Bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở việt nam (Trang 103 - 105)

3.1.1.1. Xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập

Toàn cầu hoá kinh tế đã diễn ra từ vài thập kỷ trước, đó là xu thế khách quan của nền kinh tế thế giới. Xu thế này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia và các tập đoàn kinh tế lớn trên toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích kinh tế thì sự phân cực giữa các quốc gia giàu nghèo trên thế giới ngày càng lớn, ngay trong một quốc gia thì tình trạng phân hoá giàu nghèo cũng diễn ra gay gắt. Bất bình đẳng là vấn đề thường trực, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng đã tạo nên một sức ép khá lớn cho Chính Phủ của các quốc gia đang phát triển.

Việt nam cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ đó. Chúng ta đã chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới bằng việc gia nhập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á-Thái bình dương (APEC), và chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) trong thời gian tới. Ngoài những lợi ích kinh tế thu được nhờ mở rộng được thị trường cho hàng hoá xuất khẩu và sự di chuyển nguốn vốn, khoa học công nghệ vào trong nước thì những hậu quả xã hội phải gánh chịu từ quá trình hội nhập đó cũng không phải là nhỏ. Sự phân hoá giàu nghèo, bất bình đẳng sẽ diễn ra ngày càng gay gắt, thất nghiệp do sự phá sản của các doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh và quá trình đổi mới công nghệ sẽ ngày càng nhiều. Để hạn chế những mặt trái của xu hướng toàn cầu hoá đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia cũng phải có những thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện và phát triển để nâng cao dần mức thụ hưởng các khoản phúc lợi mang đến từ quá trình hội nhập và phát triển kinh tế cho người dân và mọi thành viên trong xã hội.

Theo xu hướng phát triển kinh tế – xã hội chung, hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, theo các nhà kinh tế học, hệ thống an sinh xã hội nói chung gồm 3 mô hình cơ bản đó là:

* Mô hình thứ nhất: Là hệ thống rộng lớn công cộng hay bán công cộng trong đó áp dụng công thức thụ hưởng xác định hay công thức đóng góp xác định mức thụ hưởng.

Mô hình này áp dụng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Trung quốc, Thái lan, Philipin...và thường được biết dưới cái tên là : Hệ thống Pay -As -You –Go (PAYG). Nguồn đóng góp là từ người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ. Chế độ đóng góp là bắt buộc dưới hình thức thuế lương hay tỷ lệ đóng góp căn cứ vào lương. Quỹ do Nhà nước quản lý và thực hiện các chế độ an sinh xã hội theo quy định dựa trên mức đóng góp. Người ta có thể thiết lập quỹ chung cho một vài chế độ an sinh xã hội hoặc mỗi quỹ tương ứng với một chế độ an sinh xã hội. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi thường được sử dụng qua kênh đầu tư Nhà nước.

Việc áp dụng mô hình này đang gặp phải một số vấn đề như sự phát triển của các chương trình an sinh xã hội song song, chế độ thụ hưởng không hợp lý, hình thức đầu tư nghèo nàn, tỷ lệ người tham gia ít và chất lượng quản lý kém. Theo thống kê cho thấy hiện có khoảng 2 tỷ người, nghĩa là khoảng 1/3 dân số thế giới không được hưởng chế độ an sinh xã hội chính thức nào. Khoảng 90% lực lượng lao động ở Châu phi và 20% lực lượng lao động ở các quốc gia đang phát triển khác đang nằm ngoài các chương trình an sinh xã hội chính thức.

* Mô hình thứ hai: Cũng tương tự như mô hình thứ nhất, trong mô hình này, nguồn đóng góp chủ yếu là bắt buộc từ người lao động và chủ sử dụng lao động, Chính phủ chỉ hỗ trợ tài chính trong trường hợp cần thiết. Điểm khác biệt cơ bản là các khoản đóng góp được cá nhân hoá dưới hình thức tài khoản cá nhân. Tài sản tích luỹ trong các tài khoản cá nhân này có thể được đầu tư theo yêu cầu của chủ tài khoản đồng thời là người thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội. Mức thụ hưởng của mỗi cá nhân phụ thuộc vào số lượng tài sản tích luỹ trong tài khoản của họ.

Mô hình này có ưu điểm là giảm thiểu gánh nặng rủi ro tài chính cho Chính Phủ, nhưng nó chỉ hoạt động tốt khi có thị trường tài chính phát triển. Phần tài sản tích luỹ được hưởng lãi suất thông qua kênh đầu tư Nhà nước và các quỹ đầu tư,

các công ty tín thác...Mô hình này đang được nhiều nước lựa chọn trong tiến trình cải cách hệ thống an sinh xã hội và nó được áp dụng khá thành công ở Singapore và Malaysia.

* Mô hình thứ ba: Là mô hình tự nguyện hoặc là do Chính phủ quản lý dưới dạng tự nguyện hay bán tự nguyện; hoặc do tư nhân quản lý; hoặc có trường hợp người sử dụng lao động được pháp luật uỷ thác thực hiện bảo hiểm xã hội. Hệ thống này bao quát hầu như toàn bộ người lao động trong nước.

Nguyên tắc tự nguyện thường áp dụng cho người lao động thuộc khu vực phi kết cấu hoặc người lao động ở khu vực chính thức muốn có mức thụ hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn. Người lao động có thể sử dụng cả hai hình thức đóng góp vào quỹ an sinh xã hội như mô hình thứ nhất hoặc thứ hai. Mô hình này được áp dụng khá thành công ở Nhật Bản.

Các nước trên thế giới đang trong quá trình cải cách hệ thống an sinh xã hội quốc gia và có xu hướng nhấn mạnh những ưu điểm của mô hình thứ hai. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trước xu thế đó đã đặt ra cho chúng ta những vấn đề về lý luận và thực tiễn trong việc hoàn thiện và phát triển hệ thống an sinh xã hội quốc gia nói chung và đối với lao động khu vực phi kết cấu nói riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở việt nam (Trang 103 - 105)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)