Khuynh hướng sử dụng chữ Quốc ngữ làm vũ khí chống thực

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 43 - 49)

Chƣơng 2 SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

2.1. Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ

2.1.3.2. Khuynh hướng sử dụng chữ Quốc ngữ làm vũ khí chống thực

dân Pháp

Đầu thế kỷ XX, sau những thất bại liên tiếp của các phong trào chống Pháp, tấm gương duy tân thành công của Nhật Bản cùng với tư tưởng dân chủ tư sản ở châu Âu tràn vào Việt Nam qua tân thư, tân văn tạo nên một làn “gió mát” làm thức tỉnh tầng lớp trí thức Nho học người Việt có tinh thần yêu nước. Họ nhận ra “nhân dân nước Nam bây giờ ngu xuẩn như trâu, như ngựa, tha hồ cho người ta ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở, lại thêm lấy uy thế của bảo hộ và quan lại nước Nam tàn nhẫn, cứ dùng roi vọt mà đánh cho đau, thì muốn gì mà chẳng được…” [168, tr. 222]. Khi đất nước còn nghèo, dân trí còn thấp thì chưa thể vùng dậy lật đổ ách đô hộ của kẻ thù. Muốn cứu nước phải chấn

hưng dân khí, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài. Tiêu biểu cho xu hướng này là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đã khởi xướng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ (1906 – 1908). Họ tích cực vận động mở lớp dạy học, dạy chữ, dạy kiến thức cho nhân dân lao động thất học “năm 1906, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Nam đã có đến 40 trường lớn nhỏ” [16; tr 202]. Thứ chữ họ cổ vũ không phải chữ thánh hiền (chữ Hán), mà là thứ chữ do các giáo sĩ người châu Âu cùng với một bộ phận trí thức người Việt sáng tạo (chữ Quốc ngữ). Với các nhà cách mạng trong phong trào Duy Tân, chữ Quốc ngữ là công cụ để chấn hưng dân khí, nâng cao dân trí và hiện đại nền văn hóa dân tộc, nên họ vận động mọi tầng lớp nhân dân học và sử dụng chữ Quốc ngữ.

Trước hết phải học ngay chữ Quốc ngữ Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau Chữ ta ta đã thuộc làu

Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài Sẳn cơ sở để khai dân trí.

Đây là bước chuyển biến lớn về mặt tư tưởng và cách nhìn nhận của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam. Từ chỗ kỳ thị, khinh miệt “ngoằn nghèo như rau muống”, nay công nhận là chữ của nước mình “ngày nay chữ Quốc ngữ mới thật sự là chữ viết của ta, ta đọc ta hiểu, người nghe ta đọc cũng hiểu ngay, người sang kẻ hèn cũng học được mà không hao công tốn của” [68, tr. 8]. Thời đó, việc dạy chữ Quốc ngữ trong các trường của phong trào Duy Tân gặp nhiều khó khăn do sự chống đối của lớp người thủ cựu. Nhiều người kiên quyết không cho con em đi học thứ chữ “của Tây, của các cố đạo”. Nhưng với lòng yêu, thương nhân dân lao động mù chữ đã giúp các nhà truyền bá chữ Quốc ngữ vượt qua mọi khó khăn, thủ thách từng bước đưa chữ Quốc ngữ đến với nhân dân.

Đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước có tác động mạnh mẽ và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của chữ Quốc ngữ là Đông Kinh nghĩa thục,

bùng nổ ở Bắc Kỳ, năm 1907. Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời với mục đích nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho nhân dân; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với phong trào Duy Tân, Đông Du. Để thực hiện mục đích, các yếu nhân trong Đông Kinh Nghĩa Thục nhìn thấy “chữ Quốc ngữ là lợi khí thứ nhất để khai dân trí” và họ dấy lên phong trào phổ biến chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp nhân dân. Phong trào đã nhanh chóng thu hút các sĩ phu Nho học yêu nước như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền … và các trí thức Tân học như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn….Đây là dấu mốc ghi nhận sự hợp tác đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam giữa hai thế lực Tân học và Cựu học. Bởi, họ có chung một lý tưởng là làm thế nào để nâng cao dân khí, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần xoá bỏ nền giáo dục Nho học lạc hậu, xây dựng nền giáo dục mới tiến bộ hơn, đưa lại sự tiến hoá cho dân tộc. Nền giáo dục mới mà họ chủ trương trước hết là đào tạo ra một lớp người hữu dụng. Vì thế, chương trình dạy học của Đông Kinh Nghĩa Thục ngoài việc cung cấp kiến thức phổ thông cho người học còn hướng người học vào thực nghiệm. Theo Nguyễn Phan Lãng, nền giáo dục phải tạo ra những người biết chế thuỷ tinh, biết đúc sắt, luyện đồng, có kiến thức sâu rộng về điện, về cơ khí, chế tạo được tầu thuỷ, biết nghề buôn bán… như thế mới thực sự không phụ công người đi học. Ngoài ra, nền giáo dục mà các yếu nhân trong Đông Kinh Nghĩa Thục cổ vũ khác với nền giáo dục truyền thống là khuyến khích, tuyên truyền nhân dân sử dụng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ

Nôm. Trong tác phẩm Văn minh tân học sách được xem là cương lĩnh hoạt

động của trường đã khẳng định: “Người trong nước đi học lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay, thư từ có thể chuốt lời và đạt ý. Đó thực là bước đầu tiên trong việc mở

mang trí khôn vậy”[185, tr. 639]. Trong quá trình Truyền bá chữ Quốc ngữ, các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục phải đối diện với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là, chữ Hán và chữ Nôm có lịch sử hàng nghìn năm tồn tại, đào tạo ra nhiều nhà trí thức lớn cho dân tộc và trở thành kiểu chữ mẫu trong nhà trường khoa bảng. Trong khi, chữ Quốc ngữ du nhập vào Việt Nam cùng với ngoại bang xâm lược, nên sự lưu luyến thứ chữ cổ xưa trong tâm trí người Việt không dễ đoạn tuyệt. Song, các yếu nhân trong Đông Kinh Nghĩa Thục nhận thấy chữ Quốc ngữ là phương tiện truyền thông đầy tính ưu việt, phù hợp với nhân dân lao động thất học ở Việt Nam mà tiếp tục cổ suý, tuyên truyền, kêu gọi các tầng lớp học chữ Quốc ngữ.

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước Phải đem ra tính trước dân ta Sách Âu Mỹ, sách China

Chữ kia, chữ nọ dịch ra tỏ tường

Nông, công, cổ trăm đường cũng thế

Hợp bầy nhau thì dễ toan lo Á, Âu chung lại một lò

Đúc nên tư cách mới cho là người Một người học muôn người đều biết Trí đã khôn trăm việc phải hay.

Các nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục muốn xây dựng một nền giáo dục mới phải là nền giáo dục yêu nước, yêu đồng loại, dân tộc hoá, khoa học hoá và đại chúng hoá, hướng tới mục tiêu khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh làm cơ sở cho việc thực hiện hai mục tiêu là chấn hưng, hiện đại hoá đất nước và khôi phục chủ quyền quốc gia dân tộc.

Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1907 “nhưng đã mở hàng trăm lớp dạy chữ Quốc ngữ cho hàng nghìn người” [78, tr. A], biên soạn hàng chục cuốn sách với nội dung

yêu nước tiến bộ bằng chữ Quốc ngữ như: Quốc dân độc bản (1907), Nam

quốc địa dư, Quốc văn tập độc (1907), Phen này cắt tóc đi tu, Kêu hồn nước,

Thiết tiền ca… cùng với hàng loạt các cuộc diễn thuyết cổ động cho việc học

và phổ biến chữ Quốc ngữ. Việc xuất bản nhiều cuốn sách mang nội dung yêu nước và tổ chức các cuộc diễn thuyết, Đông Kinh nghĩa thục nhanh chóng trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng mới, đánh dấu sự đổi mới tư duy và hành động của các trí thức nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, Đông Kinh nghĩa thục với phương pháp dạy học mới “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do, không nề hà. Không cần thể cách gì hết. Rồi thêm vào đó mấy bài toán pháp, về chữ Quốc ngữ, để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm” [109, tr. 59]. Phương pháp dạy học hoàn toàn mới đối với nhân dân ta thời bấy giờ, tạo điều kiện để học sinh tự do phát triển tư duy và phát triển thực học. Chính vì thế, Đông Kinh nghĩa thục đã thu hút đông đảo học sinh thuộc nhiều lứa tuổi tham gia. Nhất là, giới nữ lúc bấy giờ cũng tích cực tham gia phong trào “chị em chúng tôi thấy các ngài mở ra Ban Nữ học, xưa nay chúng tôi cũng lo lắng việc ấy lắm, nhưng phận đàn bà con gái khó lập Hội mở trường, mà cũng chưa dám tin vào hội nào mà dám vào dạy…vậy, các ngài cho chị em chúng tôi đến giúp thục” [130, tr. 51]. Hay khi trường mới tổ chức mở các lớp thiếu giáo viên dạy chữ Quốc ngữ cho ban nữ, Lương Trúc Đàm giới thiệu cô em gái dạy giúp cho trường “nếu không tìm được ai dạy thì tôi xin cử em Năm tôi. Cô ấy biết chữ Quốc ngữ, tôi tưởng dạy tạm lúc đầu cũng được” [109, tr. 55]. Thời bấy giờ, việc mở lớp cho nữ sinh và vận động giới nữ tham gia các hoạt động xã hội là một cuộc cách mạng lớn. Các yếu nhân trong Đông Kinh nghĩa thục không chỉ muốn bài trừ tư tưởng “nam tôn nữ ti”, mà còn muốn phụ nữ phải đóng vai trò quan trọng trong xã hội, tạo cho họ một nhân sinh mới, một lối sống mới. Đông Kinh nghĩa thục “tuyên chiến” với nền cựu học lấy chữ Hán và Khoa cử làm nền tảng, chỉ đào tạo một nghề làm quan mà không quan tâm đến ngành nghề

khác. Ngoài ra, các nhà Duy Tân trong Đông Kinh nghĩa thục đã biết lợi dụng hoạt động hợp pháp công khai để xây dựng một phong trào Truyền bá Quốc ngữ rộng lớn, khuấy động và làm thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Đông Kinh nghĩa thục là hồi chuông báo hiệu thời kỳ mới của chữ Quốc ngữ, chữ Quốc ngữ dần dần thay thế chữ Hán, chữ Nôm và giữ vai trò chủ đạo trong xã hội và tiếp tục sự nghiệp phổ biến chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của,…đồng thời, để lại ý tưởng cho tầng lớp trí thức sau này thực hiện.

Nối tiếp tinh thần và sự nghiệp của các nhà Duy Tân đầu thế kỷ XX, nhân dân Việt Nam khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào dạy và học chữ Quốc ngữ đã có bước phát triển mới. Khẩu hiệu “dạy chữ Quốc ngữ”, “tổ chức lớp học chữ Quốc ngữ” xuất hiện cùng với khẩu hiệu đòi chia lại ruộng đất, chống những hủ tục lạc hậu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Các chính quyền Xô viết quan tâm đến việc tổ chức mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho nhân dân lao động. Với tinh thần người biết chữ dạy cho người còn mù chữ, người biết nhiều dạy cho người biết ít nên đã cuốn hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia dạy và học chữ Quốc ngữ. Một số địa phương gây quỹ mua sách, bút, vở phát không cho những người đi học. Chính vì thế, các lớp học chữ Quốc ngữ đã phát triển đều khắp và thu hút mọi lứa tuổi khác nhau tham gia. Trong thời gian ngắn các chính quyền Xô viết tổ chức được 851 lớp học Quốc ngữ với 11626 học viên và giáo viên tham gia. Tiếp sau thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, một số trí thức có tinh thần yêu nước, nhất là các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù đế quốc đã “biến nhà tù thành trường học” mở lớp dạy chữ Quốc ngữ, giúp cho nhiều người biết chữ.

Đầu thế kỷ XX, chữ Quốc ngữ từng bước được phổ biến và phát triển mạnh mẽ, dần dần thay thế vị trí của chữ Hán trong xã hội Việt Nam. Nhất là, từ khi chữ Quốc ngữ được sử dụng vào thời điểm của hai xu hướng trái ngược

nhau. Một bên là chính quyền Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ làm công cụ đồng hoá người Việt, loại bỏ mọi ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc đối với Việt Nam. Một bên là các nhân sĩ trí thức yêu nước lấy chữ Quốc ngữ làm công cụ sắc bén để khai dân trí, phổ biến tân học, truyền bá tư tưởng yêu nước tiến tới giải phóng dân tộc. Tầng lớp trí thức Nho học người Việt từ chỗ phản đối đến tự nguyện chấp nhận nên đã nằm ngoài sự tính toán của chính quyền đô hộ. Bởi vì, người Pháp khi đến Việt Nam, một mặt bắt buộc phải sử dụng chữ Quốc ngữ để loại bỏ chữ Hán và phục vụ công cuộc hành chính. Mặt khác, vẫn tìm cách kìm hãm sự phát triển của chữ Quốc ngữ trước chữ Pháp, nhưng khi chữ Quốc ngữ được các nhà Duy Tân đầu thế kỷ XX chấp nhận và xem nó là văn tự chính thức của dân tộc thì nó ngày càng được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, vượt khỏi sự kiểm soát của chính quyền cai trị. “Chữ Quốc ngữ được phát triển dưới sự hỗ trợ và cầm chịch của chính quyền thuộc địa Pháp. Nhưng ngay cả người Pháp cũng không ngờ, một khi nó trở thành công cụ của quần chúng để truyền đạt tư tưởng và biểu lộ cảm xúc, thì nó đã tuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa, và ngược lại, biến thành lực lượng đối kháng hữu hiệu nhất cho công cuộc giành độc lập của dân tộc” [168, tr. 116].

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 43 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)