Khái niệm văn hóa gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 53)

2.1. Khái niệm văn hóa và văn hóa gia đình

2.1.2. Khái niệm văn hóa gia đình

* Khái niệm gia đình

Khi luận chứng về những tiền đề, điều kiện cho sự tồn tại của con người, C.Mác đã nhấn mạnh rằng: “…hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng

và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [71, tr. 41]. Khi đề cập đến gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” [81, tr. 523]. Gia đình và xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và là môi trường xã hội hoá đầu tiên của mỗi cá nhân, đồng thời, môi trường xã hội lành mạnh tạo điều kiện để các gia đình phát triển tiến bộ. Như vậy, gia đình là một hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục, v.v.. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau bởi quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ về kinh tế, văn hóa, tình cảm theo những giá trị và chuẩn mực nhất định, được dư luận xã hội ủng hộ và được Nhà nước thừa nhận, bảo vệ.

* Khái niệm văn hóa gia đình

Gia đình là tế bào của xã hội có chức năng lưu giữ và chuyển giao các giá trị, chuẩn mực văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. VHGĐ là một dạng đặc thù của văn hóa cộng đồng, bao gồm các giá trị, chuẩn mực văn hóa chi phối đời sống và các mối quan hệ trong gia đình, cũng như mối quan hệ giữa gia đình với dòng họ, cộng đồng. Đến nay, do đối tượng, phương pháp nghiên cứu khác nhau nên các nhà nghiên cứu thường phân chia cấu trúc của VHGĐ thành nhiều loại khác nhau:

- Cấu trúc của VHGĐ được phân chia thành các dạng hoạt động cơ bản của gia đình gồm:

Văn hóa sản sinh và nuôi dạy con cái: VHGĐ được kết tinh từ tri thức, kinh nghiệm, cách thức, thái độ, v.v. trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Từ những hiểu biết về quan hệ tính giao đến chăm sóc, giáo dục con cái trong bào thai đến khi trưởng thành, từ những kinh nghiệm đến kỹ năng sống, phương thức ứng xử trong gia đình và xã hội giúp cho gia đình tạo ra các giá trị riêng, đó là văn hóa sản sinh và giáo dục con người.

Văn hóa sản xuất vật chất và tiêu dùng sản phẩm vật chất: Để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển, con người cần phải chiếm lĩnh tự nhiên, sản xuất ra của cải vật chất để thỏa mãn nhu cầu của mình. Từ những khái niệm, hiểu biết, kỹ năng, bí quyết để sản xuất ra các tư liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng; từ sở hữu, quản lý, tổ chức đến phân phối các sản phẩm vật chất, v.v. đều chứa đựng yếu tố văn hóa.

Văn hóa tinh thần và hưởng thụ các sản phẩm tinh thần: Văn hóa tinh thần của gia đình chính là những giá trị, chuẩn mực đạo đức, tín ngưỡng, tâm linh, phong tục, tập quán, v.v. chúng được kết lại thành hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình. Hệ giá trị VHGĐ là yếu tố cốt lõi tạo nên đặc điểm riêng của mỗi loại hình gia đình và có sức mạnh chi phối đời sống tâm lý, tình cảm, tâm linh, hành vi ứng xử của các thành viên trong gia đình.

- Cấu trúc của VHGĐ được chia thành hệ giá trị gia đình. Theo tác giả Lê Minh, có hai loại giá trị:

Một là, các giá trị cấu trúc bao gồm “các loại giá trị khác nhau: Về hôn nhân, gia đình hiện đại, còn gọi là gia đình hạt nhân cho phép các cá nhân tự do lựa chọn vợ (hoặc chồng) của mình. Trong khi các gia đình cổ truyền (phụ quyền và cộng

đồng) thì cha mẹ có quyền quyết định, hôn nhân được xếp đặt từ bề trên. Về mặt

chung sống, gia đình hạt nhân chỉ bao gồm nhiều nhất hai thế hệ (cha mẹ và con chưa sống độc lập), có trường hợp chỉ gồm một thế hệ (vợ chồng son). Còn các gia

đình phụ quyền hay cộng đồng thì thường bao gồm ba thế hệ hoặc nhiều hơn. Về

mặt quyền quyết định trong gia đình, thì gia đình hạt nhân (trước hết là vợ chồng) thường bàn bạc với nhau để có những quyết định các vấn đề thuộc về đời sống gia đình. Còn trong các gia đình phụ quyền, quyền quyết định thuộc về người đàn ông gia trưởng. Căn cứ vào những điểm đó, người ta thường phân thành hai loại VHGĐ khác nhau: “VHGĐ gia trưởng và gia đình dân chủ” [84, tr. 11].

Hai là, các giá trị chức năng, tức là “gia đình đóng vai trò gì trong xã hội và vai trò đó có phù hợp hay không đối với sự phát triển xã hội” [84, tr. 11]. Theo tác giả Lê Minh, xã hội Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn giữa ba hệ VHGĐ khác nhau: Thứ nhất, “duy trì những giá trị VHGĐ phong kiến gia trưởng” vừa mang tính uy quyền, vừa mang tính cộng đồng, gọi là “hệ giá trị VHGĐ bảo thủ”. Thứ hai, “cắt đứt hoàn toàn với giá trị truyền thống tốt đẹp giàu ý nghĩa tâm linh của gia đình và đề cao chủ nghĩa thực dụng”, phá hoại kỷ cương gia đình, sống chỉ cho riêng mình, hoàn toàn vị kỷ, bừa bãi. Đó được gọi là “hệ giá trị VHGĐ hãnh tiến”. Thứ ba, “khôi phục và củng cố gia đình trên cơ sở những truyền thống tốt đẹp”, xây dựng gia đình hạt nhân bền vững, vừa bảo đảm tính độc lập của các thành viên trong gia đình, vừa bảo đảm sự cố kết gia đình trên cơ sở bình đẳng tôn trọng lẫn nhau, không ai là phương tiện của ai, mọi người đều được phát triển. Đó là “hệ giá

trị phục hưng – cách tân, hoặc gọi một cách khác: hệ giá trị kế thừa – phát triển” [84, tr. 12-13]. Tác giả Lê Minh đã nhấn mạnh, hệ giá trị phục hưng – cách tân sẽ mở ra những triển vọng tốt đẹp và thuận lợi cho việc củng cố gia đình, ổn định gia đình, và tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội, bởi vì tác động tới sự phát triển xã hội xét cho cùng là từ tác động của các cá nhân đối với xã hội, mà mỗi cá nhân đều xuất thân từ một gia đình, cư trú trong một gia đình, chịu ảnh hưởng từ một nền VHGĐ nhất định.

Tuy nhiên, sự phân chia cấu trúc của VHGĐ thành các loại khác nhau như trên cũng chỉ mang tính tương đối. Bởi vì, do nội hàm của khái niệm VHGĐ rộng, phức tạp, luôn biến đổi cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tác giả Lê Ngọc Văn đã cho rằng, VHGĐ là: “Những dấu ấn để lại trong đời sống vật chất, tinh thần của gia đình được biểu hiện thông qua các mối quan hệ, cấu trúc, chức năng, sinh hoạt, đời sống tâm linh… của gia đình. Đó là những dấu ấn được duy trì qua lịch sử, trở thành truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức, tâm lý, chi phối hành vi, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với xã hội, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác” [140, tr. 64]. Như vậy, mặc dù không trực tiếp chỉ ra cấu trúc của VHGĐ, tuy nhiên, từ cách hiểu của tác giả Lê Ngọc Văn cho thấy, cấu trúc của VHGĐ rất rộng, biểu hiện qua những dấu ấn để lại trong đời sống của gia đình thể hiện ở các mối quan hệ gia đình, cấu trúc, chức năng, v.v. của gia đình, chi phối nhận thức, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với các cộng đồng người khác, nó được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Căn cứ vào đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án và trên cơ sở kế thừa quan điểm về VHGĐ của các nhà nghiên cứu đi trước, đặc biệt dựa trên quan niệm của hai nhà nghiên cứu là Lê Minh và Lê Ngọc Văn, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu cấu trúc của VHGĐ Việt Nam trên phương diện giá trị, chuẩn mực văn hóa. Từ cách hiểu về giá trị và chuẩn mực văn hóa đã trình bày trong khái niệm văn hóa có thể thấy, giá trị là những ý niệm trừu tượng xác định cái gì được coi là quan trọng, đáng giá và đáng ao ước của một nền văn hóa. Còn chuẩn mực là các quy tắc ứng xử phản ánh giá trị của một nền văn hóa. Do đó, giá trị VHGĐ có vai trò định hướng, cố kết các thành viên trong gia đình, tạo ra động lực thôi thúc các thành viên phấn đấu để thực hiện được mục tiêu và lý tưởng chung của gia đình. Giá trị VHGĐ

ở các thời kỳ khác nhau sẽ định hướng cho cuộc sống gia đình hướng tới những mục tiêu khác nhau, chẳng hạn, giá trị hướng tới: Bình đẳng, hòa thuận, hạnh phúc, dân chủ, tiến bộ hay trật tự, uy quyền mang tính gia trưởng độc đoán hoặc tự do cực đoan, cá nhân ích kỷ, v.v.. Hoặc giá trị biểu hiện ở dạng biểu tượng như phong tục, tập quán, cách xưng hô, chào hỏi, ăn mặc và nếp sống gia đình. Chuẩn mực VHGĐ biểu hiện như hệ thống hành động, đó là các chuẩn mực quy định trong quan hệ giữa vợ và chồng (yêu thương, chung thủy, bình đẳng, tình nghĩa, v.v.); quan hệ giữa cha mẹ với con cái, ông bà và các cháu (yêu quý, chăm sóc, dạy dỗ và kính trọng, nghe lời, phụng dưỡng, hiếu thảo, v.v.); quan hệ anh em, chị em (hòa thuận, đễ, v.v.), quan hệ với dòng họ, láng giềng đó là “giọt máu đào hơn ao nước lã”, “tình làng, nghĩa xóm”, “tắt lửa, tối đèn có nhau”, v.v.. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa giá trị và chuẩn mực của VHGĐ cũng chỉ mang tính tương đối. Chuẩn mực gia đình bị chi phối bởi hệ thống giá trị VHGĐ, chúng chính là sự vận dụng các giá trị định hướng vào các quan hệ trong gia đình, chỉ dẫn cho mỗi người ứng xử trong các mối quan hệ cụ thể để phù hợp với các giá trị cơ bản của gia đình.

Từ cách hiểu và phân chia cấu trúc của văn hóa gia đình thành các loại khác nhau dẫn đến các nhà nghiên cứu đã đưa ra các quan niệm khác nhau về VHGĐ. Khi đề cập đến VHGĐ, GS Lê Thi nhấn mạnh đến tình, nghĩa và lễ. Tác giả cho rằng, “… phải chăng đặc điểm của VHGĐ Việt Nam là: Vừa đề cao tính cộng đồng, lợi ích chung của gia đình, vừa coi trọng cá nhân; vừa coi trọng gia đình nói chung, vừa coi trọng các thành viên; Đồng thời đề cao vai trò của người bố, vai trò của người mẹ vì vậy không phải chỉ có sự coi khinh, coi thường người phụ nữ trong gia đình mà người phụ nữ có vị trí quan trọng; Đề cao tình và nghĩa giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình và họ hàng, làng xóm; Gia đình vừa yêu thương con trẻ, vừa tôn trọng, chăm sóc người già. Cha mẹ lo phụng dưỡng ông bà, đồng thời cũng hết lòng với con trẻ” [112, tr. 42]. Còn theo PGS. TS Nguyễn Hữu Minh, khi đề cập đến VHGĐ, các nhà nghiên cứu thường đưa ra ba khái niệm then chốt, đó là “giá trị, chuẩn mực và lối sống” [85, tr. 45].

Theo tác giả Lê Như Hoa, khái niệm VHGĐ có nội hàm rộng, nó là một dạng văn hóa cộng đồng đặc thù, một môi trường văn hóa đặc thù, trong đó các giá trị, chuẩn mực trở thành định hướng mà mỗi thành viên trong gia đình chấp nhận, tuân theo và có nghĩa vụ thực hiện… Trong VHGĐ, giá trị cấu trúc là giá trị tồn tại

bên trong gia đình thể hiện ở sự gắn bó giữa các thành viên của cộng đồng đặc biệt này. Đó là các giá trị biểu hiện trong các quan hệ cơ bản của gia đình: quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ giữa các anh chị em” [45, tr. 33].

Theo tác giả Lê Ngọc Văn, đề cập đến VHGĐ cần chú ý đến những nét khu biệt, tính đặc thù hay bản sắc của gia đình - đó là những dấu ấn để lại trong đời sống vật chất và tinh thần của gia đình được biểu hiện thông qua các mối quan hệ, cấu trúc, chức năng, sinh hoạt, đời sống tâm linh, v.v. của gia đình. Đồng thời, khi đề cập đến VHGĐ cần phải nhấn mạnh đến quá trình tiếp thu, truyền thụ các giá trị, chuẩn mực VHGĐ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tác giả Lê Ngọc Văn đã cho rằng “VHGĐ là hệ thống những giá trị, chuẩn mực khu biệt đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và mối quan hệ giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người, các dân tộc và các khu vực khác nhau được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội” [139, tr. 31-32].

Từ những quan niệm trên cho thấy, đến nay mặc dù còn có nhiều cách hiểu khác nhau về VHGĐ nhưng điểm chung của các nhà nghiên cứu là khi đề cập đến VHGĐ đều nhấn mạnh đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa, nó tạo thành bản sắc, dấu ấn riêng của gia đình, khác biệt với các thiết chế xã hội khác. Như vậy, có thể

hiểu VHGĐlà một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, bao gồm hệ thống các giá trị,

chuẩn mực văn hóa điều chỉnh quan niệm, thái độ và hành vi ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với dòng họ, cộng đồng.

VHGĐ Việt Nam hiện nay là sản phẩm của sự kế thừa các giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT. GĐTT là một khái niệm đa nghĩa, nó hàm chứa nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa, được thẩm thấu vào suy nghĩ, lối sống và biểu hiện thành hành vi ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và giữa các thành viên với cộng đồng. Khi đề cập đến GĐTT, giữa các nhà nghiên cứu cũng có sự khác nhau: có quan điểm muốn đồng nhất GĐTT với gia đình Nho giáo hoặc gia đình phong kiến; có quan điểm thì muốn đồng nhất GĐTT với hình thái gia đình cổ, trước khi Nho giáo xâm nhập. Khi nghiên cứu về GĐTT, GS Đỗ Thái Đồng đã cho rằng: “GĐTT chắc hẳn là hình thái gia đình ở nông thôn, là gia đình ở những xã hội nông nghiệp Á

Đông đã tồn tại lâu đời và gần như bất biến trên nhiều khía cạnh. Như vậy, đó cũng là kiểu gia đình nông nghiệp, là một định chế gắn liền với nền nông nghiệp cổ truyền, sự nhất trí về khái niệm GĐTT có lẽ chỉ giới hạn đến đó” [34, tr. 72].

Gia đình truyền thống được hình thành trên cơ sở của nền kinh tế nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với thủ công nghiệp và thương nghiệp. Trong nông nghiệp thì ruộng nước là cơ sở kinh tế chính, trong đó trồng trọt là chủ đạo, chăn nuôi nhỏ lẻ và phụ thuộc chặt chẽ vào trồng trọt. Về mặt văn hóa, xã hội, yếu tố chi phối mạnh mẽ đến GĐTT là thiết chế làng. Làng của người Việt là đơn vị tụ cư truyền thống ở nông thôn, có địa vực riêng (địa giới xác định), có cơ cấu tổ chức, lệ tục, thổ ngữ, tâm lý và ổn định qua quá trình lịch sử. Chính điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đó là điều kiện để GĐTT tồn tại và phát triển, đồng thời, nó tạo ra bản sắc văn hóa riêng - VHGĐ truyền thống, giúp gia đình Việt Nam đứng vững, không hòa tan vào gia đình của các quốc gia, dân tộc khác trong tiến trình phát triển.

Đề cập đến VHGĐ truyền thống là nhắc đến gia phong, mà nội dung cốt lõi của nó được biểu hiện ở các giá trị, chuẩn mực chi phối nhận thức, thái độ, hành vi

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)