Giá trị lý luận

Một phần của tài liệu Luận văn: Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 43 - 46)

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư vốn là những phạm trù của Nho giáo được Hồ Chí Minh phát triển và mở rộng nội hàm cho phù hợp với yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu quan điểm của Nho giáo, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Những nét phát triển, mở rộng đó chính là những cống hiến có giá trị lý luận sâu sắc của Hồ Chí Minh về xây dựng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong kho tàng lý luận đạo đức truyền thống. Cụ thể:

Thứ nhất,Hồ Chí Minh đã mở rộng, phát triển nội dung của từng khái

niệm cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Chữ Cần trong quan niệm của Nho giáo cũng như trong quan niệm truyền thống của dân tộc ta được hiểu là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong lao động sản xuất, trong học tập, trong việc hành chính, trong cai trị. Hồ Chí Minh mở rộng thêm, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng phải “Cần”. Đồng thời, theo Người sự cần cù đó còn phải là sự cần cù có tính bền bỉ, lâu dài, cần phải đi liền với kiệm.

Chữ Kiệm trong văn hóa truyền thống, trong qua niệm của Nho giáo hiểu là hà tiện, căn cơ để làm giàu (“Buôn thuyền bán bè không bằng ăn dè, hà tiện”), kiệm để nuôi dưỡng cha mẹ, như thế mới là biết đạo hiếu đễ. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, kiệm không phải là bủn xỉn, hà tiện mà là chi tiêu thật hợp lý, làm lợi cho dân. Người còn chỉ rõ nội dung của kiệm, không chỉ là tiết kiệm của cải, vật chất mà còn là kiệm thời gian, kiệm sức dân, kiệm nhân

tài, chất xám. Nhân văn hơn, Người cho rằng phải kiệm xương máu của nhân

dân. Trong những trường hợp cụ thể, Người chủ trương kiệm lời: “nói ít, bắt đầu bằng hành động” [62, tr.457].

Chữ Liêm được Hồ Chí Minh quan niệm là liêm khiết, không tham lam, vơ vét của công và của dân. Và, chỉ có một thứ ham, đó là ham học, ham làm và ham tiến bộ, đây là sự mở rộng nội hàm của chữ Liêm so với quan niệm cũ. Điểm mới của chữ Liêm trong quan niệm của Hồ Chí Minh còn là ở tính đối tượng. Theo Người, ai cũng phải thực hiện chữ Liêm, khác với quan niệm của Nho giáo cho rằng chỉ người làm quan mới phải thực hiện chữ Liêm.

Chữ Chính không nằm trong “Ngũ thường” của Nho giáo, nó xuất hiện trong các tác phẩm như Kinh thư, Kinh Lễ, Luận ngữ, được hiểu là thẳng, không siêu vẹo (người thẳng thắn mẫu mực gọi là “tiền chính”, làm đúng chức vụ gọi là “chính danh”). Mở rộng quan niệm của Nho giáo, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người cán bộ phải “chính tâm và thân dân”. Người cho rằng Chính là không tà, là thẳng thắn, đúng mực, không chỉ trong hành động mà ngay cả trong suy nghĩ thầm kín của mình mà người xưa gọi là “tư vô tà”. Đặc biệt, Người xem xét chữ Chính của mỗi người trong mối quan hệ: đối với mình, đối với người và đối với việc, gắn với 2 mặt thiện/ác, 2 việc tốt/xấu của con người.

Chí công vô tư trong gốc chữ Hán còn gọi là “đại công vô tư”, là một

khái niệm luân lý đạo đức để chỉ những người hết lòng vì sự nghiệp chung. Trước yêu cầu của cách mạng, Hồ Chí Minh mở rộng khái niệm này với những nội dung cụ thể hơn, như: chí công vô tư là đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết; lợi ích cá nhân, bộ phận phục tùng lợi ích tập thể, cộng đồng; trong những hoàn cảnh nhất định chí công vô tư còn là hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của Đảng, của dân tộc; chí công vô tư là sự kết hợp chặt chẽ giữa nêu cao chủ nghĩa tập thể với trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, nhưng không phải là gạt bỏ lợi ích cá nhân. Trong quá trình cách mạng, sự mở rộng nội hàm khái niệm chí công vô tư của Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện giá trị lý luận sâu sắc mà còn có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng thực tiễn vô cùng quan trọng, góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.

Thứ hai, Hồ Chí Minh nhìn nhận một cách toàn diện về tầm quan trọng

của “tứ đức” cần kiệm liêm chính và chỉ ra được mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm với nhau.

Theo Hồ Chí Minh,khi Đảng ta là đảng cầm quyền thì đạo đức của mỗi đảng viên gắn chặt với uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân, là cơ sở để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” [72, tr.403]. Nếu cán bộ không cần kiệm liêm chính “mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời” [64, tr.240]. Vì thế, thực hiện cần kiệm liêm chính không đơn thuần là việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn là biện pháp quan trọng trong xây dựng Đảng. Mỗi khái niệm cần, kiệm, liêm, chính đều có vai trò rất quan trọng trong đạo đức cách mạng của mỗi người. Đồng thời, chúng có mối quan hệ gắn bó, biện chứng, tác động tương hỗ với nhau trong quá trình hình thành nhân cách, đạo đức của người cách mạng. Theo đó, trong xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân cần phải chú trọng tới tầm quan trọng của từng đức trong “tứ đức” và phải kết hợp xây dựng đồng thời cả “tứ đức” với nhau.

Thứ ba, Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng thực hành đạo đức cần kiệm

liêm chính, chí công vô tư.

Trong xã hội cũ, giai cấp phong kiến nêu ra cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để bắt nhân dân tuân theo. Hồ Chí Minh cho rằng tất cả mọi người đều phải rèn luyện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, trong đó cán bộ, đảng viên phải đi đầu để làm gương, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Người nói rõ: “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được” [67, tr.98]. Ngoài việc làm gương cho nhân dân bắt chước, Hồ Chí Minh còn yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm giáo dục cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho nhân dân. Nếu không làm được điều đó

thì dù cá nhân anh ta có chăm chỉ bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu, liêm chính bao nhiêu vẫn chỉ là người cần, kiệm, liêm, chính một nửa.

Thứ tư, Hồ Chí Minh đã đưa ra hệ thống các biện pháp có tính nguyên

tắc, định hướng để rèn luyện đạo đức nói chung, rèn luyện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư nói riêng.

Theo Hồ Chí Minh, đạo đức không phải trên trời sa xuống, nó có được là do quá trình rèn luyện bền bỉ, dẻo dai của mỗi người. Do đó, Người hết sức chú ý đến việc xây dựng các nguyên tắc tu dưỡng và thực hành đạo đức nói chung, chuẩn mực cần kiệm liêm chính, chí công vô tư nói riêng. Người đã đưa ra các nguyên tắc như: nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức, xây đi đôi với chống, tu dưỡng đạo đức suốt đời trong xây dựng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư với những chỉ dẫn rất cụ thể gắn với nhiều đối tượng, hoàn cảnh và phạm vi khác nhau. Chính nhờ các nguyên tắc có tính định hướng đó mà việc giáo dục đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân trở nên thiết thực và hiệu quả hơn.

Tóm lại, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là những phẩm chất cốt lõi của con người được bàn đến rất nhiều trong đạo đức truyền thống, trong quan điểm của Nho giáo, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy vậy, Hồ Chí Minh đã bàn về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư một cách hệ thống nhất, sâu sắc nhất, mới mẻ nhất và nhân văn nhất. Người không chỉ nói nhiều, nói hay về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà còn là biểu hiện ngời sáng của những phẩm chất cao quý đó.

Một phần của tài liệu Luận văn: Cần, kiệm, liêm, chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w