Biện pháp xây dựngcần kiệm liêm chính, chí công vô tư

Một phần của tài liệu Luận văn: Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 36 - 43)

Hồ Chí Minh cho rằng người cán bộ, đảng viên, chiến sĩ làm cách mạng thì phải có đạo đức cách mạng, phải chí công vô tư, đặt việc công lên trên việc tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức được mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân, bộ phận với lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, từ đó giải quyết hài hòa, hiệu quả mối quan hệ này. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, lợi ích của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân gắn bó chặt chẽ với lợi ích của Đảng, của dân tộc; có giành được lợi ích dân tộc thì lợi ích của mỗi cá nhân, mỗi giai cấp giành được. Đó là một nguyên tắc bất biến, đặc biệt là trong những thời điểm có tính quyết định tới sự tồn vong của quốc gia,dân tộc. Năm 1941, khi nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đã tới, Hồ Chí Minh cùng với Ban chấp hành trung ương Đảng đã khẳng định: Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đồng thời, có những trường hợp lợi ích cá nhân, bộ phận mâu thuẫn với lợi ích của Đảng, của dân tộc, đòi hỏi mỗi cá nhân phải hy sinh lợi ích cá nhân, phục tùng lợi ích của Đảng, của dân tộc.

Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích trên là cơ sở nền tảng cho mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tu dưỡng đạo đức chí công vô tư. Không dừng lại ở nhận thức, cán bộ, đảng viên cần nói đi đôi với làm, nêu gương chí công vô tư trong hoạt động thực tiễn. Bởi, đạo đức cách mạng trong quan niệm của Hồ Chí Minh không chỉ là đạo đức tu thân mà còn là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, đạo đức lấy thực tiễn, lấy hiệu quả công việc thực tế làm thước đo. Người nói: “Phải lấy kết quả

thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất” [73, tr.68]. Người nhắc nhở cán bộ Tư pháp rằng: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo” [64, tr.473]. Tức là muốn người dân chấp hành pháp luật thì cán bộ làm luật, thi hành luật phải là người làm gương trước, nói đi đôi với làm. Người phê phán một số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ:

Chỉ biết nói là nói,…nghĩa là chỉ quen chỉ thị, quen đề xuất, nói rồi quên, nói cao giọng mà không tính đến các điều kiện thực tế, đến khả năng hành động, thực thi của chính mình. Hình như họ nói cốt để cho người khác làm, còn chính mình lại không quyết tâm theo đuổi, chỉ đạo thực hiện đến cùng một công việc nào đó [64, tr.327]. Cán bộ, đảng viên là những người đề xuất chủ trương, đường lối, đưa chủ trương, đường lối vào thực hành trong nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Muốn vậy, bản thân họ phải nêu gương thực hành trước, lời nói đi đôi với việc làm. Hồ Chí Minh nói: “Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Phải ra sức tham gia công việc của kháng chiến. Phải gần gũi dân chúng, thương yêu giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng là chí công vô tư” [66, tr.54]. Trong những giai đoạn cách mạng khó khăn, gian khổ, tấm gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư của cán bộ, đảng viên không chỉ là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ được dân tin, dân yêu, dân theo, nó còn là động lực to lớn thôi thúc mỗi cá nhân quần chúng tham gia cách mạng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao cho, từ đó họ tiếp tục trở thành những tấm gương cho các cá nhân khác noi theo. Ngày 7/7/1958, tại Hội nghị tuyên dương anh hùng và chiến sỹ thi đua lần thứ II, trong lời chào mừng Đại hội Hồ Chí Minh đã khen ngợi: “Anh hùng,chiến sỹ thi đua là những người tiên phong trong

sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng. Họ đặt lợi ích chung của dân tộc lên trên lợi ích riêng của cá nhân, họ toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân… Đó là những đức tính cách mạng mà chúng ta cần phải học tập” [71, tr.496-497]. Người còn cho rằng: “số người và những tập thể được công nhận là anh hùng, chiến sỹ thi đua được tặng thưởng huân chương, huy chương vẫn chỉ là số ít so với hàng triệu, hàng chục triệu con người hàng ngày góp gió thành bão, đang gánh vác mọi việc nước, việc nhà… gọi là người tốt, việc tốt” [75, tr.661]. Từ đó, Người đề xuất hình thức tuyên dương

người tốt việc tốt, yêu cầu các báo đảng, báo ngành mở chuyên mục “người

tốt việc tốt” để những việc làm bình thường nhưng ích nước lợi dân được trân trọng và nhân rộng, để những tấm gương chí công vô tư có sức lan toả rộng rãi, khích lệ nhiều người học tập, làm theo.

Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về đạo đức chí công vô tư, vị công vong tư. Tấm gương chí công vô tư, suốt đời phấn đấu vì độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Người có sức hấp dẫn mạnh mẽ không chỉ với nhân dân Việt Nam mà với toàn thể nhân loại. Người khẳng định:

Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó. Ðến lúc nhờ quốc dân đoàn kết giành được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân [63, tr.272]. Ở Hồ Chí Minh, lợi ích cá nhân đã hòa vào lợi ích dân tộc, lợi ích của dân tộc cũng chính là lợi ích cá nhân, Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” [75, tr.674]. 79 mùa xuân của Người dành trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, 79 mùa xuân đấu tranh không mệt mỏi và “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [63, tr.187].

Cho đến cuối đời, trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Người viết rằng: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” [75, tr.615]. Tấm gương chí công vô tư, hết lòng, hết sức vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một biểu tượng của nền đạo đức mới, đạo đức dấn thân, hy sinh - đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân

Hồ Chí Minh cho rằng: “Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, sợ khổ, đều một lòng, một dạ phụ vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể” [73, tr.90]. Cán bộ, đảng viên, chiến sĩ không có đạo đức cách mạng, không chí công vô tư tức là sa vào chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân, theo Hồ Chí Minh là: “việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô,… Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội” [73, tr.90]. Muốn xây dựng đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh “phải đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân” [73, tr.90].

Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống trong rèn luyện đạo đức cách mạng nói chung, rèn luyện phẩm chất chí công vô tư nói riêng.

Xây dựng phẩm chất chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ tức là giáo dục cho họ tinh thần, lý tưởng “vì nước quên mình, vì nhân dân phục vụ”. Muốn vậy, phải giáo dục cho họ truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, chủ nghĩa anh hùng trong lao động và chiến đấu của con người Việt Nam; trang bị cho họ nhận thức về mối liên hệ giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc, mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của Đảng, của dân tộc, về

vai trò, sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” [71, tr.603].

Xây dựng phẩm chất chí công vô tư phải đi liền với chống lại tư tưởng chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân của mình, đặt lợi ích cá nhân lên trên, lên trước lợi ích của Đảng, của dân tộc, tức là chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh nói: “Muốn thành người cách mạng, thành người cộng sản chân chính thì phải chống chủ nghĩa cá nhân” [72, tr.222]. Nhưng Người cũng chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được” [72, tr.222], bởi chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội, nó “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân” [71, tr.611].

Trong việc trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu - những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân mà ra có ý nghĩa rất quan trọng: “nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mành, càng hùng mạnh thêm” [73, tr.418]. Bởi vậy, Người nhấn mạnh: “Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên” [73, tr.418].

Có thể thấy rằng, cán bộ, đảng viên không giữ đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư ắt dẫn đến sa vào chủ nghĩa cá nhân, sa vào lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu... Theo đó, việc xây dựng phẩm chất cần kiệm liêm chính có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với xây dựng phẩm chất chí công vô tư. Các phẩm chất này đều đòi hỏi quá trình xây dựng, rèn luyện gắn liền với quá trình chống lại chủ nghĩa cá nhân, kết hợp nâng cao đạo đức

cách mạng với chống chủ nghĩa cá nhân. Kết hợp giữa xây với chống một cách hiệu quả thông qua các biện pháp: tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò của dư luận xã hội, tạo ra phong trào quần chúng rộng rãi, biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu; thực hiện chống chủ nghĩa cá nhân bằng thái độ quyết liệt; chú trọng công tác cán bộ (tuyển chọn cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ).

Thứ ba, Suốt đời tu dưỡng đạo đức chí công vô tư

Cũng như cần kiệm liêm chính và các phẩm chất đạo đức khác, chí công vô tư là phẩm chất cần phải được mỗi con người tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên, liên tục và suốt đời. Bởi, theo Hồ Chí Minh “đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố” [71, tr.612].

Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức chí công vô tư suốt đời có nghĩa là trong hoàn cảnh nào, giai đoạn nào của cách mạng, thời chiến cũng như thời bình, trong nhận thức và hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân đều phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, xem việc làm lợi cho dân tộc cũng là làm lợi cho cá nhân mình. Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì mỗi năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to” [65, tr.131].

Tu dưỡng đạo đức chí công vô tư suốt đời đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong tập thể, cộng đồng, dân tộc; nhận thức được cái hay, cái dở của mình để phát huy, sửa chữa, khắc phục một cách nghiêm khắc và thường xuyên. Từ đó, dần hình thành đạo đức chí công vô tư cho mình, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Suốt đời tu dưỡng đạo đức chí công vô tư để hình thành nhân cách, đạo đức người chiến sĩ cộng sản “thắng không kiêu, bại không nản”, “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” [66, tr.50].

1.4. GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍMINH VỀ XÂY DỰNG CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ

Một phần của tài liệu Luận văn: Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w