Hiện thực nhiều chiều, đa dạng, phong phú

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học luận án TS văn học 62 22 34 04 (Trang 123 - 130)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

4.1. Thi pháp tả thực trong văn du ký nửa đầu thế kỷ XX

4.1.1. Hiện thực nhiều chiều, đa dạng, phong phú

Văn du ký trung đại không phải không quan tâm ghi chép các sự kiện của hiện thực đời sống. Nhưng các ghi chép thường nhằm phục vụ cho một mục đích định sẵn nào đó chứ không nhằm nhận thức khách quan cuộc sống hiện thực trong

sự phong phú, đa dạng, nhiều chiều của nó. Du ký dưới hình thức nhật ký của các sứ thần nếu có ghi chép tỉ mỉ các điều quan sát là để báo cáo, giải trình với triều đình về tiến trình làm việc. Trong Bắc sứ thông lục, Lê Quý Đôn ghi chép nhiều lần về việc thuyền của phía Trung Quốc đón sứ đoàn Việt Nam chậm trễ vì những người chủ thuyền hay dừng lại mua bán muối trên các bến dọc đường đi Bắc Kinh; ghi chép vậy dường như để giải thích lý do chậm trễ của hành trình. Lê Quý Đôn cũng hay ghi chép việc tế lễ thần sông mỗi khi sứ đoàn vượt sông, dường như để giải trình cho việc dùng ngân sách cho chi tiêu dọc đường.

Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác ghi chép nhiều quan sát về không gian

cung đình mà tác giả được chứng kiến khi vào phủ Chúa Trịnh để chữa bệnh cho Trịnh Cán. So với các tác phẩm văn du ký khác thời trung đại thì Thượng kinh ký sự

hơn hẳn về tính hiện thực của nội dung được ghi chép. Tuy nhiên, có cảm giác sự ghi chép đầy chi tiết đó chịu sự qui định ngầm của một quan niệm nhân sinh, quan niệm đạo đức -chính trị của nhà nho Lê Hữu Trác. Chẳng hạn, ông quan sát và ghi lại màu sắc của không gian kiến trúc và đồ đạc trong phủ chúa: “Qua hành lang phía tây, đến một dãy nhà lớn rất cao rộng, hai bên để hai cỗ kiệu. Mọi đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng. Gian giữa đặt một cái sập ngự thếp vàng, trên sập mắc một cái võng điều. Trước võng và bàn ghế hai bên bày biện toàn những thứ mà người đời chưa từng thấy. Tôi chỉ liếc mắt nhìn qua rồi lại cúi đầu mà đi. Lại qua một cái ngách nữa đến một cái gác cao rộng. Trong gác từ giường đến cột đều sơn son thếp vàng” [222, 42]. Theo ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn, vàng son là biểu hiện của quyền lực hoàng đế-trường hợp này là vua Lê. Các chúa Trịnh dùng màu vàng son là biểu hiện tiếm vị và Lê Hữu Trác kín đáo ghi lại chi tiết màu sắc biết nói đó. Điều này cũng tương tự như trong tuồng cung đình của các chúa Nguyễn trình diễn nhân vật thái sư phản diện mặc áo tía để ám chỉ đối thủ chính trị của mình (màu áo tía là màu áo của các chúa Trịnh). Một sự kiện khác nói về cuộc sống vương giả trong phủ Chúa của quan Chánh đường-tức Quận Huy Hoàng Đình Bảo: “Ông chia phần cơm của mình cho tôi ăn. Mâm vàng chén bạc, thức ngon của lạ, bấy giờ tôi mới biết cái phong vị của nhà sang” [222, 44]. Nhưng Lê Hữu Trác về đến Hà Tĩnh được vài ngày thì nghe tin kiêu binh nổi loạn, giết hại cả nhà quan

Chánh đường. Đây là lúc để tác giả gài triết lý đã chuẩn bị từ trước về sự phù du, tạm bợ đến vô nghĩa của cuộc sống giàu sang, vương giả: “Vừa được vài ngày thì nghe tin cả nhà quan Chánh đường bị hại. Tôi nghe chuyện than rằng “Giàu sang như mây nổi, những nơi đàn sáo lâu đài trước đây phút chốc thành gò hoang cồn vắng” [222, 221]. Và những lời kết của thiên du ký được Lê Hữu Trác dành cho việc bộc lộ mục đích ghi chép của ông: “Nhân lúc rỗi rãi, sau khi cuộc cờ chén rượu, bèn đem đầu đuôi các việc ghi chép lại để cho con cháu sau này biết lẽ xử thế, nên tùy cảnh giữ phận, biết chỗ đủ, biết nơi dừng, lấy điều không tham lam làm tấm gương sáng mà noi theo” [222, 222]. Tìm kiếm một ý nghĩa triết lý tách ra từ thực tế chứ không nhìn thực tế như nó vốn tồn tại đầy phức tạp, đa nghĩa, đó là một đặc điểm của du ký trung đại.

Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ lại là một ghi chép mang tính chất công vụ. Các sự việc được ghi chép khá tỉ mỉ, chi tiết mà ông chứng kiến ở Pháp chắc hẳn do yêu cầu của triều đình về việc báo cáo, tường trình tựa như tin tình báo ngày nay. Ví dụ, ông ghi chép kỹ phương pháp mạ vàng bạc [214, 70], cách tổ chức một hệ thống làm khí đốt [214, 74], qui trình làm giấy [214, 107], cách làm pha lê [214, 124]... Nói chung, trong thiên du ký này, Phạm Phú Thứ dành sự chú ý nhiều hơn cả đến các khía cạnh khoa học công nghệ của Pháp. Các sự kiện liên quan đến văn hóa rất không nhiều. Và rất hiếm khi ông bộc lộ con người riêng, các ý kiến bình luận, đánh giá. Đó là du ký -nhật ký công vụ, dành để báo cáo. Chỉ có điều vì trên đất Pháp chứng kiến quá nhiều sự lạ lùng về khoa học công nghệ Phương Tây nên nhật ký của ông có nhiều nội dung ghi chép hơn là chuyến đi sứ Trung Quốc của Lê Quý Đôn.

Văn du ký nửa đầu thế kỷ XX thường ghi chép hiện thực không những một cách chi tiết, tỉ mỉ mà điều quan trọng là hiện thực trong sự phong phú, đa dạng, nhiều chiều của nó. Có thể lấy Pháp du hành trình nhật ký Bốn năm trên đảo Các Bà để phân tích.

Có thể ai đó có định kiến rằng một người được Tây trả tiền cho sang Pháp như Phạm Quỳnh thì chắc chắn ông ta chỉ một chiều ca ngợi văn hóa, văn minh Pháp. Thực tế cho thấy lối suy diễn như vậy không có căn cứ. Phạm Quỳnh trong

hành trình sang Pháp năm 1922 đã ghi chép một thực tế đa dạng, phức tạp, nhiều chiều. Một hôm đoàn của ông đến ăn cơm với mấy người đồng bang (tức cùng người Việt với nhau), họ ăn uống no say, cười nói thỏa thích, không biết rằng buồng bên cạnh có người đương hấp hối, đến lúc xuống thang, mở cửa thì mới nghe người quản gia cho hay. Rồi ông nhận xét có vẻ bâng qươ: “Ở thành Paris này, trong một ngày biết bao nhiêu đám như đám chúng mình lúc nãy: ở bên buồng này thì kẻ ăn uống no say, cười đùa vui vẻ, ở bên kia thì người đương ngắc ngoải, đánh nhau với cái chết một trận sau cùng phải thua, mà chẳng ai biết đến ai, một vách tường cách nhau bằng mấy nghìn dặm” [33, 596]. Đó là một hình ảnh thu nhỏ về một thế giới phức tạp, không thuần nhất, không một chiều, không phải chỉ thuần có tốt hay chỉ có xấu.

Thành phố cảng Marseille là nơi đoàn Phạm Quỳnh gặp gỡ với nước Pháp: “Trên bến thời nhà cửa san sát, nhất là hàng cơm hàng rượu, xe điện chạy như mắc cửi, kẻ đi người lại tấp nập như ngày hội, đủ các giống người, đủ các thứ tiếng, từ bác phu tàu, chú “bắt tê” chửi nhau như ăn gỏi, cho đến ông phú thương tất tả, chị hàng cá đong đưa, khách du lịch ngẩn ngơ, gái giang hồ nhấm nháy, thật là cái cảnh tứ chiếng quần cư, có cái vẻ bác tạp, nhưng trông cũng vui mắt như một bức tranh sặc sỡ vậy” [33, 388]. Marseille hiện đại với bến tàu la liệt thuyền, ca nô, cầu sắt treo giữa hai cột sắt cao ngất trời, san sát nhà cửa, xe cộ và Marseille cổ kính, có cả những khu có những đường phố ngoắt ngoéo quanh “Bến Cũ”, tập trung các phần tử bất hảo mà ông gọi lại “trai côn gái điếm” tụ họp mà ban đêm không nên đi vào. Tác giả du ký đã tỏ ra biết quan sát, nhìn nhận hiện thực nhiều chiều.

Nói về trường Đấu xảo (tức Khu Triển lãm), Phạm Quỳnh quan sát các khu dành cho các xứ thuộc địa Pháp như Tây Phi châu thuộc Pháp, Đông Dương và ông tự hào vì khu Đấu xảo của Đông Dương đẹp và lớn nhất. Song nếu xem xét kỹ thì để xây dựng khu đó, xứ Đông Dương phải gánh chịu có đến mấy triệu. Các công trình kiến trúc để triển lãm thì rất công phu, tốn tiền mà “trong cốt gỗ, ngoài đắp vôi, xong sáu tháng lại phá đi, đáng tiếc. Đến khi ông vào thăm khu nhà gỗ mà Sở đấu xảo dựng tạm làm nơi ở cho thợ An Nam sang làm việc thì thấy quá khổ sở “thật không lấy gì làm vui mắt cả”. “Thế mà bọn phái viên mình, khi sắp

sửa đi, những rắp định rằng sang bên này nếu ăn ở đắt đỏ lắm thời sẽ vào ở trong Đấu xảo cho đỡ tốn: cách ở như thế này thì ở đến một giờ tôi cũng xin kiếu” [33, 394]. Một quang cảnh triển lãm vừa đẹp, vừa đáng tự hào lại vừa tốn kém, lãng phí, ẩn sau đó là nỗi khổ nhục của những người thợ An Nam sang xây dựng cho nhà Đấu xảo của Đông Dương.

Là người hứng thú với diễn thuyết-lối sinh hoạt văn hóa rất văn minh của người Pháp, Phạm Quỳnh thường hay đi dự các buổi đó và chính ông cũng đăng đàn diễn thuyết. Có lần ông hết sức ca ngợi tài hùng biện của một diễn giả Pháp và chạnh lòng nghĩ đến người mình ăn nói kém. Một buổi diễn thuyết ở hội Nhân quyền Marseille của ông giáo K. người Paris đến: “Tôi chưa từng được nghe người Tây nào diễn giỏi bằng ông giáo này. Mà không phải là những lời hư văn đâu, những câu thuộc lòng đâu, toàn là những lời nghị luận, biện bác, công kích, chứng giải, đón trước rào sau, dự sẵn những câu người ta có thể bẻ mình được mà phản đối trước” [33, 395]. Nhưng có hôm đọc báo thấy nói Hội văn sĩ thiếu niên mở cuộc diễn thuyết về văn chương nghệ thuật, ông đến dự để rồi thất vọng hoàn toàn: “Đọc lời bá cáo thời như rồng như phượng cả, mà đến nghe thời chán như cơm nếp nát”. “Đến khi diễn giả đăng đàn thời cầm tập giấy đọc một hồi như người tụng kinh, tiếng đã nhỏ mà giọng lại có tật, đọc cứ phều phào, chẳng ai nghe ra gì cả” [33, 407]. Hóa ra không phải cuộc diễn thuyết nào ở Pháp cũng là đáng học tập. Đó chính là tư duy trọng hiện thực, không lý tưởng hóa tô hồng mà cũng không bôi đen thực tế.

Một quan sát nữa về chính trị: những ngày ở Marseille, Phạm Quỳnh chứng kiến thành phố cảng này tưng bừng chuẩn bị đón quan Giám quốc Millerand17 đi kinh lược Bắc Phi về: “Mấy ngày nay trong thành phố sửa soạn đón tiếp ngài. Gần nhà trọ mình có làm cái bài phường, chăng đèn điện, tối thắp đẹp lắm. Mấy bữa nay đi chơi phố buổi chiều vui vẻ lắm”. Ông nhận xét: “Nước này là nước dân chủ, mà sửa soạn đón ông Giám quốc cũng linh đình tấp nập như người ta đón ông quân chủ vậy” [33, 415]. Hình như có sự tương đồng giữa hai xã hội, ở đâu thì cũng có sự phân biệt quan-dân. Tuy vậy, quan sát kỹ, ông vẫn nhận thấy có sự khác biệt nhất

17

định giữa một vị Giám quốc trong xã hội dân chủ và xã hội quân chủ. “Người ta thường nói nước Pháp là nước dân chủ mà vẫn còn cái nghi vệ di truyền tự đời quân chủ, thật thế! Cứ xem cách nghênh tiếp một ông vua thì đủ biết. Song xét ra chỉ có cái nghi vệ trang nghiêm để cho tráng quan chiêm và sự trọng thể mà thôi, chớ trong dân gian không có cái lòng sùng bái ông quốc trưởng như người Đông phương ta mê tín ông vua vậy…Thường nghe thấy người nói “Quan Giám quốc là gì? Quan Giám quốc cũng là người như mình, cũng là một kẻ công dân như mình, chớ gì?... Quan Giám quốc chẳng qua là người của một đảng, dẫu đảng ấy có số nhiều mà đắc thế, còn đảng khác số ít mà thất thế, ở một nước tự do bình đẳng, sự đảng tranh nhiều khi kịch liệt lắm” [33, 417]. Đi sâu vào tìm hiểu thực tế, thâm nhập vào bản chất của hiện tượng cũng là một yếu tố của tả thực. Tả thực hay tả chân không phải là công việc chụp bức ảnh bề mặt của đời sống mà cần thám sát bản chất của sự vật.

Nhiều hiện tượng, sự việc khác diễn ra trên đất Pháp mà Phạm Quỳnh quan sát thấy đều được ông ghi lại với cái nhìn khách quan, nhiều chiều. Tinh thần học hỏi, tôn vinh văn hóa Pháp không loại trừ cái nhìn thực tế, phát hiện cả một số mặt trái của xã hội Pháp. Trong mục viết về “người khác” ở chương 3 chúng tôi cũng đã dẫn một số ví dụ mà ở đây không lặp lại, như về nạn uống bia rượu, nạn đĩ điếm, tội phạm trong xã hội Pháp được văn du ký Phạm Quỳnh đặt cạnh các nhà bảo tàng nghệ thuật to lớn, các kịch trường sôi động, các nhân vật trí thức kể cả phụ nữ quyên bác, lịch lãm.

Thiên du ký Bốn năm trên đảo Các Bà của Vân Đài cũng cho thấy một cái nhìn đa chiều về cuộc sống và con người trên đảo. Nếu xem một cuộc sống an bình phẳng lặng, no đủ thì theo tác giả có thể bằng lòng với hiện tại trên đảo: “những nếp nhà kiên cố, những con đường sạch và trắng, chen chúc giữa đám cau và chuối xanh xanh…Nghề làm cá ở Cát Hải đã cho một số đông dân ở đây được no đủ, sống đời thái bình và ít phải cạnh tranh” [37, s. 149, tr. 562]. Nếu nhìn từ góc độ thưởng ngoạn phong cảnh, phải nói cảnh biển ở đây tuyệt đẹp: “Trùng điệp những ngọn núi xanh, không cao lắm, chằng chịt những cây cằn cỗi với thời gian, nhưng vẫn giữ một màu tươi mới mẻ. Các dẫy núi chia nhau, chắn

lấy một góc bể, làm một thế giới của mình, một thế giới vô cùng kỳ tú. Những buổi trời êm sóng lặng, Các Bà lúc nào cũng êm đềm nhưng không ủ dột. Mặt bể phẳng lặng và xanh, xa trông như một tấm thảm. Chân trời rơi xuống gần quá, bao chung quanh nước một khoảng tròn, như một vòng hoa tim tím. Dăm chiếc thuyền đủng đỉnh tạt qua, chiếc buông câu, chiếc ghé bến. Dòng nước xanh và trong vắt, tưởng chừng không một sóng gió gì, có quyền khuấy đục tấm gương ngọc bích này” [37, s. 157, tr. 749].

Song du khách thâm nhập, tìm hiểu kỹ cư dân trên đảo thì tác giả thấy tình hình không đơn giản. Khu phố duy nhất của đảo Các Bà18

khi đó gồm có đồn binh của Pháp và người Khách (tức người Hoa). “Rải rác dưới chân núi, những ngôi nhà gạch lợp ngói đỏ tươi, những lô cốt cao phấp phới lá cờ ba sắc. Chạy dài hai bên tay ngai, hai dãy nhà vừa lợp lá vừa lợp ngói liền san sát do những dân chài người Khách cư trú. Nhà nào cũng làm quay lưng ra bể, mặt trông vào phố, một phố độc nhất ở Các Bà” [37, s. 149, tr. 563]. Trái với cảnh thanh bình, sạch sẽ, sáng sủa mà tác giả nhìn thấy khi bước lên đảo, ở khu phố này hiện lên sự nhếch nhác, bẩn thỉu của người Khách: “Ngoài một khu vực có ngăn nắp, có vệ sinh và sửa sang ngoạn mục của viên đại lý người Pháp ở, còn ra là tất cả hiện tượng của nước Tàu. Bao nhiêu cái lộn xộn, ô tạp, thiếu vệ sinh, ít ánh sáng, nhiều ẩm ướt và lẫn lộn cả gà lợn ở chung với người, đều có ở dãy phố khách này, thế nhưng người ta vẫn sống được” [37, s. 149, tr. 563]. Tình trạng này hệt như sự mất vệ sinh của người Khách ở Đông Hưng mà Trần Trọng Kim đã miêu tả năm 1923 (xin xem lại mục 3.1.2). Trái ngược với cuộc sống thanh bình, nhàn hạ tác giả nhìn thấy ban đầu, ở đây là cảnh chen chúc: “Sự phồn thịnh về hải sản nơi đây đã bắt người ta quá chen chúc chật hẹp để tìm lấy một chỗ trọ, mặc dầu đã có hàng ngàn gia đình sống ở dưới thuyền, mà cả giang sơn của họ chỉ hàng đời lênh đênh trên mặt sóng” [37, s. 149, tr. 563]. Người Khách đến đánh cá, thu vét nguồn hải sản giàu có của vùng biển Cát Bà còn người Việt thì cam tâm nghèo khổ, làm thuê cho Khách trú, lấy củi, vác muối, câu tôm bán lại cho thuyền khách.

18 Chú ý bài du ký kể về chuyến đi Các Bà vào năm 1935, chín năm sau, 1944, tác giả mới cho đăng trên Tri

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học luận án TS văn học 62 22 34 04 (Trang 123 - 130)