinh tế” được đầu tư ở cảng dịch vụ hậu cần quốc tế và cảng thương mại Cam Ranh, Việt Nam còn chủ trương biến toàn bộ khu vực vịnh Cam Ranh trở thành một địa điểm có nền kinh tế phát triển. Ngay từ năm 2003, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực vịnh Cam Ranh đến năm 2010 đã được phê duyệt. Theo đó, khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh được đồng ý đưa vào phát triển du lịch và dịch vụ. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt quyết định thành lập khu công nghiệp Nam và Bắc Cam Ranh nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển khu vực vùng vịnh này.

quyết định của Chính phủ về phát triển Cam Ranh, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã có những chủ trương, chính sách đồng bộ với Trung ương và phù hợp với tình hình địa phương. Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV năm 2001 của tỉnh nhấn mạnh: tiếp tục khơi dậy và phát huy tối đa nguồn nội lực, gắn với việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài để đầu tư phát triển; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ, du lịch – nông nghiệp; phát triển kinh tế phải gắn trong mối quan hệ tổng thể với các tỉnh lân cận, các đô thị của các địa bàn trọng điểm phía Nam và các khu công nghiệp lớn để thu hút vốn đầu tư và công nghệ mới, nhất là cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch [Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, 2001, tr.41]. Đại hội XV (2005) tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa đề ra phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu cho giai đoạn 2006 – 2010, nêu “…quyết tâm xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Nam Trung bộ vào năm 2010” [Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, 2005, tr.41]. Với những ưu thế về biển và cảng biển, tại Đại hội XVI năm 2010, Khánh Hòa đưa ra những chủ trương nhằm tập trung vào nguồn lực này, đặc biệt là phải “chủ động hội nhập quốc tế; tăng cường huy động các nguồn vốn để đầu tư và phát huy hiệu quả của ba vùng kinh tế trọng điểm Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang” [Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, 2010]. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII (2015), tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán về xây dựng kinh tế tại Cam Ranh của Khánh Hòa cũng như phát triển ba vùng kinh tế trọng điểm mà Cam Ranh là một trong số đó, đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh phải “khai thác đồng bộ, hiệu quả tiềm lực kinh tế biển” và tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại [Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, 2015]. Có thể thấy, Cam Ranh đã trở thành một động lực mới cho phát triển kinh tế của Khánh Hòa. Định hướng phát triển Cam Ranh tại đây là sự tiếp thu và cụ thể hóa đường lối của Đảng, phù hợp với chủ trương “phát huy nội lực”, “tăng cường thu hút đầu tư” và chiến lược biển đến năm 2020 của Việt Nam.

Ở cấp độ địa phương, UBND thành phố và thành ủy Cam Ranh là những nhân tố quan trọng trong việc triển khai và phổ biến các quan điểm chỉ đạo về chính sách Cam Ranh. Báo cáo nhiệm kỳ VIII (2000 - 2005) và phương hướng nhiệm kỳ IX (2005 – 2010) của Thị ủy Cam Ranh đã nêu rõ việc “tiếp tục thực hiện quyết định của chính phủ về phê duyệt tổng thể phát triển khu vực vịnh Cam Ranh đến

2010, chuyển một phần bán đảo Cam Ranh vào phát triển kinh tế, cho phép kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Cam Ranh để xây dựng thành khu du lịch cao cấp theo đề án được phê duyệt”. Trong giai đoạn 2006 – 2010 xây dựng Cam Ranh thành trung tâm thông tin quốc tế, trung tâm thương mại, phát triển du lịch, phát triển hệ thống dịch vụ và các ngành nghề khác với trình độ và văn minh thương mại cao; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành các công trình đường bộ, đường sắt, nâng cấp sân bay, cảng biển, xây dựng hồ chứa nước, khu công nghiệp, các khu đô thị mới, tạo cơ sở để Cam Ranh sớm trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh [UBND TP.Cam Ranh, 2005, tr.15].

Nhiệm kỳ X (2010 – 2015) có những chỉ thị nhất quán và cụ thể hơn. Theo đó, Cam Ranh sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực, khai thác thế mạnh kinh tế biển làm động lực cho sự phát triển kinh tế của thị xã; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tạo nguồn vốn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh việc triển khai các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, huy động có hiệu quả, tăng cường kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam, Bắc Cam Ranh và các dự án khác gắn với bảo vệ môi trường sinh thái [UBND TP.Cam Ranh, 2010, tr.17]. Tiếp tục định hướng xây dựng kinh tế Cam Ranh theo cơ cấu hiện đại, với sự tận dụng những ưu thế của vịnh Cam Ranh, Đại hội XI của Đảng bộ thành phố Cam Ranh đã đặc biệt chỉ đạo, phải “tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên để phát triển dịch vụ - du lịch, tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế” [Đảng bộ Khánh Hòa, 2015]. Có thể thấy, Cam Ranh đã và đang nhận thức được vai trò của vùng vịnh trong phát triển kinh tế. Chủ trương hợp tác kinh tế quốc tế tại Cam Ranh có sự nhất quán từ Trung ương đến địa phương, trên dưới một lòng, đều mong chờ Cam Ranh có sự khởi sắc về kinh tế, phát huy tối đa tiềm năng của vùng đất chiến lược này.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) vịnh cam ranh trong quan hệ đối ngoại của việt nam từ 2002 đến nay (Trang 97 - 99)