Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 67)

3.2 .Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc

B. NỘI DUNG

3.3 Địa danh di tích kiến trúc tôn giáo

3.3.4.5 Đền Giếng (tên chữ là Ngọc Tỉnh)

Tương truyền đây là nơi hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa (con gái vua Hùng thứ 18) thường soi gương vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thuỷ nên được nhân dân lập đền thờ phụng muôn đời.

3.3.4.6 Trong quần thể di tích Đền Hùng còn có Đền Tổ Mẫu Âu Cơ

Bảo tàng Hùng Vương. Đền Tổ Mẫu thờ mẹ Âu Cơ và hai Lạc hầu Lạc

Tướng. Bảo tàng Hùng Vương lưu giữ những hiện vật tìm thấy từ thời Hùng Vương. Các hiện vật trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát : “

Các vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.

Di tích Đền Hùng còn được đến ngày nay đứng về quy mô và nghệ thuật nó không thể so sánh được với các di tích lịch sử có tên tuổi trong nước, nhưng đứng về giá trị lịch sử, văn hoá, ý nghĩa nhân văn của nó không thua kém bất cứ kỳ quan nào trên thế giới. Bởi lẽ, nó là chứng tích của một thời đại dựng nước kéo dài hàng ngàn năm, thời đại mở đầu của một quốc gia, dân tộc. Ngày hội Đền Hùng là ngày giỗ Tổ, một hiện tượng lịch sử có lẽ không thấy đối với bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới. Tuy nhỏ bé, khiêm nhường song nó lại hết sức bền lâu và ngày càng phong phú. Điều đó chứng tỏ sự tôn tạo và giữ gìn của nhân dân trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử.

Đến với Đền Hùng là đến với cội nguồn dân tộc, là hành hương tìm về nguồn, là để cháu con của dòng Lạc Hồng được gặp nhau, hoà chung trong một cảm xúc “tình nghĩa đồng bào”, cùng nâng cao tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội đền Hùng hay ngày giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là biểu hiện ý nghĩa thiêng liêng “tìm về nguồn” mà còn là một ngày vui lớn, thể hiện nhiều nét văn hoá đặc sắc của của người dân vùng đất Tổ.

Quần thể di tích Đền Hùng mang ý nghĩa văn hoá, nhân văn vô cùng to lớn. “ Tổ Hùng được thờ ở Đền Hùng đã trải qua một quá trình siêu việt tâm linh, vượt lên trên mọi hình thức Tổ cụ thể, lên trên Vua Tổ cụ thể. Sự thờ cúng này đã đạt tới mức tổ toàn vẹn- hoàn thiện, căn bản tức là cội nguồn- bản tính đồng nhiên của con người. Lễ hội Đền Hùng cũng không chỉ dừng lại nơi ngày giỗ Tổ, tưởng nhớ tổ tiên, không chỉ là một cuộc hành hương về đất Tổ, đất Thánh hay đất phát tích của một dòng vua đầu tiên, đất phát tích của dân tộc Việt Nam mà thực sự đã trở thành một bức tranh tâm linh, là sự trở về cội nguồn dân tộc”(tập 2) [34; 51]

3.4. Địa danh gắn với lễ hội

Lễ hội dân gian truyền thống hay giản dị hơn theo lối nói của nhân dân ta thời trước là “hội làng”, “hội làng quê” là biểu hiện tổng hợp và tập chung cao nhất của văn hoá làng xã, văn hoá công xã nông thôn. Lễ hội thu hút vào nó không chỉ những thành phần tín ngưỡng, tôn giáo, những trò vui chơi hội đám mà còn là toàn bộ sinh hoạt nông thôn với phong tục, tập quán cho tới các nghề nghiệp truyền thống. Có thể nói đến với lễ hội làng quê là đến với văn hoá làng xã và để tìm hiểu về nông thôn, về những giá trị tinh thần cho tới những đáy sâu tiềm ẩn tâm linh của nhân dân công xã.

Lễ hội dân gian ở vùng ngã ba Bạch Hạc nói riêng, ở Phú Thọ nói chung chính là cơ sở bảo tồn văn hoá làng xã và di sản văn hoá dân tộc. Lễ hội nơi đây mang những yếu tố hình thức phổ biến của lễ hội người Việt nói chung nhưng cũng có những biểu hiện địa phương mang tính đặc thù của một vùng trung du, là điểm khởi hành của lịch sử dân tộc.

Trên vùng ngã ba Bạch Hạc có rất nhiều lễ hội. Hầu hết lễ hội đều gắn với những đình, đền, chùa. Chúng tôi đã thống kê được một số lễ hội tiêu biểu sau:

1. Hội bơi chải Đền Tam Giang - Bạch Hạc. 2. Lễ hội đình Mộ Chu Hạ

3. Lễ hội đình Dữu Lâu

4. Lễ hội rước kiệu đình Hùng Lô 5. Hội hát Xoan An Thái

6. Hội cướp bông, ném chài đền Vân Luông

7. Hội đu tiên đình làng Phương Châu, Phú Nông, Phú Hữu (Minh Phương)

8. Lễ hội đình Lâu Thượng

9. Lễ hội đình Phượng An (Phượng Lâu)

10. Lễ hội làng Hương Lan (xã TRưng Vương) 11. Hội bơi chải đền Chi Cát

12. Lễ hội đình Hương Trầm

13. Lễ hội xuống đồng làng Minh Nông

Trong phạm vi bài luận này, chúng tôi không có điều kiện trình bày cụ thể từng lễ hội. Chỉ xin trình bày một số lễ hội đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng vùng Đất Tổ.

3.4.1. Lễ hội Tịch Điền (Vua Hùng dạy dân cấy lúa ở làng Minh Nông) Minh Nông là tên gọi một vùng đất khởi thuỷ của nghề nông, xưa Minh Nông là tên gọi một vùng đất khởi thuỷ của nghề nông, xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú.

Minh Nông có vị thế địa lý tiếp giáp với hạ lưu của ba dòng sông lớn: sông Thao, sông Đà, sông Lô nên được thừa hưởng sự cung cấp, đắp bồi bởi một lượng phù sa màu mỡ từ ba dòng sông ấy. Chính đó là đặc điểm nổi bật,

là yếu tố quyết định để Minh Nông trở thành quê hương của nghề trồng lúa nước.

Theo truyền thuyết, đồng Lú là nơi Vua Hùng đã xuống đồng dạy dân cấy lúa. Do Vua Hùng là dòng dõi của Viêm Đế Thần Nông và là người khai sáng ra cách làm ruộng. Vì vậy Vua Hùng được thần thánh hoá lên thành Thần Nông và cầu Thần Nông cũng chính là cầu Vua Hùng.

Làng Lú xưa có hai kỳ cầu xuống đồng (hạ điền) vào ngày mùng 1 tháng 6 và mùng 1 tháng 11 âm lịch và hai lễ cơm mới ( thượng điền) sau khi thu hoạch vụ chiêm và vụ mùa.

Hiện nay, lễ xuống đồng (Hạ Điền) vào ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch hàng năm: buổi sáng thắp hương vừa là sóc vọng, vừa là báo đến các đền thờ. Khoảng 9giờ sáng, tất cả các quan viên, chức sắc và dân làng đến tập chung tại khu vực đàn Thần Nông. Khi chuẩn bị vào tế thì chiêng trống nổi lên. Đội hình gồm chủ tế, đông xướng, tây xướng, các cụ chức sắc cho tới 14 ông trưởng giáp.

Khi các quan viên đã tề tựu, chủ tế bước tới một chiếc chiếu, nhìn về hướng Tây Nam (hướng của đàn thờ). Chủ tế làm lễ 4 tuần tế sau đó chuyển chúc văn cho ông đọc văn tế.

Bản tế văn gôm 367 chữ Hán nhan đề: Thượng điền, hạ điền tản tế Thần Nông văn, đại ý nội dung như sau:

- Khấn tiên thánh đế Thần Nông về hưởng lễ hạ điền (hay thượng điền)

- Dân chúng ở đây từ cổ chí kim vẫn ghi nhớ công đức của Thần Nông dậy nghề làm ruộng .

- Cầu tiên thánh đế Thần Nông phù hộ, ban phúc.

Tế xong thì làm lễ xuống đồng. Ông chủ tế kiêm chủ điền lúc này đóng vai tượng trưng cho Vua Hùng cùng các quan viên, hội đồng kỳ mục và đông đảo bà con dân làng ra ruộng cấy lúa. Một người cầm hương, một

người cầm mạ, một người cầm lọng che cho chủ tế. Ông chủ tế xắn quần áo tế rồi cầm mạ lội xuống ruộng. Cấy xong bó mạ thì lên bờ. Dân làng cùng nhau ùa xuống cấy tiếp trong không khí náo nhiệt, vui vẻ với mong muốn người thạo việc, mùa màng bội thu, đông đàn dài lũ, người người no đủ. Cấy xong thửa ruộng, dân làng cùng ông chủ tế làm lễ tạ Thần Nông, rồi cùng các quan viên, kỳ mục, bô lão trong làng về đình làm lễ tạ Thành Hoàng . Tới đây lễ hội kết thúc.

“Vua Hùng dậy dân cấy lúa” là một trong những tập tục tín ngưỡng đặc trưng của cư dân nông nghiệp Việt Nam. Lễ hội được khởi nguồn từ những huyền thoại trong buổi bình minh của lịch sử, khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Việt Nam nói chung và của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nói riêng. Những lễ thức và diễn xướng văn hoá dân gian trong lễ hội đã nói lên nguồn gốc của nghề trồng lúa nước từ thời Hùng Vương dựng nước.

Minh Nông ngày nay với Đồng Lú và Đàn Thần Nông sẽ mãi là những địa điểm, những dấu tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết văn hoá dân gian. Góp phần chứng minh cho công cuộc trị thuỷ sông, trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam trên vùng đât tổ Hùng Vương.

Tước bỏ đi cái duy tâm, thần bí trong từng diễn xướng và lễ thức dân gian, ta nhận diện được sự tín ngưỡng phồn thực và cuộc sống bộn bề của người nông dân làng xã, dũng cảm chống thiên nhiên, cần cù trong lao động, sáng tạo trong cuộc sống tinh thần để làm nên một bản sắc văn hoá riêng trong cuộc sống của người dân kinh đô Văn Lang xưa- thành phố Việt Trì ngày nay.

3.4.2. Hội hát xoan An Thái.

Hát xoan là loại dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, là lối hát thờ thần và nó được tìm thấy ở làng An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Đây là một trong bốn phường Xoan gốc xưa của tỉnh Phú

Thọ. Hát xoan gồm 2 nội dung: câu chúc và giao duyên, được tổ chức ở cửa đình vào mùa xuân, gắn với lễ hội đình làng. Vì thế còn gọi là hội xoan. Hát xoan có nguồn gốc từ thời Hùng Vương. Truyền thuyết ở vùng xoan kể rằng: Hoàng hậu vợ vua Hùng mang thai, đến kỳ sinh nở đau bụng mãi mà không đẻ được.Có một người hầu gái tâu với vua về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi hát hay, nếu đón nàng về thì có thể đỡ đau mà sinh nở được. Vua nghe lời, cho mời Quế Hoa đến, giọng hát hay như chim hót và tay dẻo như bún của nàng đã làm cho hoàng hậu quên đau mà sinh hạ hoàng tử. Nhà vua mừng rỡ hết lời ngợi khen và truyền cho các cô gái của mình học lấy điệu múa hát ấy. Đó chính là điệu hát xoan bây giờ. Các cụ già lý giải, bởi vì được hát vào mùa xuân nên còn được gọi là hát Xoan ( từ gọi chệch)

Nội dung hát xoan bao gồm 4 bài hát và 14 quả cách . Mỗi quả cách là một tiết mục múa hát tổng hợp được biểu diễn liên hoàn với sự tham gia của các cô đào và kép. Nội dung của hát xoan là hát cửa đình, ca ngợi vua, thành hoàng, cầu chúc cho mùa màng bội thu, ca ngợi thiên nhiên và nội dung dao duyên nam nữ.

Mỗi làng có một phường xoan khoảng 14 đến 18 đào, 4 kép dưới sự chỉ huy của một ông trùm xoan. Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 tháng giêng, các phường xoan hát ở đình làng mình, sau đó từ mùng 5 tết bắt đầu đi hát ở các cửa đình khác theo lời mời của các nơi. Thường đến mùng 10 âm lịch là kết thúc .

Hiện nay, làng An Thái không còn duy trì tổ chức phường xoan cũ nhưng vẫn lưu truyền những làn điệu hát xoan truyện thống. Các cụ già cao tuổi trong làng vẫn tiếp tục hát trong các dịp lễ hội và truyền dậy cho các thế hệ trẻ những bài hát xoan cổ, để gìn giữ một di sản văn hoá của ông cha để lại.

Đình An Thái cùng với hội hát xoan truyền thống là một trong những điểm nóng cấp thiết phải được bảo tồn, khôi phục vì đây là một làn

điệu dân ca đặc sắc có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, chỉ riêng ở Phú Thọ mới có, mang bản sắc cội nguồn đậm nét.

Có thể nói, lễ hội Tịch Điền và hội hát xoan An Thái là 2 hình thức lễ hội tiêu biểu , nó vừa phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước, cầu mong mùa màng tốt tươi, sinh sôi nảy nở, vừa phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân nơi này. Đây cũng là lý do vì sao chúng tôi chọn hai lễ hội này để đưa vào bài viết của mình.

3. 5 Địa danh liên quan đến văn hoá ẩm thực.

Có một con đường để ta tìm hiểu một mảnh đất, một nền văn hoá, ấy là thưởng thức những món ăn nơi đó. Ý tưởng này chưa hề sai bởi ẩm thực là một trong những nét văn hoá đặc sắc, thể hiện đặc trưng nhất phong cách mỗi vùng miền. Nhắc đến vùng ngã ba Bạch Hạc mà không nhắc tới văn hoá ẩm thực nơi đây, chúng tôi thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

3.5.1 Hồng Hạc

Hồng Hạc Trì có nguồn gốc ở xã Bạch Hạc, nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Loại quả được coi như sản vật quý hiếm của vùng đất Tổ này được người xưa xếp đứng đầu trong hàng ngũ hoa quả quý dùng để tiến vua. Hồng Hạc là niềm tự hào của người Đất Tổ. Đến nay, nhiều vườn hồng Hạc còn có những cây to cả một người ôm, có cây ngót trăm tuổi. Hồng Hạc quả to, không hạt, mình vuông, tròn bằng, cát mịn, giòn ngọt, càng ăn càng thèm chứ không hăng chát, nhão thịt như hồng nước, hồng trâu.

Hồng Hạc mới hái phải được ngâm nước giếng đá ở Tiên Cát, Việt Trì mới đạt độ ngọt và giòn đặc biệt. Ngâm trong vại sành hay trong chum đủ ba ngày ba đêm mới vớt ra, khi ấy hồng sẽ tươi vàng, giòn mát, cắn cả vỏ vẫn thơm lựng chất đường.

Hồng Hạc mộc mạc, chân quê, thuần khiết. Nâng trái hồng trên tay, lựa lưỡi dao sắc, gọt lớp vỏ vàng màu nắng nhạt, bổ ra đã thấy thơm lựng, vị ngọt dịu dàng, đài các ngất ngây duyên trời, duyên đất. Cái mát, cái giòn, cái ngọt cứ ngập ngừng, quyến luyến khiến người thưởng thức không nỡ nuốt nhanh. Hồng Hạc bày trên mâm cỗ trung thu, thưởng ngoạn dưới trăng thu thi vị thanh tao, càng khó có thứ quả nào sánh kịp.

3.5.2 Sông Hồng và cá Anh Vũ

Sách "Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Đôn có viết về loại cá này như sau: “cá ấy ở sông Việt Trì ngon lắm, cứ đến tiết đông lạnh mới có, còn về xuân hạ ấm nóng thì một con cũng không có, không biết nó đi đâu’’ [15;217]. Từ sông Bạch Hạc trở xuống không có 1 con nào, vì cá ấy chỉ ở giới hạn sông Việt Trì thôi.

Cá Anh Vũ là một đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ nói chung của vùng Ngã Ba Hạc nói riêng. Đó là một loại cá mình giống cá trôi, mồm như mõm lợn, thịt ăn rất ngon. Tương truyền ngày xưa là loại cá được dâng tiến lên nhà vua. Theo ý kiến của các ngư dân vùng này, mùa nóng, cá Anh Vũ ẩn trong hang sâu, đầu mùa đông mới ra ngoài do đó mới đánh bắt được. Vì loại cá này luôn ở chỗ nước chảy xiết, phải dùng miệng cắn chặt vào bờ đất nên môi cá phát triển thành hình dáng của mõm lợn.

Trong những năm gần đây, cá Anh Vũ ở Việt Trì rất hiếm nếu không muốn nói là không thấy có. Loại cá này đã trở thành đặc sản của vùng Bạch Hạc, của đất Việt Trì không chỉ thời xưa mà đến tận bây giờ.

3.5.3. Thịt chó Việt Trì

Cũng vẫn là bảy món đặc trưng như mọi nơi nhưng thịt chó Việt Trì lại có sức hấp dẫn rất riêng bởi hương vị đậm đà và khả năng chế biến đạt đến độ chuyên nghiệp. Chọn nguyên liệu được coi là khâu mấu chốt quyết định, không sử dụng những loại chó nuôi tăng trọng là đặc điểm quan trọng của thịt chó Việt Trì, đặc biệt chó nuôi gầm nhà sàn của các vùng dân tộc miền núi đã được trưng dụng và được thực khách sành ăn

rất ưa chuộng, kế đến là khâu chế biến được coi là bí quyết gia truyền... Với cảm nhận của người thưởng thức, có thể đưa ra một vài nhận xét như sau: Thịt mềm, thơm, không sẫm màu như một số vùng khác. Đặc biệt những món như dồi, món nướng không bị khô. Món chân chó tẩm hấp lại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)