Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
3.1. Cuộc đời người lính
3.1.2. Trải nghiệm kinh hoàng và sự thơ ngây đánh mất
Sự mâu thuẫn gay gắt giữa những kỳ vọng lãng mạn của người lính về chiến tranh và hiện thực khốc liệt trên chiến trường, như một mô thức “kỳ vọng tiêu tan”,trở thành một chủ đề quan trọng cũng như một phương tiện kết cấu - một cách thức định hình và tăng cường kịch tính cho những truyện kể chiến tranh. Sự thơ
ngây của những người lính trẻ trước khi bước vào cuộc chiến khốc liệt mà họ không thể tưởng tượng nổi chủ yếu xuất phát từ những dẫn nhập được “tô hồng” về chiến tranh của các thế hệ đi trước, trong sách vở và các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như hệ thống tuyên truyền của chính quyền. Nhưng ngay thời khắc đầu tiên nếm trải mùi vị chiến tranh, mọi kỳ vọng và ảo tưởng ban đầu tan biến hoàn toàn một cách chóng vánh. Trải nghiệm chiến tranh, theo Paul Fussell, là một sự biến đổi đầy kinh hãi từ lòng ngây thơ trai trẻ tới tâm trạng hoài nghi và nỗi cay đắng của sự trưởng thành. Không một người lính trẻ nào còn có thể như trước sau phút giây đầu tiên nếm trải mùi vị chiến tranh; đó là một bước ngoặt bất khả hồi quy làm thay đổi hoàn toàn nhân cách con người, khiến cho họ mãi mãi không bao giờ có thể trở lại với tâm thái bình thường của những người chưa từng kinh qua chiến tranh. Chiến tranh là một trải nghiệm sống đặc biệt cuồng bạo, mộtcú sốc quá sức chịu đựng cũng như một chấn thương tinh thần đầy choáng vángmà bất cứ sự mô tả hay hình dung trừu tượng nào cũng đều giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng và mãnh liệt của nó. Đó là một sự thức tỉnh ở chiều sâu nhất trong não trạng lẫn thể tạng con người và đó là một trải nghiệm đặc thù của chỉ riêng những người lính.
Trong chiến tranh Việt Nam, những thanh niên trai trẻ ở miền Bắc đi vào chiến trường với rất nhiều những tưởng tượng và kỳ vọng lãng mạn. Tuy vậy, hoàn cảnh khắc nghiệt cao độ của chiến tranh nhanh chóng khiến họ nhận ramột hiện thực không như mơ, nơi con người phải nỗ lực hết sức, kiên cường bền bỉ hết sức trước hết để sống sót trong một điều kiện ngặt nghèo và sau đó để không bị tiêu diệt bởi kẻ thù. Những người lính trẻ tuổi trưởng thành trên chiến trường, học cách thích nghi và chiến thắng những khó khăn, trở ngại tột cùng và sự ngây thơ, hồn nhiên, mơ mộng trước đó được thay thế bởi những nếm trải kinh hoàng đầy ngậm ngùi, cay đắng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, trong tiểu thuyết Lính trận, đã miêu tả lại
một cách sinh động quá trình thay đổi này ở những người lính. Từ góc nhìn của Bỉnh, nhân vật xưng “tôi, hiện lênhình ảnh cánh lính trẻ ngờ nghệch dần trở nên từng trải trong bàng hoàng và thấm thía trước những trải nghiệm đầu đời trên chiến trường. Bỉnh hành quân cùng đơn vị trong gian khó, băng qua những chốn rừng
thiêng nước độc, chứng kiến từng người đồng đội son trẻ, thân thương của mình bị quật ngã bởi bệnh tật trong đau xót, bất lực và sợ hãi, ám ảnh. Những khi chứng kiến sự ra đi của đồng đội khi sự sống tắt lịm dần, Bỉnh cố gắng kìm nén nhưng nước mắt cứ trào ra, cố gắng để mạnh mẽ nhưng lòng vẫn đau đớn quặn thắt. Rừng núi Trường Sơn hoàn toàn khác biệt với trí tưởng tượng của đám trai trẻ và những gian nan nhọc nhằn không thể hình dung được, không hề được chuẩn bị trong những ngày rèn quân chẳng thấm tháp vào đâu ở miền Bắc.Nhưng đời lính trận của Bỉnh cùng những người anh em khác chỉ thực sự bắt đầu khi quân ta đụng độ với những đơn vị quân sự hùng mạnh của Mỹ ở thung lũng Ia’Đrăng trong một trận quyết chiến ở quy mô lớn. Bỉnh cùng đơn vị mình đi dưới bầu trời chợp chờn pháo sáng, trong tiếng gào rú xả đạn liên hồi của hàng trăm chiếc trực thăng, đối đầu với quân thù giữa những đạn cối, rocket như mưa bão trút xuống thung lũng. Anh chứng kiến cảnh hàng trăm tên Mỹ lao đến đầy hung tợn và sự đáp trả mạnh mẽ không kém của quân ta. Những loạt đạn xối xả qua lại. Những tiếng la rống, gào thét trong đau đớn của lính tráng cả hai phía. Những xác người đã gục ngã nhưng vẫn bị bục ra bởi đạn súng và đạn pháo, và máu người tung tóe, loang lổ. Những mũi lưỡi lê đâm vào da thịt trong những lúc cận chiến và thân người ngúc ngoắc cố thoát ra khỏi nhát đâm.Dồn thêm vào là những loạt B52 ném bom rải thảm của địch, bùng cháy, thiêu đốt và hủy diệt tất cả. Đó là cuộc chiến đầu đời của anh lính trơn Bỉnh. Sau trận chiến ác liệt, anh bàng hoàng nhận ra mình vẫn còn sống sót trước sự công phá không thể tưởng tượng được của bom đạn Mỹ, anh thẫn thờ nhận tin đồng đội đã hy sinh thế nào, tự tay chôn cất người chỉ huy của mình và suy nghĩ:
Trước đây tôi thường tưởng tượng chiến tranh với những đoàn quân rùng rùng tiến ra phía trước. Tôi sẽ được tham gia những trận đánh lớn. Rồi những dãy chiến hào kiên cố, những bờ công sự vững chắc. Những trận địa sặc mùi khói đạn chiến thắng của quân ta. Những tiếng hô xung phong, tôi cùng đồng đội xông lên, đạp xác quân thù. Những cứ điểm quân sự lớn của địch được san phẳng. Những tên tù binh hãi hùng cúi mặt. Rồi những đoàn dân công với những ánh mắt trìu mến và những lời
chúc tụng, reo mừng. Rồi những nhà báo, những phóng viên nhiếp ảnh, những bài tưởng thuật trên đài trên báo. Bây giờ mọi sự không hoàn toàn đảo ngược. Nhưng sự tưởng tượng lãng mạn kia đã không còn ý nghĩa nữa[21, tr. 193-194].
Trải nghiệm chiến tranh đã thay đổi chóng vánh sự thơ ngây của anh lính trẻ. Những thanh niên Mỹ tòng quân trong chiến tranh Việt Nam ôm ấp trong lòng những ảo tưởng lung linh về chiến tranh được tiêm nhiễm vào tâm não họ từ thế hệ đi trước, sách vở nhà trường, truyền thông đại chúng và tuyên truyền của chính quyền.Đa số họ nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ giống nhưnhững cuộc chiến trước đó của quốc gia mình với những trận đánh lớn nơi quân Mỹ chiến đấu kiên cường và chiến thắng vẻ vang được thể hiện đầy chói lọi trong đủ thứ tài liệu và tác phẩm về chiến tranh mà họ say mê chìm đắm suốt thời niên thiếu.Cuộc chiến, rốt cục, đã không thỏa mãn được những ước vọng trai trẻ mà trái lại còn khiến cho những tín điều và lý tưởng trong họ ban đầu sụp đổ một cách đầy mỉa mai và cay đắng. Họ nhận ra rằng chiến tranh hoàn toàn không phải giống như những màn trình diễn hào hùng, dũng mãnh trên trang sách hay màn ảnh mà họ vẫn quen thuộc. Trái lại, đó là một hiện thực đáng sợ,rùng rợn và ghê tởm kinh người.Larry Heinemann, trong tiểu thuyết Giáp lá cà(Close Quarters), với một bút pháp hiện thực trần trụi, đã tái hiện lại trải nghiệm chiến trường của người lính bộ binh Mỹ tại Việt Nam. Nhân vật chính của tác phẩm, Philip Dosier, miêu tả lại lần đụng độ kẻ thù đầu tiên của mình, hoàn toàn khác xa với những hình tượng anh hùng bất khả chiến bại, dũng mãnh oai phong thường thấy trong văn hóa Mỹ: “Có người hét lên, “Bọn da vàng đấy!” và ngay lập tức một tràng đạn tự động nổ rền. Những loạt súng xối xả loáng nhoáng xuyên qua những thân cây làm tôi chết lặng. Tôi ở đó, chửi thề, luống cuống, gắng gượng hết sức để bắn trả nhưng hai tay tôi, đôi mắt và cả giọng nói – tất cả cứng đờ bất động. Tôi sắp bị giết. Tôi thấy thật ngu xuẩn. Tôi quá hoảng loạn đến độ chẳng thể nói được gì, thậm chí không thể kêu lên (…). Chúng sắp giết tôi ngay tại đây rồi. Chết tiệt, tôi mà kêu lên chúng giết liền” [109, tr. 43-45]. Trước những làn đạn qua lại của hai bên binh lính đang lao vào nhau, Dosier chỉ biết chết
điếng kinh hãi trong câm lặng, run rẩy.Sau cuộc chạm trán, lính Mỹ bắt được một người bên phía cộng sản, một anh lính trẻ tuổi dù bị đánh đập, trói buộc nhưng vẫn không chút sợ hãi. Chưa hết hoảng hồn sau cú sốc chóng vánh đầu đời lính,Dosier được giao nhiệm vụ canh chừng tù binh.Khi thấy người lính cố trườn thoát, Dosier ngay lập tức phản ứng:“Tôi và thằng nhỏ. Tôi buông lưỡi lê tuột khỏi tay mình rồi đè lên ngực nó với tất cả sức nặng cơ thể, hai tay bóp chặt cổ. Tôi bóp chẹt yết hầu của nó bằng những ngón tay mình. Kéo lên, đẩy xuống, và siết chặt” [109, tr. 73]. Dosier hổn hển bên cạnh cái xác, bần thần và dằn vặt tột độ về những gì vừa làm:
Tôi nhìn sang chỗ khác rồi quay lại. Tôi không thể cảm thấy thoải mái được nữa. Cổ tay tôi đau nhói. Lưng tôi đau điếng và cứng đờ. Đùi tôi quặn gập không thể ngồi xuống được nữa. Mắt tôi cay xè. Nó đã có thể bò đi nơi khác. Tôi đáng nhẽ cứ để nó bò thoát. Mà tại sao tôi không đâm chết nó bằng lưỡi lê cho rồi? Tôi đã bóp ngạt nó như vắt một cái thảm ướt, nắm chặt và vặn xiết, gập lại, rồi lại vặn xiết hơn. Như thể vắt nát quả chanh thành hai nửa và phần thịt, hạt tất tật rỉ ra giữa những kẽ tay tôi [109, tr. 74-75].
Giết người, với Dosier, là một hành động kinh tởm và mùi vị thực sự của chiến tranh, khác xa với những điều lãng mạn và hùng tráng, thật sự đáng ghê rợn. Rất nhiều những người lính Mỹ học được bài học đầu đời về cái gọi là chiến tranh quá muộn màng, khi họ đã bị mắc kẹt trên chiến trường ở một nơi chốn hoàn toàn xa lạ và hung hiểm, trong một cuộc chiến ác mộng trái ngược hoàn toàn những kỳ vọng, trông đợi ban đầu.