1.2. Tổng quan về tiền lương và các khoản trích theo lương
1.2.5. Quỹ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí
phí công đoàn
1.2.5.1. Quỹ lương
Quỹ tiền lương trong đơn vị HCSN là tổng số tiền chi ra hàng năm để trả lương cho người lao động làm việc nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Quỹ tiền lương do Nhà nước quy định phụ thuộc vào mức tiền lương tối thiểu được Nhà nước quy định trong từng thời kỳ; hệ số lương cấp bậc, chức vụ bình quân; hệ số phụ cấp lương bình quân trong cơ quan, đơn vị.
Thành phần quỹ lương: Quỹ tiền lương bao gồm tiền lương chính và phụ cấp lương.
- Tiền lương chính là phần tiền lương trả cho CBCNV theo ngạch, bậc do Nhà nước quy định.
Tiền lương chính 1 người/ tháng = Mức lương tối thiểu x Hệ số lương
- Phụ cấp lương là phần tiền lương trả thêm ngoài phần tiền lương chính
Phụ cấp lương bao gồm:
+ Phụ cấp thường xuyên: Khoản phụ cấp được tính cho tất cả các tháng trong năm, như: phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực,…
+ Phụ cấp không thường xuyên: Có sự việc, có hoạt động mới tính phụ cấp, như: phụ cấp làm thêm giờ, phụ cấp làm đêm,…
Về nguyên tắc quản lý tài chính, các đơn vị phải quản lý chặt chẽ quỹ tiền lương như chi quỹ lương đúng mục đích, chi không vượt quá tiền lương cơ bản tính theo số lượng lao động thực tế trong đơn vị, hệ số và mức lương cấp bậc, mức phụ cấp lương theo quy định của Nhà nước.
1.2.5.2. Bảo hiểm xã hội
Quỹ BHXH là quỹ tài chính độc lập với NSNN, được hình thành từ đóng góp của người lao động và đơn vị sử dụng lao động và có sự hỗ trợ của nhà nước.
Có hai loại BHXHđó là:
- BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. BHXH bắt buộc có các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn do lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
- BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Quỹ BHXH hình thành trên cơ sở trích lập quỹ theo tỷ lệ quy định. “Đơn vị sử dụng lao động hàng tháng trích lập 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. Trích 3% vào quỹ ốm đau thai sản. Trích 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.” [5]
“Người lao động chỉ phải đóng 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất” [5]. Khoản chi này sẽ được khấu trừ trực tiếp vào lương.
1.2.5.3. Quỹ Bảo hiểm y tế
Quỹ BHYTlà quỹ tài chính được hình thành từ nguồn đóng BHYT và các nguồn thu hợp pháp khác, được sử dụng để chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người tham gia BHYT, chi phí quản lý bộ máy của tổ chức BHYT và những khoản chi phí hợp pháp khác liên quan đến BHYT.
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 quy định rõ “BHXH là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.”
Quỹ được trích lập theo tỷ lệ 4,5% tiền lương tháng theo quy định tại Điều 2, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật BHYT. Trong đó, “người sử dụng lao động đóng 3% còn người lao động đóng 1,5%. Toàn bộ quỹ được nộp lên cơ quan chuyên môn chuyên trách để quản lý và trợ cấp cho người lao động thông qua mạng lưới y tế.” [6]
1.2.5.4. Bảo hiểm thất nghiệp
BHTN là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.Quỹ BHTN được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn và được Nhà nước bảo hộ.
Người lao động khi tham gia BHTN sẽ được hưởng các chế độ theo quy định tại Điều 42 Luật việc làm đó là:
- Trợ cấp thất nghiệp;
- Hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm; - Hỗ trợ học nghề;
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Quỹ BHTN được hình thành do mức đóng hàng tháng của người lao động và người sử dụng lao động được quy định tại Điều 57, Luật Việc làm là 2%. Trong đó, người lao động đóng 1% tiền lương tháng, người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trong đơn vị HCSN, các viên chức là đối tượng tham gia BHTN, còn công chức (những người là công chức được quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ- CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ) không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
1.2.5.5. Kinh phí công đoàn
Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
“Nguồn tài chính công đoàn được hình thành do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng với tỷ lệ 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động” [9].
Đối với đơn vị HCSN, nguồn đóng KPCĐ được quy định tại Điều 7, Nghị định số 191/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết về tài chính công đoàn cụ thể:
- Đối với cơ quan, đơn vị được NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, NSNN bảo đảm toàn bộ nguồn đóng KPCĐ và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý NSNN.
- Đối với cơ quan, đơn vị được NSNN bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, NSNN bảo đảm nguồn đóng KPCĐ tính theo quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho số biên chế hưởng lương từ NSNN và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy
định của pháp luật về phân cấp quản lý NSNN. Phần KPCĐ phải đóng còn lại, đơn vị tự bảo đảm theo quy định.
- Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng KPCĐ được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.