Trước khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm vấn đề bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ hoạt động cách mạng - những cán bộ tiên phong của Đảng sau này. Trong chương trình huấn luyện chính trị cho cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã nhấn mạnh đến “Tư cách
một người cách mệnh” [61, tr. 280] tự mình phải cần kiệm, hòa mà không tư, vị công vong tư… Những tư tưởng đạo đức này đã trở thành nền tảng đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư cho cán bộ, chiến sĩ, đã làm nên những Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập..anh hùng, quả cảm, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của dân tộc, lợi ích của Đảng.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Hồ Chí Minh đã chú trọng xây dựng tổ chức đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, coi đạo đức của cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng, củng cố các mặt còn lại. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền còn non trẻ, đất nước đứng trước nhiều khó khăn thử thách, chính thời điểm này, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân được phát huy cao nhất vì mục tiêu chung: giữ gìn độc lập cho dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh, diệt giặc đói, giặc dốt, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh việc xây dựng chính quyền cách mạng từ trung ương đến địa phương, củng cố lực lượng vũ trang, cần phải hết sức chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bởi: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” [63, tr.175]. Người nhấn mạnh: “Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân được học hành” [63, tr.175]. Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện cần, kiệm để đối phó với giặc đói. Người kêu gọi “nhường cơm sẻ áo”, lập “Hũ gạo cứu đói”, tổ chức “Ngày đồng tâm”.Quyên góp, điều hòa thóc gạo giữa các địa phương trong cả nước, nghiêm trị những kẻ đầu cơ tích trữ, không dùng gạo, ngô, khoai, sắn để nấu rượu. Cùng với đó là thực hiện biện pháp lâu dài: Tăng gia sản xuất “Tấc đất tấc vàng”, “Không một tấc đất bỏ hoang”; bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lý; Giảm tô, thuế ruộng đất 25 %, chia lại ruộng đất công.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ, đảng viên chung tay, chung sức, chung lòng hăng say lao động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Từ đó, sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi, nạn đói bị đẩy lùi.
Bên cạnh nhiệm vụ diệt giặc đói, nâng cao, cải thiện đời sống, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phát huy đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong việc giải quyết khó khăn về tài chính của nhà nước. Nhờ tinh thần tự nguyện đóng góp của nhân dân cả nước qua “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”, nhà nước đã thu được 370 kg vàng, 20 triệu đồng vào “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng vào “Quỹ đảm phụ quốc phòng”. Đây chính là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa tập thể, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết.
Một trong những vấn đề của nhà nước mới được Hồ Chí Minh quan tâm, trăn trở rất nhiều, đó là vấn đề mặt trái của quyền lực tác động đến đạo đức, tư tưởng, lối sống của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Trăn trở đó của Người là hoàn toàn có cơ sở bởi chỉ một tháng sau khi giành được chính quyền, cán bộ các kỳ, tỉnh huyện và làng đã mắc nhiều lỗi nghiêm trọng, như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người đã nhanh chóng phát hiện những sai lầm đó và nhấn mạnh:
Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung. Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng [63, tr.66].
Hai năm sau, năm 1947, trong bộn bề công việc kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chí Minh viết “Sửa đổi lối làm việc”. Đây là tác phẩm này dành cho cán bộ đảng, trong đó Người nói tới nhiều vấn đề: về phê bình, sửa chữa, về cán
bộ và công tác cán bộ, và một lần nữa Người lại nhấn mạnh về tư cách của Đảng, về đạo đức cách mạng. Chỉnh bởi sự quan tâm thường xuyên và sâu sát của Người, đạo đức của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân không ngừng được bồi dưỡng, rèn luyện.