Kháng chiến chống Pháp thành công, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Hồ Chí Minh không quên cảnh báo toàn quân, toàn dân về những “viên đạn bọc đường” khi rời núi rừng gian khổ về tiếp quản thủ đô. Người luôn nhắc nhở cán bộ: “Giàu sang không thể quyến rũ. Nghèo khó không thể chuyển lay. Uy lực không thể khuất phục” [66, tr.50], bởi ngay sau khi đuổi được giặc Pháp, chúng ta phải đối mặt với một cuộc kháng chiến mới, trường kỳ và gian khổ, đương đầu với một kẻ thù hùng mạnh, tàn ác khác đó là đế quốc Mỹ. Mỗi cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân đều phải tránh tư tưởng lạc quan chủ nghĩa, sa vào hưởng thụ, lãng phí, ham danh, ham lợi,.. Lịch sử đặt cho chúng ta yêu cầu cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ vừa xây vừa chống: xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc kết hợp với chống giặc Mỹ xâm lược ở miền Nam; xây dựng cái tiến bộ, cái tốt kết hợp với loại bỏ cái lạc hậu, cái xấu; xây dựng đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư kết hợp với chống lười biếng, lãng phí, tham ô, chủ nghĩa cá nhân.
Thực hiện mục tiêu khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, quân dân miền Bắc phát huy đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong lao động, sinh hoạt và chiến đấu: cần cù, chịu khó, sáng tạo, lao động có kế hoạch, thực hành tiết kiệm, nêu cao tinh thần tập thể, anh hùng, quả cảm. Nhờ đó, năng suất lao động không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân được cải thiện, hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965), trở thành hậu phương vững chắc, chi viện tối đa sức người sức của cho miền Nam, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bắt đầu từ 1965, miền Bắc xây dựng kinh tế theo hướng “vừa sản
xuất, vừa chiến đấu” để chống lại những cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Sự lớn mạnh về mọi mặt của miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời kỳ này là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1975 đã đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam khỏi xướng và lãnh đạo từ năm 1930. Trong cuộc cách mạng này, giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói chung, về xây dựng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư nói riêng là ở chỗ, nó chính là cơ sở, nền tảng cho đạo đức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Nhờ có nền tảng đạo đức đó mà toàn đảng, toàn quân, toàn dân có thể vượt qua những khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh để giành được độc lập cho dân tộc, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đánh thắng được hai kẻ thù hung ác, thống nhất đất nước, đạt được những thành tựu bước đầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.