Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở việt nam (Trang 97 - 103)

2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÌNH HÌNH AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG

2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân

Tuy những năm qua, vấn đề đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả như trên, nhưng vẫn còn một số hạn chế như:

-Việc làm, thu nhập và mức sống của người lao động chưa đảm bảo -Mức độ an toàn trong cuộc sống thấp

-Khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội còn hạn chế

Những hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân sau:

a. Về phía cơ quan quản lý, ban hành chính sách

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tác động đến vấn đề an sinh xã hội cho lao động khu vực phi kết cấu. Tuy nhiên những tác động đó là chưa đủ mức. Cho đến nay cuộc sống của phần lớn người lao động khu vực phi kết cấu chưa được đảm bảo an toàn. Việc làm, thu nhập, mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, mức độ rủi ro trong cuộc sống cao vẫn đang là vấn đề bức xúc đối với lao động khu vực phi kết cấu. Có một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó:

Thứ nhất: Nhận thức về khu vực phi kết cấu còn chưa đầy đủ, có nhiều nhà quản lý vẫn còn cho rằng khu vực kinh tế phi kết cấu chỉ là thứ yếu nên việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội ở khu vực này chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta đã biết, khu vực phi kết cấu tồn tại là khách quan ở mỗi quốc gia, đối với những quốc gia đang phát triển, trong quá trình hiện đại nền kinh tế thị trường thì khu vực kinh tế phi kết cấu ngày càng mở rộng. Thực tế cho thấy ở Việt Nam khu vực này đã có những đóng góp rất lớn vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế (khoảng 50% GDP) và thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô quốc gia. Tuy nhiên do năng lực quản lý kinh tế và nền hành chính quốc gia còn yếu kém từ đó dẫn đến việc ban hành những chính sách để quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ khu vực này chưa đúng mức, các chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội khó kiểm soát.

Thứ hai: Hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam chậm đổi mới, chưa bắt kịp những biến đổi của nền kinh tế – xã hội. Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội của nước ta mới chủ yếu đảm bảo cho lao động thuộc khu vực chính thức. Chưa có một kênh chính thức nào trong hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo những nội dung an sinh cơ bản cho lao động khu vực phi kết cấu. Trong khi bản thân người lao động chưa tự chống lại các “chấn động” thì cần phải có những tấm lá chắn để che chở cho họ khỏi rơi tự do trong nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, những chính sách đã được áp dụng tỏ ra chậm đổi mới để theo kịp sự phát triển và những biến động của khu vực phi kết cấu.

Thứ ba: Việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho lao động khu vực phi kết cấu còn chưa kịp thời. Trước nhu cầu và đòi hỏi khách quan của người lao động về việc được tiếp cận đầy đủ với các dich vụ xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm ...thể hiện sự đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế trong xã hội. Đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội thì cho đến nay người lao động khu vực phi kết cấu chưa thể tiếp cận được, trong khi đó họ đang cần một chỗ dựa cho cuộc sống khi về già hoặc không còn khả năng làm việc. Đây là đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Thứ tư: Việc thực thi các chính sách nhằm đảm bảo ASXH cho lao động khu vực phi kết cấu còn chậm chạp, các cấp các ngành, các địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát xao đối với việc triển khai các chương trình như giải quyết việc làm, mở rông đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện. Có thể khẳng định rằng, nếu chính quyền các cấp không thực sự vào cuộc thì các chính sách an sinh xã hội này không thể đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ năm: Hệ thống an sinh xã hội của nước ta chưa được định hình một cách rõ nét, công tác tổ chức quản lý các chính sách an sinh xã hội vừa phân tán vừa chồng chéo. Các chương trình mục tiêu, các loại quỹ an sinh xã hội do nhiều cơ quan quản lý. Cho đến nay chính sách xóa đói giảm nghèo có nằm trong hệ thống an sinh xã hội hay không vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Đặc biệt là chính sách an sinh xã hội được thể hiện ở nhiều văn bản pháp quy như Luật lao động; luật bảo vệ chăm sóc-giáo dục trẻ em; pháp lệnh về người có công; người tàn tật và người cao tuổi, pháp lệnh cán bộ công chức... Chính vì vậy nhiều

cán bộ, chính quyền địa phương chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề này, nên việc thực thi các chính sách an sinh xã hội còn trông chờ, ỉ nại vào cấp trên.

b. Về phía ngƣời lao động

- Trình độ học vấn, nhận thức, khả năng hấp thu thông tin

Trình độ học vấn của lao động khu vực phi kết cấu là không cao, có tới 35% số lao động mới học hết trung học cơ sở (cấp 2), hơn 50% không qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ gì, chỉ có 7% là có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trình độ học vấn thấp dẫn đến nhận thức trong việc tự đảm bảo an sinh xã hội cho bản thân và gia đình còn rất hạn chế. Điều này thể hiện qua việc tự nguyện tham gia các chính sách bảo hiểm của Nhà nước. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010, bảo hiểm xã hội các địa phương trong cả nước đã rất tích cực triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện tới mọi người dân không thuộc đối tượng tham gia bắt buộc. Mặc dù chính sách bảo hiểm y tế của Nhà nước là rất ưu việt, tuy nhiên kết quả thu được là rất khiêm tốn. Đến nay cả nước mới có khoảng 30 vạn người dân tự do tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Tại thủ đô Hà Nội, việc triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện đã được thành phố rất quan tâm chỉ đạo và cho triển khai thí điểm trên toàn huyện Sóc Sơn, một huyện nghèo nhất của Thành phố Hà Nội nhằm giúp người dân được đảm bảo về y tế trong điều kiện tốt nhất. Mặc dù Thành phố đã hỗ trợ mỗi người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện 15.000 đồng trên tổng số phí bảo hiểm là 50.000 đồng/năm, tức là mỗi người tham gia chỉ phải đóng 35.000 đồng/người/năm, nhưng qua 2 năm triển khai (2002 – 2003) mới có 25.036 người tham gia đạt tỷ lệ 17% trên tổng số người thuộc diện vận động tham gia. Mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố Hà nội đã cử cán bộ ròng rã 6 tháng trời ăn ngủ cùng với dân để tuyên truyền vận động, cộng với những hỗ trợ về mặt tài chính của ngân sách thành phố mà 2 năm triển khai mới có 17% số người tham gia. Qua kết quả điều tra của bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội thì có tới 99,4% người dân huyện Sóc Sơn biết có chương trình bảo hiểm y tế của Nhà nước dành cho họ, nhưng kết quả tham gia vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Qua đó cho thấy nhận thức của đại bộ phận nông dân và lao động phi kết cấu còn rất hạn chế trong việc tự bảo vệ mình trước những rủi ro của cuộc sống. Chúng ta đều biết rằng, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì nỗ lực của bản thân người lao động là rất quan trọng, góp

phần trong việc thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ.

Bên cạnh đó do trình độ học vấn và nhận thức thấp đã ảnh hưởng nhiều tới việc hấp thụ các thông tin về văn hoá, giáo dục, y tế, nhất là các chính sách hỗ trợ của nhà nước về giải quyết việc làm, các chương trình cho vay vốn xoá đói giảm nghèo, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Mặc dù chính sách bảo hiểm xã hội đã được ban hành và ngành bảo hiểm xã hội đã hoạt động được 10 năm nay, nhưng qua điều tra (bảng 2.13) cho thấy chỉ có 12,3% số lao động khu vực phi kết cấu là biết rõ về chính sách bảo hiểm xã hội, còn trên 87% chỉ biết chút ít hoặc không biết gì. Từ đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp nhận những dịch vụ và phúc lợi xã hội của Chính phủ dành cho mọi người dân, làm cho sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn so với khu vực chính thức, đồng thời cũng đặt ra cho các cơ quan đảm nhiệm vai trò thực thi những chính sách an sinh xã hội phải tìm ra phương thức tốt nhất trong việc đưa chính sách của Nhà nước tới được với người lao động thuộc khu vực phi kết cấu.

- Rủi ro trong cuộc sống còn cao

Hầu hết những người lao động tự do tại khu vực thành thị đều phải làm những công việc nặng nhọc, vất vả, ô nhiễm. Đó là những công việc mà những người lao động sở tại không muốn làm. Cường độ lao động cao, làm việc bất kể thời gian, giờ giấc, không có được những điều kiện bảo hộ cần thiết dẫn tới sức khoẻ giảm sút, ốm đau bệnh tật, tai nạn là vấn đề thường trực. Họ thường ở trong độ tuổi còn rất trẻ. Theo thống kê, số lượng lao động khu vực phi kết cấu có độ tuổi dưới 40 chiếm 70% trên tổng số lao động. Họ là những trụ cột kinh tế trong gia đình. Trong khi chưa thể tiếp cận đầy đủ với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nếu người lao động không biết tự bảo vệ mình đến khi xẩy ra rủi ro ốm đau, bệnh tật, tai nạn, tử vong thì bản thân và gia đình phải tự gồng mình lên để lo liệu cuộc sống. Đây quả thực là những mối lo rất lớn của bản thân người lao động và của Chính phủ trong việc đảm bảo an toàn cuộc sống cho 1/2 lực lượng lao động xã hội này.

Tóm lại: Từ những phân tích như trên về thực trạng khả năng bao quát của hệ thống an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu chúng ta thấy rằng:

Về chính sách bảo hiểm xã hội: Kể từ sau năm 1995 trở lại đây, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới, để đưa một bộ phận lao động trước đây thuộc khu vực phi kết cấu vào diện bao quát của bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đến nay đã có khoảng 1,5 triệu lao động khu vực phi kết cấu được tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên vẫn còn một lực lượng lớn lao động khu vực phi kết cấu do những đặc điểm vốn có về quan hệ lao động, thu nhập....không thể tiếp cận được với chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành.

Về bảo hiểm y tế: Bằng chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ thuộc diện đói nghèo và việc triển khai bảo hiểm y tế tự nguyện theo Thông tư 77/2003, đến nay đã có khoảng 3,4 triệu người nghèo đói được cấp thẻ bảo hiểm y tế và 0,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện (trong đó phần lớn là những người lao động thuộc khu vực phi kết cấu), đã giúp họ được chăm sóc y tế bình đẳng như những đối tượng khác. Tuy vậy cho đến nay vẫn còn trên 80% số lao động khu vực phi kết cấu chưa biết dựa vào đâu để chăm sóc sức khỏe khi không may bị ốm đau bệnh tật.

Chính sách việc làm: Đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động khu vực phi kết cấu. Thông qua qũy quốc gia giải quyết việc làm, chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, mở rộng thị trường, xuất khẩu lao động đã giải quyết được việc làm cho 1 triệu người mỗi năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm, thời gian lao động ở nông thôn tăng, người lao động khu vực phi kết cấu có thu nhập để tự ổn định cuộc sống.

Chính sách xóa đói giảm nghèo: Được thực hiện thông qua các chương trình 135; 143; tín dụng cho người nghèo; phát triển thương mại ở khu vực miền núi; chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã góp phần nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân, nhất là ở những địa phương còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc giảm nhanh từ 17,5% năm 2000 xuống còn 9% năm 2004. Tuy nhiên nghèo đói và an sinh xã hội vẫn còn là vấn đề bức xúc. Việt nam vẫn nằm trong danh sách các nước nghèo với tỷ lệ nghèo đói cao. Số hộ mới thoát nghèo có khả năng quay trở lại nghèo đói là rất lớn.

Các chính sách bảo trợ và ưu đãi xã hội của Nhà nước: Là một bộ phận quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia nhằm cứu trợ kịp thời cho nhóm những người yếu thế như cô đơn, tàn tật, lang thang cơ nhỡ; những người gặp rủi ro bất hạnh; hoặc trợ cấp cho những người có công với nước. Những gia

đình thuộc khu vực phi kết cấu cũng là một trong những đối tượng ưu đãi xã hội được hưởng trợ cấp từ những chính sách này.

Như vậy, bằng những chính sách tác động của Chính Phủ, đời sống người lao động khu vực phi kết cấu cơ bản được cải thiện, thu nhập đã được nâng cao, khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, chăm sóc y tế dễ dàng hơn. Tất cả những thành quả đó đã góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong suốt những năm qua của nước ta. Tuy nhiên so với mặt bằng chung, vấn đề an sinh xã hội ở khu vực phi kết cấu vẫn còn nhiều bức xúc, thể hiện ở chỗ: Việc làm và thu nhập không ổn định, mức sống thấp, độ rủi ro trong cuộc sống còn cao. Nguyên nhân là do cả phía cơ quan quản lý, ban hành chính sách và bản thân người lao động.

Như vậy, để đảm bảo an sinh xã hội cho lao động khu vực phi kết cấu, vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong thời gian tới đó là:

-Việc ban hành, thực thi và triển khai các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước phải kịp thời, đầy đủ, phù hợp với đặc điểm của khu vực phi kết cấu đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Quốc gia.

-Cải cách phương thức và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động khu vực phi kết cấu tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội.

CHƢƠNG 3: QUAN ĐIỂM ĐỊNH HƢỚNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG AN

SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG KHU VỰC PHI KẾT CẤU

3.1. BỐI CẢNH MỚI VÀ SỰ TÁC ĐỘNG TỚI HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG KHU VỰC PHI KẾT CẤU

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi kết cấu ở việt nam (Trang 97 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)