Nội dung biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 56 - 63)

2.2. Khái niệm và nội dung biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

2.2.2. Nội dung biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

Mọi giá trị, chuẩn mực văn hóa đều mang tính lịch sử, do đó, khi xã hội biến đổi thì tất yếu các giá trị, chuẩn mực văn hóa sớm hay muộn cũng phải biến đổi theo, đó là quy luật của đời sống văn hóa tinh thần. Các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, do đó, cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Có thể khái quát nội dung biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản trong gia đình Việt Nam hiện nay ở một số điểm chủ yếu sau:

* Sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng

Trong xã hội truyền thống, do chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo nên quyền lực của người đàn ông trong gia đình được đề cao, họ là người chủ gia đình, nắm

quyền sở hữu tài sản, đảm nhận các công việc nặng nhọc và quyết định các công việc quan trọng của gia đình. Trong khi đó, người phụ nữ chủ yếu làm công việc nội trợ, ở vị trí thấp hơn và phải phục tùng sự chỉ đạo của người chồng. Trong gia đình, người chồng là đại diện hợp pháp duy nhất về mọi mặt trước dòng họ, cộng đồng, nhà nước. Nhìn chung, các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng khá đa dạng, trong đó nổi bật là sự hòa thuận, tình nghĩa, thủy chung, do đó, sự bất hòa, mâu thuẫn giữa vợ và chồng hay sự bạc tình, thờ ơ, thiếu trách nhiệm sẽ bị lên án gay gắt và là điều không thể chấp nhận được trong GĐTT. Bên cạnh đó, GĐTT đòi hỏi người phụ nữ phải luôn giữ gìn trinh tiết và lòng trung thành tuyệt đối với người chồng, trong khi đó, nó lại không đặt ra yêu cầu đối với người chồng. Điều đó thể hiện sự bất bình đẳng sâu sắc trong GĐTT.

Thực tế cho thấy, các giá trị, chuẩn mực văn hóa trong GĐTT điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng như tình nghĩa, hòa thuận, thủy chung, v.v.. cần phải được lưu giữ trong VHGĐ Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, nội hàm của các giá trị, chuẩn mực văn hóa đó cần có sự biến đổi cho phù hợp với điều kiện mới. Chẳng hạn, khi đề cập đến chuẩn mực hòa thuận giữa vợ và chồng trong GĐTT, người ta dễ bỏ qua chiều cạnh bạo lực của người chồng đối với người vợ. Để giữ được hạnh phúc, hòa thuận trong gia đình thì người vợ thường phải nhẫn nhịn, chịu đựng, thậm chí phải hy sinh quyền lợi của mình, đó là nguyên nhân tạo nên sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa vợ và chồng. Hoặc chuẩn mực thủy chung cũng chỉ đặt ra đối với người vợ trong khi lại nới lỏng đối với người chồng, thậm chí, người chồng có nhiều vợ lại được đánh giá cao trong xã hội “trai tài thì lấy năm, bảy vợ; gái chính chuyên thì chỉ có một chồng”, v.v..

Điều đó cho thấy, các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng mang tính lịch sử. Trong mối quan hệ giữa vợ và chồng hiện nay, có không ít giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT không còn phù hợp và đang dần bị xã hội đào thải, vượt qua, bị dư luận xã hội phê phán như tư tưởng gia trưởng, độc đoán của người chồng; có những giá trị, chuẩn mực đang dần biến đổi cho phù hợp với văn hóa của gia đình mới trong điều kiện mới như chung thủy, hòa thuận; có những giá trị, chuẩn mực VHGĐ mới được tiếp thu từ nền văn hóa phương Tây, đặc biệt là tính bình đẳng, dân chủ trong quan hệ giữa vợ và chồng. Như vậy, xét về bản chất, mối quan hệ giữa vợ và chồng trong gia

đình Việt Nam hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa, trong đó nổi bật là tính bình đẳng, dân chủ, thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận, tôn trọng cá tính và lối sống của nhau, thấu hiểu, cảm thông và hỗ trợ nhau, cùng phấn đấu để cả vợ và chồng được nâng cao về trình độ, có việc làm và thu nhập, chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc và giáo dục con cái.

* Sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, ông bà với các cháu

Trong xã hội truyền thống, “Từ” và “Hiếu” là những giá trị, chuẩn mực văn hóa cơ bản điều chỉnh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, “Phụ từ, tử hiếu”. “Từ” biểu hiện ở tình thương và trách nhiệm của cha mẹ, ông bà đối với con cháu. Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ, ông bà phải có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con cháu nên người, sống có tình, có nghĩa, v.v.. Cha mẹ phải có đức tính hy sinh, sống bao dung, tu dưỡng bản thân, làm việc thiện và xây dựng nền nếp gia phong để truyền lại cho con cháu. Khi con cháu đã trưởng thành, cha mẹ, ông bà có trách nhiệm lựa chọn và quyết định người bạn đời cho con cái, theo nguyên tắc “Môn đăng, hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, v.v..

“Hiếu” được xem là một trong những nguyên tắc đạo đức căn bản đối với mỗi người trong xã hội truyền thống. Trong gia đình, con cháu phải giữ tròn đạo hiếu, phục tùng tuyệt đối các quyết định của cha mẹ, ông bà. Đạo hiếu đặt ra nhiều yêu cầu đối với con cái. Một là, trong gia đình, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ khi về già và tế tự khi cha mẹ mất. Khổng Tử nói: “Khi cha mẹ sống thì theo lễ mà phụng sự cha mẹ, khi cha mẹ chết thì theo lễ mà an táng, và khi cúng tế cũng phải theo đúng lễ” [105, tr. 245]. Điều đó có nghĩa là phận làm con phải có hiếu với cha mẹ không những lúc còn sống, mà cả khi cha mẹ đã mất. Hai là, là con trai trong gia đình phải có khả năng và điều kiện để kế tục sự nghiệp của cha, có như thế mới là nhà có phúc. Cha có con trai thì con cũng phải có con trai, nghĩa là ông phải có cháu trai, nếu không được như thế thì bị coi là nhà vô phúc và người con trai đó bị coi là bất hiếu. Ba là, phận làm con trong gia đình không được phép trái lời cha mẹ. Tư tưởng đạo hiếu trong Nho giáo còn yêu cầu người con có hiếu còn phải là người biết khéo tiếp nối được cái chí của cha mẹ, biết khéo noi gương được việc làm của cha mẹ, biết phân biệt để xem những cái nào hay thì theo, cái nào dở thì bỏ. Khổng Tử nói: “Xét người con thì khi cha còn sống, xem chí hướng của

người ấy, khi cha chết thì xem hành vi của người ấy. Ba năm không thay đổi so với đạo của cha thì có thể gọi là hiếu vậy” [105, tr. 225].

“Hiếu” là thước đo chuẩn mực đạo đức của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Pháp luật phong kiến khép người phạm tội bất hiếu (mắng chửi, không phụng dưỡng ông bà, cha mẹ; có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi như thường lệ) và tội ác nghịch – cao hơn tội bất hiếu (đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ và những người ngang hàng với ông bà, cha mẹ) vào “thập ác” (mười tội nặng phải chịu chết). Mặc dù chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng chuẩn mực đạo hiếu trong gia đình Việt Nam vẫn có những nét riêng. Đạo hiếu thể hiện ở tình cảm cao quý, nhân bản của con cháu biết ơn công sinh thành, dạy dỗ, tự giác chăm nom, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, thuốc men khi đau ốm, tang ma chu đáo và luôn ghi nhớ công ơn khi đã khuất. Đạo hiếu của người Việt không hoàn toàn là sự phục tùng cha mẹ một cách cứng nhắc như Nho giáo truyền thống. Khi cha mẹ làm điều gì trái với đạo lý thì con cái phải ôn hoà mà can ngăn. Nếu cha mẹ không nghe thì lại tỏ lòng cung kính và hiếu thảo, rồi dần lựa lời mà nói cho cha mẹ biết lẽ phải để sửa đổi lại.

Trong VHGĐ Việt Nam hiện nay, các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu về cơ bản vẫn bảo lưu được nhiều giá trị, chuẩn mực của GĐTT, tuy nhiên, nó cũng đang dần biến đổi. Hiện nay, tính độc đoán, áp đặt một chiều ngày càng nhường chỗ cho tính dân chủ, bình đẳng trong mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu. Cha mẹ, ông bà tôn trọng nhân phẩm của con cháu trên cơ sở quyền con người và quyền bình đẳng giới. Cha mẹ phải là “người bạn” lớn để tâm sự, chia sẻ với con cái; biết lắng nghe ý kiến và cho phép con cái tham gia ý kiến vào những vấn đề liên quan đến bản thân và các công việc chung của gia đình. Cha mẹ đối xử công bằng, bình đẳng giữa các con, tránh định kiến về giới, khuyến khích, khen thưởng khi con cái làm được việc tốt; có tấm lòng bao dung, lời lẽ chuẩn mực để giáo dục con cái khi mắc lỗi. Tôn trọng các quyết định của con cái, trong đó có quyết định về việc lựa chọn người bạn đời, v.v..

Cho đến nay, việc thực hiện đạo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà vẫn được coi trọng và là một truyền thống văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, chữ hiếu hiện nay cần được vận dụng sáng tạo, linh hoạt hơn, không nặng nề như trong GĐTT. Đạo hiếu biểu hiện chủ yếu ở lòng biết ơn, kính trọng, yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà. Hiện nay, do sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội,

nhịp điệu của lối sống công nghiệp ngày càng nhanh, trách nhiệm xã hội ngày càng đè nặng lên vai các cá nhân nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến việc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi tuổi cao, sức yếu. Hình thức phụng dưỡng cha mẹ, ông bà hiện nay đa dạng hơn so với GĐTT, khi cha mẹ, ông bà ở chung thì con cháu có thể trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng, thêm vào đó, hiện nay còn có các dịch vụ xã hội để hỗ trợ con cháu. Nếu cha mẹ, ông bà ở riêng thì con cháu mặc dù không trực tiếp chăm sóc nhưng vẫn thường xuyên hỏi han, thăm nom, lo lắng khi đau ốm, phụ giúp tiền bạc cho cha mẹ, ông bà, v.v.. Như vậy, dù xã hội có nhiều biến đổi nhưng các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa con cháu đối với cha mẹ, ông bà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, trong đó nổi bật là lòng biết ơn, sự kính trọng, lòng hiếu thảo, sự quan tâm và trách nhiệm của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, chỉ có điều hình thức biểu hiện các giá trị, chuẩn mực văn hóa đó đã có sự thay đổi để phù hợp hơn với điều kiện, năng lực của cá nhân, gia đình và xã hội mới.

* Sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa anh chị em với nhau

Nho giáo coi quan hệ anh em là một trong năm quan hệ căn bản nhất của con người, từ đó xác lập chuẩn mực Đễ để điều chỉnh mối quan hệ này. Đễ là sự thương yêu, tôn kính, nhường nhịn giữa anh chị em với nhau, coi anh chị em ruột quý hơn tài sản, là tình cảm thiêng liêng sau tình cảm cha mẹ. Đễ là yêu cầu và là chuẩn mực đạo đức điều chỉnh mối quan hệ giữa anh chị em với nhau. Một người anh có đễ là một người anh biết thương yêu và có trách nhiệm đối với các em. Trách nhiệm đó càng trở nên nặng nề khi cha mẹ mất sớm và các em chưa trưởng thành. Khi đó người anh có vai trò và trách nhiệm như người cha. Do gia đình là một thể thống nhất nên chữ hiếu và chữ đễ có quan hệ mật thiết với nhau. Việc thực hiện trách nhiệm đối với các em cũng đồng thời là một trong những yêu cầu, nội dung của việc thực hiện đạo hiếu ở người anh. Cũng như vậy, người em có đễ là người em biết kính trọng, yêu thương và đặc biệt là biết vâng lời người anh. Thực hiện đễ đối với anh cũng chính là thực hiện một yêu cầu của đạo hiếu đối với cha mẹ. Trong GĐTT, giáo dục gia đình có vị trí, vai trò quan trọng, thông qua giáo dục gia đình, trẻ em được thực hiện quyền, bổn phận theo vai trò, thứ bậc; tính tôn ti, trật tự trong gia đình, họ tộc rất được coi trọng.

Ngoài chữ đễ, chuẩn mực hoà thuận điều chỉnh mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình cũng được đề cao, nó đòi hỏi anh em phải thương yêu, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nó không chỉ là nhu cầu nội tại của gia đình mà còn là nhu cầu của họ hàng. Cha mẹ luôn mong muốn con cái nên người, có cuộc sống hạnh phúc, do đó cũng luôn mong muốn con cái hoà thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Ngược lại, con cái muốn cha mẹ vui lòng, nghĩa là muốn làm tròn đạo hiếu thì ngoài việc phụng dưỡng cha mẹ thì còn phải hoà thuận với nhau, có như vậy thì chữ hiếu mới được trọn vẹn. Sự hoà thuận giữa anh chị em là một trong những điều kiện để hoà thuận trong gia đình và nó cũng là một đòi hỏi của GĐTT.

Tuy nhiện, thực chất, trong GĐTT, mối quan hệ giữa anh chị em luôn tồn tại sự bất bình đẳng. Người anh trai cả có vị trí cao, chỉ đứng sau cha, khi cha mất thì anh thay cha quyết định mọi việc trong gia đình, “quyền huynh thế phụ”. Khi uy quyền được trao cho người anh thì cũng là lúc người anh phải gánh vác trách nhiệm thay cha để chăm sóc, khuyên bảo, dạy dỗ các em khôn lớn thành người. Chính sự gắn bó, trách nhiệm và tình thương yêu, đùm bọc đã gắn kết anh chị em trong gia đình thành một khối thống nhất.

Trong văn hóa của gia đình Việt Nam hiện nay, chuẩn mực đễ ngoài những yếu tố tích cực thì cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Nếu loại bỏ yếu tố gia trưởng, bất bình đẳng và phát huy được các giá trị, chuẩn mực như tinh thần trách nhiệm, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, v.v.. giữa anh chị em với nhau thì nó vẫn có tác dụng lớn để điều chỉnh mối quan hệ anh chị em trong gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, do sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là tiếp thu được văn hóa gia đình phương Tây nên không ít giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ anh chị em trong gia đình Việt Nam hiện nay biến đổi, đặc biệt, mối quan hệ này được bổ sung thêm các giá trị, chuẩn mực mới như: bình đẳng, dân chủ; sự hòa thuận – thể hiện ở sự thương yêu, thấu hiểu, nương tựa vào nhau; sự tôn trọng – biểu hiện ở sự kính trọng đối với anh chị, bao dung đối với các em; sự hợp tác và tương trợ giữa anh chị em trong gia đình – biểu hiện anh chị em cùng hợp tác, tương trợ để xây dựng gia đình, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, v.v.. Điều đó không có nghĩa là trong mối quan hệ anh chị em trong GĐTT không chứa đựng các giá trị, chuẩn mực văn hóa này mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, những giá trị, chuẩn mực văn hóa đó hiện nay được biểu hiện đậm nét hơn, nó không chỉ là

chuẩn mực đạo đức của xã hội mà còn là quy định của pháp luật nên buộc các thành viên trong gia đình phải thực hiện.

* Sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa gia đình với dòng họ, cộng đồng

Dòng họ là sự tiếp nối tự nhiên của gia đình theo quan hệ huyết thống, nó có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Xét về huyết thống thì dòng họ gồm những người cùng chung ông tổ nên mọi thành viên phải cùng nhau

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 56 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)