Di chỉ Làng Cả di chỉ lớn nhất của văn hóa Đông Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 53 - 59)

3.2 .Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc

B. NỘI DUNG

3.2. Địa danh những di tích khảo cổ

3.2.9 Di chỉ Làng Cả di chỉ lớn nhất của văn hóa Đông Sơn

Những di chỉ khảo cổ học mà chúng tôi nêu trên chỉ mang tính chất thống kê. Chúng tôi xin đi sâu tìm hiểu di chỉ khảo cổ học ở Làng Cả. Đây được coi là di chỉ lớn, có tầm quan trọng đặc biệt và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa – lịch sử.

Di tích khảo cổ học Làng Cả - đây là tên của một làng, trước đây thuộc xã Tiên Cát, tên nôm là kẻ Gát, sau được đổi thành xã Chính Nghĩa, thành phố Việt Trì. Ngày nay, địa điểm khu di tích Làng Cả nằm ngay giữa nhà máy mì chính và công ty hóa chất Việt Trì. Toàn bộ khu di tích có chiều dài 1200m, rộng 1000m. Theo truyền thuyết và sử sách ghi chép lại thì vùng này xưa kia được vua Hùng chọn làm kinh đô của nước Văn Lang.

Khu di tích khảo cổ học làng Cả nằm cách cầu Việt Trì theo đường quốc lộ khoảng 4,6 km; cách đền Hùng 10km, nằm ngay bên bờ tả ngạn sông Hồng. Ngược dòng sông Hồng lên phía thượng lưu, cách địa điểm Làng Cả 5 - 6km đã phát hiện được nhiều địa điểm khảo cổ học quan trọng, tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển của lịch sử Hùng Vương như văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun. Đặc biệt ngay trên mảnh đất cố đô Văn Lang, nơi tụ hội “con rồng cháu tiên” đã phát hiện những di tích buổi đầu dựng nước như gò Tôm, xóm Phú Thạch xã Minh Nông – nơi vua Hùng dạy dân cấy lúa, làm ruộng, là nơi vua thường nghỉ và ngự tại đó.

Kết quả thám sát và khai quật cho thấy di tích Làng Cả rất lớn, chủ yếu phân bố ở phía Nam và đỉnh gò, tập trung nhất là ở khu nhà máy Mì Chính và khu vực giữa nhà máy Mì Chính và nhà máy Hóa Chất, ước tính dài khoảng 900m, rộng khoảng 300m. Giaó sư Hoàng Xuân Chinh đã nhận định : “ Cho đến nay, có thể nói Làng Cả là khu di tích văn hóa Đông Sơn lớn nhất hiện biết” [30; 52]. Khu di tích khảo cổ học làng Cả được phát hiện năm 1959. Từ đó tới nay, tại đây đã diễn ra ba lần khai quật và thám sát vào những năm 1976, 1977 và năm 2005-2006. Số hiện vật thu được tại đây rất phong phú và đa dạng. Căn cứ vào số hiện vật thu được, ta có thể khẳng định địa điểm khảo cổ học làng Cả bao gồm hai loại di tích: di tích cư trú và di tích mộ táng. Di tích cư trú trước và sau đó là di tích mộ táng. Việc khẳng định có tồn tại một khu di chỉ cư trú ở đây có ý nghĩa rất quan trọng. Nó cho ta biết mối liên hệ chặt chẽ giữa khu di tích cư trú này với khu mộ táng tồn tại sau nó. Sau dấu vết của khu di tích cư trú là khu mộ táng, nghĩa là khu mộ táng đã thay thế vị trí của khu di tích cư trú.

Hai lần khai quật và thám sát (năm 1976 và 1977), chúng ta đã đào được 6.600m2 ( diện tích lớn nhất từ trước đến nay), phát hiện thấy 307

mộ văn hóa Đông Sơn, 7 mộ táng mang phong cách văn hóa Hán. [30; 52]

Di chỉ cư trú mà vết tích còn để lại là tầng văn hóa dầy khoảng 0,60 – 0,80m; ở khu vực rặng nhãn và trong nhà máy Mì Chính. Trong đồ gốm của di chỉ cư trú, chúng ta thấy có mặt gốm “ Đường Cổ” là loại gốm có màu trắng ngà, mịn, bên ngoài trang trí hoa văn in dây thừng tạo thành những hình tứ giác lớn hoặc những chỗ lồi lõm mà chúng ta thường gọi là hoa văn “ Nhăn tàn ong”. Loại gốm này xuất hiện tương đối muộn, sau văn hóa Gò Mun.

Mộ táng Đông Sơn ở làng Cả phân bố dày đặc, có một số mộ cấu trúc gần giống nhau. Đây là loại mộ đất, huyệt hình chữ nhật, đào sâu xuống lớp đất chỉ khoảng 0,40-0,60 m; dài trung bình 2m; rộng 0,5m. Phần lớn mộ được chôn theo hướng Tây Bắc. Phần nhiều xương cốt bị mủn nát, qua dấu vết xương còn lại và cách sắp xếp đồ tùy táng, có thể nghĩ rằng người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng. [30; 52-53]

Đồ tùy táng tương đối phong phú về số lượng cũng như loại hình. Ngoài những mảnh vỡ với số lượng hàng ngàn, chủ yếu là đồ gốm, ta đã thu lượm được 217 hiện vật trong đó chủ yếu là đồ đồng ( 186 chiếc, chiếm 85,7%), đồ đá ( 11 chiếc, chiếm 5.07%) và 20 đồ gốm ( chiếm 9,23%). Đồ đồng gồm có công cụ sản xuất như rìu, thuổng; vũ khí như giáo, dao găm; đồ đựng như âu, thạp; đồ trang sức như vàng ống, vàng lòng máng; nhạc khí như trống đồng minh khí, chuông; đồ thường dùng như khóa, thắt lưng, dao khắc. Trong đó số lượng lớn hơn cả là rìu và giáo. Rìu có tới 68 chiếc. Ngoài rìu xòe cân, rìu xéo gót tròn, đáng chú ý ở đây đã tìm được nhiều loại rìu có gót vuông hình hia và rìu xéo gót vuông hình bàn chân, một số đường trang trí hoa văn hình thuyền, người và hươu, chó. Cho đến nay, Làng Cả là di tích tìm được nhiều rìu xéo gót vuông nhất (42 chiếc) trên đất nước ta. Giáo có tới 62 chiếc, ngoài các loại thường gặp

trong văn hóa Đông Sơn, ở đây có chiếc phần họng được xẻ đôi hình đuôi cá, có chiếc hai bên mặt lưỡi được trang trí những hình tam giác lồng nhau. Dao găm chủ yếu là loại không có đốc, chắn tay ngang lưỡi hình tam giác, có chiếc lưỡi được trang trí hoa văn hình móc. Về đồ trang sức, đáng chú ý có chiếc vòng ống, trên bản vòng trang trí hoa văn và đính những móc nhỏ để treo nhạc đồng. Những chiếc vòng ống này cũng đã được biết đến ở khu mộ Làng Vạc ( Nghệ An).[30; 53-54]

Âu đồng cũng có bốn chiếc, chủ yếu là hai bụng nở, có hai quai đeo ở hai bên thành miệng, có chiếc được gắn thêm ba chân thấp. Loại âu này phổ biến ở vùng Hoa Nam thời chiến quốc và tồn tại cho đến thời Tây Hán. Bộ khóa thắt lưng duy nhất thấy ở đây được thể hiện khá độc đáo, gồm hai mảnh đúc nổi hình tám con rùa và những đường xoáy ốc.

Đáng chú ý hơn cả là trong một ngôi mộ đã phát hiện được một chiếc trống đồng minh khí Đông Sơn. Trống đồng tuy nhỏ, song nó thuộc loại di vật biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.

Đồ đá ở đây chủ yếu là khuyên tai và hạt chuỗi hình ống, cùng một khuôn đúc đồng.

Đồ gốm ngoài đồ đựng, đun nấu như nồi, vò, bình, bát, đáng chú ý là năm khuôn đúc và nồi nấu đồng. Đó là khuôn đúc các loại rìu xéo gót vuông, giao găm, giáo và chuông.

Làng Cả trước khi được sử dụng làm mộ địa đã là một khu cư trú của cư dân Đông Sơn. Những phát hiện này đã nâng làng Cả - Việt Trì lên vị trí những di tích quý nhất của văn hóa Đông Sơn, có thể sánh ngang với chính di chỉ Đông Sơn và cận Đông Sơn, đó là di chỉ Thiệu Dương bên bờ Sông Mã (Thanh Hóa). [30; 54-55]

Di tích làng Cả với số lượng lớn mộ táng cùng sự phong phú của đồ tùy táng với những phong cách khác nhau, là tư liệu vô cùng quý giá để tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội cùng vai trò của làng Cả đương thời.

Tất cả các ngôi mộ đều có huyệt mộ hình chữ nhật. Trong một số ngôi mộ còn có đinh, chứng tỏ những ngôi mộ có cả quan tài gỗ.

Hiện vật phân bố không đều trong các ngôi mộ: có mộ chôn theo nhiều hiện vật, có mộ chôn ít hiện vật, có mộ hầu như không chôn theo hiện vật nào. Hiện tượng này phản ánh sự phân hóa giàu nghèo của xã hội bấy giờ đã diễn ra. Dựa vào số lượng đồ tùy táng nhiều ít, các nhà khảo cổ học đã phân ra loại mộ rất nghèo, mộ nghèo và mộ giàu. Đại đa số những ngôi mộ ở đây thuộc về người nghèo.

Một hiện tượng đáng lưu ý là khu mộ này có tỷ lệ đồ tùy táng là vũ khí lớn nhất từ trước đến nay. Số lượng vũ khí chiếm 56% đồ túy táng, chủ yếu là vũ khí đánh gần. Hiện tượng phong phú vũ khí chôn trong các mộ, phải chăng phản ánh cuộc sống có nhiều biến động lúc bấy giờ và những người chiếm hữu nhiều tài sản nhất cũng là những thủ lĩnh quân sự.

Ở ngôi mộ số 42 khai quật năm 1966 đã phát hiện bốn khuôn đúc đồng hai mang cùng một nồi nấu đồng và lót đồng. Phải chăng, xã hội lúc bấy giờ đã hình thành một số người chuyên nghề đúc đồng. Qua đó ta có thể hình dung đời sống của cư dân Làng Cả ngày xưa. Trên cơ sở một số nền nông nghiệp ổn định, sản xuất lương thực dồi dào, một số người tách khỏi nông nghiệp để hoạt động thủ công nghiệp mà tiến bộ hơn cả là nghề luyện kim. Chính trên cơ sở phát triển của nông nghiệp và luyện kim đã tạo ra của cải thừa, thúc đẩy sự phân hóa xã hội sâu sắc.

Trong các hiện vật bằng đồng thau được phát hiện, rìu và giáo nhiều nhất. Vũ khí là phương tiện chiến tranh, cho nên có thể nói hầu hết những ngôi mộ chôn theo vũ khí là mộ các chiến binh. Chắc chắn xã hội đương thời có quan hệ chặt chẽ với chiến tranh.

Với vị trí thuận lợi nằm ở nơi hợp lưu ba con sông, làng Cả là một trung tâm kinh tế lớn, là đầu mối giao lưu kinh tế - văn hóa lúc bấy giờ. Bộ

di vật đồ đồng và đồ gốm làng Cả đã phản ánh mối giao lưu kinh tế - văn hóa đó.

Trong số hiện vật đồng thau, có một số hiện vật phản ánh mối giao lưu văn hóa giữa khu vực này với khu vực phía Nam Trung Quốc. Kiếm là hiện vật thể hiện rõ ràng hơn cả mối giao lưu văn hóa này. Những lưỡi kiếm ngắn tìm thấy trong các ngôi mộ ở làng Cả rất phổ biến trong các ngôi mộ ở Thạch Trại Sơn, Lý Gia Sơn (Vân Nam). Những lưỡi kiếm ngắn này không những giống nhau về hình loại mà còn giống nhau cả về những chi tiết hoa văn trang trí trên đó. Trong ngôi mộ số 42 có một khuôn đúc chuôi kiếm ngắn loại này. Điều này chứng tỏ các loại kiếm ngắn cũng đã được đúc tại chỗ. [30; 58]

Riêng ở mộ số 82 làng Cả, ta thấy hoàn toàn là hiện vật nhỏ như trống, chuông, rìu… Tất cả những hiện vật này hầu như giống hiện vật ở Thiệu Dương. Đặc biệt, mộ 82 là mộ duy nhất chôn theo chiếc trống nhỏ. Đó là bằng chứng rõ ràng về mối giao lưu giữa làng Cả với khu vực Bắc Trung Bộ trong thời đại xa xưa.

Trong đợt khai quật năm 2005, các nhà khoa học còn đào được một ngôi mộ thời Bắc thuộc, phát lộ một cấu trúc mộ gạch, có khả năng là kiến trúc “ mộ đạo” tức lối vào mộ với vật liệu xây dựng là những viên gạch có hình ô trám lồng. Đợt khai quật này còn tìm được ba mộ táng thời phong kiến độc lập tự chủ với cách chôn cất của cư dân văn hóa Đông Sơn. Có thể niên đại của những mộ này vào khoảng thời Trần, hậu Lê. Ngoài ra, ngôi mộ gạch mới xuất lộ có niên đại khoảng đầu công nguyên.

Kết quả khai quật mộ cho thấy đây không chỉ là một khu mộ lớn thời Hùng Vương mà còn là khu mộ của những thời đại sau này. Chứng tỏ đây là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa sầm uất và có tính liên tục: thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ.

Vấn đề niên đại của khu di tích làng Cả, xét tổng thể những hiện vật chôn trong các ngôi mộ cho ta biết đây là di tích khảo cổ học thuộc giai đoạn Đông Sơn muộn, có thể thuộc thế kỉ thứ II trước công nguyên đến thế kỉ thứ II sau công nguyên.

Từ những kết quả nghiên cứu, khai quật, PGS.TS Trịnh Sinh – trưởng đoàn khai quật của Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Ðây không chỉ là một khu mộ lớn nhất thời Hùng Vương mà còn là khu mộ của những thời đại sau này. Chứng tỏ một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất và có tính liên tục: Thời Hùng Vương - thời Bắc thuộc - thời phong kiến tự chủ.[41; 4].

Di tích làng Cả thật sự có ý nghĩa quan trọng, nằm ở vùng địa linh nhân kiệt, giữa một vùng mà các di tích khảo cổ học thời kì tiền Hùng Vương và Hùng Vương dày đặc, lại nằm trong khu vực tương truyền là kinh đô Văn Lang xưa, vì thế phải có sự bảo tồn lâu dài và phục dựng một phần di tích đã khai quật để phục vụ cho việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử nhằm phục vụ cho việc du lịch về cội nguồn, nhất là vùng ngã ba Bạch Hạc – Đền Hùng trở thành điểm sáng văn hóa của vùng đất Tổ.

Như vậy, ở trên chúng ta đã thấy tính chất nơi cư trú điển hình của cư dân thời Đông Sơn qua những hiện vật khai quật được. Tất cả những gì đã có của khảo cổ học nói lên một điều: làng Cả là địa điểm định cư “quan trọng” nhất của cư dân Đông Sơn trên vùng đất Tổ. Khi nhận ra điều đó, chúng ta hoàn toàn thấy rằng người xưa đã “chính xác” khi gọi làng người Việt cư trú này là làng “Cả”. Trong tiếng Việt, từ chỉ mức độ “Cả” để nói một con người như anh Cả, một con sông như sông Cả v.v tự nó đã nói lên tất cả tầm quan trọng của nó. Có lẽ, chính địa danh làng Cả

đã nói lên tất cả những gì quan trọng của nơi cư trú này thời Đông Sơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)