CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1. Cơ sở văn hóa xã hội
2.1.3. Văn du ký và đời sống báo chí
Ai cũng nhận thấy báo chí có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Cách nay khoảng một nửa thế kỷ, Phạm Thế Ngũ đã viết về vai trò của hoạt động báo chí, xuất bản trong tiến trình hình thành nền văn học mới khác văn học truyền thống: “Xưa đối với nho gia, trung tâm văn học là khu lều chõng ba năm mở một lần, là nơi thầy đồ bình văn giảng sách, là nơi thi hữu xướng họa vịnh ngâm. Nay trung tâm ấy chuyển ra nơi tòa báo, nhà xuất bản, tiệm sách, thư viện, chỗ xuất phát những ấn phẩm có khả năng khích động những tư trào lôi cuốn xã hội vào những biến đổi sôi nổi” [122, 96-97].
Theo Phạm Thế Ngũ, trong nhiều vai trò mà báo chí quốc ngữ đảm nhiệm ở đầu thế kỷ XX, có một vai trò làm nơi luyện tập quốc văn. “Tờ báo nhất là tờ tạp chí còn là chỗ tập hợp và tuyển lựa những người cầm bút, chỗ để cho họ luyện văn và tác phẩm mới trong buổi đầu này. Những nhà văn có sự nghiệp trong giai đoạn này- nhất là hai đại gia Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh -đều là nhà báo cả. Họ dùng cột báo làm chỗ luyện tập câu văn và viết dần những tác phẩm của họ. Quốc văn chưa vững, độc giả chưa nhiều, nên thời này chưa có những nhà xuất bản chuyên sản xuất sách. Văn học nhất là trước 1925 chỉ mới có ở báo chí” [122].
Số lượng báo chí ở các ba miền Bắc, Trung và Nam năm 1923 có 71 tờ; vào năm 1934 lên tới 227 tờ, và đến năm 1937 tổng cộng có 269 tờ báo, kỷ yếu, tạp chí
[131, 55]. Con số này rất có ý nghĩa nếu ta hình dung thời trung đại, nhà nho không có báo chí.
Vì sao báo chí ra đời và phát triển thì văn du ký được đẩy mạnh? Vương Trí Nhàn lý giải khá thỏa đáng: báo chí ra đời vào những năm 20 và 30 của thế kỷ XX, đội ngũ làm báo còn rất mỏng, nguồn tin trong nước và thế giới còn rất hạn hẹp, lực lượng viết báo chính là các nhà văn. Về mặt nghề nghiệp mà xét, bấy giờ không có sự phân biệt quá rõ rệt giữa nhà văn và nhà báo. Các tác giả vừa viết văn làm báo để đáp ứng yêu cầu bài vở đa dạng. “Sự gần gụi giữa văn học và báo chí đúng hơn là tình trạng văn sử triết bất phân lúc ấy bên cạnh những mặt hạn chế suy cho cùng lại là nhân tố làm cho báo chí trở nên sinh động và trong số các thể loại văn học, mấy thể văn rất gần với báo tồn tại trước tiên trên mặt báo như bút ký, du ký, phóng sự lại tìm được điều kiện lý tưởng để nảy nở” [131, 56].
Khi văn du ký là một dạng văn báo chí, nó phải đáp ứng được những thay đổi trong cuộc sống. Vương Trí Nhàn viết “Nay thì quan niệm sống của người ta đã khác, nên viết cũng phải khác. Câu hỏi có tính chất ám ảnh bây giờ là: ta đang sống như thế nào? Chung quanh ta đang diễn ra những chuyện gì? Cách sống của cổ nhân cần được hiểu, cần được nghiên cứu nhưng không hẳn đã là mẫu mực để theo. Con người phải dò tìm cái cách tồn tại cho bản thân. Người ta không chỉ cần lời khuyên, người ta trước tiên muốn biết hình ảnh của chính mình. Báo chí và các phương tiện truyền thông phải trở nên tấm gương để con người tự nhận thức. Nếu các tin tức bài vở lặt vặt nhỏ lẻ, đã thỏa mãn ham muốn tò mò, thì những ký sự, phóng sự tương đối dài đưa ra những toàn cảnh rộng lớn, kèm theo sự phân tích tỉ mỉ, mới thật làm cho người ta biết mình một cách đầy đủ” [131, 59]. Những điều trên bàn về ký sự, phóng sự nhưng cũng rất thích hợp cho văn du ký, một tiểu loại của ký sự.
Trước Vương Trí Nhàn vài chục năm, Phạm Thế Ngũ từng có một nhận xét đáng chú ý rằng bước đầu văn quốc ngữ phải qua một giai đoạn tập dượt nên văn du ký có vai trò rất lớn trong cuộc tập dượt này, bên cạnh văn học dịch, để xây dựng một nền văn xuôi hiện đại. Luận điểm quan trọng của ông là chính ký sự, trong đó có du ký, đã chuẩn bị cho một thể loại thuộc hàng chủ đạo của văn học
nửa đầu thế kỷ XX-tiểu thuyết. Ông đặt tên cho một tiểu mục trong cuốn sách của mình, chương V Sự hình thành của tiểu thuyết mới là Bước đầu của tiểu thuyết
mới: những thiên ký sự. Theo ông, ký sự có các tiểu loại như nhật ký, hồi ký, du
ký, mộng ký. Tất nhiên, việc phân loại chỉ có tính tương đối, trong văn du ký có thể có cả nhật ký, hồi ký. Nhưng quan điểm của Phạm Thế Ngũ về vai trò của ký sự chuẩn bị cho tiểu thuyết mới là xác đáng. Bởi theo ông, trong ký sự có đủ mọi hình thái của tiểu thuyết như tiểu thuyết đòi hỏi có cốt truyện thì ký sự chính là kể chuyện, có điều là câu chuyện còn ở dạng nguyên chất chưa chế hóa thành tiểu thuyết; ký sự thuật việc cũng có nét tương tự như chất phiêu lưu của tiểu thuyết; ký sự cũng như tiểu thuyết bao gồm đủ các giọng điệu, các lối văn, tả cảnh, tả tình, đối thoại, độc thoại. “Đại để đó đều là những lối ký sự và đều có thể coi như một hình thức tối giản của tiểu thuyết” và “viết ký sự còn có thể coi như một công việc luyện tập viết văn. Bởi vậy nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy, ở giai đoạn học tập sáng tác này, trước khi có những tiểu thuyết chân chính, lối ký sự này đã rất thịnh hành” [122, 293-294].
Luận điểm của Phạm Thế Ngũ là trùng hợp với Percy G. Adams, tác giả công trình Văn học du lịch và sự tiến hóa của tiểu thuyết [276]. “Hình thức tự sự du lịch, récit de voyage không đơn giản chỉ là loại nhật ký ở ngôi thứ nhất, hay bức ảnh chụp cái thế giới mà nhà du lịch nhìn thấy…Nhà du lịch giống như nhà tiểu thuyết có hàng ngàn công thức và hình thức để lựa chọn khi viết về một chuyến đi, dù anh ta có ý định công bố hay không” [276, Preface, ix]. Văn du ký xuất hiện trước và sự đa dạng của các hình thức tự sự mà nhà văn du lịch lựa chọn mở đường cho tiểu thuyết hiện đại mà nhà nghiên cứu này gọi là “đế quốc” vì nó xâm lấn mọi đường biên thể loại.
Như vậy, do sự phát triển của báo chí trong buổi đầu mà văn du ký (cũng như các thể ký khác) phải gánh vác vai trò thỏa mãn nhu cầu người đọc, nhưng chính sự tồn tại của ký sự lại đã tập dượt cho tiểu thuyết mới, kiểu hiện đại ra đời. Quan hệ qua lại giữa báo chí, ký sự, tiểu thuyết có thể xem như ba chân kiềng của văn học nửa đầu thế kỷ XX.