Tuổi trẻ thơ ngây và lòng hăm hở chiến trận

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tiểu thuyết về chiến tranh việt nam thời hậu chiến trong văn học việt nam và mỹ (Trang 63 - 66)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

3.1. Cuộc đời người lính

3.1.1. Tuổi trẻ thơ ngây và lòng hăm hở chiến trận

Tuổi trẻ là nguồn nguyên liệu sống của chiến tranh, chiến tranh luôn cần đến những thanh niên trai trẻ, những người khỏe mạnh cường tráng về sức vóc, ít kinh nghiệm từng trải nhưng sẵn sàng hăm hở theo đuổi và hy sinh cho những lý tưởng cao cả.Trong mọi xã hội, chiến tranh thường được xem như một phép thử, một lò luyện gian nan nhất để con người,nhất là những chàng trai trẻ tuổi, thể hiện và chứng tỏ giá trị bản thân cũng như khẳng định những phẩm chất ưu việt của mình.Đối với thanh niên trước tiếng gọi lâm nguy của đất nước,chiến tranh trở thành một điều hiển nhiên vô cùng hấp dẫn, khơi dậy những hứng khởi và khao khát thầm kín nhất trong mỗi người trẻ tuổi, đem đến cho họ một lý tưởng, một niềm tin lớn lao và cả những cơ hội đầy mong ước.Khi cuộc chiến Việt Nam nổ ra, ở cả hai phía, không ít những thanh niên đã tình nguyện ra trận với một sự hăm hở gần như vui sướng. Chiến tranh đối với họ dường như là một điều thường tình, đương nhiên, tất yếu, là cơ hội nhiều hơn gian nguy, là hạnh phúc nhiều hơn khổ nạn. Họ đã lao vào cuộc chiến với tất cả sức mạnh, lý tưởng, niềm tin trong sáng của tuổi trẻ thơ ngây,những thứ được nuôi dưỡng và bồi đắp không ngừng bởi cả cộng đồng, bởi một nền văn hóa quân bị dựa trên sự xây dựng và phổ biến những câu chuyện đầy lãng mạn về chiến tranh, trước hết và trên hết, cho tầng lớp thanh niên.

Chiến thắng thực dân Pháp giúp cho một nhà nước Việt Nam mới giành được quyền tồn tại chính đáng ở miền Bắc và xây dựng một chế độ mang màu sắc cộng sản. Những dự định dang dở ngay từ khi được thành lập từ năm 1945 của chính phủnước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà trong đó giáo dục và tuyên truyền cho toàn dân chiếm vai trò đặc biệt quan trọng, được tiếp nối một cách hệ thống, toàn diện và bài bản hơn.Một hệ thống trường lớp xã hội chủ nghĩa đủ các cấp được dựng lên nhanh chóng trên toàn miền Bắc với trọng tâm nhấn mạnh tới lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc và tấm gương sáng ngời của những anh hùng xả thân vị

quốc. Những Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung trở thành một truyền thống, một điểm tựa cho những thắng lợi vĩ đại như Điện Biên Phủ và một thế đà thẳng tiến đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Trong nhà trường và bên ngoài xã hội, thanh thiếu niên được dạy dỗ tình yêu nước, tinh thần dũng cảm đấu tranhtrước quân thù, không quản ngại hy sinh của hàng loạt những bậc tiền bối đồng trang lứa, hào hùng nhưng dung dị, kiên cường bất khuất nhưng vẫn gần gũi thân thương như Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi...Bên cạnh hình ảnh những thanh thiếu niên anh hùng là đồng bào, những tấm gương “con người mới” ngoại nhập từ các nước anh em như Lôi Phong ở Trung Quốc và đặc biệt là nhân vật Pavel Korchagin trong cuốn tiểu thuyết tự thuật Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky, tác phẩm gối đầu giường của nhiều thế hệ người Việt, cũng trở thành nguồn cảm hứng vô tận về đức hy sinh quên mình và tinh thần tận hiến cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh vệ quốc trở thành một lẽ thường tình của đất nước, một sợi dây xuyên suốttrong lịch sử đảm bảo sự tồn tại của dân tộc, một yêu cầu của thời đại và giới trẻ, những chủ nhân mớicủa đất nước này, đương nhiên phải kế tục, đảm nhiệm nghĩa vụ cao cả và linh thiêng đó như tổ tiên, cha anh họ đã từng. Có thể nói, cả một thế hệ thanh niên miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã được chuẩn bị hoàn hảo về mặt tinh thần để bước vào một cuộc chiến mới, một cuộc chiến mang tầm vóc dân tộc và thời đại lớn lao. Chiến đấu với đế quốc Mỹ, kẻ thù hùng mạnh và hung bạo nhất, không có gì đáng sợ; đó là niềm vinh quang và cơ hội tuyệt vời để hoàn thiện, thử thách và chứng minh bản thân mình, để phụng sự Tổ quốc, bảo vệ quê hương, và lý tưởng nhất, để trở thành những anh hùng. Nhà văn Bảo Ninh, trong Nỗi buồn chiến tranh, đã miêu tả rất trung thực cái không khí hừng hực ngút trời của tuổi trẻ khi cuộc chiến mở màn: “Kiên nhìn thấy sân trường Bưởi buổi chiều cuối xuân đầu hạ năm nào, những hàng cây râm mát bị đốn hạ, mặt đất bị xẻ dọc ngang, bị đào hoắm xuống, thầy hiệu trưởng chụp trên đầu cái mũ đồng của lính cứu hỏa hào sảng khoa trương nói lớn lên rằng chính là nước Mỹ sẽ bị hủy diệt trong cuộc chiến tranh chứ không phải chúng ta. Đế quốc Mỹ là con hổ giấy, thầy hét lên “chính các em sẽ là những thiên thần trẻ tuổi của

cách mạng, các em sẽ cứu nhân loại” - Thầy chỉ mặt ai đó trong đám học trò lớp 10 đang tay gậy tay gộc, súng gỗ, xẻng cuốc, hừng hực vẻ hùng dũng trẻ con. Sống là

đây mà chết cũng là đây, mọi người ầm ĩ hát. Sát thát! Ai đó gào tướng lên...” [50,

tr. 148]; và chính bản thân Kiên, một hóa thân của tác giả, cũng đầy hăm hở trong lòng: “Chiến tranh: Từ nay mới thật là sống!” [50, tr. 232]. Chiến tranh, đó mới là cuộc sống thực sự của những thanh niên trai trẻ Việt Nam trong thời điểm đó.

Nước Mỹ bước lên vũ đài chính trị thế giới với vị trí siêu cường nhờ cái bóng khổng lồ của chiến thắng vang dội trong Thế chiến thứ II và cả sự can thiệp ngăn chặn cộng sản thành công ở Triều Tiên. Nước Mỹ chỉ phải trả một cái giá quá nhỏ cho một vinh quang quá lớn và tâm thế đắc thắng trên phạm vi hoàn cầu của một quốc gia non trẻ dâng cao hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên trong lịch sử ngắn ngủi của quốc gia mình, bằng sự khôn ngoan và lòng quả cảm, Hoa Kỳ đã trở thành đế quốc mạnh mẽ và phồn vinh nhất. Thế hệ hậu thế chiến thứ II của nước Mỹ được sinh trưởng và nuôi dưỡng trong bầu khí quyểnthấm đẫm tự tin và hào sảng đó; họ chìm ngập giữa vô vàn những sách báo, phim ảnh ca ngợi công lao, những hy sinh gian khổ và sự dũng cảm vô ngần của cha anh họ trong chiến tranh. Những dẫn nhập về chiến tranh đối với thanh niên Mỹ lớn lên trong khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX chủ yếu đến từ những sản phẩm văn hóa về cuộc Thế chiến,cuộc chiến “vĩ đại”, một cuộc chiến mà đúng như Paul Fussellđã chỉ ra trong cuốn sách của ông,Thời chiến: Sự hiểu biết và Hành vi trong Thế chiến thứ hai: “Suốt năm mươi năm qua, cuộc chiến của phe Đồng Minh đã được rửa sạch và lãng mạn hóa bởi những kẻ cảm tính, ái quốc bất thường, những kẻ ngu ngốc và những kẻ khát máu đến độ không còn có thể nhận ra nó được nữa” [99, tr. ix]. Với thanh niên Mỹ vào thời điểm đó, mọi cuộc chiến từ nay, đều sẽ giống như Thế chiến II, cuộc chiến lý tưởng của họ. Niềm ham thích chiến tranh, những hy vọng và mong ước lãng mạn của tuổi trẻ, còn được hun đúc ngay trong chính gia đình, nơi mà những bậc cha chú rất có thể cũng là những người lính hiển hách từng kinh qua nhữngthắng lợi vinh quang với đủ những tấm huân huy chương chứng minh cho sự thiện chiến và lòng dũng cảm kiên cường. Thế hệ trẻ đó còn được truyền cảm hứng về tình yêu cùng

nghĩa vụ phụng sự Tổ quốc từ John F. Kennedy, một vị tổng thống trẻ trung cũng bước ra từ chiến tranh với vị thế của một anh hùng,người không ngừng nâng đỡ và phổ biến hình ảnh về lực lượng đặc nhiệm (Green Berets) một đội tinh binh thiện nghệ có thểcan thiệp ở bất cứ chiến trường nào, hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào, và chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.Cả một thếhệ trẻ người Mỹ ngưỡng mộ những kỳ tích của cha anh, khao khát khẳng định bản thân mình, ôm ấp lý tưởng bảo vệ đất nước khỏi những hiểm họa bên ngoài, hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện anh hùng lãng mạn về chiến tranh. Và như một tất yếu, Việt Nam trở thành lời hiệu triệu, thành tiếng kèn trận giục giã những thanh niên trai tráng tham chiến ở một xứ sở hoàn toàn xa lạ. Philip Caputo, trong cuốn tiểu thuyết tự thuậtLời đồn

chiến tranh, miêu tả rất rõ ràng sự chuẩn bị và cái tâm thế háo hức trước chiến tranh

của thế hệ mình:

Tôi lùng sục tất cả những tài liệu tuyên truyền, chọn lấy một cuốn sách mỏng có trên trang bìa danh sách mọi trận đánh mà thủy quân lục chiến đã tham gia, từ Trenton tới Inchon. Đọc danh sách đó, tôi lờ mờ nhận ra rằng: cái trải nghiệm anh hùng mà tôi bấy lâu tìm kiếm chính là chiến tranh; chiến tranh, một cuộc phiêu lưu tối hảo; chiến tranh, phương cách thuận tiện nhất để con người thoát khỏi đời sống thường nhật (…). Nếu một cuộc chiến xảy đến, lính thủy quân lục chiến chắc chắn sẽ chiến đấu và tôi có thể ở đó cùng họ. Ở đó thực sự! Không phải xem trong rạp hay trên màn hình TV, không phải đọc trong một cuốn sách, mà là ở đó, sống giữa những điều tuyệt diệu” [91, tr. 6].

Với Caputo và rất nhiều những thanh niên trai trẻ đồng trang lứa, chiến tranh Việt Nam, ban đầu, là cơ hội để sống một giấc mơ mà mình hằng mong ước.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tiểu thuyết về chiến tranh việt nam thời hậu chiến trong văn học việt nam và mỹ (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)