.Nhóm Giải pháp về chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý bền vững hệ thống rừng trồng trong dự án phát triển ngành lâm nghiệp tại xã hiệp thuận, huyện hiệp đức, tỉnh quảng nam luận văn ths khoa học bền vững (Trang 90 - 95)

3.4.2.1Mở rộng nhóm Chứng chỉ rừng (CCR)

Theo kết quả đánh giá hiện trang quản lý rừng tại địa bàn nghiên cứu, các hộ tham gia chứng chỉ rừng FSC có thu nhập cao hơn với cùng một sản lượng gỗ bán ra. Như vậy, để tăng lợi nhuận cho đầu tư trồng rừng, người dân nên tham gia đăng ký tham gia vào nhóm. Tất nhiên, khi tham gia vào nhóm CCR, các hộ phải tuân thủ Bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng quốc tế với 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Trong thời gian từ năm 2011 đến 2013, dự án FSDP đã tiến hành 3 đợt đánh giá nội bộ rừng trồng tại các tỉnh tham gia dự án theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của tổ chức FSC. Theo kết quả đánh giá, trên 70% diện tích rừng trồng của dự án có thể đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên dự án chỉ tiến hành cấp thí điểm tại một số điểm tại 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Hiệp Thuận cũng có 1 nhóm được cấp chứng chỉ theo chương trình này. Kết quả thực hiện thí điểm mô hình cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho các nhóm cho thấy, người dân tham gia nhóm chứng chỉ tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường như phòng hộ dòng chảy, an toàn lao động trong quản lý và chăm sóc rừng, v.v.. Người dân tham gia dự án có lợi thế hơn trong việc tham gia vào nhóm chứng chỉ rừng do họ đã được dự án tập huấn và hướng dẫn về hoạt động quản lý rừng bền vững trong dự án với những tiêu

chí tương đối tiệm cận với các tiêu chuẩn cho cấp chứng chỉ rừng. Như đã thảo luận ở trên, gỗ có được chứng nhận có nguồn gốc từ rừng được quản lý bền vững sẽ có giá trị cao hơn so với gỗ không có chứng chỉ. Với một tấn gỗ ván dăm không có chứng chỉ, người dân bán được khoảng 1 triệu/tấn tại cổng nhà máy. Gỗ có chứng chỉ với đường kính đầu nhỏ từ 10-15 cm, giá bán là 1,3 triệu đồng/tấn, đường kính từ 16-20 cm: giá bán là 1,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, gỗ ván dăm từ rừng có chứng chỉ cũng chỉ được tính bằng với giá không có chứng chỉ. Vì thế chủ rừng cần xác định rõ mục tiêu kinh doanh khi quyết định có tham gia vào nhóm CCR hay không. Trong thời gian thực hiện dự án, toàn bộ chi phí thuê bên thứ 3 đánh giá cấp chứng chỉ, chi phí đào tạo, tập huấn, hướng dẫn làm hồ sơ xin tham gia nhóm đều do dự án hỗ trợ. Dự án đã kết thúc, chủ rừng muốn tham gia nhóm phải tự bỏ tiền ra để thuê bên thứ 3 đến cấp chứng chỉ. Theo tính toán của cán bộ BQL trung ương của dự án FSDP, chi phí cấp chứng chỉ cho 1ha vào khoảng 1.030.000 đồng. So với giá trị kinh tế của 1ha rừng có chứng chỉ, số tiền này có thể chấp nhận được.

Như vậy, việc gia nhập nhóm CCR không chỉ giúp cải thiện thu nhập của người trồng rừng mà còn tăng cường tính bền vững của hoạt động quản lý rừng. Người dân tham gia nhóm sẽ ưu tiên một số quy định về môi trường, đặc biệt là phòng hộ dòng chảy. Ngoài ra, việc tham gia CCR cũng khuyến khích người dân giữ rừng lâu hơn, hạn chế khai thác trắng trên 10 ha (theo quy định của nhóm CCR) và khai thác liên tục. Nhờ đó, tăng cường được tính bền vững về mặt môi trường cho hoạt động quản lý rừng tại địa phương. Vì thế, chính quyền địa phương cần có các biện pháp cụ thể để khích lệ người dân tham gia vào nhóm CCR. Các hoạt động có thể bao gồm tuyên truyền bằng loa đài, tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, họp xã, họp hội nông dân, hội phụ nữ để người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của việc tham gia nhóm. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tìm cách để kết nối thị trường, tìm các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua gỗ có chứng chỉ rừng để đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân trồng rừng. Hiện nay, nhu cầu gỗ có chứng chỉ rất cao, người dân bán được với giá tốt, tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, chính quyền địa phương cần có kế hoạch về bao tiêu sản phẩm cho gỗ có chứng chỉ khi số lượng hộ tham gia CCR tăng lên.

3.4.2.2.Chi trả dịch vụ hệ sinh thái

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rừng bền vững tại địa bàn nghiên cứu là thu nhập của người dân trồng rừng. Để tăng cường quản lý rừng bền vững của người dân tham gia trồng rừng, việc nâng cao giá trị gia tăng cho rừng trồng nhằm tăng thu nhập cho người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Không giống như các cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp đòi hỏi thời gian đầu tư dài, chi phí đầu tư ban đầu lớn. Để bù đắp cho những thiệt thòi này, nếu nhà nước thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với rừng trồng sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng rừng.

Theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ban hành ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng [7], bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng gồm: các chủ rừng, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng gồm các cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất nước sạch; cơ sở sản xuất công nghiệp; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường dịch vụ các bon, nuôi trồng thủy sản. Các loại dịch vụ môi trường rừng gồm: bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng; điều tiết và duy trì nguồn nước; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; dịch vụ cho nuôi trồng thủy sản.

Theo Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ban hành ngày 2 tháng 11 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghịđịnh số 99/2010/NĐ-CP, mức quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng được quy định cụ thể như sau: (1) đối với các cơ sở thủy điện, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng là 20 đồng/1kwh điện thương phẩm; (2) đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, mức chi trả là 40đ/m3 nước thương phẩm; (3) đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường, mức chi trả được tính bằng 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ; v.v…[8].

Ngoài nguồn thu từ các khoản chi trả của các doanh nghiệp điện, nước, du lịch như đã nói ở trên, người dân trồng rừng còn có khả năng được hưởng lợi từ

lượng các-bon do diện tích rừng của mình hấp thụ nếu Việt Nam tham gia bán tín chỉ các-bon từ rừng trồng.

Đa phần cấp đất tại địa bàn nghiên cứu là cấp đất II, như vậy giả sử với mức chi trả khoảng 5USD/tấn các-bon giống như cam kết trong dự án Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ - FCPF do Ngân hàng thế giới tài trợ, số tiền mà các hộ dân có thể được hưởng mỗi năm sẽ dao động khoảng từ 358-475 USD/ha/năm. Số tiền này khá lớn đối với các hộ có diện tích canh tác nhỏ khích lệ họ nâng cao chất lượng rừng trồng cũng như tăng thời gian luân kỳ trồng rừng.

Tại Ấn Độ, dự án Phát triển vùng đầu nguồn tại Hamachal do Ngân hàng thế giới tài trợ đã thực hiện thí điểm đầu tiên tại Châu Á việc chi trả các-bon cho 3.204 ha rừng trồng tại 602 ngôi làng tại đây. Các đối tượng hưởng lợi sẽ nhận được thêm khoảng 46.53 đô la Mỹ/ha/năm trong hai mươi năm tới (tính từ khi được họ được cấp chứng nhận Giảm phát thải vào năm 2015) từ nguồn thu nhập này [44].

Nếu chính sách này được áp dụng tại Việt Nam cho cả các đối tượng là chủ rừng tham gia trồng rừng sản xuất thì sẽ khuyến khích được hoạt động quản lý rừng bền vững của người dân địa phương nhờ vào việc tạo thêm thu nhập cho họ ngoài thu nhập từ việc bán gỗ rừng trồng. Việc này cũng hạn chế việc chặt trắng rừng và tăng cường ý thức của người dân trong việc đa dạng hóa loài cây trồng, ví dụ như trồng xen cây bản địa để đảm bảo đất rừng luôn được phủ xanh với luân kỳ dài hơn.

3.4.2.3. Bảo hiểm rừng trồng

Như đã thảo luận ở trên, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động quản lý rừng bền vững của người dân tại nơi nghiên cứu đó là lo sợ thiên tai phá hủy rừng trồng. Lo sợ rủi ro này, người dân thường khai thác sớm (5 năm) đề phòng trường hợp có thiên tai (gió, bão, sâu bệnh) khiến họ có thể bị mất trắng rừng đã đầu tư kinh doanh.

Nhiều người dân được phỏng vấn đã đề cập đến bảo hiểm rừng trồng. Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam chưa có đơn vị nào thực hiện bảo hiểm cho rừng trồng. Các công ty bảo hiểm sẽ cung cấp bất cứ các dịch vụ nào nếu họ có thể thu

được lợi nhuận. Tuy nhiên, không giống như bất động sản, các khu rừng khi lớn lên có trữ lượng và giá trị rất khác nhau. Ngoài ra, luân kỳ của rừng cũng dài hơn nhiều so với cây nông nghiệp. Do đó, việc đánh giá giá trị cây đứng phải tính toán được tốc độ sinh trưởng của cây và các điều kiện thị trường khiến cho việc đánh giá phức tạp hơn rất nhiều so với việc đánh giá bất động sản hay cây nông nghiệp. Ngoài ra, cấp tuổi rừng, thành phần loài cây trong rừng và diện tích rừng cũng ảnh hưởng đến việc đánh giá giá trị của rừng cũng như thiệt hại do rủi ro thiên tai. Việc đánh giá để định giá bảo hiểm cũng cần các số liệu rất tin cậy liên quan đến tần suất thiên tai đối với rừng tại khu vực bảo hiểm. Những yếu tố này đã khiến cho chi phí bảo hiểm rừng cao hơn so với bảo hiểm nhà cửa hay cây nông nghiệp. Chi phí bảo hiểm cao không khuyến khích được việc tham gia bảo hiểm của các chủ rừng. Chính vì thế sự hỗ trợ của chính phủ về mặt chính sách đối với cả đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm cũng như chủ rừng trong việc tham gia bảo hiểm là rất quan trọng.

Theo một nghiên cứu các tác giả Daowei và Anne Stenger [35], trên thế giới, hiện có rất nhiều nước đã thực hiện bảo hiểm rừng nói chung và bảo hiểm rừng trồng nói riêng. Cháy rừng là loại bảo hiểm phổ biến nhất và tất cả các loại bảo hiểm rừng đều đền bù thiệt hại do cháy rừng. Ví dụ, bảo hiểm cháy rừng ở Na-uy bắt đầu từ năm 1898. Tại Đức và Bồ Đầu Nha, bảo hiểm chỉ chi trả cho các thiệt hại do cháy rừng. Tại các quốc gia khác, bảo hiểm đã mở rộng cho các đối tượng rừng thiệt hại do sâu bệnh hại và bão gió. Các nước Bắc Âu có hệ thống bảo hiểm rừng toàn diện và sâu rộng hơn cả do họ có các hiệp hội chủ đất rất mạnh. Các hiệp hội này đánh giá nhu cầu bảo hiểm của các thành viên và sau đó tiến hành mời thầu đến các công ty bảo hiểm. Họ đảm bảo rằng các thành viên của mình được cung cấp đầy đủ thông tin và có thể tham gia vào các hình thức bảo hiểm rừng. Họ cũng hỗ trợ quá trình thương thảo giữa chủ rừng và công ty bảo hiểm nhằm giảm chi phí giao dịch và mở rộng các hình thức bảo hiểm và chi phí thấp nhất có thể. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng bắt đầu thúc đẩy bảo hiểm rừng. Tại một số tỉnh của Trung Quốc, bảo hiểm được áp dụng cho cả rừng tư nhân và rừng nhà nước. Tại Nhật Bản, cơ quan Bảo hiểm rừng trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản và hoạt động với tài khoản riêng. Chi phí bảo hiểm cũng khá đa dạng giữa các quốc gia: tại Thụy Điển, chi phí là 0.2% (cho cháy rừng) đến

3% (áp dụng cho tất cả các nguyên nhân thiệt hại), tại Nam Phi, chi phí là 1.5-2.6% (chỉ áp dụng cho thiệt hại do cháy rừng); 1% cho tất cả các loại thiệt hại tại Trung Quốc. Tại một số quốc gia như Chile và New Zealand, bảo hiểm chỉ áp dụng đối với rừng trồng. Theo nghiên cứu này, chính phủ không nên đền bù thiệt hại cho các thiệt hại đối với rừng do việc làm này có thể ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích hoạt động quản lý rủi ro. Điều nên làm là chính phủ hỗ trợ các chủ rừng/chủ đất – người bảo vệ tài sản của chính mình thông qua các hình thức bảo hiểm. Còn một cách làm gây nhiều tranh cãi đó là chính phủ có thể quy định việc đóng bảo hiểm rừng là bắt buộc đối với các chủ rừng tư nhân, nhờ đó, giảm rủi ro cho đơn vị bảo hiểm và giảm phí đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào áp dụng cách làm này.

Như vậy có thể thấy rằng, đối với bảo hiểm áp dụng cho rừng nói chung và rừng trồng nói riêng, chính phủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào bảo hiểm lâm nghiệp, hoạt động kinh doanh này tuy có nhiều rủi ro nhưng lại có tác động rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý bền vững hệ thống rừng trồng trong dự án phát triển ngành lâm nghiệp tại xã hiệp thuận, huyện hiệp đức, tỉnh quảng nam luận văn ths khoa học bền vững (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)