Địa danh liên quan đến văn hoá ẩm thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 73 - 77)

3.2 .Về lịch sử gắn với địa danh vùng ngã ba Bạch Hạc

B. NỘI DUNG

3.5 Địa danh liên quan đến văn hoá ẩm thực

Có một con đường để ta tìm hiểu một mảnh đất, một nền văn hoá, ấy là thưởng thức những món ăn nơi đó. Ý tưởng này chưa hề sai bởi ẩm thực là một trong những nét văn hoá đặc sắc, thể hiện đặc trưng nhất phong cách mỗi vùng miền. Nhắc đến vùng ngã ba Bạch Hạc mà không nhắc tới văn hoá ẩm thực nơi đây, chúng tôi thấy thiếu thiếu một cái gì đó.

3.5.1 Hồng Hạc

Hồng Hạc Trì có nguồn gốc ở xã Bạch Hạc, nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì. Loại quả được coi như sản vật quý hiếm của vùng đất Tổ này được người xưa xếp đứng đầu trong hàng ngũ hoa quả quý dùng để tiến vua. Hồng Hạc là niềm tự hào của người Đất Tổ. Đến nay, nhiều vườn hồng Hạc còn có những cây to cả một người ôm, có cây ngót trăm tuổi. Hồng Hạc quả to, không hạt, mình vuông, tròn bằng, cát mịn, giòn ngọt, càng ăn càng thèm chứ không hăng chát, nhão thịt như hồng nước, hồng trâu.

Hồng Hạc mới hái phải được ngâm nước giếng đá ở Tiên Cát, Việt Trì mới đạt độ ngọt và giòn đặc biệt. Ngâm trong vại sành hay trong chum đủ ba ngày ba đêm mới vớt ra, khi ấy hồng sẽ tươi vàng, giòn mát, cắn cả vỏ vẫn thơm lựng chất đường.

Hồng Hạc mộc mạc, chân quê, thuần khiết. Nâng trái hồng trên tay, lựa lưỡi dao sắc, gọt lớp vỏ vàng màu nắng nhạt, bổ ra đã thấy thơm lựng, vị ngọt dịu dàng, đài các ngất ngây duyên trời, duyên đất. Cái mát, cái giòn, cái ngọt cứ ngập ngừng, quyến luyến khiến người thưởng thức không nỡ nuốt nhanh. Hồng Hạc bày trên mâm cỗ trung thu, thưởng ngoạn dưới trăng thu thi vị thanh tao, càng khó có thứ quả nào sánh kịp.

3.5.2 Sông Hồng và cá Anh Vũ

Sách "Vân đài loại ngữ" của Lê Quý Đôn có viết về loại cá này như sau: “cá ấy ở sông Việt Trì ngon lắm, cứ đến tiết đông lạnh mới có, còn về xuân hạ ấm nóng thì một con cũng không có, không biết nó đi đâu’’ [15;217]. Từ sông Bạch Hạc trở xuống không có 1 con nào, vì cá ấy chỉ ở giới hạn sông Việt Trì thôi.

Cá Anh Vũ là một đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ nói chung của vùng Ngã Ba Hạc nói riêng. Đó là một loại cá mình giống cá trôi, mồm như mõm lợn, thịt ăn rất ngon. Tương truyền ngày xưa là loại cá được dâng tiến lên nhà vua. Theo ý kiến của các ngư dân vùng này, mùa nóng, cá Anh Vũ ẩn trong hang sâu, đầu mùa đông mới ra ngoài do đó mới đánh bắt được. Vì loại cá này luôn ở chỗ nước chảy xiết, phải dùng miệng cắn chặt vào bờ đất nên môi cá phát triển thành hình dáng của mõm lợn.

Trong những năm gần đây, cá Anh Vũ ở Việt Trì rất hiếm nếu không muốn nói là không thấy có. Loại cá này đã trở thành đặc sản của vùng Bạch Hạc, của đất Việt Trì không chỉ thời xưa mà đến tận bây giờ.

3.5.3. Thịt chó Việt Trì

Cũng vẫn là bảy món đặc trưng như mọi nơi nhưng thịt chó Việt Trì lại có sức hấp dẫn rất riêng bởi hương vị đậm đà và khả năng chế biến đạt đến độ chuyên nghiệp. Chọn nguyên liệu được coi là khâu mấu chốt quyết định, không sử dụng những loại chó nuôi tăng trọng là đặc điểm quan trọng của thịt chó Việt Trì, đặc biệt chó nuôi gầm nhà sàn của các vùng dân tộc miền núi đã được trưng dụng và được thực khách sành ăn

rất ưa chuộng, kế đến là khâu chế biến được coi là bí quyết gia truyền... Với cảm nhận của người thưởng thức, có thể đưa ra một vài nhận xét như sau: Thịt mềm, thơm, không sẫm màu như một số vùng khác. Đặc biệt những món như dồi, món nướng không bị khô. Món chân chó tẩm hấp lại mang đến một dư vị đậm đà khó tả với màu vàng ngậy và độ mềm, thơm vừa tới. Món xương hầm đu đủ mang đến một cảm nhận khác về sản vật vùng trung du miền núi...

Người Việt Trì tự hào về thú ẩm thực rất dân dã của đất mình và chắc chắn đến Việt Trì một lần bạn sẽ được những tấm lòng hiếu khách khoản đãi món ngon này. Phố Đoàn Kết là trung tâm của thịt chó Việt Trì với gần 20 cửa hàng lớn nhỏ. Những cửa hàng này đều đã có trên dưới chục năm nay nhưng vẫn mang vẻ bình dị, dân dã vốn có bởi theo những chủ cửa hàng ở đây thì phòng ốc bóng nhoáng, bàn ghế sang trọng sẽ không còn là thịt chó Việt Trì.

3.6 Tiểu kết

Những địa danh mà chúng tôi tìm hiểu không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn mang ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn.

Địa danh di tích khảo cổ là một bằng chứng quan trọng chứng minh vùng ngã ba Bạch Hạc có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài và liên tục, những giá trị văn hoá của vùng đất được hình thành từ xa xưa, khi con người đặt chân đến nơi này. Các hiện vật khai quật được đã chứng minh có một thời đại Hùng Vương từng tồn tại trên vùng ngã ba Hạc. Đó là thời mà vua và dân cùng chung sống, cùng cày cấy. Các hoạt động trong nông nghiệp được phản ánh qua những hiện vật tìm thấy. Qua các di tích khảo cổ, ta có được cái nhìn đầy đủ hơn về đời sống của cư dân Văn Lang xưa.

Địa danh di tích kiến trúc, tôn giáo phản ánh đời sống văn hoá, tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng của những người con vùng đất Tổ cùng ý thức hướng về cội nguồn. Phần lớn các di tích đều là nơi thờ vọng các nhân

vật trong truyền thuyết thời Hùng Vương. Điều đó chứng tỏ niềm tin trong ý thức của con người trên vùng đất ngã ba sông về thời đại Hùng Vương trong lịch sử. Đó là thời mà vua và dân cùng hợp sức trống thiên tai, cùng đánh giặc và cùng chia sẻ những giá trị văn hóa tinh thần. Đặc biệt quần thể di tích lịch sử Đền Hùng mang ý nghĩa tâm linh quan trọng, không chỉ đối với người dân vùng ngã ba Bạch Hạc mà còn đối với mọi người dân Việt Nam.

Địa danh lễ hội phần lớn đều gắn với những đình, đền, chùa, gắn với những di tích vật thể. Lễ hội không chỉ là nơi vui chơi mà còn là nơi tái hiện lại những nghi lễ, những nếp sống, tập tục từ ngàn xưa. Đây là nơi phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân Văn Lang. Đó là bức tranh tinh thần của những con người gắn với nông nghiệp lúa nước và tín ngưỡng sơ khai.

Địa danh ẩm thực cho ta thấy một góc văn hóa nữa cuả con người vùng ngã ba Bạch Hạc. Sản vật của vùng đất này thơm ngon đặc biệt dùng để tiến vua chứng tỏ rằng người dân nơi đây luôn luôn tin và ngưỡng vọng về một thời đại Hùng Vương.

Qua địa danh di chỉ khảo cổ, địa danh di tích kiến trúc tôn giáo, địa danh lễ hội và địa danh ẩm thực, ta đã có một cái nhìn đầy đủ và toàn diện về lịch sử và văn hóa của vùng ngã ba Bạch Hạc. Đây không chỉ là mảnh đất mang trong mình chiều dài hơn 2000 năm lịch sử, bắt đầu từ thời Hùng Vương dựng nước mà còn chứa đựng chiều sâu văn hóa. Văn hóa trên mảnh đất này là văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước, bởi vậy nó gần gũi với cuộc sống và con người. Bao trùm toàn bộ văn hóa vùng ngã ba Bạch Hạc là văn hóa thời Hùng Vương, văn hóa gắn liền với 18 đời họ Hùng. Địa danh di chỉ khảo cổ, địa danh di tích kiến trúc tôn giáo, địa danh lễ hội và địa danh ẩm thực minh chứng rằng thời đại Hùng Vương không chỉ tồn tại trong truyền thuyết mà còn tồn tại trong hiện

thực, trong lịch sử qua những chứng cứ hùng hồn và thuyết phục. Đây chính là mảnh đất thiêng, là kinh đô Văn Lang xưa.

Ta có thể tìm hiểu lịch sử - văn hóa bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, song cũng không thể phủ nhận con đường tìm hiểu lịch sử - văn hóa qua địa danh. Đây là một trong những cách tiếp cận sống động, cụ thể và sâu sắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) địa danh vùng ngã ba bạch hạc dưới góc nhìn văn hóa luận văn ths khu vực học 60 31 60 (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)