Chương 3 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rừng bền vững tại địa bànnghiên cứu
3.3.1. Yếu tố chủ quan
Yếu tố chủ quan đáng lưu ý nhất tại địa bàn nghiên cứu chính là nhận thức về quản lý rừng bền vững của người dân tham gia trồng rừng. Mặc dù đã 100% hộ dân tham gia điều tra đã được dự án tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật về trồng, quản lý và khai thác rừng trồng bền vững, nhiều hộ dân vẫn chưa thực sự tuân thủ các khuyến cáo của dự án. Việc tham gia của dự án là tự nguyện và các hướng dẫn kỹ thuật của dự án chỉ mang tính khuyến cáo, và thông thường không có chế tài xử lý nếu có sai phạm. Chính vì thế nhận thức của người dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trên thực tế, để nâng cao giá trị rừng trồng, dự án khuyến cáo người dân trồng rừng với mật độ 1660 cây/ha, tuy nhiên 100% hộ được hỏi đều trồng rừng với mật độ từ 2000-2500 cây/ha. Các hộ lý giải là trồng nhiều để giảm thiệt hại do gió bão và tăng lợi nhuận khi khai thác. Tuy nhiên theo các chuyên gia lâm nghiệp, trồng dày kích thước cây nhỏ sẽ càng khiến cây dễ bị đổ gãy khi có gió bão. Trồng với mật độ cao, người dân sẽ phải tăng chi phí cây con và phân bón khi trồng rừng trong khi sản
phẩm gỗ cuối chu kỳ lại có kích thước nhỏ không bán được làm gỗ xẻ để có doanh thu cao hơn. Trồng dày làm tăng độ ẩm trong rừng trồng, dễ gây ra nấm bệnh.
Như đã thảo luận ở trên, rừng trồng dự án là rừng trồng thuần loài. Theo khuyến cáo của dự án, để tăng tính đa dạng sinh học nhằm đảm bảo lợi ích môi trường của hoạt động quản lý rừng bền vững, người dân nên trồng xen canh cây mọc nhanh với cây bản địa. Tuy nhiên, diện tích xen canh cây bản địa rất thấp chỉ khoảng 4%. Các hộ dân giải thích là do chi phí cây con cây bản địa tương đối cao và tỷ lệ sống thấp do kỹ thuật trồng phức tạp hơn. Như vậy có thể thấy, người dân mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế chứ chưa để tâm nhiều đến vấn đề môi trường hay đa dạng sinh học. Ngay cả những hộ tham gia chứng chỉ rừng cũng chưa quan tâm đến việc trồng cây bản địa.
Ngoài ra người dân cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tuân thủ kế hoạch quản lý rừng, vì thế việc tuân thủ bản kế hoạch này của đa số các hộ trồng rừng tại địa bàn nghiên cứu còn hạn chế.
Yếu tố chủ quan này chính là nguyên nhân dẫn đến tính „chưa bền vững“ của 3 chỉ số liên quan đến môi trường và một chỉ số về khung thế chế, pháp lý trong bộ tiêu chí đánh giá của đề tài.