Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 41 - 43)

Chƣơng 2 SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

2.1. Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ

2.1.3.1. Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp

Năm 1651, cuốn “Từ điển Việt - Bồ - La” xuất bản tại Rôma, đánh dấu

sự hoàn thành cơ bản của quá trình sáng chế chữ Quốc ngữ. Nhưng, trong suốt thời gian dài từ năm 1651 đến những năm 60 của thế kỷ XIX, chữ Quốc ngữ chỉ ảnh hưởng trong cộng đồng dân Công giáo với vai trò giảng đạo và viết kinh sách. Đến năm 1862, khi lấy được ba tỉnh miền Đông Nam bộ, Pháp nhận thấy chữ Quốc ngữ là một công cụ thuận tiện cho sự cai trị nhân dân Việt Nam, nên khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân học và sử dụng chữ Quốc

ngữ. Năm 1865, tờ báo đầu tiên xuất bản bằng chữ Quốc ngữ ra đời, tờ “Gia

Định báo” “vùng đất do Pháp chiếm cứ, người Pháp ra tờ công báo ban bố

những chính sách cai trị với dân bản xứ, đó là tờ Gia Định báo, sáng lập là ông Potteaux, chủ bút là ông Trương Vĩnh Ký. Đó là tờ báo dùng chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam” [168, tr. 51] nhằm tuyên truyền chính sách cai trị cho chính quyền đô hộ. Nhưng tờ báo đã nhanh chóng vượt qua mục đích ban

đầu của chính quyền thực dân, trở thành phương tiện hiệu quả để phổ biến, cổ vũ nhân dân học và sử dụng chữ Quốc ngữ. Ngoài ra, Pháp nhìn thấy chữ Quốc ngữ trở nên cần thiết cho việc thay thế nền hành chính của nhà Nguyễn nên đã quy định chữ Quốc ngữ vào vị trí thứ hai sau chữ Pháp.

Ngày 22/2/1869, G. Ohier đã ra một nghị định bắt buộc tất cả các giấy tờ của nhà nước phải viết bằng chữ Quốc ngữ.

Ngày 14/11/1874, Đô đốc hải quân, Thống soái Nam kỳ Francois Krantz ký nghị định mở trường Chansseloup Laubat để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em quan chức người Pháp và người Việt ở Nam kỳ.

Ngày 6/4/1878, Đô đốc hải quân, Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 tiếp tục bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay thế cho chữ Hán và chữ Nôm. “1. từ ngày 1/1/1879, các văn kiện chính thức phải thảo bằng chữ Quốc ngữ. 2. Kể từ ngày 1/1/1882, mọi sự tuyển dụng nhân sự phải dựa vào khả năng biết chữ Quốc ngữ. 3. Mọi công chức nếu giỏi chữ Quốc ngữ sẽ được miễn nhiều loại thuế và dịch vụ” [190, tr. 380].

Ngày 17/3/1879, một nghị định chính thức sử dụng chữ Quốc ngữ trong trường học ở Nam Kỳ.

Đến năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc luật đưa chữ Quốc ngữ vào các kỳ thi, nhưng đến năm 1909 mới được áp dụng.

Năm 1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho nhân dân bản xứ được Paul Beau phê chuẩn. Ở cấp 1 dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, đến cấp 3 dạy cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.

Chữ Quốc ngữ là thành tựu về ngôn ngữ được xây dựng dựa trên mẫu tự La tinh, chỉ trong một thời gian ngắn người học có thể biết viết, biết đọc thông thạo nên mang lại nhiều thuận lợi cho người Pháp trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách cai trị đến với nhân dân Việt Nam. Trong khi chính quyền Pháp không phải làm quen với chữ Hán và chữ Nôm vốn xa lạ với họ, mà vẫn có thể giao tiếp với người Việt.

Như vậy, khi đến Việt Nam, người Pháp đã quan tâm đến chữ Quốc ngữ và cuối cùng họ đã sử dụng thứ chữ viết này trong công việc hành chính, nhất là đưa vào giảng dạy trong trường học. Xét trên phương diện mục đích sử dụng, người Pháp xem chữ Quốc ngữ là một công cụ thực hiện trong công việc hành chính, làm chuyển ngữ để người Việt sang học chữ Pháp và biến chữ Quốc ngữ trở thành công cụ để chính quyền đô hộ thực hiện âm mưu cai trị Việt Nam. Nhưng nhìn trên phương diện phát triển của chữ Quốc ngữ, chính quyền Pháp có phần tác động tích cực, như ban hành và thực hiện nhiều nghị định về việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong công việc hành chính, đưa chữ Quốc ngữ ra khỏi phạm vi cộng đồng Ki tô giáo đến với nhân dân lao động. “Với sự hậu thuẫn chính thức của nhà cầm quyền thực dân, dù muốn hay không thì chữ Quốc ngữ cũng nhanh chóng đi vào mọi ngóc ngách của đời sống, mọi tầng lớp trong xã hội” [190, tr. 382]. Việc lợi dụng chữ Quốc ngữ vì mục đích chính trị, người Pháp vô tình mang lại cho nhân dân Việt Nam một phương tiện hữu hiệu để đấu tranh chống lại nền thống trị của Pháp và trở thành phương tiện nâng cao dân trí, hiện đại nền văn hoá của người Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 41 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(195 trang)