Đặc điểm dân cư – văn hóa xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 26 - 29)

3.2 .Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc

B. NỘI DUNG

1.2 Khái quát về địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc

1.2.4.2 Đặc điểm dân cư – văn hóa xã hội

Cư dân vùng ngã ba Hạc có nguồn gốc từ cư dân Văn Lang thời các vua Hùng. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, đây là nơi hội tụ của nhiều nhóm Việt cổ mang những sắc thái đa dạng trong một thể thống nhất của nền văn minh Đông Sơn.

Các hiện vật khảo cổ học cùng truyền thuyết Hùng Vương cho thấy một số đặc điểm sinh hoạt, kinh tế xã hội của người Việt cổ trong khu vực.

Người Văn Lang cư trú ở vùng gò đồi thấp ven các triền sông, ở nhà sàn, kinh tế chủ yếu là trồng lúa nước, săn bắn và chăn nuôi gia súc nhỏ. Truyền thuyết có nhắc tới vua Hùng dạy dân cấy lúa ở Minh Nông, kho lúa ở Nông Trang, nơi trồng lúa nếp ở Hương Trầm…

Về chế độ chính trị, những nghiên cứu lịch sử của Việt Nam đều cho biết nhà nước Văn Lang là hình thức nhà nước sơ khai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, ra đời trên cơ sở của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Đứng đầu là vua Hùng rồi đến các Lạc Hầu, Lạc Tướng, Bồ Chính. Trong xã hội đã bắt đầu có sự phân chia giai cấp.

Đời sống văn hóa tinh thần của cư dân kinh đô Văn Lang cũng được chúng ta biết đến nhờ truyền thuyết và các hiện vật khảo cổ học. Hát xoan là loại hình dân ca đặc sắc của Phú Thọ được cho rằng có từ thời Hùng Vương. Trống đồng, minh khí và chuông không chỉ được dùng trong nghi lễ tín ngưỡng mà còn để phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần. Trên trống đồng Đông Sơn cũng có khắc hình ảnh trai gái đánh trống đồng.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn buổi đầu dựng nước, cư dân vùng kinh đô Văn Lang với phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước đã phải đấu tranh quyết liệt chống thiên tai, địch họa. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, truyền thuyết về thần Thổ Giang… là một minh chứng cho điều đó. Bên cạnh đó còn diễn ra các cuộc đấu tranh bộ lạc để tranh giành bờ cõi, quyền lực. Di chỉ khảo cổ học Làng Cả minh chứng có 56% hiện vật là vũ khí không chỉ dùng để săn bắn mà chủ yếu được sử dụng trong chiến tranh.

Với vị trí là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội, là kinh đô của đất nước, vùng ngã ba Hạc trở thành nơi thu hút nhiều tộc người Việt cổ tập trung sinh sống và phát triển. Thực tế chứng minh “ đất lành chim đậu”. Trong quá trình phát triển của lịch sử đã có nhiều nguồn cư dân từ mọi miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp.

Vùng ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì ngày nay có dân số trên 25 vạn người, trong đó dân cư thành thị chiếm 2/3. Thành phố Việt Trì có dân số trẻ, thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế đa dạng, nhiều thành phần góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bạch Hạc - Việt Trì, kinh đô Văn Lang xưa, là địa bàn tập trung đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn cội nguồn đặc trưng vùng đất tổ.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhân dân vùng đất này luôn luôn nêu cao truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, cha ông ta đã sớm có ý thức dựng nước phải gắn liền với giữ nước. Những năm đầu công nguyên, trong cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Hán do Hai Bà Trưng lãnh đạo, vùng ngã ba Bạch Hạc có nhiều phụ nữ có khí phách đã đứng lên xây dựng lực lượng, hợp sức cùng Hai Bà Trưng đánh giặc. Đến thời kỳ phong kiến tự chủ, vào thế kỉ XIII, nhà Trần đã ba lần tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông – đế chế hùng mạnh nhất lúc bấy giờ. Ngã ba Bạch Hạc đã trở thành một trong những nơi huấn luyện thủy quân của quân đội nhà Trần. Tại đây đã diễn ra trận Bạch Hạc nổi tiếng do Trần Nhật Duật chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ 3 ( 12 – 1287). Đầu thế kỉ XV, nhân dân Việt Trì đã giúp đỡ nhà Hồ xây dựng phòng tuyến chống giặc tại Bạch Hạc do Hồ Xa chỉ huy.

Giữa thế kỉ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân vùng ngã ba Bạch Hạcđã sôi nổi hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp dưới sự chỉ huy của các sĩ phu yêu nước. Trong suốt quá trình chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân nơi đây đã đóng góp sức người, sức của tiến hành nhiều trận đánh lớn nhỏ và dành được nhiều chiến công vang dội.

Bạch Hac - Việt Trì ngày nay là một trung tâm công nghiệp lớn của đất nước. Sự phát triển toàn diện về mọi mặt của vùng đất này được xây dựng trên các đặc điểm thuận lợi về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và văn hóa xã hội trong suốt tiến trình lịch sử.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)