Vai trò, mục đích, ý nghĩa của cơ chế bảo hộ công dân

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT NGOẠI GIAO VÀ LÃNH SỰ VỀ BẢO HỘ CÔNG DÂN TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID19: THỰC TIỄN VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM (Trang 26 - 30)

1.4.1. Vai trò của cơ chế bảo hộ công dân

1.4.1.1. Vai trò đối với công dân và nhà nước

Thứ nhất, đối với quốc gia, hoạt động bảo hộ công dân không chỉ là hoạt động mà quốc gia thực hiện chủ quyền của mình đối với công dân, mà còn là nghĩa vụ

của mọi quốc gia. Bảo hộ công dân dựa trên cơ sở mối quan hệ về quốc tịch giữa một cá nhân với quốc gia mà người đó mang quốc tịch. Một quốc gia tiến hành bảo hộ công dân đối với những người mang quốc tịch của quốc gia đó, nên khi tiến hành bảo hộ công dân tức là quốc gia đang thực hiện chủ quyền của mình đối với dân cư, đây là công việc nội bộ của quốc gia mà không một quốc gia nào có quyền can thiệp cũng như thực hiện thay cho quốc gia (trừ trường hợp quốc gia thứ ba được quốc gia khác trao cho quyền thay mặt quốc gia đó thực hiện bảo hộ công dân). Ngoài ra, pháp luật mọi quốc gia đều quy định công dân được hưởng các quyền công dân, và đồng thời quốc gia có nghĩa vụ phải đảm bảo các quyền đó cho công dân. Vì vậy, khi những quyền này không được đảm bảo trên thực tế thì quốc gia phải tiến hành các hoạt động bảo hộ để bảo vệ, khôi phục những quyền lợi đó.

Thứ hai, đối với công dân, bảo hộ công dân là quyền lợi mà họ được hưởng. Tồn tại hai mối quan hệ trong hoạt động bảo hộ công dân ở nước ngoài:

(i) Quan hệ giữa cá nhân với quốc gia nơi họ đang cư trú/ sinh sống nhưng không mang quốc tịch. Người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ quốc gia, có thể được hưởng chế độ đãi ngộ như công dân (chế độ đãi ngộ quốc gia) hoặc được hưởng các quyền lợi ngang bằng với công dân của quốc gia nước ngoài khác (chế độ đãi ngộ tối huệ quốc). Quốc gia sở tại có nghĩa vụ bảo đảm các quyền cơ bản của con người trên cơ sở điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Hành vi vi phạm của quốc gia sở tại đối với các quyền này của cá nhân được xác định là hành vi vi phạm pháp luật quốc tế. Đây là căn cứ để xác lập trách nhiệm pháp lý quốc tế của quốc gia hoặc là căn cứ để quốc gia mà cá nhân mang quốc tịch tiến hành các

biện pháp bảo hộ công dân.30

(ii) Quan hệ giữa công dân với quốc gia mà họ mang quốc tịch. Khi công dân có quyền và lợi ích bị xâm hại hoặc khi họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, họ có quyền đưa ra yêu cầu đối với nhà nước mà họ mang quốc tịch phải tiến hành các hoạt động bảo hộ. Đây là sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa công dân và nhà nước. Công dân ở nước ngoài thông qua hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao phản

30 TS. Nguyễn Thị Kim Ngân (2017), ―Bảo hộ công dân – Tiếp cận dưới góc độ quyền con người‖, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 1/2017, tr.2

ánh tâm tư, nguyện vọng của mình để từ đó các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thay mặt nhà nước thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo quyền công dân trong trường hợp bị xâm phạm.

1.4.1.2. Vai trò của cơ chế bảo hộ công dân trong quan hệ quốc tế

Bảo hộ công dân cũng là một trong các hoạt động nhằm duy trì, thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa quốc gia tiến hành bảo hộ và quốc gia sở tại trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế. Trong quá trình thực thi bảo hộ công dân, các quốc gia cũng chính là đang tuân thủ một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế - nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác. Thông qua hoạt động này, các cơ quan có thẩm quyền của hai quốc gia sẽ phải hợp tác với nhau, qua đó tăng cường hiểu biết và học tập, tích lũy kinh nghiệm trong các hoạt động bảo hộ công dân. Tuy nhiên, khi tiến hành hoạt động bảo hộ công dân, các quốc gia phải lưu ý tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế (nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng vũ lực và đe doạ

sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…)31 cũng như pháp luật quốc gia sở tại.

1.4.2. Ý nghĩa của cơ chế bảo hộ công dân

Mục tiêu cao nhất trong công tác bảo hộ công dân là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhà nước không bảo vệ cho những hành động sai trái, vi phạm pháp luật nước sở tại. Công dân một nước ở nước ngoài cần phải trang bị kiến thức và chấp hành nghiêm túc luật pháp, đặc biệt là luật pháp nước cư trú, trước hết để tự bảo vệ bản thân mình khỏi những rắc rối. Nhưng vẫn rất cần ―tấm đệm‖ bảo hộ công dân để quyền lợi những người gặp khó khăn được tôn trọng, không bị xâm phạm như một số trường hợp đã xảy ra trên thực tế.

Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài đã khẳng định rõ: ―Việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần

khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc‖. Bảo hộ công dân đã có nhiều đóng góp ý nghĩa cho công tác đối ngoại, góp phần tạo nên thành công tốt đẹp của ngoại giao Việt Nam.

Tiểu kết Chƣơng 1

Chương 1 đã nêu ra một số vấn đề về mặt lý luận liên quan đến bảo hộ công dân. Các nội dung trong chương này tập trung vào một số vấn đề chính bao gồm: thứ nhất, khái niệm công dân, bảo hộ công dân và một số vấn đề liên quan như bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cũng như khái quát đặc điểm chung của bảo hộ công dân; thứ hai, quá trình hình thành và phát triển của chế định bảo hộ công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam; thứ ba, vai trò và ý nghĩa của bảo hộ công dân. Như vậy, bảo hộ công dân là hoạt động của nước không chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của công dân ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, mà còn giúp đỡ các công dân khi họ gặp khó khăn. Khi tiến hành các hoạt động để bảo hộ công dân, quốc gia không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật nước mình mà còn phải tuân thủ những quy định của pháp luật quốc tế về vấn đề này. Các vấn đề được phân tích và trình bày trong Chương này sẽ phục vụ cho việc phân tích, nhận xét, đánh giá các vấn đề pháp lý và thực tiễn liên quan tới chế định bảo hộ công dân ở Chương 2 và 3.

CHƢƠNG 2: PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ THỰC THI HOẠT ĐỘNG BẢO HỘ CÔNG DÂN TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT NGOẠI GIAO VÀ LÃNH SỰ VỀ BẢO HỘ CÔNG DÂN TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH COVID19: THỰC TIỄN VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM (Trang 26 - 30)