Khái niệm văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 45)

2.1. Khái niệm văn hóa và văn hóa gia đình

2.1.1. Khái niệm văn hóa

Văn hóa là sản phẩm của con người và do con người sáng tạo ra. Ngay từ thời kỳ cổ đại, trong tiếng Latinh đã xuất hiện từ “cultura” – có nghĩa gốc chỉ sự “cày cuốc”, “làm đất”, “vun trồng” trong nông nghiệp, sau chuyển nghĩa sang vun trồng trí tuệ, tinh thần, giáo dục con người. Theo nghĩa Hán – Việt, “văn hóa” có nghĩa là “văn trị giáo hóa”, “hóa nhân tịch dục” tức là phải giáo dục, cảm hóa con người để có thể quản lý, điều hành xã hội bằng “văn”. Như vậy, văn hóa trong từ nguyên của cả phương Tây và phương Đông đều có chung một nghĩa căn bản là sự giáo hóa, vun trồng nhân cách, giúp con người và cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, phải đến giữa thế kỷ XIX khi các ngành nhân loại học, dân tộc học phát triển mạnh ở châu Âu thì học thuyết về văn hóa và khoa học văn hóa mới ra đời và phát triển.

* Quan niê ̣m của chủ nghĩa Mác – Lênin về văn hóa

Mặc dù C.Mác và Ph.Ăngghen không viết riêng một tác phẩm nào về văn hóa, tuy nhiên, toàn bộ tư tưởng về văn hóa của các ông đã được thể hiện sâu sắc thông qua hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về con người và xã hội. Các ông đã khẳng định rằng: Sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng quyết định sự vận động và phát triển của xã hội. Xét đến cùng, nguyên nhân sâu xa của mọi sự vận động, biến đổi và phát triển của đời sống xã hội là những nhân tố của đời sống vật chất, của nền sản xuất xã hội. Trong tác phẩm Bản thảo Kinh tế - Triết học năm 1844, C.Mác đã viết: “Việc tạo một cách thực tiễn ra thế giới vật thể, việc cải tạo giới tự nhiên vô cơ là sự tự khẳng định của con người với tư cách là một sinh vật có tính loài, có ý thức, nghĩa là sinh vật đối xử với loài như với bản chất của chính mình, hoặc đối xử với bản thân mình như với một sinh vật có tính loài… Cho nên chính trong việc cải biến thế giới vật thể, con người lần đầu tiên thực sự khẳng định mình là một sinh vật có tính loài. Sự sản xuất đó là đời sống có tính loài tích cực của con người. Nhờ sự sản xuất đó, giới tự nhiên biểu hiện ra là tác phẩm của nó (con người) và thực tại của

nó” [76, 136-137). Với tư cách là “tác phẩm của con người”, là “thực tại” - “giới tự nhiên thứ hai” của con người, văn hóa đã được C. Mác đồng nhất với phương thức hoạt động sống đặc thù của con người – cách thức mà con người sử dụng lao động sáng tạo để cải tạo và biến đổi hiện thực khách quan.

Để hiểu được cội nguồn của văn hóa, theo Ph. Ăngghen, phải đặt nó trong quá trình hình thành loài người. Toàn bộ quan điểm của ông về nguồn gốc loài người được trình bày trong phần Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người, là một phần trong tác phẩm Biện chứng của tự nhiên. Tư tưởng chủ đạo của ông là lao động đã sáng tạo ra bản thân con người. Nhưng lao động ở đây không chỉ là lao động chân tay thuần túy mà chủ yếu phải là lao động sáng tạo. Ông so sánh phương thức kiếm sống của loài vượn với lao động của xã hội loài người: “Đàn vượn chỉ biết ăn hết sạch lương thực sẵn có trong khu vực mà điều kiện địa lý hoặc là sự kháng cự của các đàn vượn bên cạnh đã hạn định cho chúng” [74, tr. 647]. Nói cách khác, loài vượn không biết tự tạo ra thức ăn cho mình mà chỉ ăn những thứ có sẵn trong tự nhiên, ông gọi phương thức kiếm ăn của loài vượn là “kinh tế cướp đoạt”. Ông nhấn mạnh: “Nhưng tất cả những cái đó vẫn chưa phải là lao động, đúng theo ý nghĩa của nó. Lao động bắt đầu cùng với việc chế tạo ra công cụ” [74, tr. 648]. Như vậy, chính lao động sáng tạo mới là động lực chính tác động vào quá trình chuyển biến từ vượn thành người và đó cũng là cội nguồn của văn hóa, hay có thể nói, lao động sáng tạo là bản chất của văn hóa. Trong quá trình xây dựng học thuyết và hoạt động cách mạng, trong khi nhấn mạnh vai trò quyết định của kinh tế đối với sự phát triển của xã hội, các ông cũng luôn chú ý đến vai trò quan trọng của yếu tố tinh thần trong phát triển kinh tế - xã hội. Nói cách khác, C.Mác và Ph. Ăngghen một mặt luôn nhấn mạnh vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội, mặt khác, các ông cũng thấy được tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội trong quá trình phát triển.

Kế thừa và phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về văn hóa và xuất phát từ thực tiễn xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.Lênin đã tiếp tục bổ sung và phát triển những vấn đề lý luận về xây dựng nền văn hóa XHCN, hình thành nên hệ thống lý luận của nền văn hóa XHCN. Vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX, khi “Chính sách Cộng sản thời chiến” được thay thế bằng “Chính sách Kinh tế mới” (NEP) và trong bối cảnh “buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về

CNXH đã thay đổi về căn bản”, V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: Trước đây chúng ta đã đặt và không thể không đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền... Ngày nay, trọng tâm ấy đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức “văn hóa” [65, tr. 428]. Quan điểm này đã cho thấy, V.I. Lênin đã vận dụng linh hoạt nguyên tắc lịch sử - cụ thể trong quá trình cách mạng, đặt trọng tâm từng lĩnh vực để giải quyết trong từng giai đoạn cách mạng. Như vậy, theo V.I.Lênin, ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với việc xây dựng nền kinh tế mới, Đảng và Nhà nước của giai cấp vô sản phải bắt tay ngay vào sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới với tinh thần chủ động, tích cực, phải phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho quần chúng lao động. Ông nhấn mạnh, văn hóa là lĩnh vực mang tính khoa học và sáng tạo. Để xây dựng được nền văn hóa mới XHCN, trước hết cần phải kế thừa tất cả giá trị văn hóa được loài người làm ra trong lịch sử. Ở đây, việc thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa hoàn toàn không đồng nhất với việc xóa bỏ những giá trị văn hóa được con người tạo ra trong chế độ đó. Chính vì vậy, ông luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên và toàn bộ giai cấp vô sản phải “thấu hiểu” những điều ấy, phải tự mình biết “thu lượm” những giá trị văn hóa trong quá khứ và biến nó thành nguồn năng lượng mới để xây dựng nền văn hóa XHCN. Quan điểm của V.I.Lênin về việc kế thừa các di sản văn hóa của xã hội cũ vẫn có giá trị lớn trong việc xây dựng nền văn hóa mới XHCN ở Việt Nam hiện nay.

* Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về văn hóa

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là hoạt động sáng tạo và toàn bộ sản phẩm của hoạt động sáng tạo của con người là nhằm đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của nhân loại. Người khẳng định “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [77, tr. 431]. Trong định nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định văn hoá bao gồm những thành quả của sự sáng tạo cả về mặt vật chất và mặt tinh thần nhằm đáp ứng sự tồn tại và phát triển của xã hội

loài người. Văn hóa là một bộ phận hợp thành của xã hội, một trong các thành tố quan trọng gắn chặt với đời sống xã hội. Do đó, công cuộc kiến thiết nước nhà cần phải coi trọng phát triển cả kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, năm 1943 trong “Đề cương Văn hóa”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: nền văn hóa nước ta mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng – đó là nền văn hóa kế thừa, phát huy bản sắc dân tộc, vừa làm giàu cho mình bằng những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” [29, tr. 110-111]. Do đó, cần tập trung mọi nguồn lực để “xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh” [29, tr. 112]. Đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đã được xác định trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 – 2010” là “làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân” [32, tr. 212-213]. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định: “Tăng đầu tư của Nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội” [33, tr. 40] và phải “Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại” [33, tr. 223].

Hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa. Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, Federco Mayor đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của đời sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó cấu thành một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng mình” [11, tr. 5-6].

Tác giả Đào Duy Anh cho rằng, “Văn hóa là phương thức sinh hoạt” [1, tr. 692], “là những giá trị biểu hiện cuộc sinh hoạt mạnh mẽ của loài người trong cả phương diện vật chất, tinh thần và xã hội” [1, tr. 698]. Tác giả Phan Ngọc cho rằng: “Khái niệm văn hóa là một cái gì chỉ dành riêng cho con người và cho mọi con người không liên quan đến trình độ phát triển vật chất và tinh thần của anh ta. Không có xã hội nào lại không có văn hóa, dù xã hội ấy bị xem là lạc hậu, thậm chí “mông muội” đến đâu” [89, tr. 7-8].

Như vậy, khái niệm văn hóa có nội hàm và ngoại diên rất rộng nhưng nhìn chung được xác định ở các mặt cơ bản sau: Các thành tựu của văn hóa vật chất; các thành tựu của văn hóa nhận thức (nhân sinh quan, thế giới quan, triết học, mỹ học, văn học, nghệ thuật…); các thành tựu của văn hóa ứng xử (bao gồm các thang giá trị trong cách ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với con người, với gia đình, với xã hội…); các thành tựu của văn hóa tổ chức đời sống (bao gồm các thang giá trị trong cách tổ chức đời sống gia đình, cộng đồng, xã hội…). Tuy nhiên, cũng không nên xem văn hóa là tất cả mọi thứ do con người tạo ra, văn hóa là những thành tựu được thăng hoa thành vẻ đẹp (chữ văn có nghĩa gốc là vẻ đẹp), và cũng không nên hiểu văn hóa theo nghĩa hẹp, chẳng hạn, nâng cao trình độ văn hóa, thường chỉ dùng để chỉ học vấn, kiến thức hay ngành văn hóa thường chỉ quản lý các thư viện, bảo tàng.

Khái niệm văn hóa chứa đựng nội dung rộng và thường được tiếp cận từ

nhiều ngành khoa học khác nhau, từ những quan niệm trên, có thể hiểu văn hóa

hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được hình thành, lưu truyền và phát triển qua quá trình sáng tạo của con người trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Văn hóa vật chất là sự tổng hợp những tư liệu sản xuất và những giá trị vật chất khác, tùy theo từng trình độ phát triển của xã hội. Văn hóa tinh thần bao gồm những thành tựu của xã hội trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, văn chương, lối sống, tập tục, tín ngưỡng và những quyền cơ bản của con người, trong

tổ chức đời sống và phương thức hoạt động của nhà nước và xã hội, v.v.. Văn hóa tinh thần phản ánh điều kiện sinh hoạt vật chất, nội dung và tính chất do chế độ kinh tế - xã hội quyết định.

Kế thừa quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu đi trước, theo tác giả nội dung cơ

bản của văn hóa tinh thần bao gồm các giá trị, chuẩn mực. Về khái niệm giá trị, mỗi

ngành khoa học có cách tiếp cận khác nhau về giá trị, theo cách tiếp cận triết học, giá trị phải được xác định từ hai phía: phía khách thể - bản thân sự vật với những phẩm chất, thuộc tính khách quan của nó và phía chủ thể - sự đánh giá của con người. Về bản chất, nó là sự thống nhất biện chứng giữa cái khách quan và cái chủ quan. Giá trị được xác định là tất cả những gì đem lại sự phát triển, tiến bộ, tốt đẹp cho con người và xã hội. Hình thức biểu hiện của giá trị rất đa dạng, nó phụ thuộc vào tính đa dạng của các dạng hoạt động và quan hệ xã hội của con người, nhưng nó thống nhất ở tính hữu ích, nó là cái thật, cái đẹp, cái tốt, cái tiên tiến, có tác dụng tích cực góp phần vào việc "nhân đạo hóa" đời sống của con người. Tuy nhiên, cần xem xét giá trị như một hiện tượng xã hội mang tính thực tiễn - lịch sử cụ thể. Mỗi thời đại, dân tộc, cộng đồng có những cách quan niệm khác nhau về giá trị. Trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể, hoặc trong những giai đoạn phát triển xã hội nhất định, giá trị của một sự vật, hiện tượng được xác định như thế này, nhưng trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể khác, giai đoạn khác, nó lại được quan niệm khác. Có những giá trị khi đã trở thành tài sản văn hóa tinh thần chung của nhân loại và của cộng đồng mang ý nghĩa trường tồn,

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 39 - 45)