Quy định của Pháp luật TTHS Việt Nam từ năm 1945 đến trước pháp

Một phần của tài liệu Thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm theo luật tố tụng hình sự việt nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn thành phố hải phòng (Trang 28 - 32)

1 .Tính cấp thiết của đề tài

6. Kết cấu của luận văn

2.1.1. Quy định của pháp luật TTHS Việt Nam về thủ tục bắt đầu phiên tòa hình

2.1.1.1. Quy định của Pháp luật TTHS Việt Nam từ năm 1945 đến trước pháp

điển lần thứ nhất (1988)

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945, nhân dân ta đứng trước tình thế khó khăn về mọi mặt, vừa phải đấu tranh giữ chính quyền, vừa phải xây dựng kinh tế từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu. Trong thời gian này, hoạt động TTHS chủ yếu được thực hiện bởi các sắc lệnh do chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Nhà nước ký ban hành để giải quyết tình thế cấp bách trong chiến tranh, bên cạnh Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/1/1946 quy định về tổ chức của Tòa án và ngạch Thẩm phán thì Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức và họa động của Tòa án tư pháp bên cạnh Tòa án binh, Tòa án quân sự, điển hình như sắc lệnh số 51/SL ngày 17/4/1946 quy định thẩm quyền của các Tòa án và sự phân công giữa các nhân viên trong Tòa án; Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 quy định về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng; Nghị định số 32-NĐ ngày 6/4/1952 của Bộ Tư pháp quy định thẩm quyền của TAND trong đó xác định TAND huyện có thẩm quyền XXST hoặc XXST đồng thời chung thẩm một số loại án.

Về cơ bản, quy định phiên tòa hình sự sơ thẩm ở nước ta thời kỳ này có xu hướng theo mô hình TTHS thẩm vấn của nước Pháp, có hai loại Tòa: “tiểu hình” và “đại hình”; Tòa “tiểu hình” xét xử “khinh tội”, là loại tội có mức hình phạt đến 10 năm tù, hoặc với sự giám sát, yêu cầu lao động công ích, hoặc bị tước quyền về tài sản hoặc các đặc quyền. Phiên tòa hình sự sơ thẩm được tổ chức ở Tòa sơ thẩm bố trí theo địa bàn cấp huyện, cấp đệ nhị theo địa bàn cấp tỉnh. Thành phần phiên tòa sơ thẩm “tiểu hình” ở Tòa sơ thẩm chỉ có một thẩm phán tham gia xét xử và được mở công khai, không có vai trò công bố buộc tội. Tại phiên tòa sơ thẩm ở cấp đệ nhị xét xử án “tiểu hình”, HĐXX có thành phần “Bồi thẩm nhân dân” do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra và tham gia phiên tòa bằng hình thức rút thăm. Bồi thẩm không nghiên cứu

trước hồ sơ và có quyền đóng góp ý kiến cũng như đề nghị xét hỏi bị cáo. Chánh án tòa án cấp đệ nhị là người trực tiếp xét xử và quyết định về tội danh và hình phạt. Chánh án và Bồi thẩm nhân dân phải tuyên thệ khi xét xử. Trong phiên tòa có vai trò của ông Biện lý giữ quyền công tố như KSV hiện nay.

Theo điều 28 Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 thì Hội đồng xử “đại hình” tại Tòa đệ nhị cấp có: Chánh án Tòa đệ nhị cấp ghế Chánh án; Hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn và hai Phụ thẩm nhân dân rút thăm ở danh sách định trong điều thứ 18. Ngày 09/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước ta đã được thông qua – Hiến pháp 1946, tại điều 63 xác định cơ quan tư pháp gồm có: TAND tối cao, các tòa phúc thẩm, các Tòa đệ nhị cấp và sơ cấp. Hiến pháp đã ghi nhận nhiều nguyên tắc cơ bản về phiên tòa hình sự như nguyên tắc có phụ thẩm nhân dân tham gia, các phiên tòa phải công khai, về quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư. Trong khi xét xử, thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp. Tuy vậy, Hiến pháp 1946 chưa được thực thi do hoàn cảnh chiến tranh và bối cảnh lịch sử thời điểm đó. Sắc lệnh số 85 ngày 25/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp. Ngoài việc đổi tên tòa sơ cấp thành TAND cấp huyện (quận), Tòa đệ nhị thành TAND tỉnh, thành phố. Phụ thẩm nhân dân được đổi thành HTND. Khác với Phụ thẩm nhân dân trước đây, HTXX khi xét xử có vai trò của HTXX tham gia xét xử ngang quyền với Thẩm phán chuyên môn, có quyền biểu quyết về tội danh cũng như hình phạt.

Do thời kỳ này nhà nước ta chưa ban hành các văn bản quy định về trình tự, thủ tục TTHS nói riêng nên các quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa xét xử hình sự rất đơn giản và được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật nói trên. Về cơ bản, thủ tục tố tụng tại phiên tòa XXST được quy định như sau: Tại Tòa án sơ cấp khi xét xử chỉ có một thẩm phán và lục sự giữ bút ký ghi chép biên bản. Tại các phiên tòa này, thủ tục phiên tòa tiến hành như thế nào lại không được đề cập; tại Tòa án đệ nhị cấp nếu xử việc tiểu hình ngoài Chánh án còn thêm hai Phụ thẩm nhân dân góp ý kiến. Các Phụ thẩm không được xem hồ sơ trước phiên tòa nhưng trong phiên tòa có quyền yêu cầu Chánh án hỏi thêm các bị can và cho biết giấy tờ ở hồ sơ; tại phiên tòa xử việc đại hình, sau khi nghe các bị can (bị cáo), các người chứng, cáo trạng của ông biện lý và sau cùng nghe lời cãi của các bị can, ông Chánh án, hai Thẩm phán và hai Phụ thẩm lui vào phòng nghị án để cùng xét xử về tất cả các vấn đề thuộc về tội trạng và trường hợp giảm tội. Những vấn đề bàn trong phòng nghị án được giải quyết theo đa số. Một người không biểu quyết sẽ coi như đã có ý kiến có lợi cho bị can. Nghị án

xong, Tòa họp lại và Chánh án tuyên đọc công khai bản án. Tại phiên tòa, khi cuộc thẩm vấn xong rồi. Biện lý (là một thành viên của Tòa án), thay mặt xã hội buộc tội bị can, sau đó bị can được nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án, Tòa không bắt buộc phải xử theo yêu cầu của Biện lý.

Như vậy, tuy những quy định về thủ tục XXST còn rất sơ khai nhưng cũng đã cho thấy vị trí quan trọng của Thẩm phán, Chánh án trong việc xét xử. Chánh án, Thẩm phán là người được tiếp cận trước với hồ sơ vụ án, là người điều khiển phiên tòa, chủ động thực hiện thủ tục tố tụng tại phiên tòa, là người quyết định tội danh và hình phạt. Thủ tục phiên tòa không thấy rõ vai trò của Thẩm phán trong việc xét hỏi, thẩm vấn nhưng cũng không thể hiện đậm nét sự tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội. Việc buộc tội và bào chữa dường như được diễn ra theo một trình tự trước, sau và kết thúc ngay khi bên bào chữa chấm dứt lời “cãi” không có sự đáp trả, đối đáp qua lại giữa các bên. Những quy định về tổ chức Tòa án, cơ quan công tố cũng như việc tổ chức các phiên tòa trong đó có phiên tòa hình sự sơ thẩm theo xu hướng của mô hình Tố tụng thẩm vấn, đề cao trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm là tòa án. Mặc dù các quy định này chưa được luật hóa, một số chưa được đưa ra thực hiện song đây là những nền tảng quan trọng đầu tiên cho việc phát triên pháp luật TTHS trong đó có chế định thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm ở nước ta.

Kể từ 1960 đến trước khi ban hành Luật TTHS 1988 thì thủ tục XXST được quy định trong Hiến pháp 1959, 1980, Luật Tổ chức TAND năm 1960, 1981; các bản đề án về trình tự XXST về hình sự; Thông tư số 16/TATC ngày 27/9/1994 của TAND tối cao. Theo đó trình tự bắt đầu xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự chuẩn bị cho việc xét hỏi có các công việc được tiến hành theo nội dung: Thư ký tòa án kiểm tra những người có mặt và phổ biến nội quy phiên tòa; chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, hỏi căn cước bị cáo và những người liên quan đến việc xét xử, giới thiệu Hội đồng xử án, đại diện VKS, người bào chữa… giải thích quyền và nghĩa vụ của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. HĐXX thay đổi Thẩm phán, HTXX (nếu có). Sau khi có thủ tục mở đầu thì phiên tòa sẽ bước vào các nội dung về xét hỏi tại phiên tòa, tranh luận, nghị án và tuyên án.

Thể chế hóa Hiến pháp 1959, tại Luật tổ chức TAND năm 1960 quy định: “Các TAND là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”1. Tòa án có 3 cấp Tòa án trong hệ thống Tòa án gồm: TAND tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Ngoài ra còn có TAND ở các khu vực tự trị và các Tòa án quân sự. Thẩm phán và HTXX được bầu theo nhiệm kỳ. Thực hiện xét xử theo chế độ hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Các nguyên tắc trong xét xử được ghi nhận trong Hiến pháp 1959, Luật Tổ chức Tòa án năm 1960. Về thành phần phiên tòa, theo điều 12 Luật Tổ chức TAND năm 1960 quy định “Khi sơ thẩm, TAND gồm một thẩm phán và hai HTND; trường hợp xử lý những vụ án nhỏ, giản đơn và không quan trọng thì TAND có thể xét xử không có HTND”[54]. Trong giai đoạn này, các nguyên tắc xét xử được quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức Tòa án là căn cứ để tổ chức phiên tòa và thông qua việc tổng kết kinh nghiệm cũng như hướng dẫn công tác xét xử của TAND tối cao. Ngày 27/09/1974, TAND tối cao đã ban hành Thông tư số 16/TATC lần đầu tiên các nội dung cơ bản của phiên tòa được quy định trong văn bản về trình tự xét xử riêng.

Các quy định về thủ tục xét hỏi sơ thẩm nêu trên phản ánh chế độ tố tụng kiểu xét hỏi áp dụng tại Việt Nam trong thời kỳ này. Rất nhiều những quy định về thủ tục XXST sau này được chính thức pháp điển hóa trong các văn bản pháp luật tố tụng do Quốc hội ban hành như BLTTHS 1988. Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức TAND năm 1981 tiếp tục có những quy định về thành phần HĐXX, về các nguyên tắc trong xét xử hình sự như: “Khi xét xử, HTXX ngang quyền với thẩm phán” “Việc xét xử tập thể, quyết định theo đa số”.

Nhìn chung, các quy định về phiên tòa hình sự sơ thẩm của nước ta từ khi thành lập đến trước khi có BLTTHS năm 1988 đã từng bước được hoàn thiện, Các văn bản pháp luật thời kỳ này đã quy định về thẩm quyền xét xử, thành phần HĐXX, vai trò của HTND, của VKS, quyền bào chữa của bị cáo cùng những nguyên tắc cơ bản của việc tiến hành phiên tòa hình sự sơ thẩm như nguyên tắc xét xử công khai, độc lập khi xét xử. Các quy định về phiên tòa hình sự sơ thẩm còn rất tản mạn, chủ yếu do TAND tối cao ban hành, nhiều thủ tục chưa có quy định chặt chẽ và rõ ràng, tuy nhiên đã từng bước được cải thiện đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, bảo vệ lợi ích của con người. Điều này góp phần vào việc tạo tiền đề cho việc hoàn thiện pháp luật TTHS và xây dựng BLTTHS.

Một phần của tài liệu Thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm theo luật tố tụng hình sự việt nam trên cơ sở thực tiễn địa bàn thành phố hải phòng (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)