Những cản trở trên con đường phát triển của chữ Quốc ngữ

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 37 - 41)

Chƣơng 2 SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI TRUYỀN BÁ QUỐC NGỮ

2.1. Quá trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ

2.1.2.4. Những cản trở trên con đường phát triển của chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ do các cố đạo người châu Âu cùng sự cộng tác của tầng lớp trí thức, nhất là các thầy giảng người Việt Nam sáng tạo ra từ thế kỷ

XVII. Ban đầu chữ Quốc ngữ chỉ được sử dụng trong việc truyền giáo và trong sinh hoạt của cộng đồng giáo dân đạo Ki tô. Và sau nhiều thế kỷ, chữ Quốc ngữ vẫn chủ yếu ảnh hưởng xung quanh cộng đồng dân Công giáo và nhà thờ, trong khi các tầng lớp nhân dân người Việt vẫn chưa biết đến sự ra đời và tồn tại của thứ chữ này.

Chữ Quốc ngữ ra đời trong một xã hội quân chủ, lấy chữ Hán làm “quốc gia văn tự”, xem chữ Hán là chữ của bậc thánh hiền, suốt đời phải học tập và gìn giữ. Nên chữ Quốc ngữ không có điều kiện để phổ biến và ảnh hưởng trong nhân dân. Khi bộ phận trí thức dân tộc vẫn luôn đề cao chữ Hán, mà chưa nhận ra những ưu việt và sự phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với con người và văn hóa Việt Nam, thì chữ Quốc ngữ không thể ảnh hưởng và phát triển trong nhân dân. Đặc biệt là, các đời vua nhà Nguyễn, thực hiện chính sách cấm đạo, sát đạo, thì tầng lớp trí thức Nho học càng có tư tưởng xem thường chữ Quốc ngữ hơn trước.

Thực dân Pháp vũ trang xâm lược Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến chính sách thiêu huỷ nhà thờ, bắt giáo dân và đốt nhiều tài liệu sách vở viết bằng chữ Quốc ngữ. Rất nhiều những tác phẩm có giá trị về chữ Quốc ngữ thời đó đã bị thiêu huỷ mà ngày nay không thể biết nó góp phần vào việc phát triển của chữ Quốc ngữ như thế nào.

Chính quyền đô hộ Pháp chủ trương sử dụng chữ Quốc ngữ trong công việc hành chính và đưa vào giảng dạy trong trường học. Nhưng mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của chính quyền đô hộ, nhằm từng bước tổ chức và xác lập nền giáo dục mới ở Việt Nam, trong đó chủ đạo là chữ Pháp, đồng thời loại bỏ nền giáo dục Nho học vốn ảnh hưởng của Trung Hoa. Tuy người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ vì mục đích thực dân. Nhưng phần nào, đã tạo điều kiện thuận lợi để chữ Quốc ngữ vượt ra khỏi phạm vi giáo dân, đến với quần chúng nhân dân người Việt. Tuy nhiên, với mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ làm trung gian cho việc chuyển ngữ, từ học chữ Hán sang học chữ Pháp, nên

những điều kiện để chữ Quốc ngữ phát triển bị hạn chế. Dẫn đến chữ Quốc ngữ không đủ các điều kiện cần thiết để phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân người Việt.

Ngoài ra, xuất phát từ lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược và đô hộ dẫn đến tâm lý nghi ngờ mọi thứ đi cùng với quân xâm lược đều phải bài trừ của nhân dân Việt Nam. Tâm lý hận thực dân đô hộ, thì hận luôn cả chữ Quốc ngữ “hễ ghét đạo Chúa, ghét Tây thì ghét luôn cả chữ Quốc ngữ” [190, tr. 388]. Tiêu biểu cho tâm lý ghét thực dân Pháp dẫn đến ghét luôn cả chữ Quốc ngữ chính là nhà thơ Tú Xương. Tú Xương cũng như rất nhiều nhà Nho Việt Nam lúc bấy giờ, xuất phát từ tấm lòng yêu nước, bất mãn với chế độ, căm thù thực dân xâm lược dẫn đến căm thù mọi thứ đi cùng với thực dân, trong đó “chữ Quốc ngữ bị nằm chung vào cái diện đánh mạnh. Chữ Quốc ngữ vì có mật thiết với đời sống của ký, phán, thông, mà trở thành một đối tượng oan uổng của thơ đã kích Tú Xương” [180, tr. 212]. Với Tú Xương luôn xem thường chữ Quốc ngữ, hay không có thiện cảm với chữ Quốc ngữ cũng là điều dễ hiểu. Tú Xương và nhiều nhà Nho lúc đó không hiểu rằng, chữ Quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều thế hệ các cha đạo người châu Âu cùng với những trí thức Việt Nam sáng chế ra từ thế kỷ XVII, và được hoàn thiện do nhiều thế hệ trí thức người Việt Nam, chính quyền đô hộ Pháp không có bất cứ công lao nào trong sự hình thành và phát triển ban đầu của chữ Quốc ngữ. Họ không hiểu chính chữ Quốc ngữ là phương tiện thuận lợi hơn chữ Hán, chữ Nôm trong công cuộc mở mang dân trí, xoá nạn thất học và hiện đại hoá nền văn hoá Việt Nam. Sau khi Tú Xương qua đời, nhiều nhà Nho yêu nước đã phát động phong trào sử dụng chữ Quốc ngữ để nâng cao dân trí, họ xem chữ Quốc ngữ là “hồn trong nước”, là công cụ tiện ích nhất cho quá trình hiện đại hoá nền văn hóa dân tộc, là công cụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thế là họ bắt đầu cổ vũ, truyền bá nó sâu rộng trong nhân dân, tạo điều kiện cho chữ Quốc ngữ phát triển mạnh mẽ.

Những nguyên nhân trên giải thích tạo sao chữ Quốc ngữ trong thời gian đầu chỉ chủ yếu phát triển trong cộng đồng dân công giáo. Chính những người trí thức công giáo là những người Việt Nam đầu tiên nhận thấy sự lợi ích của chữ Quốc ngữ so với các thứ chữ khác. Và họ đã vượt qua sự nghi kỵ, sự kỳ thị luôn tồn tại trong mỗi người dân mất nước để cổ vũ, truyền bá việc sử dụng chữ Quốc ngữ. Họ viết nhiều sách, báo nhằm cổ vũ mọi người dùng chữ Quốc ngữ, mà tiêu biểu nhất là Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của. Trương Vĩnh Ký là người tiên phong trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ ở

niềm Nam. Ông là chủ bút tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định báo

cũng là tác giả của nhiều công trình viết bằng chữ Quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký viết rất nhiều cho tờ Gia Định báo, ông nêu ra mục tiêu “Truyền bá chữ Quốc ngữ trong nhân dân, cổ động tân học trong nước, khuyến khích nhân dân học

chữ Quốc ngữ” [12, tr. 371]. Chính tờ Gia Định báo đã lôi cuốn được sự cộng

tác của Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của và nhiều nhà trí thức thời bấy giờ. Trương Vĩnh Ký, ngoài viết bài bằng chữ Quốc ngữ đăng tải trên tờ Gia Định

báo, ông còn viết nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ như: Chuyện đời xưa,

Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất hợi (1876), Chuyện khôi hài… Trương Vĩnh Ký cũng

dịch nhiều tác phẩm chữ Hán, chữ Pháp sang chữ Quốc ngữ như: Kim Vân Kiều,

Đại Nam quốc sử diễn ca, Lục Vân Tiên truyện...

Vào cuối thế kỷ XIX, việc truyền bá, cổ vũ học chữ Quốc ngữ là một việc rất khó khăn, Trương Vĩnh Ký vừa phải sử dụng chữ Quốc ngữ viết sách, dịch thuật để truyền bá văn hoá phương Tây, vừa phải cổ động nhân dân học chữ Quốc ngữ, trong lúc chữ Quốc ngữ bị coi thường và xem nhẹ. Nhà Văn Vũ Ngọc Phan cho rằng “vào thời Trương Vĩnh Ký, chữ Quốc ngữ mà viết văn xuôi, không ai cho là “viết văn” cả. Chỉ có làm thơ Nôm là người ta còn chú ý đến, chứ viết chữ Quốc ngữ mà trơn tuồn tuột như lời nói, ai cũng cho là dễ dàng, đã được kể là văn đâu” [125, tr. 27]. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Trương Vĩnh Ký vẫn cố gắng cho ra đời nhiều tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ, cốt làm lợi khí cho chữ Quốc ngữ lan rộng trong nhân dân.

Huỳnh Tịnh Của cũng là người góp phần quan trọng trong việc cổ vũ và

hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Ông là tác giả của cuốn “Đại Nam quốc âm tự vị” nổi

tiếng ở cuối thế kỷ XIX và là một trong số ít trí thức Tây học đầu tiên sáng tác bằng chữ quốc ngữ, để truyền bá học thuật Tây phương, phổ biến văn hoá Ðông phương cổ truyền.

Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là những người đi tiên phong trong việc cổ vũ chữ Quốc ngữ ở nước ta hồi cuối thế kỷ XIX. Các ông đã góp phần to lớn vào quá trình hoàn thiện và truyền bá chữ Quốc ngữ. Thế nhưng, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của vẫn chưa xây dựng được một phong trào cổ vũ chữ Quốc ngữ sâu rộng trong nhân dân, chữ Quốc ngữ vẫn chưa lấn át được vai trò của chữ Hán và chữ Nôm. Phải đến đầu thế kỷ XX, các phong trào truyền bá, cổ vũ học chữ Quốc ngữ của tầng lớp trí thức Việt Nam thì chữ Quốc ngữ dần dần gạt bỏ chữ Hán, chữ Nôm vươn lên trở thành thứ chữ giữ vai trò chủ đạo trong đời sống của nhân dân.

2.1.3. Các phong trào Truyền bá Quốc ngữ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1938

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Hội truyền bá quốc ngữ và tác động của nó đến xã hội Việt Nam (1938-1945) (Trang 37 - 41)