Qua những kết quả điều tra về lao động khu vực phi kết cấu ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước được trình bày ở trên, có thể thấy rằng tìm kiếm việc làm không phải là vấn đề quá khó khăn đối với những người di cư từ nông thôn vào đô thị. Theo số liệu tại thành phố Hồ chí Minh, 1/3 số người di cư có việc làm ngay trong tháng đầu, ở Hà Nội thời gian tìm việc còn ngắn hơn: 47% những người tìm kiếm việc làm có việc sau khi đến 2 ngày; 27% sau 7 ngày; 12% sau 15 ngày. Tuy nhiên tốc độ phát triển của các thành phố lớn mấy năm gần đây có phần chậm lại, các cơ sở sản xuất kinh doanh ra đời ít hơn. Thêm vào đó để xây dựng các thành phố văn minh, hiện đại nhiều việc sẽ được quy hoạch lại, được hiện đại hoá nên các công việc sử dụng chân tay cũng bị hạn chế dần. Mặt khác, tuy không bị người dân sở tại cạnh tranh trong công việc nhưng do số lao động di cư ngày một tăng, nên giữa họ đã có sự cạnh tranh lẫn nhau trong công việc. Gần đây đã xuất hiện tình trạng lao động tự do phải thuê, nhận lại công việc từ “cai đầu dài”, tất cả tình hình đó đang làm cho khả năng tìm kiếm công ăn việc làm của lao động di cư ngày càng trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn đầu. Bên cạnh đó vẫn còn một phần khá lớn lao động khu vực phi kết cấu tuy đã có công ăn việc làm nhưng không ổn định (khoảng 31%) dẫn đến thu nhập thấp trong khi số giờ làm việc một trong một ngày lại cao hơn những khu vực khác. Mặc dù về tổng số thu nhập hàng tháng so với mặt bằng chung của xã hội ở mức tương đương, thế nhưng tính theo thu nhập trên số thời gian lao động thì mới thấy hết sự khó khăn vất vả của người lao động. Bình quân một năm, mỗi lao động làm việc 11,2 tháng. Họ làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật, thời gian làm việc mỗi ngày từ 10 – 12 giờ. Theo kết quả điều tra tháng 9/1999 của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội thì thu nhập 1 giờ của một lao động khu vực phi kết cấu là: 2.222 đồng trong khi của người sở tại là 2.647 đồng. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh thì mức thu nhập tương ứng của hai nhóm trên là : 3.200 đồng và 3.800 đồng. Như vậy, mặc dù phải làm những công việc rất nặng nhọc và độc hại, nhưng thu nhập lại thấp hơn những người lao động sở tại.
Thu nhập thấp không bù đắp được chi phí cơ bắp và sức lực bỏ ra nhưng lại phải thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, khắc nghiệt dẫn đến tình trạng sức khoẻ không đảm bảo, ốm đau bệnh tật là tình trạng thường trực, điều đó làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho nguồn ngân quỹ vốn hạn hẹp của mỗi hộ gia đình thuộc khu vực phi kết cấu.
Xuất phát từ thu nhập thấp nên việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cũng rất hạn chế, nhất là việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như văn hoá, giáo dục, y tế, thông tin liên lạc. Theo kết quả điều tra cho thấy: Chi cho giáo dục đào tạo của 1 người thuộc khu vực phi kết cấu là 26.700/tháng; chi cho y tế là 8.500 đồng/người/tháng. Tỷ lệ này là thấp so với khu vực chính thức. Kết quả là hơn một nửa (51%) số lao động là chưa qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào; số người có bằng cao đẳng trở lên chỉ chiếm 7%. Về văn hoá , thông tin, liên lạc còn nhiều hạn chế. Về sức khoẻ thì cũng không đảm bảo để lao động với cường độ cao. Do mức sinh hoạt còn thấp, việc khám sức khoẻ định kỳ là không có, hơn nữa khi ốm nặng mới đi bệnh viện chữa trị vì không có tiền để thanh toán viện phí nên hầu hết lao động khu vực phi kết cấu suy giảm thể lực và tuổi thọ rất nhanh. Sức khoẻ kém, trình độ học vấn chuyên môn thấp đã không cho phép lao động khu vực phi kết cấu tìm kiếm được việc làm dễ dàng ở khu vực chính thức hoặc những công việc ổn định có thu nhập cao. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế trôi đi và ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu.
Bên cạnh đó, những người lao động ở khu vực phi kết cấu thường là trụ cột của gia đình. Do công việc thường là nặng nhọc, độc hại, sức khoẻ lại không tốt dẫn đến mức độ rủi ro trong cuộc sống là rất lớn. Nếu không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn, mất khả năng lao động hoặc tử vong thì bản thân và gia đình không biết bấu víu vào đâu. Đây chính là những vấn đề đặt ra đối với an sinh xã hội cho lao động khu vực phi kết cấu của Việt nam.