Chính sách, pháp luật của Nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 69 - 71)

2.3. Một số yếu tố tác động đến sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện

2.3.4. Chính sách, pháp luật của Nhà nước

Cùng với các yếu tố khác thì chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng tác

động lớn đến sự biến đổi của VHGĐ Viê ̣t Nam . Thực tế cho thấy , trong những

thời điểm xã hội có những biến động lớn về chính trị hoặc kinh tế - xã hội thì Nhà nước thường ban hành các chính sách và pháp luật mới nhằm điều chỉnh và hỗ trợ sự phát triển của xã hội nói chung, gia đình nói riêng. Do đó, Nhà nước không chỉ

dừng lại là một yếu tố khách quan tác động mà còn là chủ thể khởi xướng để tạo ra sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam theo những mục tiêu xác định.

Vào đầu những năm 60, Đảng và Nhà nước phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới. Sau khi thống nhất đất nước, phong trào này đã được phát động và triển khai trên phạm vi cả nước. Hiện nay, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đang đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên của gia đình thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng ở địa phương, v.v..

Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã tác động sâu sắc đến sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam. Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được thực hiện, theo đó gia đình trở thành một đơn vị sản xuất kinh doanh độc lập, tự chủ, sở hữu tư nhân được thừa nhận đã tạo điều kiện cho sự phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó thành phần kinh tế tư nhân được xác định bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, chức năng kinh tế của gia đình được phục hồi , dẫn đến những biến đổi trong đời sống của gia đình.

Đặc biệt chính sách kế hoa ̣ch hóa gia đình của Nhà nước đã tác động trực tiếp và hiệu quả đến biến đổi quy mô gia đình, quan niệm về giá trị của con cái đối với cha mẹ có nhiều thay đổi. Việc giảm quy mô gia đình cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự bình đẳng, dân chủ trong đời sống vợ chồng, tình cảm riêng tư của vợ chồng được coi trọng hơn, việc sinh con không còn là mục đích trước tiên và quan trọng nhất của hôn nhân.

Cùng với đó, Đảng và Nhà nước còn chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, ký kết và cam kết thực hiện nhiều văn bản luật pháp quốc tế. Các văn bản đó đã tác động đến sự biến đổi các mối quan hệ trong gia đình Viê ̣t Nam , đó là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (năm 1980) và Công ước về quyền trẻ em (năm 1990), v.v.. Sau khi ký, Chính phủ đã phê duyệt các Kế hoạch hành động quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 và 2010; các chương trình hành động quốc gia về trẻ em Việt Nam năm 1990 - 2000, 2001 - 2010. Đặc biệt, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (năm 1991) và sửa đổi vào

năm 2004, luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (2008), v.v..

Đặc biệt, năm 2012, Chiến lược phát triển GĐVN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt. Chiến lược đã khẳng định: Quá trình hội nhập, CNH, HĐH sẽ tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc đối với gia đình trên nhiều phương diện. Quá trình đó tạo ra các điều kiện, cơ hội thuận lợi để gia đình phát triển nhưng gia đình cũng tiềm ẩn nhiều thách thức như xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp của gia đình, dân tộc với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại. Trên cơ sở đó Chiến lược đã đưa ra ba quan điểm chỉ đạo: “Một là, gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai là, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cũng lá trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Ba là, ưu tiên, tạo điều kiện để các gia đình khu vực nông thôn, miền núi, khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống” [120, tr. 1].

Như vậy, có thể thấy những văn bản pháp lý do Nhà nước ban hành đã tác động sâu sắc đến sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam. Việc tiếp nhận giá trị bình đẳng giới làm thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ và nam giới trong gia đình. Người vợ và người chồng đều có quyền tham gia các quá trình sản xuất và hoạt động xã hội, bình đẳng về cơ hội phát triển, v.v.. Cùng với bình đẳng giới, quyền trẻ em là giá trị nhân văn mới được GĐVN tiếp nhận. Nó đã làm thay đổi quan niệm của cha mẹ về giá trị của con cái, trước đây con cái được coi là tài sản riêng của cha mẹ, phải phục tùng cha mẹ, v.v.. Ngày nay đứa con chuyển từ giá trị kinh tế sang giá trị tinh thần, “nguồn của cải không chảy từ con cái vào cha mẹ mà chảy từ cha mẹ vào con cái” [140, tr. 155]. Bên cạnh những bổn phận đối với cha mẹ, trẻ em có tất cả các quyền của một con người mà cha mẹ phải tôn trọng và thực hiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)