Đơn vị tính: Doanh nghiệp, phần trăm (%)
Năm Doanh nghiệp siêu nhỏ Doanh nghiệp nhỏ Doanh nghiệp vừa Doanh nghiệp lớn Tổng số doanh nghiệp Phần trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ 2006 76.303 40.482 3.289 5.018 125.092 95,9 2007 91.262 48.426 3.934 5.447 149.069 96,3 2008 120.149 61.871 4.359 5.800 192.179 96,9 2009 156.702 68.784 4.879 6.219 236.584 97,3 2010 187.580 79.085 5.618 7.077 279.360 97,4 2011 216.732 93.356 6.853 7.750 324.691 97,6 [Nguồn: 11, tr154]
Trước xu hướng tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra mạnh từ năm 2012 đến nay đã sàng lọc những doanh nghiệp thực sự có chất lượng. Trong năm 2013, cả nước có 76.955 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 398.681 tỷ đồng, tăng 10,1% về số doanh nghiệp và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Biểu 3.1: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo Quý năm 2012-2013
[Nguồn: 145]
Qua theo dõi số liệu doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy tình hình doanh nghiệp có dấu hiệu tốt lên khi số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2013 tăng trở lại so với năm 2012. Đến năm 2014, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, đăng ký tạm ngừng hoạt động, tập trung chủ yếu ở nhóm quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng [146]
Năm 2015, hoạt động của doanh nghiệp đã có những dấu hiệu khởi sắc so với thời điểm đầu năm 2014 và năm 2013. Trong khi các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang tự chủ động tái cấu trúc để duy trì và tăng trưởng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục khẳng định vai trò trong hoạt động xuất nhập khẩu thì khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đặc biệt chú ý với quyết tâm thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2014-2015 của chính phủ. Theo báo cáo của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015, cả nước có 94.754 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 1.452.543 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 601.519 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 851.024 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới là 1.471,92 nghìn lao động, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng ở tất cả các ngành, lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2014. Một số ngành có tỷ lệ tăng cao trên 50%, gồm có: kinh doanh bất động sản tăng 86,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 62,3%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 59,3%. Theo Báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2016, kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục hưởng lợi từ những dự báo khả quan của kinh tế thế giới. Cùng với việc tham gia TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VEFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), kì vọng sẽ là bước đệm giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam [147].
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Đó là nơi thu hút nhiều lao động, tạo công ăn việc làm, hạn chế thất nghiệp, đóng góp vào GDP, duy trì tính năng động của thị trường lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương và quốc gia. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có lợi thế năng động và linh hoạt trong môi trường biến đổi, nhưng dễ bị tác động trước những biến đổi bất lợi của môi trường sản xuất, kinh doanh. Khả năng đầu tư nguồn lực để nâng cao năng
lực quản trị sản xuất, kinh doanh và đầu tư vào công nghệ cũng bị hạn chế. Ngoài ra, với quy mô nhỏ, khả năng kết nối mạng lưới sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị hạn chế. Đặc điểm này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận thức và thực hiện TNXH của DN Việt Nam. Việc thực hiện TNXH cũng cần tính đến đặc thù phù hợp với loại hình doanh nghiệp này. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ này sẽ gặp khó khăn về tài chính trong việc thực hiện TNXH của DN.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển chưa lâu:
trước thời kỳ đổi mới, khái niệm doanh nghiệp, doanh nhân rất ít được sử dụng. Thời phong kiến, doanh nghiệp hầu như không phát triển. Có sự phân biệt rõ ràng, tầng lớp doanh nhân (thương gia) thời đó không được coi trọng. Họ được coi là tầng lớp cuối cùng trong thang bậc xã hội “Sĩ - Nông - Công - Thương”. Tuy vậy, các học giả mẫn tuệ như cụ Lê Quý Đôn từng khái quát "phi nông bất ổn", "phi công bất phú", "phi thương bất hoạt", "phi trí bất hưng".Như thế, không có công nghiệp và giao thương, buôn bán thì không giàu có, không năng động biến đổi. Thời thực dân Pháp đô hộ, chỉ có một số doanh nhân tiêu biểu đánh dấu sự hình thành, phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và có những hành động yêu nước như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Quyền... Trong giai đoạn sau 1954, tất cả các nhà máy xí nghiệp đều bị quốc hữu hoá vể sở hữu nhà nước, tổ chức và hoạt động trong cơ chế quan liêu, bao cấp, sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch, công nghệ lạc hậu. Bước sang thời kỳ đổi mới, với mong muốn xóa bỏ dần cơ chế quan liêu bao cấp của nền kinh tế kế hoạch hóa, phát triển nền kinh tế năng động, hiện đại, một chủ chương lớn là tự do hóa thương mại và thúc đẩy kinh tế tư nhân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam không ngừng mở rộng về quy mô. Doanh nghiệp được coi là lực lượng chủ lực của phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đường lối đổi mới, các chính sách phát triển kinh tế, các luật về doanh nghiệp ra đời tạo hành lang pháp lý thừa nhận về tư cách pháp nhân và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Năm 1990 với các Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời và năm 1999 thống nhất hai luật là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân thành Luật Doanh nghiệp, sửa đổi năm 2005 và năm 2014, cộng với các Luật Đầu tư nước ngoài, Luật Thuế giá trị gia tăng... đã tạo ra bước đột phá về tư duy, tạo ra nền tảng pháp lý cơ bản thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế gia tăng về số lượng, mở rộng về quy mô, phong phú về loại hình và hoạt động ngày càng có hiệu quả (Ở Anh Luật Công ty có từ những năm
1840). Nếu năm 2001, trung bình gần 1000 dân mới có một doanh nghiệp, thì đến năm 2005 cứ 500 người dân đã có một doanh nghiệp. Hiện nay, con số này đã tăng lên nhiều. Về mặt thực tiễn, doanh nghiệp ra đời là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Doanh nghiệp không phải là hiện tượng riêng có của nền kinh tế thị trường nhưng chỉ trong điều kiện kinh tế thị trường doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển đúng với ý nghĩa đích thực của nó. Mặc dù mới ra đời và phát triển nhưng doanh nghiệp Việt Nam không ngừng hoàn thiện vươn lên để hòa nhịp, nhanh chóng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, chủ động bắt kịp sự phát triển của các doanh nghiệp trên thế giới, từng bước thích nghi với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đặc điểm này cho thấy, Việt Nam cần có tiêu chuẩn riêng để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào thị trường nội địa, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, môi trường sinh thái an toàn. Bên cạnh đó, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế thì cần phải nghiên cứu và áp dụng những tiêu chuẩn về TNXH mang tính quốc tế hay TNXH của DN từng quốc gia mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Thứ ba, qui mô nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao nên tính ổn định thấp: đa phần
các doanh nghiệp Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, cho nên trước biến động của kinh tế thế giới, của thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam khó thích ứng và khó vượt qua những rủi ro của sự biến đổi. Minh chứng là sự khủng khoảng tiền tệ mấy năm qua đã tác động sâu sắc tới các doanh nghiệp Việt Nam làm cho hàng ngàn doanh nghiệp lao đao, rơi vào tình trạng phá sản hoặc ngừng hoạt động. Không ít người lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống của họ. Điều đó cho thấy, qui mô và tiềm năng hạn hẹp dẫn tới năng lực cạnh tranh thấp, chịu tác động rất xấu của biến đổi thị trường, nên các doanh nghiệp này hầu như không có tính ổn định. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thể hiện ở khả năng duy trì và mở rộng thị phần, khả năng hoạt động có hiệu quả ở môi trường cạnh tranh trong và ngoài nước. Hiện nay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao: quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ học vấn, kiến thức kinh doanh, hiểu biết luật pháp, đặc biệt là pháp luật quốc tế của chủ doanh nghiệp không nhiều, trình độ tay nghề của người lao động thấp, áp dụng khoa học công nghệ lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, kể cả các ngành có thế mạnh như da giầy, dệt may, hàng điện tử, sản phẩm thép... đều phụ thuộc vào nguyên liệu hoặc bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài; khi giá cả của chúng có xu hướng tăng, thì lập tức nhiều nhóm sản phẩm có tỷ trọng nguyên vật liệu nhập khẩu, có khi chiếm hơn
60% giá thành sản phẩm, cũng tăng theo; mặt khác, nhiều doanh nghiệp không chú trọng xây dựng thương hiệu, chiến lược truyền thông, chiến lược phân phối và xúc tiến thương mại…, cũng gặp khó khăn khi thị trường chuyển hướng. Tất cả những nguyên nhân trên dẫn đến khả năng giải thể, ngưng hoạt động của doanh nghiệp tương đối cao. Vài năm trở lại đây, số doanh nghiệp mới thành lập tăng không nhiều so với số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số doanh nghiệp giải thể là doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp thành lập mới thường có quy mô nhỏ [100;10]. Điều này thực sự là một xu hướng không lành mạnh (không tích cực) trong sự phát triển của một nền kinh tế, chứng tỏ “sức khỏe” của doanh nghiệp nội địa có sự suy giảm. Tính riêng năm 2013, số doanh nghiệp mới thành lập là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm trước; số doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể là 60.737 doanh nghiệp tăng 11,9% so với năm trước. Tốc độ doanh nghiệp đóng cửa tăng mạnh, nhanh hơn cả số lượng doanh nghiệp mới thành lập so với năm 2012 [80; 73].
Bảng 3.4: Tình hình DN dừng hoạt động, giải thể và thành lập mới năm 2011- 2013
Đơn vị tính: Doanh nghiệp, phần trăm (%)
Năm 2011 2012 2013 Tốc độ tăng 2013
so với 2012
Số DN dừng hoạt động và giải thể 52739 54261 60767 11,9% Số doanh nghiệp thành lập mới 77552 69874 76955 10,1%
[Nguồn: Cục quản lý kinh doanh – Bộ Kế hoạch và đầu tư]
Trước những biến động, rủi ro của thị trường, để có đủ sức cạnh tranh lâu dài và có thể tự tin bước vào kinh tế tri thức, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Một trong những việc góp phần hạn chế sự phá sản và tạo đà phát triển là thực hiện TNXH của DN. TNXH của DN không mâu thuẫn với với hiệu quả sản xuất kinh doanh mà trái lại là nền tảng cho sự tăng trưởng lâu dài và ổn định. Nếu doanh nghiệp không thực hiện TNXH thì khó có thể tiếp cận và mở rộng thị trường.
Trên cơ sở chỉ ra những đặc điểm của doanh nghiệp nêu trên, luận án phân tích kết quả thực hiện TNXH của doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ những kết quả đã thực hiện đó, luận án phân tích ưu điểm và hạn chế cũng như chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó. Đây được coi là cơ sở thực tiễn để tác giả đưa ra các định hướng nâng cao hiệu
3.2. Một số kết quả trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và nguyên nhân của kết quả
3.2.1. Một số kết quả trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Phần “Một số kết quả trong việc thực hiện TNXH của DN ở Việt Nam” được tác giả trình bày theo những nội dung TNXH của DN ở chương 3, để thấy rõ mối liên hệ giữa việc thực hiện tốt TNXH với hiệu quả hoạt động, lợi ích và sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp thực hiện TNXH vì sự phát triển của chính mình và vì sự phát triển của xã hội. Doanh nghiệp không vì sự tồn tại của chính mình và phát triển thiếu bền vững thì không thể có đóng góp gì cho lợi ích xã hội.
Nội dung thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với vị thế là một thiết chế kinh tế:
Thứ nhất, trách nhiệm đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế của đất nước:
- Trách nhiệm đóng thuế, trách nhiệm đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội:
Với chức năng sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, cũng như của toàn xã hội. Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp gắn chặt với sự tăng trưởng của đất nước nhằm tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Trong những năm qua, sự ra đời của hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế nước ta. Những khoản thuế, phí, lệ phí doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách bao gồm: thuế giá trị gia tăng bán hàng nội địa, thuế giá trị gia tăng với hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế hàng hóa nhập khẩu, thuế môn bài, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế môi trường, phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu, phí kiểm dịch, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký kinh doanh, lệ phí địa chính, lệ phí bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, lệ phí cấp giấy phép xây dựng, lệ phí quản lý phương tiện giao thông, lệ phí cấp hạn ngạch... Đã đến lúc doanh nghiệp tận dụng cơ hội, khẳng định trách nhiệm và vai trò rất lớn của mình trong việc làm tăng GDP quốc gia, và vào ngân sách nhà nước. Số tiền thuế doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ đa số. Ví dụ tiền thuế doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước năm 2013 là 315.470/754.572 tỷ đồng, chiếm 42% tổng ngân sách nhà nước [50].