1.2.2.1. Chất lượng quản lý RTSH của một số nước trên thế giới
Công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý các loại chất thải phát sinh do hoạt động sản xuất đang được các nước trên thế giới rất quan tâm. Chính phủ các nước đang tìm mọi cách để tìm ra phương án tối ưu giải quyết vấn đề này. Để xử lý RTSH trên thế giới hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng điều kiện kinh tế xã hội và mức độ phát triển mà mỗi nước có phương pháp xử lý và công tác quản lý riêng. Ở các nước phát triển, mặc dù lượng RTSH là rất lớn nhưng họ có điều kiện về khoa học kỹ thuật, và hệ thống quản lý môi trường tốt cho nên môi trường vẫn không bị suy thoái, còn ở các nước kém phát triển dù lượng RTSH ít hơn rất nhiều nhưng do hệ thống quản lý môi trường chậm phát triển nên môi trường ở nhiều nước có xu hướng suy thoái nghiêm trọng.
Các đô thị khác nhau trên thế giới thì có những hoạt động quản lý rác thải khác nhau. Nhưng tóm lại, quản lý rác thải nói chung muốn có hiệu quả phải bao gồm các hoạt động chính sau: Giảm thiểu nguồn phát sinh, thu gom, tái sử dụng-tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn, chôn lấp hợp vệ sinh. RTSH cũng là một loại chất thải rắn và cũng cần phải được quản lý một cách hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường trong sạch và sự phát triển bền vững.
Chất thải được thu gom trên thế giới dao động trong khoảng 2,5 đến 4 tỷ tấn (không kể chất thải tháo rỡ và xây dựng, khai thác mỏ và nông thôn). Năm 2014, tổng lượng RTSH đô thị được thu gom trên toàn thế giới ước tính khoảng 1,2 tỷ tấn (chỉ tính cho các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, các đô thị mới nổi và các nước đang phát triển).
Bảng 1.6: Lượng thu gom RTSH trên thế giới năm 2014
TT Tên được thu gom Khối lượng
(triệu tấn)
1 Các nước thuộc tổ chức Hợp tác và phát triển OECD 620
2 Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS 65
3 Châu Á (trừ các nước OECD) 300
4 Trung Mỹ 30
5 Nam Mỹ 86
6 Bắc Phi và Trung Đông 50
7 Châu Phi và cận Sahara 53
Tổng số 1204
(Nguồn: Khảo sát của cơ quan Dịch vụ môi trường Veolia và Cyclope, 2014)
Về việc công tác quản lý rác trên thế giới, có thể trích dẫn ra đây kinh nghiệm của một số quốc gia [14, 22].
a. Nhật Bản
Nhật Bản là đất nước thành công về tăng trưởng kinh tế và duy trì tỷ lệ phát sinh RTSH thấp so với nhiều nước có GDP cao. Năm 2000, Nhật Bản bắt đầu áp dụng khái niệm mới về xây dựng một “Xã hội tuần hoàn vật chất hợp lý” hay còn gọi là 3R (Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế). Từ những năm 1980, tỷ lệ phát sinh RTSH đô thị của Nhật Bản đã ổn định ở mức khoảng 1,1 kg/người/ngày. Mỗi năm, Nhật Bản thải ra khoảng 55-60 triệu tấn rác nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó phải đưa tới bãi chôn lấp còn phần lớn được đưa đến các nhà máy tái chế. Tại Nhật Bản, khung pháp lý quốc gia hướng tới giảm thiểu chất thải nhằm xây dựng một xã hội tái chế bao gồm hệ thống luật và quy định của nhà nước. Hiện nay, Nhật Bản là nước áp dụng phương pháp thu hồi RTSH cao nhất (38%) thế giới, trong khi các nước khác chỉ sử dụng phương pháp đốt và xử lý vi sinh vật là chủ yếu. Mặt khác, chính phủ Nhật Bản đó có những chính sách thúc đẩy và khuyến khích việc quản lý RTSH trên cơ sở của sự tham gia tích cực của người dân. Bên cạnh đó, Nhật Bản có
những mô hình phân loại và thu gom RTSH rất hiệu quả. Các hộ gia đình đã phân loại rác thành 3 loại riêng biệt và cho vào 3 túi với màu sắc theo quy định: rác hữu cơ; rác vô cơ và giấy vải, thuỷ tinh; rác kim loại. Rác hữu cơ được đưa đến nhà máy xử lý rác để sản xuất phân vi sinh. Các loại rác còn lại: giấy, vải, thuỷ tinh, kim loại…được đưa đến cơ sở tái chế hàng hoá.
Một điều rất quan trọng nữa là Nhật Bản đã thực hiện rất có hiệu quả chính sách quản lý chất thải sau: Giảm thiểu chất thải; Thành lập các cơ sở hủy bỏ chất thải; Xúc tiến sử dụng các nguồn vật liệu có thể tái tạo [19].
b. Singapo
Singapo không có nhiều diện tích đất để chôn lấp chất thải như những quốc gia khác. Các công đoạn trong hệ thống quản lý rác của Singapo hoạt động hết sức nhịp nhàng và ăn khớp với nhau từ khâu thu gom, phân loại, vận chuyển đến tận khâu xử lý bằng đốt hay chôn lấp. Xử lý khí thải từ các lò đốt rác được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để tránh sự chuyển dịch ô nhiễm từ dạng rắn sang dạng khí. Xây dựng bãi chôn lấp rác trên biển sẽ tiết kiệm được đất đai trong đất liền [3, 19].
c. Anh
Ở Anh công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải rất phát triển. Điều đó làm giảm đáng kể lượng rác thải chôn lấp (đổ bỏ). Rác được phân loại sơ bộ tại nguồn, sau đó thu gom và vận chuyển đến trung tâm phân loại rác. Rác ở đây được phân loại thành các thành phần có thể tái chế (kim loại, nhựa, vải, giấy…) thành phần cháy được và thành phần không cháy được. Những chất cháy được chuyển tới nhà máy đốt rác, những chất không cháy được chở đến cảng trung chuyển, đổ lên xà lan và chở tới khu chôn lấp rác Semakau ngoài biển [19, 21].
d. Malaixia
Tại Malaixia, rác thải phát sinh chủ yếu được đem chôn lấp, một phần được đem tái chế. Khoảng 76% RTSH phát sinh ở nước này được thu gom,
song chỉ có 1,2% được tái chế, số còn lại được chuyển đến 144 bãi chôn lấp. Nhờ áp dụng hệ thống quản lý chất thải tổng hợp, việc quản lý chất thải có hiệu quả và năng suất cao có thể làm tăng tuổi thọ bãi chôn lấp và chiết suất nguyên liệu đạt kết quả trong các quy trình thu hồi. Bằng biện pháp quản lý này có thể xử lý tới 87% tổng số RTSH phát sinh hay 14.800 tấn/ngày ở Malaixia [19, 21].
1.2.2.2. Chất lượng quản lý RTSH ở Việt Nam
a. Thực trạng chất lượng công tác quản lý RTSH ở Việt Nam
Hiện nay, công tác quản lý RTSH đang là vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương trong cả nước. Lượng RTSH được thu gom tại các đô thị Việt Nam chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu thực tế. Vì vậy, loại chất thải này đang trở thành nguyên nhân chính yếu gây ô nhiễm môi trường nước mặt, không khí, đất, cảnh quan đô thị và tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng; đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được để tái chế, tái sử dụng. Riêng thống kê năm 2012, tổng lượng RTSH gần 230 triệu tấn, song công tác xử lý chủ yếu vẫn là chôn lấp với số lượng trung bình từ 1-2 bãi rác mỗi đô thị. Trong đó có 85% số đô thị từ xã trở lên sử dụng phương pháp đổ thải không hợp vệ sinh, mới có 16/98 bãi chôn lấp chất thải tập trung đạt yêu cầu. Như vậy, trung bình mỗi đô thị ở Việt Nam có từ 1-2 bãi chôn lấp chất thải cần cải tạo và phục hồi môi trường.
Công tác quản lý RTSH ở Việt Nam hiện nay còn chưa tiếp cận được với phương thức quản lý tổng hợp trên quy mô lớn, chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế (3R) để giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp. Hoạt động giảm thiểu phát sinh RTSH, một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất trong quản lý chất thải, còn chưa được chú trọng, chưa có các hoạt động giảm thiểu RTSH. Hoạt động phân loại tại nguồn chưa được áp dụng rộng rãi, chỉ mới được thí điểm trên qui mô nhỏ ở một số thành
phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ thu gom chất thải ở các vùng đô thị trung bình đạt khoảng 80-82%, thấp nhất là đô thị loại IV (65%), ở Hà Nội cao hơn (90%); ở các điểm dân cư nông thôn chỉ đạt khoảng 40-55%. Khoảng 60% khu vực ở nông thôn chưa có dịch vụ thu gom chất thải, chủ yếu dựa vào tư nhân hoặc cộng đồng địa phương. Từ trước tới nay phần lớn RTSH đô thị ở nước ta không được tiêu huỷ một cách an toàn chủ yếu vẫn là đổ ở các bãi thải lộ thiên không có sự kiểm soát, gây ra nhiều vấn đề môi trường cho dân cư. Việc chôn lấp rác đã và đang gây những tác động nhiều mặt đến môi trường sống của cộng đồng. Năng lực trang thiết bị thu gom, vận chuyển còn thiếu và yếu, dẫn tới tình trạng tại một số đô thị đã thực hiện phân loại RTSH tại nguồn nhưng khi thu gom, vận chuyển lại đem đổ chung làm giảm hiệu quả của việc phân loại.
Với lượng rác thải phát sinh ngày một tăng như vậy đã và đang đặt ra những yêu cầu vô cùng cấp bách đối với công tác quản lý và xử lý nhằm bảo vệ môi trường. Ở Việt Nam, công tác quản lý RTSH chủ yếu là do các công ty môi trường đô thị của địa phương đảm nhận. Mặc dù trong những năm gần đây hoạt động của các công ty đã có nhiều tiến bộ đáng kể, phương thức quản lý đã có nhiều cải tiến nhưng vấn đề RTSH đô thị vẫn là vấn đề đáng lo ngại đối với môi trường của chúng ta hiện nay. Nói chung, công tác quản lý bao gồm các hoạt động thu gom, tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy và các vấn đề về quản lý gồm chính sách, thể chế, tài chính và ngân sách [2, 21].
* Hoạt động thu gom: Ở Việt Nam, có 2 phương thức thu gom chủ yếu: (1) Thu gom, quét rác trên đường phố chính: Do các công nhân quét dọn của công ty môi trường đô thị đảm nhận. Họ sẽ quét đoạn đường được phân công, sau đó tập kết rác tại khu vực được quy định. (2) Thu gom rác từ các khu phố, nhà dân, khu tập thể: Do các UBND phường quản lý. Người dân đổ rác phát sinh của gia đình mình tại điểm quy định. Vào những khoảng thời
gian quy định, sẽ có những công nhân thu gom (người do UBND phường quản lý, không thuộc diện công nhân công ty môi trường) đến thu gom bằng xe đẩy tay, đưa ra điểm tập kết, để xe trở rác của công ty đến chở đi.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách của cả thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Với chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường hiện nay, Chính phủ đã khuyến khích các công ty tư nhân, chính quyền các địa phương… tổ chức hoạt động quản lý dựa trên sự hợp tác của cộng đồng. Khi có sự tham gia từ phía cộng đồng, công tác quản lý sẽ trở nên có hiệu quả hơn. Cụ thể là kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân, đồng thời có chỉ tiêu thu rõ ràng cho nhân viên, huy động được nguồn vốn đầu tư từ xã hội cho công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho từng người dân. Góp phần nâng cao chất lượng môi trường.
* Hoạt động vận chuyển: Công tác vận chuyển rác thải chủ yếu là do xe vận chuyển chuyên dụng của các công ty môi trường địa phương đảm nhận. Hoạt động của các xe này tùy thuộc vào từng địa phương khác nhau. Nhưng quy trình chung vẫn là thu gom từ các xe đẩy tay tại các điểm tập kết trên các tuyến phố chính sau đó vận chuyển đến bãi chôn lấp.
* Hoạt động xử lý: Trên thế giới có một số phương pháp xử lý rác thải đô thị, đó là: Thiêu đốt, ủ sinh học và chôn lấp. Phương pháp thiêu đốt tuy đảm bảo vệ sinh, gọn nhẹ nhưng chi phí quá cao, trang thiết bị đắt tiền nên phương pháp này chưa được áp dụng tại Việt Nam. Phương pháp ủ sinh học có chi đầu tư ban đầu thấp nhưng nhược điểm là quá trình kéo dài 3-4 tháng, xử lý bãi chôn lấp để ủ rác khó làm triệt để do đó dễ gây ô nhiễm môi trường. Phương pháp chôn lấp, được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam. Phương pháp này đơn giản, đỡ tốn kém nhưng không vệ sinh, quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ tại các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh có thể gây một số nguy hại
tới môi trường như cháy nổ, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, không khí và tạo ra một số vật chủ trung gian gây bệnh cho người và gia súc như các loại côn trùng, động vật gặm nhấm… Hiện nay, Chính phủ đang rất ưu tiên cho việc xây dựng các khu xử lý rác thải. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nguồn vốn đầu tư do đó hầu hết các bãi rác đều được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ ODA. Tuy nhiên, việc xây dựng từ nguồn vốn ODA cũng gặp không ít những khó khăn như vốn đầu tư cao, thường phải thi công chậm, công nghệ không hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam, khó khăn trong sửa chữa, thay thế thiết bị…
Bên cạnh đó, sự thiếu ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường cũng gây ra không ít những khó khăn cho công tác quản lý. Ví dụ như tại các hộ dân, rác thải được vứt, đổ một cách bừa bãi. Họ có thể vứt rác ra các kênh mương, cống rãnh, các góc phố, đổ ra đường phố… gây mất mỹ quan đô thị và là nguy cơ gây ra những bệnh truyền nhiễm, đe dọa sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
* Tái chế, tái sử dụng: Hoạt động tái chế ở Việt Nam sử dụng công nghệ compost. RTSH của một số đô thị ở nước ta có thành phần hữu cơ, các chất dễ phân hủy cao khoảng 50%-60%. Vì vậy, chúng phù hợp với công nghệ ủ sinh học tạo sản phẩm hữu cơ (compost). Hiện nay, ở nước ta chỉ có khoảng 9% các đô thị (từ thị xã trở lên) có nhà máy chế biến phân hữu cơ từ chất thải sinh hoạt. Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên (như những khó khăn về mặt dân số ngày một tăng nhanh, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, ý thức của người dân…) thời gian qua, một số doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, áp dụng những công nghệ mới trong thu gom, xử lý RTSH đô thị với các quy mô khác nhau. Hiện Việt Nam đang có một số công nghệ điển hình như công nghệ Tây Ban Nha tại Cầu Diễn, Hà Nội, công nghệ Việt Nam - Trung Quốc tại Việt Trì, công nghệ Pháp - Tây Ban Nha tại Nam Định, công
nghệ DANO tại Hóc Môn, TP. HCM… Điển hình như công nghệ Seraphin và công nghệ An Sinh - ASC được hình thành từ 5 quy trình công nghệ chính: phân loại, ủ sinh học, tái chế chất dẻo, công nghệ thiêu hủy và chôn lấp. Sản phẩm sau khi xử lý rác thải là phân vi sinh và những sản phẩm nhựa như: ống nước, balet nhựa, dải phân cách, thùng rác, bàn ghế ngoài trời, xô nhựa và gạch lát đường... Công nghệ Seraphin đang được triển khai ứng dụng tại Nhà máy xử lý rác Đông Vinh, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nhà máy xử lý rác thải tại thị xã Sơn Tây....[15, 22].
b. Một số văn bản chính sách liên quan đến vấn đề quản lý RTSH ở Việt Nam
- Luật Bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005; được Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 29/2005/L/CTN ngày 12 tháng 12 năm 2005.) Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong bảo vệ môi trường [16].
- Chỉ thị số 36-CP/TW của Ban chấp hành Trung ương về việc: Tăng