2.1.1.4.Kết quả thực hiện hợp phần trồng rừng tiểu điền
Trong 10 năm thực hiện, Dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt là hợp phần trồng rừng sản xuất. Đến cuối năm 2014, dự án đã thiết lập được tổng cộng 76.571 ha với sự tham gia của 43.743 hộ dân tại 5 tỉnh tham gia dự án. Dự án đã tiến hành cấp sổ đỏ cho 34.990hộ vớidiện tích 62.255 ha và cấp thí điểm chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho 354 hộ với tổng diện tích 851,7ha [7].
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án tỉnh Quảng Nam, một số kết quả thực hiện dự án chính đã đạt được tại tỉnh Quảng Nam như sau:
a)Về kinh tế:
Trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành và vượt các mục tiêu của dự án, đã thiết lập được 18.596,11 ha/8.820 hộ rừng trồng sản xuất; chủ yếu là rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến ván dăm và nguyên liệu giấy. Mức thu nhập bình quân (trừ hết chi phí, kể cả tiền lãi của Ngân hàng): 45 đến 60 triệu đồng/ha; đối với những vùng thấp, gần đường, đất đai tốt (các xã huyện Quế Sơn, Tiên phước, Hiệp Đức) mức thu nhập (lãi) từ 70 – 80 triệu đồng/ha; riêng rừng trồng cấp Chứng chỉ được bán với giá cao hơn rừng chưa được cấp Chứng chỉ từ 20 – 30%; nơi có đường lâm sinh do dự án đầu tư giá trị rừng trồng tăng từ 2 – 3 lần so với nơi chưa có đường. Chất lượng rừng trồng được cải thiện, năng suất ngày càng tăng, tỉ lệ cây sống đạt 87 đến 90%. Nhiều mô hình trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Dự án đã giải ngân vốn vay tín dụng trồng rừng được 221.756,08 triệu đồng/7.867 lượt hộ (đạt 93% kế hoạch), tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ có nguồn vốn để đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, các hộ gia đình sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích và có hiệu quả.
Rừng và đất rừng là tư liệu sản xuất, là tài sản lâu dài của hộ gia đình tham gia thực hiện dự án; nhất là rừng trồng được cấp Chứng chỉ.
b)Về xã hội:
Dự án đã có những tác động tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 18.200 lao động trong và ngoài vùng dự án trong việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ và khai thác rừng; từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có kinh phí để tái sản xuất đầu tư phát triển kinh tế hộ theo hướng bền vững.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện và các hộ gia đình tham gia trồng rừng trong vùng dự án áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng sản xuất, từng bước chuyển đổi trồng rừng quảng canh sang đầu tư trồng rừng thâm canh.
Dự án đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình, trong cộng đồng, thực hiện tốt việc bình đẳng giới...trong việc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, thăm quan rừng trồng, cũng như việc quản lý kinh tế hộ gia đình.
Trình độ của các hộ tham gia dự án, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, tác động tích cực nâng cao đời sống an sinh xã hội, ổn định xã hội ở địa phương, giữ gìn trật tự xã hội, an ninh quốc phòng.
c)Về môi trường sinh thái:
Dự án đã từng bước quản lý rừng theo hướng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; đối với rừng trồng của dự án đã tạo ra các giá trị dịch vụ môi trường như: tăng độ che phủ, bảo vệ đất đai và điều tiết nguồn nước, cải thiện đáng kể chất lượng đất rừng, lưu trữ và hấp thụ cacbon, giảm tác hại của hiệu ứng khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu; góp phần cân bằng hệsinh thái - môi trường trong khu vực.
2.1.2.Giới thiệu về địa bàn nghiên cứu