CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Diễn biến của văn du ký
Văn du ký, cũng như bất cứ một hiện tượng văn hóa xã hội nào, có một lịch sử của mình. Để phác họa diễn biến trong khoảng thời gian nửa thế kỷ của văn du ký, chúng ta cần chú ý trước hết đến các nhân tố lịch sử chính trị xã hội và văn hóa qui định sự ra đời, tồn tại cũng như tôn chỉ, mục đích của các tờ báo là nơi công bố các áng văn du ký.
Điều cần phải nói trước hết là các báo đăng văn du ký đều là thuộc báo chí công khai, được phép xuất bản, có những tờ như Đông Dương tạp chí hay Nam
phong còn do người Pháp chủ trương, giao cho người Việt điều hành. Trong hoàn
cảnh phong trào văn hóa yêu nước như Đông kinh nghĩa thục bị cấm năm 1908 sau các cuộc vận động chống thuế ở Trung kỳ, các cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp thất bại (ví dụ, cuộc đánh bom của Việt Nam quang phục hội vào khách sạn Hà Nội 1913 và cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 của Việt Nam quốc dân đảng) thì dễ hiểu là nhiều trí thức đã sớm nhận ra tầm quan trọng của báo chí với tư cách là một phương tiện truyền bá kín đáo tư tưởng yêu nước, tư tưởng canh tân, mở mang dân trí. Vì thế, ngay cả khi các tờ báo do người Pháp lập, nhưng giao cho người Việt điều hành thì các tờ báo đó trở thành “công cụ vô thức của lịch sử” như chữ thường dùng của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương, không đơn giản chỉ thuần túy là công cụ nô dịch của thực dân Pháp. Phạm Thế Ngũ đã đúng khi ông nhận xét về Đông Dương tạp chí:“Tất nhiên đối với Schneider và những người Pháp đứng sau tờ Đông Dương tạp chí, thì mục tiêu chính trị là quan yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, đứng đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng báo để làm nơi tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng văn học mới” [122, 119]. Vẫn nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ nhận xét về Nam phong:
cuộc “bảo hộ” của họ nhưng về phía người Việt Nam, không phải họ chỉ biết đơn giản nhất nhất phục vụ cho mục tiêu ấy. Ông cho rằng Phạm Quỳnh, ngoài việc phục vụ cho Pháp, đã đặt ra ba mục tiêu: lợi dụng tờ báo để bồi bổ cho quốc văn, đủ để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây; xây dựng một nền học thuật mới thay cho Hán học suy tàn; gây lấy trong quốc dân một chủ nghĩa quốc gia ôn hòa dựa trên cơ sở văn hóa [122, 142-143].
Nếu từ góc độ đó để nhìn các báo tạp chí buổi đầu đăng văn du ký thì ta sẽ hiểu sâu sắc hơn vì sao đề tài thăm viếng các địa điểm du lịch nổi tiếng của người Việt Nam được ưu tiên. Viết về các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di tích lịch sử liên quan đến các danh nhân, anh hùng nghĩa sĩ của Việt Nam rõ ràng là một cách kín đáo bày tỏ lòng yêu nước. Một phương diện khác, một số lễ hội truyền thống đã được nhìn từ quan điểm phát triển hiện đại, thấy những yếu tố lạc hậu, phản văn hóa của một số phong tục. Đông Dương tạp chí ra mắt năm 1913 đã sớm đăng Hương Sơn hành trình liên tiếp các số 41,42,43,44,45 (1914) một áng văn du ký hiện đại. Với chủ trương canh tân đất nước, ông sớm có con mắt phê phán những biểu hiện phản văn hóa của một số lễ hội truyền thống. Thực ra bài viết này ông đã thực hiện bằng Pháp văn từ 1909 và nay tự dịch ra tiếng Việt. Ông kể lại những điều chướng tai gai mắt đầy ngụ ý phê phán lễ hội chùa Hương trong số 45 như; hàng trăm hàng ngàn phụ nữ đi cầu tự tranh nhau, xéo đạp, chửi nhau; món ăn xung quanh rặt những cá bốc mùi tanh tưởi bên cạnh tượng Phật; các me Tây đi chùa có sư trẻ (“sư ông non” theo từ dùng của tác giả) dẫn đi, vừa đi vừa nô đùa sằng sặc; “đi lễ chùa chiền là chỗ các bà ganh nhau tốn kém, mà mấy sư ông vả lại cũng chưa quên hẳn sự đời”… Những vấn đề đáng phê phán của lễ hội nhìn từ tư duy khoa học hiện nay vẫn đang được đặt ra ở nước ta.
Văn du ký trên Nam phong đa dạng hơn, phản ánh chủ trương văn hóa của Phạm Quỳnh cũng đa chiều hơn so với Đông Dương tạp chí. Cũng viết về chuyến du lịch chùa Hương song bài văn du ký Chảy chùa Hương [Nam phong, s. 23-1919] viết về cả hai phương diện được và chưa được của lễ hội chùa Hương, là một ví dụ tiêu biểu cho thấy chủ trương dung hòa Đông-Tây của Nam phong. Trong bài ký này, Phạm Quỳnh dành cảm tình cho nhiều đặc điểm văn hóa truyền thống, từ đạo
Phật đến hội họa và thơ Đường đồng thời cũng quan sát phê phán những biểu hiện lộn xộn, vô văn hóa của lễ hội. Dung hòa Đông-Tây là một chủ trương quán xuyến của Nam phong và nói riêng trong văn du ký trên Nam phong. Dễ hiểu là trong chuyên mục Tồn cổ lục do Nguyễn Hữu Tiến phụ trách, giữa những áng thơ văn trung đại được dịch, phiên âm (nếu là văn Nôm), lại có một số áng văn du ký của Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án. Và cũng có thể gặp các áng văn du ký mới
như Pháp du hành trình nhật ký trong đó một mặt có những ngụ ý phê phán người
Pháp (người Pháp ở Pháp có văn hóa và lịch sự không như người Pháp ở xứ Đông Dương), có những tuyên bố không phải là không có ý nghĩa về văn hóa Việt Nam như một tờ giấy đã có chữ viết chứ không phải là tở giấy trắng để cho người Pháp muốn viết gì thì viết), mặt khác cũng có ý tuyên truyền, giới thiệu văn hóa Pháp.
Những ẩn ý văn hóa văn chương của các tờ báo buổi ban đầu công bố du ký cần được chú ý.
Về phương diện văn chương, văn du ký trên Nam phong không ngừng biến chuyển. Nếu như du ký của Phạm Quỳnh còn nặng về khảo cứu, thì các áng văn du ký xuất hiện muộn hơn về sau đã có những thay đổi quan trọng về cảm hứng, về bút pháp. Không bàn về nội dung, mà xét về giọng điệu, chất lãng mạn, cái tôi cá nhân tự khám phá, sự tự bộc lộ chủ thể thẩm mỹ trong Bà nà du ký [số 163/năm 1931] của Huỳnh Thị Bảo Hòa, Chơi Phú Quốc [số 198-199/năm 1934] của Mộng Tuyết hoặc Lại tới thần kinh [số 200-204/1934] của Nguyễn Tiến Lãng đã đậm đà hơn văn du ký hồi những năm 1920. Trong khi đó, Phạm Quỳnh vẫn giữa phong cách viết văn du ký thiên về khảo cứu, suy tư những vấn đề mang màu sắc chính trị xã hội trong áng du ký Du lịch xứ Lào [số 159/1931]. Có thể nói, một phần Nam phong
tôn trọng các phong cách du ký khác nhau, cũng có thể nói là về phương diện văn chương, bước sang những năm 1932, khi mà một thế hệ mới ra đời theo như phân kỳ của Thanh Lãng, không khí và dáng dấp của văn học hiện đại đã rõ nét, thì du ký
Nam phong cũng phản ánh tình hình chung của văn học.
Ra đời sau Nam phong và là một tờ báo đăng nhiều văn du ký, lại là báo ở Nam Kỳ, Phụ nữ tân văn có chủ trương không chỉ đấu tranh cho nữ quyền mà còn đặt vấn đề về phụ nữ trong bối cảnh chung của đất nước. Bìa tờ báo có ba cô gái
tượng trưng cho phụ nữ ba miền Bắc-Trung-Nam. Số báo đầu (ra ngày 2-5- 1929) có lời giới thiệu “Nhà cữa suy hay thạnh, chồng con giỏi hay hèn, nòi giống yếu hay mạnh, đều là những việc ta phải nhận làm việc mình. Chớ không thể chỉ quy-trách vào người đàn ông hết cả”. Người phụ nữ có trách nhiệm đối với nói giống, vấn đề dân tộc chứ không chỉ của riêng gia đình nào. Phấn đấu cho bản thân phải gắn với phấn đấu cho đoàn thể, cho quốc gia. Văn du ký phản ánh tôn chỉ chung của tờ báo tư nhân này). Tinh thần đổi mới, hiện đại hóa là tinh thần chủ đạo của Phụ nữ tân văn. Trong số báo 114, ngày 24 -12-1931, một tác giả là Viên Hồng nhân nói về văn hóa Mã Lai, viết chung về đi du lịch như sau: “Phong dao ta có câu: “Đi một bước đàng, học một sàng khôn”, cái câu ấy tuy nó cũ mèm, tự đời xưa truyền lại, nhưng nó rất ứng dụng với thời đại bây giờ. Ở chung quanh xứ ta, hay ở khắp thế giới, hãy còn biết bao nhiều là phong cảnh nhơn vật xinh đẹp lạ lùng, đáng cho ta thấy biết để mở tầm con mắt và bồi bổ óc khôn cho ta rộng lớn mãi ra? Có biết người biết ta rồi mới có thể so sánh mà biết ai hay ai dở, hễ có so sánh biết ai hay ai dở rồi thì mới có cạnh tranh mà tiến bộ được. Ở các nước văn minh giàu có chẳng những người lớn rất ham du du lịch xứ người, dẫu tốn hao nguy hiểm thế nào cũng chẳng quản, mà họ lại còn khuyến khích nong nả cho bạn thiếu niên đi du lịch nữa”. Đi du lịch không còn chỉ là câu chuyện ngắm cảnh đẹp mà còn nhìn người, biết người để học hỏi, cạnh tranh mà tiến bộ.
Vì thế mà Phụ nữ tân văn ủng hộ, cổ vũ cho cô Nguyễn Thị Kiêm làm cuộc hành trình xuyên Việt, đi từ Sài Gòn ra Hà Nội để diễn thuyết, vận động cho nữ quyền và công bố ghi chép du ký của cô trong chuyến đi này-dường như ý thức về nữ quyền ở Nam Kỳ khi đó cao hơn ở Bắc Kỳ. Cô Nguyễn Thị Kiêm lại chính là Manh Manh nữ sĩ, chủ trương cổ súy cho thơ mới. Báo Phụ nữ tân văn được xem là tờ báo đi những bước đi khởi đầu cho thơ mới: đăng bài thơ Tình già của Phan Khôi (thứ năm, 10-3-1932) và nhiều bài thơ theo lối mới của Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm) trong năm 1933. Số ngày 10-8-1933 của Phụ nữ tân văn còn tường thuật diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về thơ mới [xem thêm 246].
Như vậy văn du ký trên Phụ nữ tân văn thể hiện tôn chỉ riêng của tờ báo. So với các báo khác có đăng văn du ký thì Phụ nữ tân văn ưu tiên công bố các áng du
ký của phụ nữ Việt Nam hồi đó. Mà vấn đề nữ quyền lại là một trong những biểu hiện quan trọng không thể coi nhẹ của văn học Việt Nam trên con đường hiện đại hóa. Vì vậy, văn du ký trên Phụ nữ tân văn cần được chú ý khai thác từ phương diện này.
Tuần báo Tri tân (1941-1946) khép lại cánh cửa báo chí trước cách mạng tháng Tám. Tờ tạp chí ra đời lúc đầu với tôn chỉ nặng về “khảo cổ”. Số đầu tiên có lời phi lộ như sau: “Ôn cũ! Biết mới!” Nhằm cái đích ấy, TRI TÂN đi riêng con đường văn hoá. Với cặp kính khảo cứu, TRI TÂN lần dở từng trang lịch sử; bằng con mắt nhận chân và lạc quan, TRI TÂN ngó rộng chân trời tri thức. Ghé vai gánh gạch xe vôi, TRI TÂN đứng vào hàng ngũ công binh, xây dựng lâu đài văn hoá Nam Việt”. Nhưng trên thực tế, cùng giống như nhiều tờ báo, tạp chí khi đó,
Tri tân có nội dung mang tính tổng hợp. Không phải chỉ có các vấn đề khảo cổ văn hóa, truyện nôm còn đăng cả những bài bình luận sắc sảo về văn học đương đại của Lê Thanh.
Văn du ký của Tri tân thường hướng về các miền đất có những vấn đề về nhân học, sử học phong phú mà nội dung của các bài du ký đó có thể gợi ý cho thể loại tiểu thuyết lịch sử hồi những năm 1940, một đóng góp không có từ văn du ký các báo chí khác. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận xét rất xác đáng: “Trên tạp chí này cũng thường đăng những thiên du ký, nhất là những du khảo điền dã, kể về những cuộc viếng thăm các di tích lịch sử (Tức Mạc, Kiếp Bạc, chùa Bà Đanh, miếu Hát, Hoa Lư, tháp Bình Sơn, chùa Bối Khê ở miền Bắc, di tích Indrapura Đồng Dương, đền thờ Thiên Ya Na ở miền Trung, gò Ốc Eo, mộ Cử Trị ở miền Nam). Có thể nói Tri tân đã kích thích và giành “đất‟” cho sự phát triển mảng sáng tác về đề tài lịch sử ở văn học Việt Nam những năm 1940, một khuynh hướng không đặc trưng ở sự nhạy bén đáp ứng văn hoá đô thị hiện đại hoá đương thời, nhưng đặc trưng ở tinh thần “tìm nguồn”, “về nguồn” trong đề tài văn học” (Lời giới thiệu cho bộ đĩa CD Tri tân do Viễn Đông Bác cổ Pháp thực hiện).
Trên đây chỉ là bản phác thảo sơ lược về diễn biến của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX. Sự vận động của văn du ký nhìn chung có ba nhân tố chi phối: 1) vấn đề tôn chỉ, mục đích của mỗi tờ báo, tạp chí đăng văn du ký như đã nói; 2) Vấn đề thế hệ:
trong thời kỳ này, sự thay đổi xã hội diễn ra rất nhanh chóng nên chúng ta cần lưu ý các thế hệ nhà văn, nhà báo viết văn du ký. Ví dụ, cùng đăng văn du ký trên Nam
phong nhưng trong 17 năm tồn tại của tờ báo có sự hiện diện của các thế hệ khác
nhau: Nguyễn Bá Học sinh năm 1857, Nguyễn Hữu Tiến 1875, Nguyễn Đôn Phục 1878, Nguyễn Bá Trác 1881, Phạm Quỳnh sinh 1892, Trần Trọng Kim sinh 1883, Huỳnh Thị Bảo Hòa 1896, Đông Hồ sinh 1906, Mộng Tuyết sinh 1914. Đến Phụ nữ
tân văn, các tác giả lại trẻ hơn: Cao Thị Khanh -tức là bà Nguyễn Đức Nhuận- chủ
bút Phụ nữ tân văn sinh 1900, Nguyễn Thị Kiêm sinh 1914. Viết du ký cho Tri tân, Hoa Bằng sinh 1902, Vân Đài sinh 1903, Mãn Khánh Dương Kỵ (tên thật là Tôn Thất Dương Kỵ) sinh 1914, Nhật Nham Trịnh Như Tấu sinh 1915. So sánh giữa các thế hệ kể cả cùng viết cho một báo, tạp chí hay viết cho các báo, tạp chí khác, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt. Do thế hệ khác nhau nên quan niệm về cuộc sống, về xã hội, về thẩm mỹ, về chức năng văn chương …của họ có khác nhau. Cảm hứng lãng mạn ở văn du ký Mộng Tuyết (viết về chuyến đi Phú Quốc đăng trên Nam
phong 1934) hay ở văn du ký Nhật Nham (viết về cuộc đi chơi Hồ Ba Bể (đăng trên
Tri tân, 1942), kể cả văn du ký của Mãn Khánh Dương Kỵ viết về văn hóa Chăm ở
Đồng Dương đều có những nét tương đồng, trái lại chất khảo cứu của thế hệ sinh những năm 1890 như Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh đậm hơn, dường như họ chịu ảnh hưởng của lối viết địa chí xưa. 3) tình hình văn học của mỗi giai đoạn: ở nửa đầu thế kỷ XX diễn biến rất nhanh mà văn du ký có thể phản ánh sự diễn biến này. Chẳng hạn, sau những năm 1932, tiểu thuyết và thơ sáng tác theo thi pháp văn học Phương Tây bắt đầu ngày càng rõ nét. Nguyễn Tuân (sinh năm 1910) là tác giả sở trường về thể tùy bút, có những áng văn đứng ở vị trí giao thoa với văn du ký nhưng không hẳn là văn du ký vì ghi chép sự kiện thì ít mà bộc lộ con người cá nhân, nhận diện và khám phá cá nhân mạnh mẽ. Có thể xem Nguyễn Tuân như là sản phẩm tác động qua lại giữa văn du ký và dòng văn học lãng mạn ở những năm ba mươi của thế kỷ XX đang sôi nổi nhất. Các áng văn du ký xuất hiện trong những năm 1930 (ví dụ một số văn du ký trên Nam phong, Phụ nữ tân văn cần được nhìn nhận trong ngữ cảnh văn học này).
Tiểu kết
Sự xuất hiện, vận động của văn du ký nửa đầu thế kỷ XX chịu sự chi phối của nhiều nhân tố khác nhau.
Có những nhân tố thuần túy thuộc về kỹ thuật như vấn đề giao thông, in ấn xuất bản, có những vấn đề về văn hóa xã hội, có nhân tố thuộc về hệ thống báo chí