Khái niệm biến đổi văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 53 - 56)

2.2. Khái niệm và nội dung biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

2.2.1. Khái niệm biến đổi văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay

Biến đổi VHGĐ nằm trong biến đổi văn hóa và biến đổi xã hội . Biến đổi là một khái niệm nhằm để chỉ quá trình vận động, chuyển hóa từ dạng thức này sang dạng thức khác. Khi đề cập đến khái niệm biến đổi, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh đến tính quá trình, nghĩa là thể hiện sự vận động, nó có thể tiến dần, tiệm cận dạng thức khác, hoặc vận động để trở thành dạng thức khác. “Biến đổi các giá trị văn hóa chỉ sự chuyển dịch, thay thế từng khía cạnh hay toàn bộ một hay nhiều giá trị vốn có nào đó” [35, tr. 5]. Sự biến đổi đó biểu hiện: bảo tồn cái đã thu thập trong quá khứ, đồng hóa có chọn lọc cái hiện tại và sáng tạo những cái mới của tương lai.

Hiện nay, khi đề cập đến biến đổi văn hóa, khuynh hướng chung của các nhà nghiên cứu là đặt biến đổi văn hóa trong ảnh hưởng mạnh mẽ của toàn cầu hóa; của những quá trình giao lưu vượt ra khỏi phạm vi quốc gia; của những xã hội đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp. Nhà nhân học người Mỹ S. Spindler [148] đã chỉ ra mối quan hệ giữa biến đổi văn hóa và văn hóa truyền thống. Nghiên cứu của ông với mô hình lớn của sự biến đổi văn hóa, xã hội, trong đó ông xác định ba cấp độ phân tích (văn hóa, xã hội, cá nhân) trong những quá trình biến đổi đa dạng. Ông quan tâm đến những nhân tố gây ra sự biến đổi cả bên trong và bên ngoài hệ thống. Ở những mô hình nhỏ hơn, tác giả đã phân tích sự đổi mới, truyền bá, tiếp biến văn hóa cùng với các khía cạnh biến đổi tâm lý, văn hóa cộng đồng. Điểm nổi bật là ông đã chỉ ra tính biến đổi song hành cùng tính bền bỉ của văn hóa, mặc dù kinh tế phát triển mang đến sự biến đổi thì văn hóa truyền thống tiếp tục thể hiện là những dấu ấn bền vững trong đời sống xã hội. Như vậy, sự biến đổi văn hóa trong xã hội hiện nay là quá trình đa chiều, đa dạng, phụ thuộc vào sự lựa chọn của từng xã hội cụ thể với sự chi phối của văn hóa truyền thống.

Ở mức độ cụ thể hơn, sự biến đổi văn hóa được tìm hiểu trong quá trình hiện đại hóa gắn liền với sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở những xã hội đang chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp, từ xã hội truyền thống

sang xã hội hiện đại. Tiếp cận vấn đề này, Samuel P. Huntington đã chỉ ra sự khác biệt tương đối giữa xã hội nông nghiệp so với xã hội công nghiệp. Đó là, xã hội nông nghiệp chiếm ưu thế là tính đặc thù, ổn định, hạn chế không gian di chuyển, sự phân biệt nghề nghiệp tương đối đơn giản. Trong khi đó đặc trưng của xã hội công nghiệp là tính phổ quát, sự biến đổi nhanh chóng ở mức độ cao, hệ thống nghề nghiệp phát triển mạnh, phổ biến tầng lớp trung lưu và sự thịnh hành của các hiệp hội. Từ việc chỉ ra sự khác biệt, ông cho rằng: “Sự lưỡng phân vĩ đại giữa xã hội hiện đại và truyền thống chính là quá trình hiện đại hóa” [146, tr. 7], tuy nhiên, không tuyệt đối yếu tố kinh tế nên ông nhấn mạnh những giá trị văn hóa có ảnh hưởng lâu dài và tự trị trong xã hội.

Cùng với hướng nghiên cứu này, Ronald Inglehart và Wayne E. Baker đã phân tích về hiện đại hóa và biến đổi văn hóa. Theo các tác giả, nếu như khái niệm hiện đại hóa được gắn liền với những mô hình phát triển ở phương Tây và Mỹ thì chỉ trong một vài thập kỷ cuối của thế kỷ XX cho đến nay, sự phát triển và tăng trưởng nổi trội của các xã hội ngoài phương Tây và Mỹ đã khiến cho các nhà khoa học cần thiết phải nhìn lại nhiều khía cạnh quan trọng của hiện đại hóa. Theo các tác giả: “Sự phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây gắn với sự thịnh hành một cách đối lập hai trường phái quan điểm: Thứ nhất, nhấn mạnh sự hội tụ của những giá trị như là kết quả của hiện đại hóa, sự vượt trội của các động lực kinh tế, chính trị đã khiến cho văn hóa biến đổi. Vì thế, có thể đoán định trước được sự suy tàn của những giá trị truyền thống và sự thay thế của những giá trị hiện đại. Thứ hai, nhấn mạnh sự bền bỉ của những giá trị truyền thống bất chấp sự biến đổi kinh tế, chính trị, những giá trị này tương đối độc lập với sự phát triển kinh tế. Vì thế, có thể tiên đoán rằng sự hội tụ của một số tập hợp những giá trị hiện đại là không chắc chắn và những giá trị truyền thống sẽ tiếp tục đưa đến sự ảnh hưởng độc lập đến sự biến đổi văn hóa có nguyên nhân từ sự phát triển kinh tế [147, tr. 20].

Thực tiễn đã chứng minh rằng, sự phát triển của kinh tế đã, đang và sẽ là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy xã hội biến đổi, trong đó có sự biến đổi của văn hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi khẳng định vai trò quyết định của tồn tại xã hội đối với ý thức xã hội thì C.Mác cũng đã luôn nhấn mạnh đến tính độc lập tương đối của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội trong quá trình phát triển, trong đó tính lạc hậu và tính kế thừa của ý thức xã hội có tác động mạnh mẽ đối với những xã hội đang

trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ truyền thống sang hiện đại.

Từ việc điểm qua một số quan điểm về biến đổi văn hóa cho thấy, mặc dù quan điểm về biến đổi văn hóa có sự khác nhau nhưng tựu trung lại các nhà nghiên cứu đều thống nhất coi biến đổi văn hóa là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội loài người. Sự biến đổi văn hóa đã và đang diễn ra đa dạng , ở nhiều cấp độ và theo nhiều hướng khác nhau , tuy nhiên , thực tế cho thấy , sự biến đổi nhanh hay chậm ở mỗi quốc gia, vùng, miền, địa phương lại phụ thuộc chặt chẽ vào quá trình phát triển của kinh tế , của quá trình CNH và sự tiếp biến với văn hóa phương Tây.

Theo cách tiếp cận của tác giả, nghiên cứu VHGĐ thực chất là nghiên cứu các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản trong gia đình. Do đó, nghiên cứu sự biến đổi của VHGĐ là đề cập đến quá trình kế thừa và cải tạo các giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình phương Tây hiện đại để xây dựng được hệ thống các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Trong phạm vi của luận án, tác giả tập trung nghiên cứu sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh mối quan hệ giữa vợ và chồng; cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu; anh chị em với nhau; gia đình với dòng họ, cộng đồng.

Thực tế cho thấy, GĐVN hiện nay còn bảo lưu được nhiều nét đẹp văn hóa của GĐTT, tuy nhiên, những giá trị, chuẩn mực văn hóa đó không bất biến mà luôn vận động, biến đổi về nội dung cũng như hình thức biểu hiện. Nhìn chung, sự biến đổi này nằm ở dạng thức: Đó là duy trì hoặc cải tạo, thay thế những giá trị, chuẩn mực cũ, lạc hậu, không còn phù hợp với gia đình và xã hội mới; tiếp thu, bổ sung, làm giàu thêm những giá trị, chuẩn mực văn hóa mới để tạo nên tính tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Nếu đánh giá một cách khách quan thì sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐVN hiện nay vẫn chưa dẫn đến tan rã các giá tri ̣, chuẩn mực văn hóa của GĐVN truyền thống mà chỉ là sự biến đổi ít hay nhiều, chủ yếu là sự biến đổi có tính tiệm tiến chứ chưa phải là những biến đổi mang tính cách mạng, điều đó phản ánh đúng tính lạc hậu tương đối của ý thức xã hội so với tồn tại xã hội và cũng phản ánh đúng tính chất “quá độ” về chính trị, kinh tế, xã hội ở Việt Nam những năm vừa qua.

Từ những vấn đề đã phân tích ở trên, có thể hiểu biến đổi VHGĐ Việt Nam hiện nay là sự chuyển dịch, thay thế từng khía cạnh hoặc toàn bộ các giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT, đồng thời tiếp thu, cải biến và sáng tạo ra các giá trị, chuẩn mực VHGĐ mới để điều chỉnh quan niệm, thái độ và hành vi của các chủ thể trong các mối quan hệ gia đình, giữa gia đình với dòng họ, cộng đồng.

Như vậy, sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam hiện nay là một quy luật của đời sống gia đình. Trong quá trình chuyển đổi của điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự biến đổi của quy mô, cấu trúc, chức năng của gia đình thì sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT và sự hình thành các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình mới cũng là một tất yếu. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan, không phải mọi sự biến đổi các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình Việt Nam hiện nay đều đồng nhất với tiến bộ và ngược lại. Điều đó cho thấy, cần phải có tư duy biện chứng khi xem xét, đánh giá sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam hiện nay để phát huy cái tích cực, cái tiến bộ, đồng thời phải lọc bỏ những cái hạn chế, không phù hợp với văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc. Sự biến đổi của VHGĐ Việt Nam phải theo xu hướng chung đó là phải thiết lập được các mối quan hệ trong gia đình ngày càng bền vững hơn; gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giữ gìn, chọn lọc, cải biến những giá trị, chuẩn mực văn hóa của GĐTT; tiếp thu, phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình mới, đặc biệt là chuẩn mực dân chủ, bình đẳng để điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Sự biến đổi của văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay (Trang 53 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(177 trang)