Cùng với sự nghiên cứu phát triển trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực siêu cao tần và hệ thống điều khiển anten thu vệ tinh. Hiện nay các trường: Đại học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Rađa thuộc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự… đang có rất nhiều nghiên cứu về vấn đề thiết kế, chế tạo hệ thống thu phát siêu cao tần ứng dụng trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, trong rada, điển hình như các công trình [1]-[2], [4]-[5], [7]-[10].
Công trình nghiên cứu số [2] nhóm tác giả nghiên cứu thiết kế hệ thống thu phát và xử lý tín hiệu dải rộng nhận biết chủ quyền quốc gia. Hệ thống được thiết kế với tuyến thu và phát làm việc trên băng L.
Công trình nghiên cứu số [4] tác giả tập trung vào nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sensor đo từ trường trái đất để xác định góc tầm, hướng trong điều khiển anten thu. Đề tài đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thiết kế chế tạo hệ thống tự động kiểm soát góc tầm, hướng trong máy thu thông tin vệ tinh và hệ thống thu vệ tinh băng C. Tuy nhiên hệ thống điều khiển cần phải xác định góc chuẩn hướng khi thực hiện điều khiển bắt bám vệ tinh, và hệ thống thu băng C mới chỉ thực hiện ở phần đổi tần nhiễu thấp LNB.
Công trình nghiên cứu số [7] tác giả nghiên cứu, thiết kế các mạch siêu cao tần thụ động như mạch lọc, mạch chuyển mạch, mạch hạn chế, mạch cộng, chia công suất, mạch khuếch đại tạp thấp, mạch trộn tần sử dụng trong đài rada dải tần 2,7 – 3,1 GHz.
Công trình nghiên cứu số [8] tác giả nghiên cứu, xây dựng quy trình công nghệ chế tạo mạch khuếch đại siêu cao tần tạp thấp ở dải 2,7 – 3,1GHz sử dụng cho đài rada.
Công trình nghiên cứu số [9] tác giả nghiên cứu khả năng chế tạo thử nghiệm một số phần tử, thiết bị trạm đầu cuối VSAT dùng trong hệ thống thông tin vệ tinh. Trong đó có nội dung thiết kế chế tạo hệ thống anten parabol, kết quả bước đầu đã được lắp đặt trong các hệ thống VSAT và đạt kết quả khả quan.
Tóm lại: Các công trình trên chủ yếu áp dụng kỹ thuật siêu cao tần trong việc tính toán thiết kế chế tạo các mạch siêu cao tần ở băng tần L và S ứng dụng chủ yếu cho hệ thống Rada. Các thiết kế mới chỉ đưa ra quy trình thực hiện thiết kế các mạch rời rạc trong hệ thống đồng thời cũng không đi sâu vào các giải pháp nâng cao chất lượng của mạch như giảm hệ số tạp âm, tăng dải thông của mạch, nâng cao độ ổn định của mạch dao động…Bên cạnh đó các nghiên cứu về hệ thống điều khiển anten thu mới ứng dụng cho hệ thống cố định.