1 .Tính cấp thiết của đề tài
6. Kết cấu của luận văn
3.1 Yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục bắt đầu phiên tòa
3.1.1. Yêu cầu cải cách tư pháp
Trong những năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, công cuộc cải cách toàn diện và sâu sắc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt đến những bước phát triển mới, tạo nên những tiền đề và cũng là những thách thức lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, đòi hỏi phải có những điều chỉnh mang tính cải cách đối với tư pháp hình sự từ nhiệm vụ, thẩm quyền của các chủ thể tố tụng, trình tự, thủ tục, thời hạn cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Chủ trương cải cách tư pháp được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhất là quan điểm cải cách tư pháp thể hiện trong Nghị quyết 08; Nghị quyết 48; Nghị quyết 49 cũng như các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI, XII liên quan đến cải cách tư pháp và hoàn thiện mô hình TTHS Việt Nam như đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công bằng gắn liền với hoạt động điều tra, hoàn thiện cơ chế bảo đảm để Luật sự thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà.
Cải cách tư pháp cũng xác định vai trò “trung tâm” của Toà án. Điều này đã được Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức TAND 2014 khẳng định bởi chức năng “thực hiện quyền tư pháp” của Toà án. Như vậy, quy định của phiên toà hình sự sơ thẩm nói chung và thủ tục bắt đầu phiên toà hình sự sơ thẩm phải thể hiện rõ được chức năng xét xử của Toà án.
Cải cách tư pháp hình sự phải đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kip thời, nghiêm minh các loại tội phạm. Suy cho cùng, mục đích tồn tại của TTHS chính là vấn đề phát hiện tội phạm và xử lý tội phạm. Bộ máy các cơ quan tiến hành tố tụng, các thủ tục tố tụng được bố trí sắp xếp, kiện toàn cũng là để thực hiện tốt mục tiêu này. Bên cạnh đó, cái cách tư pháp hình sự phái đáp ứng yêu cần bảo đảm và tôn trọng quyền dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thủ tục bắt đầu phiên toà hình sự sơ thẩm trải qua giai đoạn phát triển sẽ có những thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, tiến bộ và rút gọn những thủ tục không cần thiết. Sự phát triển ngày càng nhanh và tiến bộ kéo theo việc cần phải rút gọn thủ tục.
3.1.2. Yêu cầu bảo đảm quyền con người
Là quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm, TTHS phải đảm đương vai trò là công cụ sắc bén và đầy hiệu lực của Nhà nước và xã hội trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những người có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, mục tiêu đó không cho phép đạt được bằng mọi giá. Đặc biệt, trong điều kiện toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đặt quyết tâm chính trị đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền thì yêu cầu đối với quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm là phải hết sức chú trọng đến mục tiêu đề cao công lý, không làm oan người vô tội, bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân,phải xem đây là yêu cầu tối quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án.
Việc mở rộng hơn và tăng cường môi trường dân chủ, tính công khai, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án, thiết lập các cơ chế phù hợp hơn nữa để bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân đồng nghĩa với việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại phiên toà. Trong tranh tụng và thủ tục bắt đầu phiên toà, bị cáo được bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ án được khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nguyên tắc xét xử được bảo đảm đồng thời là một biện pháp quan trọng thúc đẩy các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu cuả quá trình tố tụng.
Thời gian qua, về mặt xây dựng và hoàn thiện thể chế, chúng ta đã tiếp tục ghi nhận những nguyên tắc pháp lý tiến bộ của văn minh pháp lý nhân loại và làm sâu sắc thêm những nguyên tắc này, đó là nguyên tắc bảo đảm quyền sống tự do và an ninh cá nhân, quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được bình đẳng trước toà án, được xét xử công bằng, công khai bởi một toà án độc lập, không thiên vị và được coi là vô tội cho đến khi hành vi phạm tội được chứng minh theo pháp luật tại một phiên toà công khai và công bằng.
Trong quá trình giải quyết vụ án các yêu cầu về tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng đã được quán triệt và triển khai
thực hiện trên thực tế, chủ trương "nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà" được áp dụng và bước đầu tạo không khí dân chủ trong các phiên toà.
Quyền con người có vai trò quan trọng, chính vì vậy thủ tục bắt đầu phiên tòa hình sự sơ thẩm bước đầu cần có những giải thích và cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
3.1.3. Yêu cầu bảo vệ công lý
Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Điều đó không có nghĩa là các nhánh quyền lực khác như Quốc hội hay Chính phủ không liên quan đến việc thiết lập và bảo vệ công lý. Theo truyền thống pháp luật Việt Nam, công lý được hiểu là “sự công bằng, sự đúng đắn, lẽ phải” và ban hành công lý là việc “Tòa án xác định điều đúng, điều sai trong một vụ việc nhằm thiết lập lại sự công bằng”. Công lý trước hết và chủ yếu biểu hiện một cách điển hình và tập trung nhất ở việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Tòa án phải là người có nhiệm vụ bảo vệ công lý khi quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm và phải là chỗ dựa, là nơi mà mọi người tìm đến lẽ phải, lẽ công bằng [61].
Bảo vệ công lý là mục tiêu có tính chất nguyên thủy và truyền thống của tòa án - chủ thể chính trong hoạt động tư pháp. Trong lịch sử nhà nước và pháp luật của nhân loại, tư pháp - mà biểu trưng là tòa án - luôn được xem là thành trì bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền con người của tất cả mọi người trước các hành vi lạm dụng hoặc vi phạm bởi tất cả các chủ thể khác, bao gồm cơ quan, quan chức nhà nước [62]. Con người sống thành cộng đồng, xã hội nên ắt hẳn sẽ có mâu thuẫn nảy sinh, vì thế tạo ra nhu cầu về sự phân giải để giữ gìn sự bình an của xã hội, nhiệm vụ đó được giao cho tòa án. Hệ thống tư pháp nói chung hay tòa án nói riêng chính là kết quả được tạo ra từ những nhu cầu đó của cộng đồng. Tòa án được xem là hiện thân của công lý, bởi đó là thiết chế do con người tạo ra nhằm mục đích bảo vệ lẽ công bằng trong xã hội. Vì vậy, việc xét xử của tòa án - và theo nghĩa rộng hơn là mọi hoạt động tư pháp - phải dựa trên nền tảng và nhằm mục đích bảo vệ công lý.
Để bảo vệ công lý hiệu quả, nhất thiết phải củng cố năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp. Việc này đòi hỏi cần hoàn thiện khung khổ pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, giám sát, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật… đội ngũ cán bộ này, trong đó cần lồng ghép tiêu chí tôn trọng và bảo vệ công lý vào tất cả các quy định có liên quan. Thủ tục bắt đầu phiên toà hình sự sơ thẩm đồng nghĩa với việc thực hiện tố tụng dân chủ, công
khai, bình đẳng giữa các bên buộc tội và bên bào chữa, qua đó nâng cao hiệu quả phiên toà. Bên bào chữa được tạo cơ hội bình đẳng trong việc thực hiện chương trình bào chữa. Toà án thực hiện xét xử và các thủ tục bắt đầu phiên toà hình sự phải thực sự là người khách quan, vô tư giữa các bên buộc tội và bào chữa tại phiên toà. Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh tụng bình đẳng, dân chủ tại phiên toà, tôn trọng và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bên, ra phán quyết trên cơ sở kết qủa tranh tụng tại phiên toà.
3.1.4. Yêu cầu hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế là quá trình các nhà nước có đủ tư cách quốc gia, vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận tiến hành các mối quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế khác để hướng đến chia sẻ nhằm mục tiêu chung đạt được lợi ích cho nước mình và các nước, tổ chức quốc tế khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh... trên cơ sở tuân thủ các khuôn khổ chế định chung.
Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng được coi trọng và diễn ra trên nhiều mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội với nhiều tính chất, phạm vi và hình thức sâu rộng.
Hợp tác quốc tế trong TTHS có ý nghĩa quan trọng về chính trị - xã hội cũng như pháp lý, góp phần thể chế hoá và thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, tăng cuờng hội nhập, hợp tác quốc tế đã được ghi nhận trong các Văn kiện của Đảng và Nhà nước ta. Trên bình diện pháp lý, hợp tác quốc tế trong TTHS góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm có yếu tố nước ngoài nói riêng. Thông qua hợp tác quốc tế trong TTHS góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá hiện nay. Với tính chất là một bộ phận của chính sách đối ngoại, hợp tác quốc tế trong TTHS luôn tuân thủ các nguyên tắc quan hệ quốc tế mang tính chất chung của các quốc gia trong cộng đồng quốc tế theo khuôn khổ Tuyên bố của Liên hợp quốc về các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.
Nội dung hợp tác quốc tế trong TTHS phụ thuộc vào nội dung các điều ước quốc tế mà Vĩệt Nam ký kết hoặc gia nhập; vào chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm mà Việt Nam là thành viên. Thực tiễn hợp tác quốc tế trong TTHS cho thấy, thường là tiến hành truy cứu trách nhiệm hình
sự, uỷ thác hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động TTHS (khám xét, lấy lời khai, giám định...); dẫn độ để xét xử hoặc thi hành án hình sự, triệu tập người tham gia tố tụng; chuyển giao hồ sơ, vật chứng vụ án hình sự, giao nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; tống đạt giấy tờ, thông báo kết quả tiến hành tố tụng, thông báo bản án và các thông tin khác...
Việc hợp tác quốc tế giúp cho việc cải cách tư pháp mang lại những điều chỉnh