Hiện thực hiện ra qua các chi tiết

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học luận án TS văn học 62 22 34 04 (Trang 130 - 132)

CHƢƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

4.1. Thi pháp tả thực trong văn du ký nửa đầu thế kỷ XX

4.1.2. Hiện thực hiện ra qua các chi tiết

Tả chân hay tả thực đòi hỏi tính cụ thể, chi tiết của đối tượng được miêu tả. Tư duy kể, tả chi tiết không xa lạ với văn du ký nửa đầu thế kỷ XX.

Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn của Mẫu Sơn Mục N.X.H. có

nhiều chi tiết đáng chú ý. Đi qua đèo Ngang (Hoành Sơn), du khách đã nhận ra sự khác biệt của y phục phụ nữ so với phụ nữ Bắc. “Qua đèo Hoành Sơn, lối y phục đã khác, đàn bà bới tóc, khăn vành giây, áo cài khuy cổ, quần trắng, tức là lối ăn vận Huế vậy” [33, 27]. Đến Sài Gòn, tác giả tiếp tục nhận xét “sự ăn mặc” của phụ nữ ở đây: “Đàn bà sang trọng thì quần áo và khăn quàng đều là nhiễu hoa trắng. Người làm ăn thì quần áo toàn vải đen, trên đầu vắt một cái khăn vải trắng, dòng dọc đen, dài độ ba bốn vuông. Áo toàn là hai ống tay chật nít lại và gài khuy cổ cả” [33, 39- 40]. Quan sát trang phục nữ chi tiết như thế hiếm gặp trong văn học trung đại.

Tả không gian phong cảnh trong văn du ký nửa đầu thế kỷ XX cũng có nhiều tác phẩm khắc phục được tính ước lệ của việc tả cảnh của du ký trung đại. Đây là đoạn văn du ký tả đền Lý Bát Đế: “Đền ở một khu rộng rãi có nhiều cây cổ thụ rườm rà, người ta cho là cây thiêng. Thoạt vào có một cửa tam quan, có mấy bậc đá đi lên và hai bên có hai con rồng bằng đá chạm. Đi qua tam quan thì đến một cái sân rộng, hai bên có hai dẫy nhà hành lang và ở tay trái có đền thờ bà Lý Chiêu Hoàng. Đi hết sân có hai con voi lớn phục hai bên, trông cũ kỹ, ngà đã gẫy cả; bước lên vài bậc thì đến đền ngoài. Đền ngoài chỉ có một cái hương án và trước hương án có hai tượng trông rất kỳ dị. Tượng hình hai người không ra đàn ông hay đàn bà, cởi trần, chỉ có một cái quần ngắn đến đùi, đầu hình như bới tóc và bịt khăn kín đi, một tay thì cầm một cái roi giơ lên và trên cánh tay lại đeo một cái vòng lớn, như lối các bà đầm đeo vòng trên khủyu tay…Trông những tượng ấy thì ra dáng cổ lắm, thế mà trên thềm đền thì lại thấy lát bằng gạch hoa “xi măng”,

trông thật là lố lăng” [Phạm Văn Thư, Một cuộc đi xem đền Lý Bát Đế, xem 32, 68]. Đây là một đoạn văn rất tiêu biểu cho sự miêu tả chi tiết, tỉ mỉ phối cảnh xét về kết cấu không gian trước sau, phải trái, trên dưới cùng với sự cũ mới của hai con voi, giới tính nam nữ của hai hình người và nền gạch hoa tương phản với những pho tượng người, vật cổ kính. Cách tả thể hiện óc quan sát hiện đại đối với không gian hoạt động của con người.

Nhật Nham đi du lịch lên hồ Ba Bể, quan sát rất chi tiết cách phục sức của phụ nữ dân tộc Mán Cóc, ấn tượng mạnh nhất là màu sắc: “Đàn bà thích dùng đồ đỏ. Khăn áo, yếm, quần đều thêu bằng chỉ đỏ. Trên đầu vấn tóc như đàn bà Thổ, ngoài tóc quấn sợi khăn hoa đỏ (bằng vải chàm thêu chỉ đỏ chung quanh) đầu khăn đính mấy sợi giây xanh, đỏ, tím, vàng. Áo vải thâm dùng những sợi nỉ đỏ làm thành tua, cùng các thứ hột bột ngũ sắc, đơm vào hai bên vạt đằng trước và hai bên tà áo đằng trước và đằng sau chỗ nách xuống, mỗi chỗ là năm cái tua dài ước 20 phân tây. Áo không có vạt cả, từ cổ trở xuống thắt lưng đằng trước, hai bên ngực đều tết thành túm nỉ đỏ như bông hoa hồng, mà khâu xếp hàng xuống đến thắt lưng. Yếm thì làm hẳn bằng một miếng nỉ đỏ, ở ngực và từ cổ, còn dài xuống đằng sau lưng ước ba mươi phân tây nữa, xẻ đôi và cài khuy như yếm dãi của trẻ con vậy. Đằng trước ngực có 5 hoặc 6 miếng bài bằng bạc vuông chữ nhật, có chạm hoa khác nhau, ngang 4 phân tây, dài 8 phân tây, khâu xếp hàng từ cổ trở xuống. Còn chung quanh cổ và đằng sau lưng, lại có những cánh hoa nhỏ như cánh hoa hồi đình chung quanh cổ mà khâu xếp hàng đôi hoặc hàng một (tùy có ít hay nhiều) xuống cho đến hết cùng cái giải yếm đó. Quần thì thêu hoa đỏ, vàng, trắng chung quanh ống quần, cao ước 20 phân tây. Thắt lưng vải chàm cũng thêu hoa hai đầu. Đàn ông thì mặc áo vải xanh ngắn như người Nùng, không thêu hoa; chỉ duy có sợi khăn đội đầu cũng thêu như đàn bà, song không đơm rải ở đầu khăn như đàn bà” [126, s. 66, tr. 901- 904]. Các ghi chép về trang phục của phụ nữ Mán Tiền cũng tuân theo một nguyên tắc đề cao chi tiết tương tự. Có cảm tưởng đoạn ghi chép trên quá chi tiết đến vụn vặt. Nhưng tư duy duy lý, tư duy nghiên cứu đòi hỏi sự chân thực, cụ thể, chi tiết. Tả thực hay tả chân là tả cuộc sống trong hình thái của bản thân đời sống. Nhật Nham chỉ là một công chức đi du lịch, khám phá chứ không phải là nhà dân tộc học chuyên nghiệp nên các quan sát và ghi chép của ông không bị nhiệm vụ chi phối,

cũng không phải là thói quen nghề nghiệp. Trong văn học trung đại, văn nhân xưa có xu hướng truyền thần tả chiếu, trọng thần khinh hình (coi trọng tả thần thái toát ra từ nhân vật mà coi nhẹ tả chi tiết bề ngoài), đó là một nguyên nhân chủ yếu của việc coi nhẹ chi tiết. Trần Nho Thìn viết: “Thi pháp coi trọng thần và coi nhẹ hình là truyền thống chung của văn học Phương Đông thời xưa” [209, 51]. Chẳng hạn, Lê Hữu Trác đã chú ý đến cuộc sống vương giả của quan Chánh đường nhưng cũng chỉ viết đến mức đủ để gây ấn tượng (tả thần): “ông chia phần cơm của mình cho tôi ăn. Mâm vàng chén bạc, thức ngon của lạ, bấy giờ tôi mới biết cái phong vị của nhà sang” [222, 44]. Nhà văn trung đại không kể, tả chi tiết cho ta biết món ngon lạ đó là món gì, màu sắc, mùi vị, hương vị ra sao. So sánh như vậy để thấy tư duy tả thực đi vào từng chi tiết nhỏ như trên đây phản ánh xu thế tiếp nhận ảnh hưởng thi pháp tả thực của văn học Phương Tây trong quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Chúng ta cũng nhớ Đinh Gia Trinh đã từng than phiền về tư duy tả ước lệ của văn chương truyền thống Phương Đông: “Tả tỉ mỉ một căn phòng, một sắc trời, một thân thể người như các nhà văn tả chân bên Tây phương? Không! Ở văn thuật Việt Nam khi xưa không có chỗ cho tài nghệ của những nhà tiểu thuyết tựa Balzac dành một trang sách để tả cái mặt ngộ nghĩnh của một nhân vật trong truyện Le cousin Pons; hoặc như Flaubert dẫn ta qua những bụi cây bên đường, dán mắt ta qua khe cỏ để cho ta mục kích mấy con nhện xôn xao chạy trên mặt nước lặng. Hơn một trang trong Balzac để tả thân thể của nàng Eugénie Grandet, hai câu thơ nhỏ trong Nguyễn Du để vẽ hình dung của Kiều (Làn thu thuỷ, nét xuân sơn - Hoa ghen thua

thắm, liễu hờn kém xanh)” [225, 8]. Chúng ta hiểu đó là lời than phiền của nhà phê

bình Tây học đang mong muốn hiện đại hóa văn học Việt Nam, đang muốn nhà văn Việt Nam tiếp nhận tư duy tả chân đến mức chi tiết, tỉ mỉ. Trong sáng tác văn xuôi, truyện ngắn và tiểu thuyết cũng như văn du ký đã phản ánh xu thế tả chân hiện đại theo mô hình tư duy Phương Tây như vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) văn du ký nửa đầu thế kỷ XX và tiến trình hiện đại hóa văn học luận án TS văn học 62 22 34 04 (Trang 130 - 132)